Thứ sáu, 29/03/2024 20:58 (GMT+7)

Hà Nội thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo: Các Kiến trúc sư nói gì?

MTĐT -  Thứ tư, 17/11/2021 17:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các Kiến trúc sư (KTS) tiếp tục có những đóng góp sau khi Hà Nội đã tổ chức thi tuyển quốc tế phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo với tổng giải thưởng 1,3 tỷ đồng.

Sau các ý kiến trái chiều về phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, TP.Hà Nội đã tổ chức thi tuyển quốc tế phương án kiến trúc với tổng giải thưởng 1,3 tỷ đồng.

Thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo là đúng Luật

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, Kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, trước đây, Hà Nội chọn một phương án của Công ty tư vấn chứ không phải là một cuộc thi tuyển cho nên đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhất là giới kiến trúc và sự phản ánh của truyền thông cũng như ý kiến trái chiều của dư luận xã hội.

"Tuy nhiên, Hà Nội đã lắng nghe và thấy rằng cần phải tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo là hết sức cần thiết và phù hợp với Luật Kiến trúc. Việc làm này của TP.Hà Nội là một động thái tốt, đáp ứng được nhu cầu mong muốn của xã hội là có phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo xứng tầm với Thủ đô", KTS Phạm Thanh Tùng nói.

Hà Nội thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo: Các Kiến trúc sư nói gì? - Ảnh 1.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Vị KTS là Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam nhấn mạnh, cầu Trần Hưng Đạo không chỉ là vấn đề giao thông đơn thuần mà còn là điểm nhấn trong kiến trúc đô thị của Hà Nội trong thời kỳ phát triển mới và là một tác phẩm cầu của Thủ đô. Ông lưu ý, chúng ta đừng nhầm lẫn giữa kiến trúc nhà cửa vào trong kiến trúc cầu.

"Cái đẹp của cây cầu là thể hiện được công nghệ của cây cầu chứ không phải mang hình thức kiến trúc nhà cửa vào trong cây cầu. Điều này phải được làm rõ không sẽ có sự nhầm lẫn, kể cả tên Hội đồng cũng đang gây nên sự nhầm lẫn. Song, với tư cách là một chuyên gia độc lập, tôi ủng hộ hoàn toàn việc thi tuyển quốc tế về kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo với sự tham gia của tất cả các KTS, các nhà thiết kế cầu tài năng trong nước và quốc tế", ông Tùng nói.

Hà Nội thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo: Các Kiến trúc sư nói gì? - Ảnh 2.
Hình ảnh mô phỏng kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo được lựa chọn trước đây không qua thi tuyển. Ảnh: Ban QLDA.

KTS Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh thêm, cầu Trần Hưng Đạo nằm trong 18 câu cầu bắc qua sông Hồng của Hà Nội thì phải làm sao để mỗi cây cầu là một bông hoa đẹp của Thủ đô, thể hiện được giai đoạn phát triển của Hà Nội là "thành phố sáng tạo", "thành phố vì hòa bình", "thành phố văn hiến" chứ không phải níu kéo và mang hình ảnh của những kiến trúc cổ từ thế kỷ 19 vì nó không phù hợp.

"Cầu Nhật Tân đẹp vì là cầu dây văng thể hiện tình hữu nghị Việt – Nhật và hài hòa với cảnh quan; cầu Long Biên tuy là cầu thép, trong thời chiến bị đánh gãy nhiều nhịp cầu nhưng những gì còn lưu giữ lại đến ngày nay vẫn là ký ức, di sản về nghệ thuật, kiến trúc của một cây cầu đóng góp vào dấu ấn cảnh quan đô thị của Hà Nội. Điều này càng đòi hỏi Ban Tổ chức, Hội đồng thi tuyển có cái nhìn rõ hơn và tốt hơn", ông Tùng nói.

Cần làm rõ một số thông tin thi tuyển về cầu Trần Hưng Đạo

Đánh giá về giải thưởng của cuộc thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, đây là giải thưởng có giá trị "không lớn cũng không nhỏ", tại Hà Nội từng có cuộc thi "Ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể khu trụ sở làm việc các Bộ ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây" với riêng Giải Nhì đã có giá trị 1,5 tỷ đồng.

