Thứ sáu, 29/03/2024 00:53 (GMT+7)

Hà Nội: Không xem xét xây dựng các công trình làm giảm diện tích công viên cây xanh, ao, hồ

MTĐT -  Thứ tư, 13/07/2022 09:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo việc điều chỉnh quy hoạch phải được xem xét một cách thận trọng, khách quan, khoa học, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch làm tăng mật độ dân cư so với quy hoạch được duyệt…

tm-img-alt
Từ một hồ tự nhiên, hồ Tây đang biến thành một hồ đô thị, theo nghĩa là đồng thời xảy ra sự suy giảm đa dạng sinh học, đô thị hóa cảnh quan, suy giảm chất lượng nước. Nói cách khác, hồ đang dần chỉ còn là một vũng nước lớn, được bao bọc bởi bê tông của đô thị...

Ngày 8/7, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 190/KH-UBND về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo kế hoạch, UBND Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các giải pháp tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc gắn với từng đồ án quy hoạch, giữ đúng định hướng, mục tiêu ban đầu của quy hoạch.

Việc điều chỉnh quy hoạch phải được xem xét một cách thận trọng, khách quan, khoa học, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch làm tăng mật độ dân cư so với quy hoạch được duyệt; không xem xét đối với việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công viên cây xanh, ao, hồ, công trình phục vụ dân sinh.

Kế hoạch 190 cho biết những tồn tại, bất cập trong công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn thành phố Hà Nội: Tiến độ triển khai các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc… còn chậm; Chất lượng một số đồ án quy hoạch còn có bất cập về cập nhật hiện trạng dự án, sử dụng đất, tính đồng bộ trong quy hoạch, kiến trúc, tính khả thi… Việc phát triển đô thị và nông thôn theo quy hoạch còn thiếu công cụ kiểm soát, hạn chế về chất lượng, thẩm mỹ; thiếu nguồn lực và các điều kiện thực hiện quy hoạch.

tm-img-alt
Hồ Tây từ lâu luôn được coi là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước. Bởi cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ được ví như “lá phổi xanh” khổng lồ ngay trong lòng nội đô. Bởi thế, các bất động sản tại hồ Tây luôn là điểm nóng, và được đánh giá là một trong những khu vực thiên thời – địa lợi – nhân hòa.

Những hạn chế, tồn tại nêu trên do sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp có lúc, có nơi chưa kịp thời, sâu sát, quyết liệt. Thể chế quản lý còn hạn chế, bất cập; năng lực, nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức ở một số nơi còn chưa cao. Các quy định quản lý chưa đồng bộ, chồng chéo, kém hiệu quả, chậm được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung. Công tác kiểm tra, giám sát, sự phối hợp của các sở, ban, ngành thành phố với các địa phương chưa chặt chẽ. Việc kiểm tra, xử lý sai phạm ở một số nơi chưa thường xuyên, còn có tình trạng nể nang, né tránh, chậm xử lý hoặc chưa xử lý quyết liệt, dứt điểm.

UBND TP.Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng; UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan rà soát, đẩy nhanh tiến độ phủ kín các quy hoạch còn thiếu trên địa bàn thành phố; tập trung hoàn thành các quy hoạch, quy chế đã được giao từ trước và kế hoạch lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố.

Các đơn vị tập trung hoàn thành các quy hoạch quan trọng; nghiên cứu lập và điều chỉnh các quy hoạch có liên quan gắn với tiêu chí đô thị tại các huyện có chủ trương phát triển thành quận.

Thành phố giao nhiệm vụ cụ thể đối với các sở, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện trong thực hiện các chương trình, đề án; hoàn thiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý quy hoạch kiến trúc từ thành phố đến cấp huyện; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn.

Kế hoạch số 190 cho biết đã căn cứ trên Chỉ thị số 14/CT-TU ngày 2.3.2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, tạo chuyển biến thực sự rõ nét về công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch.

Hồ Tây là thắng cảnh lớn nhất, nổi bật nhất và cũng lâu đời nhất của nội đô Hà Nội. Một mặt nước lớn trên 500 ha xâu chuỗi biết bao cảnh quan thiên nhiên và văn hóa của những làng hoa cây cảnh, làng nghề, với rất nhiều di tích đình đền chùa nổi tiếng gắn với lịch sử nghìn năm của Thủ đô. Trong quá khứ, nhiều địa điểm ven hồ từng là nơi vui chơi, thưởng ngoạn của vua chúa, quan lại, giới văn sĩ và cả thị dân; đồng thời cũng từng là nguồn sinh kế của bao thế hệ cư dân ven đô Hà Nội.

Hồ Tây không chỉ là niềm tự hào của Hà Nội, mà còn là niềm tự hào của cả nước với vẻ đẹp thơ mộng và các dấu tích văn hóa, lịch sử, nhân văn gắn liền với sự phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Xung quanh hồ là hệ thống di tích dày đặc với 40 điểm; trong đó, có nhiều di tích nổi tiếng như: chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, chùa Kim Liên, chùa Tảo Sách, chùa Vạn Niên, chùa Tĩnh Lâu… cùng các làng nghề trồng cây hoa cảnh nổi tiếng như làng đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, cá cảnh Yên Phụ, sen Quảng Bá.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Không xem xét xây dựng các công trình làm giảm diện tích công viên cây xanh, ao, hồ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo nguoidothi.net.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.