Thứ sáu, 19/04/2024 14:01 (GMT+7)

Hà Nội đã trao “nhầm” giấy chứng nhận Nông thôn mới cho xã Tam Hiệp?

Khánh An -  Thứ năm, 23/08/2018 08:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Nhiều lần dân tự ý châm lửa đốt rác cháy lớn quá, UBND xã đã phải ra tận bãi rác để chữa cháy, xã cũng đầu tư máy chữa cháy nhưng chủ yếu đi chữa cháy bãi rác..."

Về tới xã Nông thôn mới Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội, hình ảnh buôn bán nhộn nhịp cho thấy nơi đây đang ngày một "thay da đổi thịt", thế nhưng sự phát triển đó đã và đang kéo theo hàng loạt hệ lụy về môi trường.

Tam Hiệp được mệnh danh là "thủ phủ may mặc", toàn xã có hơn 500 hộ dân gần như nhà nào cũng hành nghề cắt may, sản xuất quần áo gia công. Chính vì vậy nên lượng rác thải công nghiệp, mà chủ yếu là vải vụn được người dân nơi đây xả ra với số lượng rất lớn.

Tấm biển tuyên truyền "Nước sạch và vệ sinh môi trường là nhu cầu của sự sống" được UBND xã Tam Hiệp dựng ngay cạnh... bãi rác.

Tìm hiểu được biết, trên địa bàn xã Tam Hiệp hiện có 3 nhà chứa rác đặt tại thôn Mỹ Giàng, thôn Hòa Thôn và thôn Thưởng Hiệp, thế nhưng hình ảnh rác thải sinh hoạt lẫn lộn cùng vải vóc công nghiệp vẫn hiện lên nhếch nhác, bẩn thỉu.

Đến đây, PV không khỏi cảm thấy ngột ngạt và khó thở khi hít phải làn khói đen bao trùm quanh xã. Những mẩu vải thừa chất cao hàng mét, ngổn ngang trong nhà chứa rác, chất đống ngoài đường đi, tràn xuống cả bờ ruộng. Cả 3 nhà chứa rác thải của xã Tam Hiệp ngày đêm âm ỉ cháy, mùi khét lẹt.

Những đống vải thừa chất cao hàng mét, ngổn ngang trong nhà chứa rác, chất đống ngoài đường đi, tràn xuống cả bờ ruộng.

Được biết, xã Tam Hiệp được UBND TP. Hà Nội công nhận là xã Nông thôn mới từ năm 2014. Thế nhưng, không nói đến các tiêu chí khác, chỉ riêng về tiêu chí “Môi trường và an toàn thực phẩm” được ban hành trong Quyết định số 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì xã Tam Hiệp có lẽ vẫn chưa thể được công nhận là xã Nông thôn mới.

Để làm rõ nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang diễn ra tại xã Tam Hiệp, PV đã có buổi trao đổi cùng ông Trần Anh Tuấn – Phó chủ tịch UBND xã Tam Hiệp.

Trao đổi với PV ông Tuấn cho biết: “Xã Tam Hiệp ký hợp đồng thu gom vận chuyển và xử lý rác thải với Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Sơn Tây (STU) từ năm 2011 và thu phí theo khẩu trên địa bàn xã.

Hơn nữa xã Tam Hiệp với hơn 500 hộ dân, hầu như nhà nào cũng làm nghề cắt vải và theo quy định loại rác này là rác thải công nghiệp thông thường nên UBND xã vẫn ký hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị Sơn Tây thu gom xử lý, và xã thu 100 nghìn/hộ cắt vải để chi trả cho Công ty môi trường”.

Vải thừa, vải vụn được chất đống bên ngoài đường ngay cạnh nhà chứa rác và được đốt cháy âm ỉ, khói đen mù mịt bao quanh xã.

