Thứ năm, 28/03/2024 16:34 (GMT+7)

Hà Nội sẽ mở rộng ghi hình, xử phạt người xả rác bừa bãi tại 85 điểm

MTĐT -  Thứ hai, 17/06/2019 12:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau một tháng thí điểm ghi hình người xả rác tại phố đi bộ Hồ Gươm, Công ty môi trường đô thị Hà Nội đã đề nghị các quận cho nhân rộng mô hình này tại khu vực nội thành.

Theo Vnexpress, ngày 15/6, ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổng giám đốc Công ty môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, sau một tháng thí điểm ghi hình người xả rác tại phố đi bộ Hồ Gươm, đơn vị đã đề nghị các quận cho nhân rộng mô hình này tại khu vực nội thành.

"Việc bố trí các nhân viên môi trường nhắc nhở, ghi hình người xả rác gửi cơ quan chức năng đã nâng cao ý thức của mọi người. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp lâu dài vì các nhân viên không thể luôn ở ngoài đường để bao quát hết", ông Tiến nói và thông tin thêm, đơn vị đã đề nghị các quận lắp hệ thống camera cố định để xóa "điểm đen" về tình trạng xả rác bừa bãi.

Theo thống kê của Urenco, nội thành Hà Nội có 85 điểm thường bị người dân xả rác bừa bãi, để rác không đúng giờ gây ô nhiễm môi trường, như một số điểm ở phố đi bộ Hồ Gươm, phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng), khu vực cổng làng Mễ Trì, đại lộ Thăng Long đoạn gần Trung tâm hội nghị quốc gia...

Trước mắt, Urenco đã mở rộng việc ghi hình xả rác ở khu vực gần Trung tâm Hội nghị quốc gia; đặt biển cảnh báo xử phạt tại phố Bạch Mai.

Ông Trần Văn Khải - Phó giám đốc Urenco chi nhánh Cầu Diễn (đơn vị duy trì vệ sinh đại lộ Thăng Long) cho biết, nhân viên môi trường đã đứng chốt tại một số điểm để nhắc nhở người dân và ghi hình nhưng đơn vị chưa đề nghị chính quyền xử phạt trường hợp nào; hầu hết mọi người khi nhìn thấy biển báo đều không vứt rác ra đường.

Trước đó, từ ngày 26/4, Urenco kết hợp với UBND quận Hoàn Kiếm thí điểm ghi hình, xử phạt 7 triệu đồng đối với các cá nhân vứt rác không đúng quy định.

Cụ thể, nhân viên Urenco đã đặt hàng chục biển cảnh báo khắp phố đi bộ, tại những vị trí phù hợp nhất để người dân đều có thể quan sát, kèm theo là những thùng rác nhỏ.

Biển báo được thiết kế dáng chữ A đơn giản, 2 nội dung tuyên truyền khác nhau ở 2 mặt. Mặt in chữ màu xanh nhắc nhở mọi người đổ rác đúng nơi quy định và mặt in chữ vàng cảnh báo về mức xử phạt có thể lên tới 7 triệu đồng với hành vi xả rác bừa bãi.

Đồng thời, công ty cũng tiến hành lắp thí điểm hai camera đặt cố định tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay để ghi hình, chụp ảnh hành vi xả rác bừa bãi ở khu vực Bờ Hồ, phố đi bộ. Những hình ảnh này được cung cấp cho cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm làm bằng chứng để tiến hành phạt nguội.

Sáng kiến của công ty Urenco sau khi đưa vào thí nghiệm trong thực tế đã thu hút được sự ủng hộ của đông đảo người dân và đem lại nhiều hiệu quả bất ngờ.

Sau một tháng triển khai, đến nay Công ty Môi trường đô thị Hà Nội đã cung cấp hình ảnh để chính quyền xử phạt 26 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 40 triệu đồng, trong đó phạt một đơn vị tổ chức sự kiện số tiền 8 triệu đồng.

Phố đi bộ Hồ Gươm đi vào hoạt động từ năm 2016. Sau hơn 3 năm, nơi đây đã trở thành địa điểm thu hút đông đảo người dân và du khách mỗi dịp cuối tuần. Ước tính mỗi ngày không gian đi bộ thu hút khoảng 20.000 đến 25.000 du khách tới tham quan. Vào dịp lễ, tết, con số này có thể lên tới 200.000 người.

Tuy nhiên, đây cũng là một trong những điểm đen về tình trạng xả rác bừa bãi, nhất là mỗi dịp lễ, tết. Theo thống kê của Xí nghiệp môi trường đô thị số 2 (Urenco2), trung bình mỗi ngày đơn vị này thu gom hơn 200 tấn rác thải sinh hoạt từ khu vực phố đi bộ.

Đáng nói, đa phần lượng rác thải này đến từ các du khách thiếu ý thức, thuận tay vứt ra đường. Với việc ghi hình phạt người xả rác đã bước đầu mang lại kết quả tích cực, góp phần tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường với mỗi người dân và đưa Hà Nội trở thành một thành phố xanh – sạch – đẹp hơn.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội sẽ mở rộng ghi hình, xử phạt người xả rác bừa bãi tại 85 điểm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới