Thứ sáu, 29/03/2024 04:44 (GMT+7)

Hà Nội: “Doanh nghiệp coi chủ tịch xã chẳng ra gì!”

Sơn Hồng - Tiêu Diệp -  Thứ ba, 16/04/2019 14:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tự ý phân lô, xây nhà xưởng trái phép dưới đường lưới điện, sản xuất gây ô nhiễm môi trường nhiều năm, loạt doanh nghiệp bị xã “thôi còi” nhiều lần nhưng vẫn “coi trời bằng vung”.

Chủ tịch xã phát hiện doanh nghiệp xả thải trộm

Năm 2010, UBND TP. Hà Nội giao Công ty Cổ phần Cồn - Giấy - Rượu Hà Tây (Công ty Hà Tây) thuê hơn 27.000 m2 đất tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Trong quá trình xây dựng nhà xưởng và các công trình phu trợ Công ty Hà Tây không tuân thủ pháp luật tự ý xây dựng nhà xưởng trái phép dưới đường lưới điện, cho thuê mặt bằng sản xuất không đúng danh mục đăng ký kiếm lời bất chính.

Việc Công ty Hà Tây cho loạt đơn vị ngoài thuê mặt bằng sản xuất không kiểm soát được nguồn nước thải, khí thải và đánh giá hết tác hại về môi trường khiến nước thải, khí thải xả trực tiếp gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân địa phương.

Ông Hoàng Văn Kha - Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp thừa nhận Công ty Cổ phần Cồn - Giấy - Rượu Hà Tây tự ý quyết định chia nhỏ 27.000m2 đất cho cho 9 đơn vị thuê nhằm kiếm lời.

Được biết, trong diện tích 27.000 m2 được UBND TP.Hà Nội cấp phép và quy hoạch cho Công ty Hà Tây quản lý và sử dụng vào sản xuất kinh doanh thì đến thời điểm hiện tại công ty không còn hoạt động để rồi lãnh đạo Công ty Hà Tây tự ý quyết định chia nhỏ 27.000m2 đất cho cho 9 đơn vị thuê nhằm kiếm lời.

Nội dung phản ánh được bạn đọc kiến nghị rõ là vậy, nhưng để có thông tin khách quan đa chiều về vụ việc phóng viên đã xuống ghi nhận thực tế. Việc thâm nhập vào nội khu sản xuất và kinh doanh của Công  ty Hà Tây nắm bắt hoạt động sản xuất vô cùng khó khăn bởi nhiều lớp bảo vệ chặn cửa khiến quá trình ghi hình gián đoạn.

Theo thông tin phóng viên có được, hiện tại Công ty Hà Tây cho 9 cơ sở thuê đất gồm: 01 cơ sở sản xuất sơn tĩnh điện, 01 cơ sở sản xuất bim bim và thực phẩm, 02 cơ sở dược phẩm, còn lại Công ty Hà Tây cho thuê làm một số lán trại và nhà kho… Chủ yếu là các lĩnh vực cơ khí, chế biến nông sản, cắt may quần áo, sản xuất thuốc tân dược, chất đốt sinh học.

Điển hình là Công ty Cổ phần thương mại Vĩnh Hưng chuyên sản xuất bim bim; Công ty KL VINA sản xuất sơn tĩnh điện; Công ty TNHH-PTNL sạch  Đầu tư Thương mại Việt Ấn chế biến mùn gỗ… hoạt động nhiều năm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bảo vệ được "cài cắm" nghiêm ngặt vì thế nhiều lần chính quyền địa phương và UBND huyện cũng "yếu thế" trước doanh nghiệp.

Trong cuộc trao đổi, ông Hoàng Văn Kha - Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết: “Gọi là Công ty CP Cồn – Giấy – Rượu nhưng công ty này làm gì có cồn, giấy, rượu đâu, hiện tại đã tháo dỡ hết nhà xưởng, cây cối, trang thiết bị máy móc và thanh lý hết rồi”.

“UBND xã Tam Hiệp có thành lập đoàn kiểm tra gồm: Trạm trưởng trạm Y tế, Trưởng công an xã, cán bộ địa chính. Tuy nhiên, Công ty Hà Tây không hợp tác, nhiều lần không tiếp đoàn kiểm tra” – ông Kha cho biết thêm.

Nước thải đục ngầu, sủi bọt trắng xóa xả thẳng ra hệ thống kênh mương nội đồng của xã Tam Hiệp.

 Trao đổi sâu hơn về vấn đề xả khí thải, nước thải người dân phản ánh từ đâu mà có? Ông Kha cho hay: “Sau phản ánh của người dân, xã Tam hiệp có lập đoàn kiểm tra do tôi (tức ông Kha - Chủ tịch xã Tam Hiệp) và phát hiện có tình trạng nước bẩn xả tràn ra môi trường là đúng.

