Thứ sáu, 29/03/2024 04:33 (GMT+7)

Hà Nội đặt mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, phát triển toàn diện các lĩnh vực ở năm 2023

Song Lam -  Thứ hai, 21/11/2022 17:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Năm 2023, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và đặt ra những mục tiêu chủ yếu để tiếp tục đưa kinh tế Thủ đô đạt được tăng trưởng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải trình bày cho thấy, năm 2022, vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thành phố đã hoàn thành mục tiêu tổng quát. Trong đó, kinh tế phục hồi tăng trưởng khoảng 8,8%, đạt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách ước vượt 6,8% dự toán, bảo đảm chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch Covid-19, chi bảo đảm an sinh xã hội.

Thành phố cũng đã thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19; hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch; khôi phục lại các hoạt động thương mại, du lịch; thực hiện hiệu quả các hoạt động kích cầu tiêu dung. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng cao hai con số, ước đạt 10,9%. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tiếp tục duy trì phát triển…

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải, dự kiến cả năm 2022, thành phố sẽ hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Đáng chú ý, trong 22 chỉ tiêu, có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch, gồm: Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,8% (kế hoạch là 7-7,5%); GRDP/người đạt 142,3 triệu đồng (kế hoạch là 139-141 triệu đồng); tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện đạt 13,8% (kế hoạch là 10,5%); tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 11,9% (kế hoạch là 5%)...

Các chính sách an sinh xã hội của thành phố tiếp tục được bảo đảm; công tác tạo việc làm cho người lao động, công tác giảm nghèo và thực hiện bảo trợ xã hội được chú trọng… Đến nay, 100% số xã và 15/18 huyện, thị xã của Thủ đô đã đạt chuẩn nông thôn mới.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Trung ương và Thành ủy, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân Thủ đô trong thực hiện tích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, kinh tế - xã hội năm 2022 đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện. Thành phố đã hoàn thành mục tiêu tổng quát năm 2022.

Trong đó, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, đảm bảo ổn định đời sống Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và triển khai kịp thời các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, ông Hà Minh Hải cho biết, mục tiêu tổng quát của TP. Hà Nội là giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới; nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của kinh tế Thủ đô. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục; Kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tiếp tục phối hợp hiệu quả với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Năm 2023, Thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề năm là "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển". Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải, có 22 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, trên cơ sở xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng, lựa chọn chỉ tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 7,0% (Chỉ tiêu cả nước tăng khoảng 6,5%); GRDP/người khoảng 150 triệu đồng; Vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; Kiểm soát chỉ số giá 4,5%; Giảm 30% số hộ nghèo so với cuối năm 2022.

Đối với một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, về kinh tế, thành phố sẽ tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô; phát triển các mô hình kinh tế mới; các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp.

Về văn hóa xã hội, Thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa; Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục; Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Về quy hoạch, hạ tầng và đô thị, đẩy nhanh công tác quy hoạch; Phát triển hạ tầng số, kết cấu hạ tầng, đô thị; Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Về công tác cải cách hành chính, triển khai thực hiện phân cấp quản lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ, đầy đủ; tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội đặt mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, phát triển toàn diện các lĩnh vực ở năm 2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.