Thứ ba, 23/04/2024 15:16 (GMT+7)

Hà Nội dự chi gần 1.760 tỷ đồng cho GPMB đường Vành đai 4 trong quý IV

MTĐT -  Thứ bảy, 26/11/2022 07:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong quý IV, Hà Nội dự chi gần 1.760 tỷ đồng cho GPMB dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội

Hà Nội dự chi gần 1.760 tỷ đồng cho GPMB đường Vành đai 4 trong quý IV
Sơ đồ hướng tuyến đường vành đai 4. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Theo Cổng thông tin điện tử TP Hà Nội, ngày 24/11, ông Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai đường Vành đai 4 đã đi khảo sát thực địa và làm việc với các địa phương về tình hình thực hiện dự án.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thực hiện dự án thành phần giải phóng mặt bằng (GPMB), đến nay, thành phố đã hoàn thành phê duyệt chỉ giới đường đỏ 5/5 đoạn với tổng chiều dài 58 km.

Riêng đoạn từ Quốc lộ 32 đến cầu Hồng Hà vẫn chưa có bản vẽ được xác nhận của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội để Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố tổ chức triển khai cắm mốc ngoài thực địa.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố cũng đang phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội điều chỉnh nút giao Quốc lộ 6 - Vành đai 4...

Thành phố đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường, tham vấn cộng đồng, đã đăng tải tham vấn trên trang điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Các quận, huyện cũng đã cơ bản gửi số liệu GPMB cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố để tập hợp và lên phương án tổng thể nhằm thống nhất ký biên bản số liệu với các quận, huyện (dự kiến trình duyệt dự án trước ngày 28/11).

Về kết quả cụ thể, thành phố đã tổ chức cắm mốc GPMB được 36/58 km tại 7 quận, huyện; dự kiến sẽ hoàn thành công tác cắm mốc xong trước ngày 30/11 đối với 22 km còn lại. UBND TP đã triển khai phương án ứng vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố để thực hiện bồi thường, GPMB và tạo quỹ đất theo quy hoạch.

Hà Nội cũng đã chỉ đạo các quận, huyện lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư... Dự kiến, trong quý IV, thành phố sẽ giải ngân được khoảng 1.759 tỷ đồng cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Sau khi khảo sát thực địa tại một số nút giao quan trọng của tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông, tại trụ sở Quận uỷ - UBND quận Hà Đông, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cùng đoàn khảo sát đã làm việc với các cơ quan liên quan, nghe báo cáo tình hình, các kiến nghị một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Trưởng ban Chỉ đạo Dự án khẳng định, khối lượng công tác GPMB dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội hiện rất lớn, trong đó, nhiều phần việc khó khăn vẫn còn ở phía trước, như di dời mồ mả, trụ sở cơ quan, trường học, công trình điện...

Trong khi đó, tiến độ Quốc hội đề ra, cũng như đã ghi rõ trong nghị quyết ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027.

Vì vậy, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục đồng hành, bám sát tiến độ theo cam kết của TP Hà Nội và hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên để kịp thời theo dõi, đôn đốc.

Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 113 km (gồm 103 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Điểm đầu nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long.

Dự án đi qua địa phận Hà Nội (dài 58 km), Hưng Yên (dài 19 km), Bắc Ninh (dài 26 km) và tuyến nối (dài 9,7 km). Mặt cắt ngang hoàn thiện rộng 90 - 135 m, trong đó, đoạn không có đường sắt song hành rộng 90 m, đoạn thông thường có đường sắt song hành rộng 120 m, đoạn đi ngoài đê sông Đáy rộng 135 m.

Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng,thời gian thực hiện từ nay đến năm 2027. Dự kiến dự án sẽ khởi công vào tháng 6/2023.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội dự chi gần 1.760 tỷ đồng cho GPMB đường Vành đai 4 trong quý IV. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Hải Quân/Dòng Vốn Kinh Doanh

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới