Thứ năm, 25/04/2024 13:25 (GMT+7)

Hà Nội: Gian nan tìm cách xử lý rác thải

Bắc Lãm -  Thứ sáu, 01/10/2021 15:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội đang gặp khó trong việc xử lý rác thải sinh hoạt. Các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Thành phố sắp không còn khả năng tiếp nhận, trong khi các nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại vẫn đang bị chậm tiến độ.

Hà Nội: Gian nan tìm cách xử lý rác thải
Bãi rác Nam Sơn

Thành phố Hà Nội có 2 khu xử lý chất thải rắn là Xuân Sơn (Sơn Tây, Ba Vì) và Nam Sơn (Sóc Sơn) để xử lý theo phương thức chôn lấp. Tuy nhiên, cùng với thời gian, các bãi chôn lấp đã dần quá tải và sắp không còn khả năng tiếp nhận rác thải. Trong khi đó, Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý - dự án được kỳ vọng sẽ xử lý trên 90% lượng rác sinh hoạt đổ về bãi rác Nam Sơn vẫn đang liên tục chậm tiến độ.

Theo kế hoạch của Sở Xây dựng Hà Nội khối lượng rác chôn lấp tại bãi Nam Sơn năm 2021 sẽ là 704.085 tấn; năm 2022 là 920.530 tấn. Khối lượng rác thải còn lại được xử lý tại nhà máy đốt rác Thiên Ý (công suất 4.000 tấn/ngày). Tuy nhiên, do Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý chậm tiến độ đến nay chưa rõ thời điểm đưa vào vận hành chính thức. Đến thời điển này, đơn vị vận hành bãi rác Nam Sơn đã phải tiếp nhận vượt kế hoạch 76% tổng khối lượng được giao năm 2021.

Tại bãi rác Xuân Sơn - khu vực tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt của 12 huyện của Hà Nội với khối lượng trung bình hiện khoảng 1.500 tấn/ngày. Trong đó, xử lý chôn lấp 1.400 tấn/ngày, cao hơn kế hoạch được giao 230 tấn/ngày tương đương khoảng 20% dẫn đến quá tải cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Nếu không có những giải pháp kịp thời thì đến cuối năm nay, bãi rác Xuân Sơn cũng hết chỗ chứa rác.

Nhằm giải quyết vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố trong bối cảnh các khu chôn lấp hợp vệ sinh không còn khả năng tiếp nhận, thành phố Hà Nội đã phê duyệt, triển khai nhiều dự án nhà máy xử lý chất thải theo hướng hiện đại, biến rác thành tài nguyên. Tuy vậy, đến thời điểm này, các dự án vì nhiều lý do khác nhau vẫn đang giậm chân tại chỗ.

Hà Nội: Gian nan tìm cách xử lý rác thải
Dự án Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý đang bị chậm tiến độ

Dự án Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Sóc Sơn, được UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương từ năm 2017, tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. Đây là một trong những công trình trọng điểm của Hà Nội, sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ. Được đánh giá là dự án điện rác có quy mô lớn hàng đầu thế giới; Nhà máy có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày đêm và dự kiến công suất phát điện khoảng 75 MW điện/giờ. Khi đi hoạt động, nhà máy dự kiến sẽ xử lý hơn 2/3 số rác của toàn TP Hà Nội. Theo cam kết cuối năm 2019 với lãnh đạo Hà Nội, nhà máy sẽ hoàn thành vào tháng 8/2020, chính thức vận hành vào tháng 10/2020. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau nhiều lần cam kết, dự án vẫn chưa thể hoàn thành.

Về tiến độ của dự án Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý, đại diện Công ty cổ phần Năng lượng Thiên Ý - Chủ đầu tư dự án cho biết, chắc chắn tiến độ của dự án sẽ bị chậm so với kế hoạch đề ra khoảng 2 tháng. Nếu không có gì thay đổi, phải đến hết năm 2021, dự án mới có thể hoàn thành và đi vào hoạt động.

Ngoài Dự án Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý, có thể kể đến Dự án nhà máy Điện rác Seraphin có công suất 1.500 tấn/ngày được thành phố Hà Nội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư từ tháng 6/2020. Hiện, công ty cổ phần Công nghệ xanh Seraphin đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công nhà máy trong quý IV/2021.

Nói về tình trạng trên, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho biết, câu chuyện quá tải của bãi chôn lấp rác tại Hà Nội không phải là vấn đề mới, nó đã tồn tại từ nhiều năm nay, để chấm dứt tình trạng trên, Hà Nội cần quyết liệt, mạnh tay xử lý những dự án xử lý rác thải chậm tiến độ, kiên quyết thay thế những đơn vị không đảm bảo năng lực, có quyết định đầu tư nhưng chậm, không triển khai thực hiện.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Gian nan tìm cách xử lý rác thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.
Ngành chiếu sáng Việt Nam trên lộ trình chuyển đổi số
Khai thác, sử dụng những thành tựu, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của ngành kỹ thuật số vào ngành chiếu sáng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng tại các đô thị và tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, ...

Tin mới