Thứ ba, 16/04/2024 19:25 (GMT+7)

Hà Nội: Quyết liệt xử lý sai phạm đất đai, sai phạm xây dựng

MTĐT -  Thứ tư, 25/03/2020 13:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều năm qua, những sai phạm đất đai, xây dựng kéo dài tại Hà Nội đã trở thành vấn đề nhức nhối.

Hàng loạt sai phạm tồn đọng chưa xử lý

Thực tế cho thấy, trong nhiều năm trở lại đây nhiều khu vực tại Hà Nội đã trở thành "điểm nóng" về xây dựng không phép hoặc trái phép. Không chỉ người dân mà còn cả một số cán bộ lãnh đạo cấp huyện, xã và cán bộ chuyên trách lĩnh vực xây dựng cũng vi phạm.

Từng có một loạt cán bộ, lãnh đạo xã Liên Ninh giao đất công trái thẩm quyền bị khởi tố, bắt giam. Tại Ngọc Hồi, hành vi giao đất công trái thẩm quyền của UBND xã Ngọc Hồi đã được Thanh tra huyện Thanh Trì chỉ ra nhiều năm trước đó và yêu cầu xã Ngọc Hồi hủy bỏ hợp đồng cho thuê đất trái thẩm quyền, thu hồi đất về cho Nhà nước.

Ngay tại Hà Nội, công khai danh sách 43 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng trên địa bàn, trong số này có nhiều công trình chung cư, cao ốc của những doanh nghiệp tên tuổi dính sai phạm “khủng” như: Cao ốc 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình) do Công ty Cổ phần May Lê Trực làm chủ đầu tư; Chung cư 93 Lò Đúc (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) do Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô làm chủ đầu tư; Chung cư cao cấp Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) của Công ty TNHH Hòa Bình; Dự án nhà ở thấp tầng 108 Nguyễn Trãi do Công ty TNHH MTV Quản lý và PTN Hà Nội làm chủ đầu tư...

Sai phạm tại Chung cư 93 Lò Đúc đã kéo dài nhiều năm vẫn chưa thể xử lý dứt điểm

Đối với những công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thủ đô, KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Hà Nội) cho rằng, cần phải có chế tài mạnh, vì thực tế việc xử phạt hành chính bằng tiền không mang lại hiệu quả răn đe, nhất là mức phạt tối đa hiện nay được áp dụng là 1 tỷ đồng.

Nếu xây vượt thêm một tầng, chủ đầu tư sẽ bán được thêm vài chục căn hộ, số tiền lợi nhuận có thể thu được lên tới hàng trăm tỷ đồng. Như vậy, chủ đầu tư sẵn sàng chịu phạt để được hợp thức hóa phần sai phạm của mình.

Tháng 12/2019, các đoàn thanh tra liên ngành của TP Hà Nội đã kiểm tra tại 30 quận, huyện và phát hiện gần 63.000 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích, đất công với tổng diện tích gần 1.900 ha. Trong đó, nhiều quận, huyện có từ 900 - 4.000 trường hợp vi phạm tồn tại từ trước năm 2014 chưa được xử lý như: Quốc Oai, Thanh Xuân, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Phú Xuyên, Thạch Thất…

Như vậy, có thể thấy rằng trên địa bàn Hà Nội đang tồn tại rất nhiều sai phạm đất đai, sai phạm xây dựng từ nhỏ đến lớn. Thậm chí có những sai phạm đã tồn tại hàng chục năm nhưng vẫn không thể xử lý dứt điểm. Liệu rằng những sai phạm này có tạo thành tiền đề cho những sai phạm khác tiếp tục xuất hiện, miễn là “chưa bị” phát hiện, xử lý?

“Mặt trận mới” chống sai phạm đất đai?

Trước thực trạng buông lỏng quản lý đất đai trên địa bàn Hà Nội, cuối tháng 2 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có công văn yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy về thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.

Thực hiện thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về báo cáo thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, UBND TP giao UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành. Báo cáo kết quả về UBND TP trước ngày 30/4/2020”, công văn nêu rõ.

Trước đó, tại thông báo số 2354-TB/TU ngày 29/11/2019, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

 Phường Khương Đình, quận Thanh Xuân là một trong những nơi có nhiều công trình xây dựng sai phép trên đất nông nghiệp.

Sáng 26/2, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thành phố làm việc với Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội. Ông Huệ cho rằng, đây là dịp để lãnh đạo thành phố trực tiếp lắng nghe, thấu hiểu đầy đủ, sâu sắc hơn những tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, tạo ổn định xã hội, đồng thuận xã hội.

Đến giữa tháng 3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra, làm rõ vụ việc nhiều nhà dân xây dựng trái phép trên đất công giao trái thẩm quyền ở xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Từ những động thái trên, có thể thấy rằng Hà Nội đang đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các công trình sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, kiên quyết xử lý và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép, thu hồi các dự án có sử dụng đất nhiều năm không triển khai.

Chúng ta tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Theo Đô Thị Mới

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Quyết liệt xử lý sai phạm đất đai, sai phạm xây dựng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.