Khi được hỏi về vấn đề rác thải công nghiệp, vải thừa, vải vụn được chất đống bên ngoài đường ngay cạnh nhà chứa rác, và hiện tượng đốt rác cháy âm ỉ, khói đen mù mịt bao quanh xã, thì ông Phó chủ tịch xã Tam Hiệp bức xúc: “Vấn đề này là do người dân xã Tam Hiệp thiếu ý thức, tự ý đốt rác. Có những hộ rõ ràng có nhà chứa rác đoàng hoàng nhưng không đổ, cứ chở xe ra đến ngoài cửa bãi rác xong đổ oạch xuống đường.

Nhiều lần dân tự ý châm lửa đốt rác cháy lớn quá, UBND xã đã phải ra tận bãi rác để chữa cháy, xã cũng đầu tư máy chữa cháy nhưng chủ yếu đi chữa cháy bãi rác. Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động, nghiêm cấm đốt rác, đổ rác ra ngoài đường.

Nhiều đợt xã còn cho công an, quân sự tổ chức canh, bắt và xử lý mạnh những trường hợp đổ rác trộm hay tự ý đốt rác. Thế nhưng lực lượng của xã mỏng không thể quản lý và xử lý hết được. Nhiều khi bãi rác đầy, bừa bộn UBND xã đã phải thuê máy xúc, máy gạt đến để xúc đi, thế nhưng được 1 thời gian thì đâu lại vào đấy".

Phó chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết xã không thể kham nổi lượng rác thải lớn như thế này.

Ông Tuấn cũng chia sẻ rằng: “Để giải quyết triệt để tình trạng rác thải quá tải như hiện hay, phải có chính sách hỗ trợ người dân, UBND huyện Phúc Thọ cũng cần có biện pháp và hỗ trợ kinh phí làng nghề, chứ xã Tam Hiệp không thể kham nổi lượng rác thải lớn như thế này”.

Như vậy, mặc dù môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, rác thải bủa vây người dân, khói lửa âm ỉ cháy, mỗi khi thời tiết có gió, tro bụi vải vụn bay tứ tung, tràn xuống đồng ruộng, đường đi của người dân nhưng xã Tam Hiệp vẫn được công nhận là xã Nông thôn mới?

Việc đốt rác diễn ra triền miên, liên tục như Phó chủ tịch UBND xã Tam Hiệp đã xác nhận có gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân hay không? 

Với tình trạng rác thải ô nhiễm môi trường như thế này, có hay không UBND TP Hà Nội đã trao “nhầm” giấy chứng nhận Nông thôn mới cho xã Tam Hiệp.

Bài toán khó như trên có khiến chính quyền xã Tam Hiệp “không kham nổi” và UBND huyện Phúc Thọ không tìm ra được hướng giải quyết triệt để? Nếu vậy, UBND TP. Hà Nội có trao “nhầm” giấy chứng nhận Nông thôn mới cho xã Tam Hiệp hay không!?

Bên cạnh đó, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Sơn Tây đã ký hợp đồng thu gom xử lý rác thải với UBND xã Tam Hiệp nhưng lại không thể thu gom hết, để tình trạng rác thải tồn đọng quá lâu khiến người dân phải liên tục đốt. Phải chăng năng lực của Công ty môi trường Sơn Tây cũng “không kham nổi” lượng rác trên địa bàn xã Tam Hiệp này!? Và số tiền mà địa phương phải chi trả thực chất đã hiệu quả hay lại thất thu một khoản tiền thuế của người dân nơi đây?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến độc giả.

Một số hình ảnh PV ghi nhận được tại xã Nông thôn mới Tam Hiệp:

Rác thải từ làng nghề may mặc chất thành đống ngay bên ngoài nhà chứa rác.
Vải vụn, vải thừa được người dân đổ ra bừa bãi xong đốt cháy âm ỉ.
Rác thải tại 3 nhà chứa rác của xã Tam Hiệp cháy âm ỉ và khói mù mịt bao quanh xã.
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội đã trao “nhầm” giấy chứng nhận Nông thôn mới cho xã Tam Hiệp?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.
Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?