Thứ sáu, 29/03/2024 05:39 (GMT+7)

Hà Nội – Làng Cựu hơn 500 tuổi mang đậm không gian hoài cổ

MTĐT -  Thứ hai, 24/05/2021 09:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Làng Cựu là một ngôi làng lâu đời ở Hà Nội, nằm khép mình bên dòng sông Nhuệ hiền hòa.

Ngôi làng cổ này đã hơn 500 tuổi, là công trình di sản truyền thống với những biệt thự pha lẫn kiến trúc Việt cổ và Pháp rất độc đáo, thu hút đông đảo khách du lịch đến thăm.

Làng Cựu thuộc địa giới hành chính xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Cách Trung tâm Hà Nội khoảng 40km, lối vào từ đường Quốc lộ 1 hoặc được cao tốc cầu Giẽ – Ninh Bình.

Làng Cựu xưa vốn là nơi đồng chiêm trũng, mỗi năm chỉ cấy được một vụ nên cuộc sống của người dân nơi đây thiếu thốn quanh năm. Năm 1921, một gia đình trong thôn do bất cẩn khi nấu ăn đã để xảy ra hỏa hoạn. Những ngôi nhà trong làng chủ yếu là nhà tranh tre nứa lá nên lửa liếm rất nhanh, cháy suốt từ cổng đầu làng cho tới điếm canh gần cuối làng. 2/3 nhà trong làng đã hóa tro bụi. Đói kém vì mất mùa, nên sau vụ cháy ấy, cuộc sống của người dân nơi đây lại càng trở nên khốn quẫn. Không chịu cảnh ngồi không bó gối, nhiều người đã khăn gói rời làng ra Hà Nội tìm kế sinh nhai. Và cái nghề trưng diện cho người đời là điểm khởi đầu để những người nông dân làng Cựu phất lên, trở thành những người thợ may đệ nhất Hà Thành. Hai người đầu tiên bước chân vào nghề may là anh em ông Phúc Mỹ, Phúc Hưng. Thấy làm ăn tốt, các ông bắt đầu về làng kéo mọi người đi làm cùng. Chẳng ai ngờ những đôi bàn tay chai sần bởi cuốc với cày lại có thể khéo léo tạo ra những bộ veston, bộ đầm đẹp đến thế. Họ may chủ yếu cho người Pháp và lớp người giàu ở Hà Nội.

Nghề buôn vải cũng được người làng Cựu bao thầu và khuếch trương đến mức chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường may mặc ở Hà Nội, mà chủ yếu là may comple. Từ nông dân trở thành triệu phú. Giàu đến mức ai cũng có dãy cửa hiệu ở Hà thành rồi mở rộng thị trường vào tận Sài Gòn – Chợ Lớn. Giàu thì thường chơi sang, họ về làng xây biệt thự. Những biệt thự tráng lệ nguy nga với vòm cuốn, mái chảy, gỗ lim, ngói mũi… sân vườn rộng rãi đó được xây dựng trong thời kỳ 1920-1945 nay đã trở thành di sản đáng tự hào.

Sau năm 1945, chủ nhân của những ngôi biệt thự này ly tán khắp nơi, người ở Hà Nội, người phát triển nghề may vào tận Sài Gòn – Chợ Lớn, cũng có người sang Mỹ, Pháp làm ăn. Hiện ở làng chỉ có hơn 100 hộ, với hơn 500 nhân khẩu, sinh sống bằng nghề nông nên không có tiền đầu tư chống lại sự xuống cấp của những ngôi nhà là niềm tự hào của người dân. Nhiều gia đình chỉ để lại một người con để giữ đất, thờ cúng tổ tiên, còn lại cũng ra thành phố lập nghiệp. Dân gốc của làng còn ít, hiện có hơn 60% là những người nơi khác chuyển đến sinh sống.

Công trình di sản truyền thống làng Cựu

Cấu trúc làng cổ

Làng Cựu vẫn còn giữ được cấu trúc của làng truyền thống dù đã trải qua biến động. Làng còn Cổng làng, đình, giếng. Đường làng bình yên với các ngõ nhỏ lát gạch và đá xanh.