“Nước thải được tôi tận mắt chứng kiến có màu nâu, đen đặc cùng mùi hôi thối nồng nặc được bắt nguồn từ trong Công ty Hà Tây ra ngoài hệ thống mương tưới tiêu đổ ra cánh đồng. Nắm bắt được vụ viêc mang tính chất nghiêm trọng nên chúng tôi đã lập biên bản đình chỉ và báo cáo ngay với lãnh đạo UBND huyện Phúc Thọ đề nghị các cơ quan chức năng xử lý”.

Cụ thể, ngày 8/5/2018, UBND huyện Phúc Thọ có văn bản số 438 đề nghị Sở TN&MT Hà Nội tiến hành thanh tra công tác quản lý sử dụng đất và bảo vệ môi trường.

Trong đó nêu rõ, Công ty Hà Tây đã không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không thực hiện quan trắc định kỳ theo quy định; không xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải chung trước khi thải ra môi trường, không có đề án bảo vệ môi trường chi tiết được cấp có thẩm quyền xác nhận…

Doanh nghiệp ứng xử như xã hội đen?

Trong cuộc trao đổi với ông Kha, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), nhiều lần ông Kha bày tỏ sự bức xúc cũng như bất lực trước sự “khệnh khạng”, thách thức luật pháp của công ty Hà Tây.

Đến đặt lịch bảo vệ khẳng định phòng hành chính không làm việc, còn đến khi đoàn phóng viên kết hợp với lãnh đạo UBND xã Tam Hiệp ghi nhận thực tế bảo vệ lại tiếp tục viện cớ lãnh đạo công ty vắng nhà không tiếp.

“Nói thật chứ các doanh nghiệp trong Công ty Cồn Giấy Rượu gớm lắm! Chẳng coi Chủ tịch xã ra gì, chúng tôi đến còn chẳng hợp tác. Và cũng phải nói thêm các doanh nghiệp này cũng chẳng có đóng góp gì cho địa phương cả, ấy thế mà vẫn tồn tại thách thức bao năm!”- ông Kha cho bức xúc.

Không giấu nổi sự bất lực, ông Kha tỏ tường, nhiều lần chúng tôi kết hợp cùng UBND huyện và các phòng ban như: Phòng TNMT, Cảnh sát Kinh tế - Môi trường tiến hành kiểm tra xử phạt thậm chí đình chỉ hoạt động nhưng chỉ được vài hôm rồi các cơ sở trên vẫn hoạt động bình thường.

Các lần sau xã kiểm tra độc lập hoặc kết hợp cùng huyện giám sát nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong địa phận quản lý của công ty Hà Tây không hợp tác còn cho bảo vệ cản lại ngay cổng vào.

Nói về cách làm việc theo kiểu “xã hội đen” của nhân viên Công ty Hà tây được ông Kha cho biết thêm: “Nhiều lần chúng tôi ra tiếp cận thậm chí công ty này còn cản trở. Như tôi trực tiếp đi, giơ cả thẻ Chủ tịch xã mà bảo vệ cũng không cho vào, buộc tôi phải mời Trưởng công an đến kiểm tra hộ khẩu của những người bảo vệ này. Nhiều đoàn về cũng không hợp tác, công ty này chọn cách đóng cổng, then cài”.

Sự việc được phóng viên xác thực khi đoàn trực tiếp xuống đặt lịch với Công ty Hà Tây đã bị bảo vệ ngăn cản với lý do văn phòng không làm việc mặc dù đang trong giờ hành chính. Đến ngày 27/3, phóng viên phối hợp làm việc cùng UBND xã Tam Hiệp, trưởng Công an xã xuống ghi nhận thực tế nhưng bảo vệ của công ty nhất quyết bất hợp tác.

Không hiểu vì lý do gì, sau gần chục năm phân lô, cho thuê, xây dựng trái phép, xả thải ra môi trường Công ty Hà Tây vẫn “nhởn nhơ” hoạt động mà không hề bị sờ gáy?

Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục đặt lịch làm việc, UBND huyện Phúc Thọ trả lời đã phân công cho ông Quyền – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ tiếp báo chí. Tuy nhiên sau nhiều lần hứa hẹn trao đổi cụ thể ông Quyền bỗng "bặt vô âm tín" không phản hồi.

Có hay không sự “chống lưng” để doanh nghiệp lách luật kiếm lời bất chính trong nhiều năm?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin!

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: “Doanh nghiệp coi chủ tịch xã chẳng ra gì!”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.