Thứ ba, 23/04/2024 16:29 (GMT+7)

Hà Nội làm tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

MTĐT -  Thứ hai, 23/01/2017 11:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo báo cáo nhanh của UBND TP.Hà Nội về công tác bảo đảm An toàn vệ sinh thực phẩm, trong năm 2016, tổng số mẫu thực phẩm xét nghiệm là 24.905 mẫu, phát hiện 443 mẫu không đạt, chiếm tỷ lệ 1,8%..

Tiến hành truy xuất nguồn gốc và tiêu hủy gần 10 tấn sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm... Từ năm 2011 đến năm 2016, Hà Nội chỉ có 14 vụ ngộ độc thực phẩm nhỏ, lẻ với 222 người mắc, không có tử vong.

Thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2016, trong thời gian qua, Hà Nội đã triển khai quán triệt, tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, kịp thời Luật an toàn thực phẩm và văn bản hướng dẫn thi hành luật. Cụ thể: Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 10-CT/TU ngày 27/10/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới; UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị 20/CT-UBND ngày 22/12/2014 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới; Quyết định 16/QĐ-UBND phân công trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố… Kiện toàn Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm các cấp do Chủ tịch UBND TP, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trực tiếp làm Trưởng ban để nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo tại địa phương, gắn trách nhiệm cho người đứng đầu các cấp, các ngành trong công tác chỉ đạo.

Theo Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thành phố, việc chống thực phẩm bẩn thực sự là cuộc chiến lâu dài, bền bỉ. Từ 2011-2016, tổng số vụ, lượt kiểm tra là hơn 824 nghìn cơ sở, trong đó phát hiện hơn 135.000 cơ sở vi phạm, xử lý hơn 41.000 vụ, phạt tiền hơn 18.500 cơ sở, với tổng số tiền phạt trên 92 tỷ đồng; tiêu hủy thực phẩm không bảo đảm chất lượng có giá trị gần 48 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng thanh tra chuyên ngành theo Quyết định 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ xử lý vi phạm 786/3536 cơ sở, trong đó có 371 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, bảo quản thực phẩm tươi sống, trên địa bàn thành phố Hà Nội, hàng năm, ngành nông nghiệp đã lấy từ 300 đến 3000 mẫu rau xét nghiệm dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, tỷ lệ mẫu vượt ngưỡng an toàn chiếm 1-2%. Từ năm 2011-2016 kết quả phân tích các mẫu thủy sản đều không chứa chất cấm; hàm lượng kháng sinh, hóa chất nằm trong giới hạn cho phép. Tuy vậy, công tác quản lý chăn nuôi, giết mổ vẫn còn nhiều khó khăn do thành phố có 78.260 hộ nuôi trâu bò, 122.926 hội nuôi lợn, 154.541 hộ nuôi gia cầm; 3 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, 15 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 4 khu giết mổ thủ công, 1047 điểm giết mổ gia súc, gia cầm và 460 chợ dân sinh. Điều đáng nói là số doanh nghiệp chăn nuôi, trang trại chăn nuôi quy mô lớn còn ít, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn, gây khó khăn cho quản lý, giám sát việc sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi. Tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế cho rằng, với kết quả bước đầu cho thấy, Hà Nội đã quyết liệt trong công tác thanh tra, khiến cho thị trường thực phẩm an toàn hơn. Hà Nội cũng đã tăng mức kinh phí cho chương trình bảo đảm ATTP từ 5.000 đồng/người/năm, lên 8.000 đồng/người/năm. Đặc biệt, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã giao trách nhiệm cụ thể cho Phó Chủ tịch UBND các quận,huyện phụ trách công tác ATTP trực tiếp kiểm tra ATTP ít nhất 2 tuần/lần; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra 1 lần/tuần; Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra 2 lần/tuần…

Qua kiểm tra ngày 22.01.2017 của Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của huyện Mỹ Đức cho thấy, Cơ sở sản xuất bánh kẹo Kim Thành - đặc sản mang thương hiệu Chú Béo (số 11 Đục Khê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã chấp hành tương đối tốt các quy định của pháp luật và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn nguyên liệu đưa vào chế biến có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; điều kiện cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ảnh: Tùng Anh

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết thêm ,với quyết tâm của lãnh đạo thành phố cùng chính quyền các địa phương sẽ tiếp tục có những cách làm sáng tạo hơn, các cơ quan quản lý sẽ phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác quản lý ATTP. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về an toàn vệ sinh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần được thực hiện thường xuyên,đột xuất không kể ngày đêm. Các cán bộ xã, phường, thị trấn phải siết chặt quản lý, sát sao hơn công tác kiểm tra ATTP trên địa bàn.

Tuy vậy, Thành phố Hà Nội cũng tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm; củng cố nhân lực, tổ chức bộ máy chuyên môn; kiểm nghiệm an toàn thực phẩm; quy hoạch sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm.

Tùng Anh

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội làm tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.

Tin mới