"Điều này phụ thuộc vào đòi hỏi của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội – đơn vị tổ chức thi mong muốn sản phẩm như thế nào. Nếu chỉ vẽ mấy 'nét chì' sơ phác ý tưởng thì 800 triệu là nhiều, nhưng nếu làm phim với kỹ xảo, lời bình chuyên nghiệp kèm theo mô hình thì chi phí đã vài trăm triệu, nên nhiều khi, các tổ chức cá nhân thi còn bỏ nhiều tiền hơn nhưng lại chưa biết chắc có được giải thưởng hay không", KTS Trần Huy Ánh nói.

Hà Nội thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo: Các Kiến trúc sư nói gì? - Ảnh 3.
KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Phân tích về điều kiện, đối tượng dự thi phải có kinh nghiệm "làm cầu", KTS Trần Huy Ánh cho rằng, hầu hết các KTS ở Việt Nam đều "chưa vẽ được cây cầu nào", trong khi điều kiện tham gia phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Những tổ chức các nhân khắc phục điều kiện này phải liên kết, liên danh với các kỹ sư giao thông, các công ty tư vấn đã vẽ cầu "quen tay".

Nêu rõ, đề bài khống chế độ dài của cầu là bao nhiêu (chân cầu 2 bên đã có), rộng bao nhiêu (cho hơn 4 làn xe); vận tốc thiết kế là 80km/h, thấp nhất, cao nhất khống chế. Kết cấu Bê tông ứng suất trước, thép hay dây văng với tổng đầu tư hơn 5 nghìn tỷ đồng (tương đương cầu Vĩnh Tuy)…, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, vấn đề là cầu đã rõ còn lại là trang trí cầu thế nào. "Chúng ta cần xác định đây là cuộc thi "vẽ cầu" hay "vẽ trang trí cầu" để Ban giám khảo cuộc thi có thể tuyển chọn cho dễ. Nếu là tuyển phương án kiến trúc công trình cầu thì nội dung phức tạp hơn nhiều, Ban Giám khảo còn chưa ai vẽ cầu chứ chưa nói đến người thi vẽ", ông lưu ý.

Hà Nội thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo: Các Kiến trúc sư nói gì? - Ảnh 4.
Cầu Trần Hưng Đạo dài khoảng 5,5 km với 6 làn xe cơ giới, bắc qua sông Hồng có tổng vốn đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng vừa được UBND TP. Hà Nội chấp thuận dự án đầu tư theo phương thức BOT. Trong ảnh: Vị trí xây dựng cầu Trần Hưng Đạo. Ảnh: Khôi Lâm.

Theo Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội, thi phương án kiến trúc công trình cầu phức tạp vượt khỏi khuôn khổ cuộc thi bởi nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ, chưa được làm rõ. Ông phân tích: Thứ nhất là quy mô cầu như thế nào để cải thiện giao thông kết nối đôi bờ mà không làm rối loạn giao thông trung tâm đô thị cũ. Không gây ùn tắc giao thông đầu cầu Hà Nội vì đang chạy 80km/h đâm thẳng vào khu hạn chế tốc độ thì ùn tắc không tránh khỏi.

Làm cầu để mọi người tiếp cận đôi bờ dễ dàng hơn hay thu phí ô tô. Vì dự án đầu tư BOT không thể "làm từ thiện". Nhiều ô tô, đi nhanh vào trung tâm thì Hà Nội vừa tắc nghẽn thêm (nhiều ô tô nhiều vào phố nhỏ), tai nạn nhiều thêm (ô tô nhanh người và phương tiện khác đi chậm) ô nhiễm không khí nhiều hơn (khí thải xe máy).

"Những hiệu ứng tiêu cực này các nhà khoa học giao thông dùng phần mềm VISUM (mô hình vùng) và VISSIM (mô hình điểm) để mô phỏng. Họ đã từng đưa ra kết quả để Hà Nội hủy bỏ công trình cầu vượt Đàn Xã Tắc ngay cả khi đã chọn đơn vị thi công. Vì nếu làm cầu vượt gây ách tắc trầm trọng hơn. Do vậy quy mô cầu cuối phố Trần Hưng Đạo cần làm rõ trước khi vẽ nó đẹp/xấu thế nào".

