Thứ năm, 25/04/2024 08:17 (GMT+7)

Hà Nội tháo gỡ vướng mắc tu bổ di tích

MTĐT -  Thứ tư, 06/06/2018 09:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sở VHTT Hà Nội vừa tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện Kế hoạch của UBND TP về khắc phục tồn tại, hạn chế, đổi mới nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích văn hóa, quản lý lễ hội trên địa bàn.

Cụ thể, theo kết quả tổng kiểm kê di tích Hà Nội, hiện có gần 6.000 di tích, với nhiều loại hình như đình, đền, chùa, miếu, am, phủ, quán, hội quán, nhà thời họ, thành quách, phố cổ, làng nghề…

Trong đó, có một di sản văn hóa thế giới, 12 di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích cấp quốc gia, 1.202 di tích cấp thành phố, 3.487 di tích chưa xếp hạng… Thời điểm này, Hà Nội có hơn 200 di tích xuống cấp cần được tu bổ, tôn tạo. 

Ông Tô Văn Động- Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết, so với những năm trước đây, công tác quản lý di tích đã có những biến chuyển đáng kể.

Đình Thần Quy (xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên) đang  xuống cấp nghiêm trọng.

Tuy nhiên, ông Động cũng thừa nhận, thực tế vẫn còn một số tồn tại hạn chế như đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn về bảo tồn và phát huy giá trị di tích của các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lượng di tích xuống cấp lớn. Việc khoanh vùng bảo vệ di tích khi lập hồ sơ xếp hạng trước Luật Di sản văn hóa năm 2001 còn có những bất cập…

Đồng quan điểm, tại Hội nghị nhiều đại biểu cũng cho rằng bên cạnh các di sản đặc biệt, ở các địa phương thuộc huyện ngoại thành còn lúng túng với các thủ tục hành chính khi làm hồ sơ xin tu bổ vì chưa có hướng dẫn.

Đại diện Phòng VHTT thị xã Sơn Tây cho rằng, hiện nay ngay cả việc thẩm định hồ sơ tu bổ di tích không thống nhất, lúc được giao cho Phòng Quản lý di sản (Sở VHTT Hà Nội), lúc lại là Ban Quản lý Di tích danh thắng.

Chưa kể, với quy định hiện nay, việc xin phép tu bổ, tôn tạo di tích phải mất vài tháng để thực hiện đủ các bước như xin chủ trương, thành lập tổ tu bổ, lập hồ sơ gửi về Sở VHTT xin ý kiến rồi địa phương mới có thể làm được.

Có khi xin chủ trương từ đầu năm đến khi được phép thực hiện thì lại vào mùa mưa bão. Nhiều địa phương có di tích xuống cấp nghiêm trọng lại mắc về thủ tục ứng vốn…

Đặc biệt, theo đánh giá của GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hà Nội chiếm 1/8 tổng số di sản của cả nước, chiếm 1/3 tổng số các di sản đã được xếp hạng di sản quốc gia… Nhưng điều này đồng nghĩa với việc Hà Nội bộn bề những công việc giữ gìn, tu bổ và phát huy giá trị của di tích. 

Ngoài ra, một trong những bất cập hiện nay việc khoanh vùng bảo vệ di tích khi lập hồ sơ xếp hạng trước Luật Di sản văn hóa năm 2001 còn có những bất cập.

Theo lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội, trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tập trung nguồn lực để tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Thành phố xem xét, bố trí từ nguồn xây dựng cơ bản đầu tư tu bổ các di tích quốc gia đặc biệt (theo hạng mục ưu tiên), hỗ trợ kinh phí tu bổ di tích cấp quốc gia (trước mắt ưu tiên tập trung các di tích phục vụ du lịch, di tích xuống cấp nặng).

Bên cạnh đó là nguồn kinh phí sự nghiệp hỗ trợ sửa chữa, tu sửa cấp thiết để chống đỡ, gia cố tạm thời hoặc sửa chữa nhỏ để kịp thời ngăn chặn di tích khỏi bị sập đổ, bị hủy hoại đối với các di tích xuống cấp nặng do cấp huyện quản lý; sửa chữa, thực hiện các hoạt động nghiệp vụ tại các di tích cách mạng kháng chiến. 

Các quận, huyện, thị xã bố trí kinh phí do cấp mình quản lý và đối ứng kinh phí với di tích được hỗ trợ từ ngân sách thành phố (trước mắt ưu tiên tập trung các di tích phục vụ du lịch, di tích xuống cấp nặng); tăng cường huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích...

Theo Đại đoàn kết

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội tháo gỡ vướng mắc tu bổ di tích. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành