Thứ sáu, 29/03/2024 04:25 (GMT+7)

Hà Nội giải thích về việc “cứ mưa là ngập”

MTĐT -  Thứ ba, 15/05/2018 17:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội, tình trạng ngập úng trên các tuyến đường Hà Nội sau mỗi trận mưa lớn là do nhiều nguyên nhân như: tỉ lệ mật độ xây dựng cao, việc xả rác ra đường...

Chiều 15/5, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy thường kỳ, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai TP. Hà Nội đã có báo cáo về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố năm 2018.

Trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh vấn đề ngập úng trên địa bàn thành phố khi mùa mưa đang đến gần, ông Nguyễn Xuân Hải – Chi Cục Phó Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết, về nội dung này, TP đã giao cho Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội lên kế hoạch để xử lý tình trạng ngập úng xảy ra.

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, dù đã có nhiều nỗ lực, xây dựng các trạm bơm để “giải cứu” cho khu vực nội đô mỗi mùa mưa về, tuy nhiên hiện nay thành phố vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng ngập lụt nếu gặp những trận mưa to.

Lãnh đạo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội thông tin về tình hình Phòng chống lụt bão trong mùa mưa năm 2018. Ảnh: Dân Việt.

Ông Chu Phú Mỹ cho hay, nếu mưa từ khoảng 50 - 100mm trong 2 giờ liên tiếp thì trên địa bàn tthành phố có khoảng 15 điểm bị ngập. Việc này do nhiều nguyên nhân, như tỉ lệ mật độ xây dựng cao, việc xả rác ra đường nhiều khiến hệ thống thoát nước bị ách tắc. Khi mưa các cán bộ công ty thoát nước khơi thông hố ga mới có thể thoát nước được.

Trước đó, trận mưa lớn kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ xảy ra tối 12/5 đã khiến nhiều tuyến đường Hà Nội như Lý Thường Kiệt, Minh Khai, Giải Phóng, Nguyễn Chính, Phạm Văn Đồng, đường Láng, Hoàng Cầu, Nguyễn Xiển, Thái Hà, Nguyễn Trãi… bị ngập sâu và kéo dài.

Theo báo cáo của Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội, lượng mưa đo được tại khu vực Hà Đông là 112,6mm, tại Cầu Giấy là 111,4mm. Mưa to nhất tại khu vực Mễ Trì, lên đến 138,6mm.

Trước đó, trao đổi với VOV, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, những trận mưa cục bộ trong phạm vi hẹp như trận mưa hôm qua là rất khó dự báo. Trận mưa to cục bộ và ngập lụt đó có thể coi là rủi ro về thiên tai.

Nhiều tuyến đường tại Hà Nội ngập sâu sau trận mưa tối 12/5. Ảnh: TPO.

Để công tác chống ngập có hiệu quả, các nhà khoa học và người dân cho rằng, thành phố Hà Nội cần rà soát lại toàn bộ hệ thống thoát nước, các điểm ngập thường xuyên và có những biện pháp cụ thể để chống ngập úng cho từng khu vực. Công tác kiểm tra hệ thống thoát nước của Hà Nội trước mùa mưa được thực hiện chưa tốt.

Mặc dù hiện đã là mùa mưa, nhưng hệ thống cống thoát nước của Thủ đô vẫn chưa được vận hành thông suốt. Các đường ống thoát nước đổ ra sông Nhuệ và sông Tô Lịch không được kiểm tra kỹ, dẫn đến bị tắc sau trận mưa to. Trong lúc mưa, việc tổ chức lực lượng, phương tiện và phương án để ứng phó với ngập lụt của thành phố còn chưa kịp thời và hiệu quả.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Trọng Hồng cho rằng, ngoài việc nước tự tiêu, cần phải có biện pháp tiêu cục bộ để đảm bảo giao thông.

“Sau trận mưa này, TP. Hà Nội cần họp lại, rút kinh nghiệm và cam kết với dân không để ngập. Lâu nay chúng ta chỉ nói mưa ngập như vậy, thành phố sẽ có biện pháp tiêu thoát nước, nhưng nếu trận mưa sau cũng như vậy thì có cam kết là giải quyết được hay không?”, ông Vũ Trọng Hồng đặt câu hỏi.

Ở góc nhìn khác, các chuyên gia và nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân ngập úng ở Hà Nội hiện nay là do triển khai quy hoạch chắp vá và không có sự kiểm soát. Người xây nhà sau xây nền cao hơn người xây trước, dồn hết nước cho khu vực trũng thấp.

Khu vực nội thành có nhiều dòng sông tiêu thoát nước như Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhuệ nhưng nơi thì bị lấn chiếm, nơi chưa được khơi thông thành ra ùn ứ, nước không tiêu thoát kịp. Việc lấp hồ lấy đất làm nhà, cứng hóa kênh thoát nước để làm đường, nơi đỗ xe cũng là nguyên nhân cần được kể đến. Thực trạng này đòi hỏi thành phố Hà Nội cần có những giải pháp cụ thể và hiệu quả hơn trong công tác chống ngập, góp phần xây dựng Thủ đô hiện đại trong tương lai.

Cũng tại cuộc họp chiều nay, thông tin về tình hình mưa bão trong năm 2018 này, ông Đỗ Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết, thời tiết, thủy văn mùa mưa bão, lũ năm 2018 có nhiều diễn biến phức tạp.

Hiện tượng ENSO đang diễn ra trong pha lạnh và có xu hướng chuyển dần sang trung tính từ các tháng cuối mùa, biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Do tác động của biến đổi khí hậu các hiện tượng thời tiết bất thường có khả năng xuất hiện nhiều hơn, không theo quy luật và khó lường. Cần đề phòng bão mạnh, dông, tố, lốc, mưa đá xảy ra vào thời kỳ giao mùa và những trận mưa lớn diện rộng xuất hiện gây úng ngập cục bộ tại các đô thị, vùng trũng thấp.

Dự báo từ tháng 5 - 10/2018, xuất hiện nắng nóng cục bộ vào khoảng nửa cuối tháng 5 và tháng 8. Trong tháng 6 và tháng 7 xuất hiện 3 - 5 đợt nắng nóng diện rộng tuy nhiên không gay gắt và không kéo dài như năm 2017.

Cũng trong thời gian này, có khả năng xuất hiện 6-8 đợt mưa lớn diện rộng. Tháng 5 là tháng đầu mùa, do vậy nhiều khả năng các hiện tượng mưa dông kèm tố lốc.

P.V (tổng hợp theo Dân Việt, VOV)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội giải thích về việc “cứ mưa là ngập”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.