Thứ hai, là phương án chọn sẽ dùng để chọn Nhà đầu tư BOT, trong đó Ngân sách công bỏ ra 50%. Câu hỏi ở đây là nếu là tiền của dân thì phải cân nhắc lựa chọn loại hình nào để lợi ích công được tối ưu nhiều mặt (giao thông, đô thị, tài chính, nâng cao chất lượng cuộc sống…), chứ không phải bỏ hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế dân đóng để mua cái cầu có kết cấu sẵn được trang trí lại cho đẹp. "Các KTS có đủ sức gánh trách nhiệm là người tô vẽ cái đẹp mà chưa rõ lợi hại cho bà con ra sao trong khi Thành phố còn muôn vàn khó khăn?".

Cận cảnh vị trí xây dựng cầu Trần Hưng Đạo 9.000 tỷ đồng bắc qua sông Hồng nối quận Hoàn Kiếm và Long Biên. Video: Khôi Lâm.

Thứ ba, Hà Nội đang lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Hà Nội, Quy hoạch phân khu sông Hồng. Trong khi 2 Quy hoạch này chưa có, vậy Phương án kiến trúc cầu đẹp nhất có là điều kiện điều chỉnh nội dung 2 Quy hoạch này không, hay là Quy hoạch được phê duyệt sẽ quyết định quy mô/hình thức cầu này như thế nào?.

Ngoài ra Hà Nội cũng đang triển khai Luật Quy hoạch 2017, định hướng Quy hoạch tích hợp đa ngành: Cầu không chỉ vượt sông mà cần vượt khó đi tới tương lai bền vững, nên chăng những câu hỏi về Quy mô và Lợi ích của Dự án này cần được Thành phố công bố rõ, dựa vào kết quả nghiên cứu của các chuyên gia và công bố trước khi các KTS vững tâm bước vào cuộc thi và chấm thi vẽ ra cây cầu Trần Hưng Đạo có giá trị mang tính biểu tượng.

"Hà Nội có cuộc thi Kiến trúc lớn cũng là cơ hội lớn cho các KTS thể hiện tài năng, tâm huyết đóng góp cho Thủ Đô, nhưng cũng cần làm rõ các thông tin trọng yếu này để cuộc thi trở thành cuộc vui trọn vẹn không chỉ riêng của giới kiến trúc sư mà của cả xã hội", KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

Ngoài thi tuyển kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, Hà Nội cần lấy ý kiến người dân

Đáng chú ý, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, khi Hội đồng đã chọn được những "đồ án" tốt thì phải triển lãm để cho nhân dân xem và đóng góp ý kiến vì nhân dân là đối tượng chính thụ hưởng sau khi cây cầu Trần Hưng Đạo đã xây dựng xong.

"Chúng ta phải làm sao để người dân tự hào với cây cầu, tự hào với văn hóa Thăng Long Hà Nội. Và tôi mong rằng, qua câu chuyện của cầu Trần Hưng Đạo, tất cả những công trình có tính chất đặc biệt của Hà Nội nên thi tuyển để mỗi công trình mọc lên ở Hà Nội là một công trình đẹp, có ý nghĩa lịch sử", KTS Phạm Thanh Tùng nói.

Đồng quan điểm, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cũng cho rằng, ngoài việc thi tuyển phương án thiết kế theo quy định còn phải lấy ý kiến của cộng đồng.

Theo ông Nghiêm, việc thiết kế cầu Trần Hưng Đạo cần phải được đặt trong tổng thể quy hoạch chung của Thủ đô và quy hoạch phân khu đã được duyệt. Do đó, đơn vị thiết kế cần phải có cái nhìn bao quát, bám sát vào quy hoạch phân khu để không bị phá vỡ quy hoạch phân khu, không "lạc lõng" trong quy hoạch tổng thể. Đặc biệt phải đảm bảo tính kết nối với các vùng hai bên đầu cầu không chỉ về mặt giao thông mà còn cả về mặt giao thoa văn hóa, hài hòa với không gian kiến trúc tổng thể.

"Cây cầu là biểu tượng của địa phương, của đất nước, là lợi ích chung của cả xã hội chứ không của riêng ai, nên không thể lựa chọn theo theo cách áp đặt. Cho nên, chọn thiết kế sao cho phù hợp với văn hóa, lịch sử và truyền thống, nhận được sự đồng thuận từ đại đa số các chuyên gia và người dân", KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo: Các Kiến trúc sư nói gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Dân Việt

Cùng chuyên mục

Tin mới