Cấu trúc làng Cựu – cấu trúc điển hình của làng thuần nông đồng bằng Bắc Bộ.

Thống kê di sản kiến trúc, công trình xây dựng

Bảng thống kê di sản kiến trúc, công trình xây dựng làng Cựu

Đình làng Cựu

Cảnh quan bên ngoài Đình và tổng mặt bằng.

Cảnh quan ao đình làng Cựu.


Đình làng Cựu được xây dựng vào đầu thế kỷ XVI. Mới được tu sửa lại nhưng chưa hoàn chỉnh. Đình nằm ở đầu làng, trước mặt là ao sen. Đình làng nằm trong tổ hợp kiến trúc: đình, sân đình, cây bồ đề cổ thụ, ao sen. Đình là không gian cộng đồng quan trọng trong làng. Đình là nơi tập trung, nghỉ chân của người dân khi đi làm đồng. Đồng thời đây cũng là không gian vui chơi của trẻ em. Trước đình có cây Bồ đề râm mát cạnh ao làng, đây là nơi người dân ra ngồi hóng mát trò chuyện, vẫn còn những chân đá tảng, dấu tích của ngôi đình đẹp đẽ trước đây.

Lễ hội Thành hoàng làng được tổ chức vào 3 ngày 7,8,9 tháng Giêng nhằm tưởng nhớ đến người đã có công xây dựng làng. Trong các ngày lễ hội, ban ngày tổ chức các trò chơi dân gian như đập niêu, buổi tối là thời điểm cho các chương trình ca múa nhạc.

Chùa Phúc Duệ (Chùa Dồi)

Cảnh quan chùa Phúc Duệ và tổng mặt bằng (nguồn: internet).


Chùa Phúc Duệ (chùa Dồi) nằm ở ngoài làng. Tương truyền, xưa có 5 vị thần giúp vua Hùng đánh giặc, khi bay qua cánh đồng làng Cựu, các ngài thấy cảnh trí ở đây đẹp quá, liền dừng lại và hạ xuống, các ngài hóa tại đây. Chùa Phúc Duệ nằm trên gò đất cao, diện tích khoảng 1,7 ha, trước mặt có dòng sông Nhuệ chảy qua, hai bên tả hữu là hồ sen. Theo dân địa phương, chùa rất linh thiêng nên được đặt tên là Phúc Duệ hay Phúc Nhuệ ý nói Phật luôn mang lại may mắn cho người dân như nước dòng sông Nhuệ.

Chùa Phúc Duệ được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Đinh. Trước tiền đường, sau hậu cung. Quần thể chùa gồm: nhà tiền đường, thượng điện, nhà mẫu, nhà vong, nhà tổ đường, phía sau là nhà tổ ni. Tiền đường có quy mô lớn nhất gồm 5 gian xây tường bao quanh, bờ nóc và bờ hồi đắp thẳng. Kiến trúc gỗ độc đáo với các trang trí hoa văn tinh tế: hoa sen, hoa cúc, nâm rượu…

Phía sau tiền đường là thượng điện, đây là công trình cổ kính nhất chùa. Nền thượng điện cao khoảng 80 cm so với mặt nền sân, có các pho tượng gỗ cổ được điêu khắc từ thời thành lập chùa.

Giếng làng

Làng có 2 giếng, một giếng nằm ở giữa làng, một giếng nằm ngoài ruộng ở phía Bắc của làng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ giữ được giếng ở giữa làng, giếng làng nằm ngoài ruộng phía Bắc của làng không được sử dụng nên đã bị lẫn vào hệ thống ao bao xung quanh làng, không thể nhận biết và phân biệt rõ ràng ranh giới.

Có điều đặc biệt là giếng là rộng như ao, một chiều đến hơn 30m, bờ đất, hiện chỉ để thả Sen, có bậc xây đi xuống.

Không gian giếng làng và mặt bằng.


