Thứ sáu, 19/04/2024 10:10 (GMT+7)

Hà Nội chỉ còn 2 tháng để “xóa sổ” bếp than tổ ong

MTĐT -  Thứ năm, 24/10/2019 11:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội đặt mục tiêu từ ngày 1/1/2020 sẽ chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than trên địa bàn. Thế nhưng, đến nay bếp than tổ ong vẫn còn xuất hiện trên nhiều con phố.

Dù chỉ còn 2 tháng nữa phải “xóa sổ", nhưng bếp than tổ ong vẫn hiện hữu tại các con phố trên địa bàn TP Hà Nội bởi tính tiện dụng và hiệu quả kinh tế.

Một trong những nguyên nhân là do giá thành thấp (chỉ mất từ 100.000 - 200.000 đồng/bếp than tổ ong), nhỏ gọn nên hộ kinh doanh nhỏ lẻ vẫn sử dụng khá phổ biến.

Ông Mai Trọng Thái - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày người dân đốt tới 528 tấn than tổ ong.

Bếp than tổ ong vẫn được sử dụng phổ biến. Ảnh minh họa: Internet.

Trao đổi với báo Lao động, PGS- TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, hiện nay, những gia đình còn sử dụng bếp than tổ ong chủ yếu đến từ những gia đình có thu nhập thấp. Vậy, để có thể xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong ra khỏi Thủ đô cần phải có các quy hoạch cụ thể những khu vực nào, những gia đình nào còn sử dụng bếp than tổ ong. Sau đó, vận động các hộ dân không sử dụng nữa đồng thời phải có các chính sách hỗ trợ người dân như giảm giá tiền điện, sử dụng bếp từ...

Cũng bàn về giải pháp thay thế bếp than tổ ong, chia sẻ với báo Gia đình và Xã hội, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, chuyên gia độc lập về môi trường cho rằng, nhà nước cần rõ ràng với người dân về tính hiệu quả môi trường, hiệu quả kinh tế và cần đảm bảo nguồn nguyên liệu bếp than thân thiện môi trường thì người dân mới có thể an tâm thay thế, sử dụng.

Dự thảo lộ trình không sử dụng bếp than tổ ong trên toàn địa bàn thành phố của Sở TN&MT đề xuất từ ngày 1/1/2021 sẽ chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn TP. Các hành vi vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan về trật tự đô thị, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và PCCC.

Với tình trạng ô nhiễm đang diễn ra tại Thủ đô mà một trong những nguyên nhân xuất phát là bếp than tổ ong thì mục tiêu xóa sổ bếp than tổ ong là hoàn toàn đúng đắn.

Tuy nhiên, khi áp dụng lại rất cần có biện pháp tổng thể, mà ở đây là sự hỗ trợ từ nhà nước. Đồng thời, mỗi người dân cũng cần có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường chung.

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, bếp than tổ ong còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Theo ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, điều đáng lo ngại là qua khảo sát cho thấy, tại các hộ gia đình sử dụng bếp than tổ ong, có nhiều trường hợp mắc bệnh hô hấp và tim mạch.

Bởi lẽ, khi đốt than tổ ong sẽ phát sinh ra bụi (trong đó có bụi mịn PM2.5) và khí/hơi thải khác (CO2, CO, SO2, PAHs…). Những độc tố này không làm người sử dụng phát bệnh ngay lập tức mà sau thời gian dài mới phát bệnh. Các chất ô nhiễm phát sinh từ quá trình đốt than tổ ong chủ yếu gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch và ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn. Người tham gia đốt than có thể phơi nhiễm với CO và PM2.5 thông qua 3 con đường là hít thở, tiếp xúc và tiêu hóa. Đặc biệt, quá trình đốt than ở trong không gian kín (trong nhà) sẽ khiến người đun rơi vào nguy cơ rủi ro cho sức khỏe do hít phải khí CO và bụi PM2.5 cao hơn khi đốt than ở bên ngoài.

Ông Lê Tuấn Định cho biết, trên cơ sở kết quả nghiên cứu đánh giá mức độ tác động của bếp than tổ ong đối với sức khỏe và môi trường đã thực hiện, TP Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tăng cường, nâng cao nhận thức của người dân để thay thế sử dụng bếp than tổ ong bằng các loại bếp khác an toàn và thân thiện với môi trường. Đặc biệt là tại các khu vực nội thành, nơi tập trung đông dân cư, có nhiều đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội chỉ còn 2 tháng để “xóa sổ” bếp than tổ ong. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?