Thứ sáu, 29/03/2024 03:41 (GMT+7)

Hà Nội nguy cơ thiếu nước sinh hoạt mùa hè 2019

MTĐT -  Thứ ba, 14/05/2019 15:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các công ty cấp nước trên địa bàn thành phố khẳng định, mặc dù mùa hè 2019, hệ thống cấp nước đô thị đã được bổ sung khoảng 200.000m3/ngày đêm nhưng vẫn có thể không đủ cung cấp nước.

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, Thủ đô Hà Nội sẽ phải trải qua những đợt nắng nóng cao điểm kéo dài, với nền nhiệt độ trung bình tăng thêm gần 1 độ C so với mùa hè năm 2018. Thời tiết nắng nóng sẽ làm cho nhu cầu sử dụng nước trong sinh hoạt và sản xuất tăng cao, khiến người dân không khỏi thấp thỏm nỗi lo thiếu nước sinh hoạt.

Nỗi lo thiếu nước mùa hè khiến người dân luôn thấp thỏm

Mới đây, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất dự thảo Kế hoạch cấp nước mùa hè năm 2019 trên địa bàn, giao Sở Xây dựng hoàn thiện, báo cáo UBND thành phố trình Thường trực Thành ủy phê duyệt để triển khai. Theo Sở Xây dựng, với việc đầu tư và đưa vào khai thác các dự án cấp nước mới, đến nay tổng công suất nguồn tập trung của thành phố đã đạt hơn 1,2 triệu m3 nước/ngày đêm. Trong đó, nguồn nước ngầm là hơn 600 nghìn m3/ngày đêm và nguồn nước mặt là khoảng 600 nghìn m3/ngày đêm. Với sản lượng này đã cơ bản bảo đảm đủ nguồn nước sạch cung cấp cho 100% các hộ dân khu vực đô thị, với khối lượng từ 120 đến 150 lít nước/người/ngày.

Tuy nhiên, vào những ngày hè nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước của người dân sẽ tăng từ 10 đến 15% so với mùa đông, có thể gây ra tình trạng thiếu nước cục bộ ở một vài khu vực. Nhất là các khu vực có cốt nền cao hoặc ở cuối nguồn nước. Các hoạt động cải tạo, sửa chữa hệ thống, đường ống cũng khiến mất nước tạm thời, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch mới đạt hơn 55,5%, còn lại chủ yếu vẫn sử dụng nguồn nước giếng khoan.

Ảnh minh họa.

Các công ty cấp nước trên địa bàn thành phố (TP) khẳng định, mặc dù mùa hè 2019, hệ thống cấp nước đô thị đã được bổ sung khoảng 200.000m3/ngày đêm nhưng do tốc độ đô thị hóa (số khách hàng đấu nối tăng trên 10%) nên dự báo việc cung cấp nước các khu vực cuối nguồn, có địa hình cao vẫn sẽ khó khăn về nước, nhất là dịp cao điểm mùa hè.

Dự kiến dịp cao điểm mùa hè (đặc biệt các khu vực do CTCP Viwaco quản lý) sẽ thiếu khoảng gần 30.000m3/ngày đêm như khu vực Đại Kim - Định Công (quận Hoàng Mai); Khương Trung, Khương Đình, Khương Mai, Phương Liệt, Thịnh Liệt (quận Thanh Xuân); khu đô thị Đại Thanh (huyện Thanh Trì); khu vực đường Bưởi (quận Ba Đình); Thụy Khuê (quận Tây Hồ); Hàng Buồm, Trần Nhật Duật, Hàng Tre, Hàng Gai, Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm); Đê La Thành, đường Láng, ngõ Thái Thịnh 2 (quận Đống Đa)...

Ban lãnh đạo Thủ đô Hà Nội đảm bảo cung cấp đủ lượng nước sinh hoạt 

Ðể bảo đảm mọi người dân đều có nước sạch sử dụng trong những ngày hè nắng nóng, Sở Xây dựng cần tập trung đôn đốc các đơn vị cấp nước thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình cấp nước sạch tại các khu vực, xác định các khu vực còn thiếu nước sinh hoạt để kịp thời lên phương án cấp bổ sung, không để xảy ra tình trạng mất nước sinh hoạt cục bộ. Ðồng thời, khẩn trương làm việc với các chủ đầu tư và UBND các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ phát triển các mạng cấp nước trên địa bàn. Các đơn vị cấp nước của thành phố cũng cần tích cực và nghiêm túc phối hợp với Công ty cổ phần Nước mặt sông Ðuống đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch đến các hộ dân trong vùng quy hoạch cấp nước.

Cụ thể, theo Công ty MTV Nước Hà Nội, Công ty hiện tập trung đầu tư cải tạo mạng lưới cấp nước, lắp đặt đồng hồ nhằm giảm lượng nước thất thoát, thất thu; duy trì các trạm bơm tăng áp cục bộ; khuyến khích người dân tiết kiệm nước, chủ yếu dành cho nhu cầu ăn uống...

Bên cạnh đó, công ty Viwasupco cũng đang đẩy nhanh dự án giai đoạn 2 cấp nước sông Đà nâng công suất từ 300.000m3 lên 600.000m3/ngày đêm đến năm 2020. Trong đó, giai đoạn 1 cung cấp 300.000m3/ngày đêm đã hoàn thành xây dựng trạm tăng áp tại Tây Mỗ, Hà Nội và tuyến đường ống dẫn gần 7km nhằm cung cấp nước đến khu vực vành đai 3. Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống khẩn trương hoàn thành xây dựng nhà máy nước sạch sông Đuống công suất 300.000m3/ngày đêm đến năm 2020 (giai đoạn 1 đến cuối năm 2018 đã đạt 150.000m3/ngày đêm). Công ty Cổ phần Nước mặt sông Hồng cũng đang khẩn trương đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3/ngày đêm đến năm 2020.

Hệ thống nước hoạt động hết công xuất.

Về nhiệm vụ trước mắt, lãnh đạo Công ty MTV Nước Hà Nội sẽ đảm bảo việc cung cấp nước hè 2019. Công ty đang khẩn trương sửa chữa, bảo dưỡng các nhà máy nước, thay thế bơm, thổi rửa giếng, nâng công suất để duy trì, vận hành an toàn các nhà máy, trạm cấp nước xong trước ngày 15.4.2019, cung cấp nước đạt khoảng từ 1.150.000m3/ngày đêm - 1.300.000m3/ngày đêm.

Thành phố cần thành lập các đoàn công tác liên ngành tăng cường kiểm tra, thường xuyên lấy mẫu nước đi xét nghiệm các tiêu chuẩn về chất lượng, tiến hành đóng các giếng khoan nước bị nhiễm độc a-sen. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nông thôn sử dụng nước sạch từ các nhà máy sản xuất để bảo vệ nguồn nước ngầm. Ngoài ra, một số nhà máy khai thác nước ngầm, mạng lưới cấp nước xây dựng từ lâu với công nghệ lạc hậu cần được nâng cấp, thay thế bằng công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng nước, tiến tới đạt tiêu chuẩn uống được tại vòi.

Nhu cầu sử dụng nước sạch của Thủ đô là rất lớn. Dự kiến đến năm 2020 là khoảng 2 triệu m3/ngày đêm; đến năm 2030 là khoảng 3 triệu m3/ngày đêm; đến năm 2050 là khoảng 3,5 triệu m3/ngày đêm. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án cấp nước, mỗi người dân cũng cần có ý thức trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, để bảo vệ môi trường và nguồn nước.

Phương Lê (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội nguy cơ thiếu nước sinh hoạt mùa hè 2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.