Thứ bảy, 20/04/2024 12:18 (GMT+7)

Hà Nội tháo gỡ 19 ‘điểm nghẽn’, thu hút nhà đầu tư Nhật Bản

MTĐT -  Thứ sáu, 29/03/2019 17:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hơn 200 DN Việt Nam và 120 DN, nhà đầu tư Nhật Bản đã có những trao đổi, thảo luận thắng thắn, hiệu quả tại “Hội nghị trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản" sáng 29/3.

Cải thiện thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư, công khai, minh bạch hoá thông tin, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức kỷ cương, trách nhiệm, tận tình, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ doanh nghiệp…là những cam kết Hà Nội ưu tiên thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến số 1 của các nhà đầu tư Nhật Bản.

Điểm đến tiềm năng

Hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam và 120 doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đã có những trao đổi, thảo luận thắng thắn, hiệu quả tại “Hội nghị trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản” diễn ra sáng nay, 29/3. Đây là sự kiện thường niên được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản tại Hà Nội. Sự kiện được kết nối và tài trợ bởi công ty CP Tiến bộ quốc tế AIC và các tổ chức hữu quan của Nhật Bản và Hà Nội.

Tại hội nghị năm nay, lần đầu tiên Hà Nội vui mừng công bố đã vượt lên đứng đầu cả nước về thành tích thu hút đầu tư, đồng thời lọt Top 10 về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018. Theo đó, năm 2018, Hà Nội thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp 7,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước, là mức cao nhất trong 30 thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài. Riêng trong ba năm qua (2016-2018) và 3 tháng đầu năm 2019, Hà Nội đã thu hút được gần 18,3 tỷ USD, gấp 2,92 lần so với giai đoạn 2011-2015. “Hà Nội đã vượt qua khỏi nỗi ám ảnh “Hà Nội không vội được đâu” để tiến lên phía trước”, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI nhận định.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, giám đốc sở KH&ĐT Hà Nội, thành phố đang mong muốn thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục, môi trường… “Hà Nội luôn coi Nhật Bản là đối tác rất quan trọng, đóng góp 25% đầu tư nước ngoài tại Hà Nội và trong những năm tới. Chúng tôi rất trân trọng và cám ơn sự đầu tư rất hiệu quả của các nhà đầu tư Nhật Bản. Chủ trương của Hà Nội là tiếp tục tập trung mạnh vào việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và coi đây là nguồn vốn quan trọng để phát triển thành phố, trong đó đặc biệt ưu tiên các lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng hạ tầng, giao thông hiện đại. Hiện Nhật Bản đã có đầu tư vào lĩnh vực này như dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại Sơn Tây và các dự án khác nhằm giải quyết những thách thức của Hà Nội.”, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) Hà Nội cho biết, Hà Nội luôn là điểm đến đầu tư lý tưởng với các doanh nghiệp Nhật Bản. Đánh giá cao môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện và minh bạch của Hà Nội, ông Hironobu Kitagawa thông tin: nhiều doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực phi chế tạo, các dự án bán lẻ hay nhà hàng đang có kế hoạch lớn đầu tư vào Hà Nội.

Ông Umeda, đại sứ Nhật Bản tại Hà Nội cho biết, trong 2 năm vừa qua, đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam ở mức rất cao, ở mức 8,6- 9.1 tỉ đô la/ năm, liên tiếp đứng vị trí số 1 so với các nước khác.

--

Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI cũng chia sẻ, hiện một loạt các quốc gia thực hiện chính sách hướng Nam- và Việt Nam là điểm dừng chân đầu tiên, trong đó, Hà Nội và các thành phố, các tỉnh phía Bắc là điểm dừng chân đầu tiên cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là sự chuyển dịch có ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế và chính trị xã hội.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật Bản cho biết họ vẫn còn nhiều vướng mắc khi đầu tư vào Hà Nội. Cụ thể, có tới 19 “điểm nghẽn” được các nhà đầu tư Nhật Bản thống kê và gửi tới Hà Nội. Các bất cập này chủ yếu nằm ở chính sách đầu tư, thuế, lao động, minh bạch thông tin và chính sách về sở hữu đất đai đối với nhà đầu tư nước ngoài. “Hơn một nửa các vấn đề này là vấn đề ở cấp trung ương. Tuy nhiên, tôi mong rằng để nền kinh tế xã hội của Việt Nam ngày càng phát triển hơn nữa, và duy trì mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước Nhật Bản – Việt Nam, tôi đề nghị các cấp chính phủ và lãnh đạo của thành phố Hà Nội sẽ dành tâm sức hơn nữa đề giải quyết các vấn đề này”, ông Umeda, đại sứ Nhật Bản tại Hà Nội phản ảnh.

Lắng nghe các kiến nghị của nhà đầu tư, đại diện UBND thành phố Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời công khai minh bạch hóa thông tin, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng quy hoạch khu xây dựng, quy hoạch ruộng đất, quy hoạch ngành, giới hạn phát triển kinh tế xã hội, các quyết định chính sách…trên cổng thông tin điện tử của thành phố. Cùng đó xây dựng đội ngũ cán bộ công chức kỷ cương, trách nhiệm, tận tình với doanh nghiệp, người dân. “Thành phố đặt nhiệm vụ quan trọng là đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho các doanh nghiệp. Thành phố mong rằng các ban ngành có trách nhiệm, cơ quan ngoại giao Nhật Bản và các DN Nhật Bản tiếp tục quan tâm vào những lĩnh vực thành phố  đã và đang ưu tiên thu hút đầu tư. Chúng tôi sẽ công khai, minh bạch các dự án đầu tư và tăng cường xúc tiến đầu tư tại các thị trường, trong đó Nhật Bản là trọng điểm, thủ tục đầu tư rút ngắn, liên thông tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư khi đến Hà Nội”, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội khẳng định.

Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch “chạm đến trái tim”

Tại hội nghị sáng nay, các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản cũng đã giao lưu, tìm hiểu và tiến tới ký kết nhiều văn bản hợp tác quan trọng. Các cơ quan hữu quan của Hà Nội đã trực tiếp giải đáp thắc mắc, chia sẻ thông tin hữu ích, cụ thể tới từng nhà đầu tư, từng lĩnh vực nhà đầu tư quan tâm.

Đánh giá rất cao hiệu quả của hội nghị xúc tiến đầu tư, du lịch Nhật Bản – Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI nhận xét: Đây là hội nghị thường niên của Hà Nội, được tổ chức giản dị, thiết thực, hiệu quả, không hoành tráng nhưng rất hiệu quả, hiệu quả thể hiện rất rõ thông qua những cam kết có được và trao đổi, thảo luận. Như hôm nay, 19 vấn đề DN Nhật Bản quan tâm đã được giải đáp cặn kẽ, thoả đáng. Tôi đánh giá rất cao hoạt động xúc tiến đầu tư gắn liền với lễ hội hoa Anh Đào. Đây là ý tưởng rất hay, rất độc đáo của công ty AIC- đơn vị kết nối và tài trợ sự kiện Lễ hội hoa anh đào hàng năm. Xúc tiến đầu tư song hành với giao lưu văn hoá, giao lưu hoa anh đào, đây là hoạt động xúc tiến gắn với giao lưu nhân dân, xúc tiến như vậy là chạm đến trái tim chứ không phải chỉ là giao lưu kinh tế. Chia sẻ các giá trị văn hoá là nền tảng của xúc tiến, với sự hỗ trợ của AIC, đây là mô hình xúc tiến đâu tư tiên phong rất nên nhân rộng”.

Đồng quan điểm này, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) Hà Nội cũng cho biết:“Các nhà đầu tư Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam nhằm tăng doanh thu cho thị trường sở tại và mở rộng sản xuất và xuất khẩu. Nếu trước đây, doanh nghiệp Nhật đều nghĩ Việt Nam như một phân xưởng, nhà máy để chế tạo xuất khẩu thì hiện họ muốn đồng hành cũng Việt Nam trong phát triển kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của mình”.

“Sự kiện Lễ hội hoa anh đào và xúc tiến đầu tư, du lịch Hà Nội- Nhật Bản mang lại nhiều hiệu quả, là sự kiện tốt mà Hà Nội nên duy trì hàng năm nhằm tạo cơ hội giao lưu cho các doanh nghiệp hai nước”, ông Hironobu Kitagawa nói thêm.

Ông Umeda, đại sứ Nhật Bản tại Hà Nội cũng cho hay, vào những dịp như Lễ hội hoa anh đào, rất nhiều người Nhật Bản sang Việt Nam, họ cảm nhận được sự phát triển của Hà Nội, và quay về nước với rất nhiều ấn tượng tốt đẹp. “Số người Nhật Bản đến Việt Nam vào năm ngoái lên tới 830 nghìn người, tăng hơn 70% trong vòng 7 năm vừa rồi, ngày càng tăng một cách vững chắc”, ông Umeda nhấn mạnh.

Và đây chính là cầu nối hợp tác đầu tư vô hình nhưng hữu hiệu mà Hà Nội đi tiên phong từ chủ trương đến cơ chế, chính sách xã hội hóa để tư nhân, doanh nghiệp được tham gia kết nối, xúc tiến đầu tư một cách hữu hiệu và thực chất.

Thông qua sự kiện lễ hội hoa anh đào, từ năm từ năm 2006 tới nay, công ty AIC và cá nhân nữ Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch kiêm TGĐ AIC đã kết nối, hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam với nhiều tỷ USD, tổ chức nhiều hội thảo đưa các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam, hỗ trợ nhiều đoàn công tác của Việt Nam sang Nhật Bản giao lưu, kêu gọi đầu tư vào Việt Nam; Chuyển giao các chương trình hỗ trợ giáo dục Việt Nam qua kênh VTV7 bởi các tổ chức giáo dục hàng đầu của Nhật Bản; Hỗ trợ thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tiên tiến hiện đại của Nhật Bản, lần đầu được trang bị tại Việt nam có thể hoạt động cả địa hình trên cạn và dưới nước, là cầu nối ký kết nhiều hợp tác quan trọng trong lĩnh vực y tế như đưa các chuyên gia, bác sĩ hàng đầu của Nhật Bản vào Việt Nam để đào tạo, hỗ trợ các ca phẫu thuật hiểm nghèo.

Với những đóng góp quan trọng gắn kết, thúc đẩy giao lưu văn hóa, kinh tế, y tế, chuyển giao công nghệ giữa Nhật Bản và Việt Nam và những cống hiến đặc biệt cho sự phát triển của Nhật Bản, nữ viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã được Chính phủ Nhật Bản trao Huân chương Mặt trời mọc (The Order of the Rising Sun, Gold Rays with Rosette).

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội tháo gỡ 19 ‘điểm nghẽn’, thu hút nhà đầu tư Nhật Bản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