Đây là không gian đa chức năng, vừa là nơi họp chợ, vừa là không gian cộng đồng tụ họp dân làng. Từ xưa, người dân trong làng muốn đi chợ phải đi cách làng 3km. Sau khi giếng làng được tôn tạo, chợ tạm đã mọc lên sát cạnh. Nét đặc trưng ở chợ này là người dân đi chợ lớn bán hàng không hết sẽ mang về chợ tạm bán cho dân trong làng. Chính vì vậy mà chợ họp khá muộn và kết thúc cũng muộn. Mặt hàng rất đơn sơ, dưới bóng cây Bàng râm mát, nó mang dáng dấp một nơi để bà con ra trò chuyện nhiều hơn.

Cổng làng (Cổng phía Tây)

Chiếc cổng làng bề thế là kiến trúc cao nhất ở làng Cựu.


Cổng làng phía Tây

Trước kia làng có 2 cổng. Cổng đầu làng đã bị dỡ bỏ năm 1972, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cổng phá đi cho xe chở lương thực có thể vào làng để cất giữ. Hiện làng chỉ còn 1 cổng ở cuối làng.

Chiếc cổng làng bề thế là kiến trúc cổ cao nhất ở làng Cựu, được xây theo lối “quyển thư”, tựa như một cuốn sách khổng lồ đang mở ra đón khách. Cổng làng có kiến trúc cầu kỳ, bề thế, có tầng, có mái và có cả lối lên xuống. Vọng các của cổng làng với mái ngói, bờ đao cong vút, hai đôi nghê đắp nổi dù đã sứt mẻ theo thời gian nhưng vẫn còn nguyên nét đẹp cổ kính, thể hiện sự bề thế của một ngôi làng trù phú.


Cổng làng Cựu xây kiểu tam quan nhà chùa nhưng vít 2 cửa cạnh tạo một cửa giữa rộng rãi mái vòm. Phía mặt trong cổng có nậm rượu, nụ hoa điểm xuyết rất lạ cùng những hàng chữ Nho mực đen đã nhạt màu.

Giao lưu văn hóa Á- Âu trong làng Cựu

Nhà ở phong cách kiến trúc Pháp là nét đặc sắc nhất trong di sản ở làng Cựu. So với các làng khác cũng có kiến trúc phong cách châu Âu như làng Nha Xá (Hà Nam), Cự Đà (Hà Nội) thì nhà biệt thự tại làng Cựu nhiều và đẹp. Ảnh hưởng Phong cách kiến trúc Pháp tại Hà nội đã được nhận diện bao gồm: phong cách kiến trúc tiền thự dân, phong cách kiến trúc Tân Cổ Điển, phong cách kiến trúc Đông Dương . Hạ tầng cũng có giao thoa giữa cấu trúc làng Việt truyền thống và hạ tầng kỹ thuật Châu Âu.

Hệ thống thoát nước và chiếu sáng trong làng Cựu được phát triển thời Pháp thuộc. Các rãnh thoát nước kết nối từ nhà ra đường chính, được lát gạch đỏ dưới đáy. Làng được trang bị hệ thống chiếu sáng bằng đèn (thắp bằng dầu hỏa) chạy dọc theo đường chính của làng.

Nhà cụ Phó Du.


Ngôi nhà được xây dựng năm 1929. Mặt tiền nhà là những nét pha trộn kiến trúc Á – Âu, cửa lá sách, rồi các cột trụ, đầu hồi… đều được đắp nổi đề tài hoa lá, tỉa cạnh rất đặc trưng của Tây Âu, nhưng trên chóp mái lại là bức phù điêu Tam tinh – chính là bộ Tam đa (phước – lộc – thọ) quen thuộc trong văn hoá Á Đông thường thấy tại các nước Việt Nam, Trung Quốc… với dòng Hán tự: tam tinh cung chiếu (ba vì sao toả chiếu).

Nhà thương nhân người Hoa – phong cách kiến trúc Việt – Hoa – Pháp

Sự kết hợp, giao lưu văn hoá của phong cách kiến trúc VIệt- Hoa – Pháp, tạo nên một tổng thể sinh động, hài hoà, hoà hợp với không gian, kiến trúc bản địa tạo nên dấu ấn cho công trình này.

Nhà thương nhân người Hoa – phong cách kiến trúc Việt – Hoa – Pháp.


Cổng nhà cổ

Một yếu tố quan trọng tạo nên không gian cảnh quan đường làng là sự đa dạng trong kiến trúc cổng. Từ cổng mang phong cách của kiến trúc cổ Việt nam như cổng tại nhà cụ phó Du – nhà vị quan chức trong làng, một trong những ngôi nhà cổ nhất của làng xây năm 1929 nằm ở đầu làng. Đến cổng nhà mang phong cách kiến trúc Trung Hoa (cổng phụ) nằm phía nam đường chính. Cổng ở khu vực giữa làng là sự kết hợp của các chi tiết kiến trúc Việt nam– Trung Quốc – Châu Âu.

Cổng nhà mang phong cách kiến trúc Châu Âu.

Không gian cảnh quan làng Cựu


Không gian kiến trúc cảnh quan làng Cựu mang nét đặc trưng của làng truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cấu trúc làng bao gồm 3 không gian chính

  • Không gian ngoài làng: Được nhận diện thông qua hệ thống đồng ruộng
  • Không gian vùng biên: Được xác định qua cổng làng và hệ thống ao làng
  • Không gian trong làng: Là tổng hòa của không gian ở, không gian giao thông, và không gian cộng đồng


Không gian giao thông: Cấu trúc mạng lưới giao thông làng Cựu là cấu trúc hình xương cá, đặc trưng cấu trúc làng truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đường làng chính đóng vai trò là trục xương sống kết nối tất cả các không gian trong làng; các công trình công cộng truyền thống nằm tại các vị trí quan trọng về mặt hình thái hình học trên đường làng chính. Cảnh quan đường làng chính và các ngõ xóm được lưu giữ với hình ảnh các bức tường thấp hai bên, thấp thoáng nhà chính (thường là nhà một tầng) và khuôn viên sân vườn phía trước, cửa nhà không mở trực tiếp ra ngõ.

Không gian công cộng truyền thống bao gồm đình làng và giếng làng.

Tổ hợp công trình đình làng kết hợp với cây cổ thụ và ao vẫn được lưu giữ. Khu vực mặt nước (khu vực ao sen) phía trước vừa thể hiện quan niệm sống hài hòa với thiên nhiên, tạo vi khí hậu, vừa là yếu tố phong thủy cho các công trình. Cảnh quan truyền thống, hình ảnh đình soi bóng bên bờ ao, bên cạnh những cây cổ thụ um tùm vẫn tồn tại.

Tổ hợp cảnh quan đình làng, cây cổ thụ, ao sen làng Cựu.

Giếng làng

Giếng làng là nơi lưu giữ nguồn nước cho làng, có ý nghĩa cả về mặt sử dụng và phong thủy. Về mặt chức năng, đình làng và giếng làng là các không gian cộng đồng đa chức năng

Nhà truyền thống

Không gian ở tại làng Cựu phần lớn vẫn giữ nguyên các quan niệm xây dựng nhà truyền thống. Ngôi nhà chính quay về phía Nam, được bao xung quanh bởi khuôn viên sân vườn. Nhà chính và nhà phụ tách biệt. Cửa nhà không mở trực tiếp ra đường, việc tiếp cận nhà chính từ đường thông qua khoảng không gian đệm (có thể là sân, hiên, hoặc lối đi giữa nhà).

Không gian làng Cựu – không gian truyền thống làng quê đồng bằng Bắc Bộ.


Đường làng, ngõ xóm

Hệ thống ngõ xóm trong làng Cựu bao gồm các ngõ có chiều rộng khoảng 2m, các ngõ phía Bắc đường làng chính có chiều dài đồng đều – khoảng 100m, các ngõ phía Nam có chiều dài từ 15m – 130m.

Không gian cảnh quan tuyến ngõ xóm được nhận diện thông qua vật liệu lát ngõ, hệ thống rãnh thoát nước, ranh giới giữa khuôn viên nhà và không gian ngõ, tỷ lệ giữa chiều rộng ngõ và bình diện đứng 2 bên (tường rào), không gian kết thúc tuyến ngõ

Vật liệu:

Vật liệu lát ngõ trong làng Cựu đặc trưng là đá xanh, gạch đỏ. Trong làng tồn tại 2 ngõ lát đá xanh; 2 ngõ lát nửa đá, nửa gạch; 1 ngõ lát gạch toàn bộ.

Sự đa dạng trong vật liệu lát ngõ làng Cựu.


Theo phỏng vấn người dân trong làng, vật liệu lát ngõ đại diện cho khả năng tài chính và sự đóng góp của người dân. Khi làm ngõ, những ngõ nào người dân góp nhiều tiền thì được lát đá, những ngõ nào dân góp ít tiền thì lát gạch. Những ngõ lát hai loại vật liệu là do một bên người dân đóng góp tiền nhiều và đóng trước thì lát đá, một bên dân đóng góp ít tiền hoặc đóng chậm thì lát gạch.

Khu vực ngoài làng và vùng biên

Làng Cựu được bao bọc xung quanh bởi hệ thống đồng ruộng. Cảnh quan đồng ruộng là cảnh quan tiêu biểu; cánh đồng xanh mướt khi lúa non, vàng ươm vào mùa gặt, thấp thoáng người trên cánh đồng, là những hình ảnh rất quen thuộc, làm nổi bật nên khung cảnh yên bình của ngôi làng. Về mặt chức năng, ruộng vẫn là nơi đảm bảo cho sự tồn tại của làng Cựu với việc cung cấp thực phẩm và tạo công ăn việc làm cho người dân

Ao làng

Hệ thống mặt nước trong làng Cựu.


Ao làng là một nhân tố quan trọng cấu thành nên không gian vùng biên làng Cựu, là lớp bảo vệ cho không gian cư trú của làng. Mặt nước có diện tích 2,06 ha, chiếm 18,56% tổng diện tích đất thôn Cựu. Các ao bao xung quanh đóng vai trò lớn trong việc điều hòa khí hậu, thu gom nước, tạo cảnh quan làng.

Không gian cảnh quan ao làng.

Di sản vật thể làng Cựu

Nghề truyền thống

Xã Vân Từ có 10/10 thôn có nghề may Comple, trong đó 8 thôn đủ tiêu chí làng nghề. Số hộ làm nghề ma năm 2019 tại xã Vân Từ là 825 hộ trên tổng số 1809 hộ; số lao động làm nghề là 2.060 lao động chiếm 54,2%; Giá trị sản xuất TTCN làng nghề ước đạt 139 tỷ đồng, chiếm 53% tổng giá trị toàn xã; Thu nhập bình quân của lao động làm nghề đạt 68 triệu đồng/ năm. Toàn xã có hàng chục công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã làm nghề may, cùng hàng trăm các chủ may lớn nhỏ.

Comple veston của các làng nghề có mẫu mã đa dạng, phong phú, bắt kịp với xu hướng của thị trường và thị hiếu của khách hàng tạo dựng được thị trường rộng lớn ở khắp các Tỉnh, Thành phố trong cả nước và đang hướng ra thị trường ngoại địa.

Sản phẩm may của nghề truyền thống làng Cựu.


Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống xã Vân Từ năm 2019 (25-27/10) nhằm tri ân những bậc tiền nhân đã có công truyền nghề đã được tổ chức. Lễ hội vinh danh làng nghề Comple xã Vân Từ năm 2019 đã thu hút sự tham gia trên 150 gian hàng; đây cũng là lần đầu gắn kết chặt chẽ giữa lễ hội với du lịch làng nghề nhằm quảng bá , giới thiệu làng nghề, sản phẩm may Comple Veston của làng nghề Vân Từ. Tại lễ khai mạc, xã Vân Từ cũng đón nhận Quyết định của UBND thành phố Hà nội công nhận là điểm đến du lịch.

Lễ hội

Lễ hội Thành hoàng làng được tổ chức vào 3 ngày 7,8,9 tháng Giêng nhằm tưởng nhớ đến người đã có công xây dựng làng. Trong các ngày lễ hội, ban ngày tổ chức các trò chơi dân gian như đập niêu, buổi tối là thời điểm cho các chương trình ca múa nhạc.

Người dịch và giải nghĩa: TS. Trần Xuân Hiếu
Trường Đại học Xây Dựng

Theo Tạp chí Kiến trúc

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội – Làng Cựu hơn 500 tuổi mang đậm không gian hoài cổ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.