Thứ sáu, 29/03/2024 16:03 (GMT+7)

Hà Nội và TPHCM dành chưa đến 9% diện tích đô thị cho đất giao thông

MTĐT -  Thứ năm, 28/02/2019 17:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo báo cáo tiêu điểm “Giao thông đô thị” của Savills năm 2017, 2 thành phố của nước ta dành chưa đến 9% diện tích đô thị cho đất giao thông, thấp hơn các thành phố như Thượng Hải, Seoul, Singapore…

Mới đây, Savills đã công bố ấn phẩm “Tech Cities” (Thành phố Công nghệ) lần thứ 3, xếp hạng 30 Thành phố Công nghệ hàng đầu thế giới, trong đó có các thành phố phát triển bậc nhất như New York, San Francisco, London, Bắc Kinh, Thượng Hải...

Trong thông cáo mới phát đi, Savills cho biết, để hình dung được “mức độ thuận tiện trong di chuyển” tại 2 thành phố của Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM, có thể ghi nhận rằng Việt Nam còn cách top 30 thành phố công nghệ trên thế giới khá xa.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội nhận định, hiện Việt Nam còn đang thiếu 2 trong số 3 tiêu chí đánh giá mức độ thuận tiện trong di chuyển: Dịch vụ giao thông chia sẻ & hệ thống tàu điện. Trong khi đó, xét trên tiêu chí cuối cùng - cơ sở hạ tầng đô thị, Hà Nội và TPHCM còn nhiều điểm có thể cải thiện.

Ùn tắc giao thông là vấn đề nan giải của 2 thành phố lớn là TP. HCM và Hà Nội. Ảnh minh họa: Internet. 

“Theo báo cáo tiêu điểm “Giao thông đô thị” của Savills năm 2017, 2 thành phố của nước ta dành chưa đến 9% diện tích đô thị cho đất giao thông, thấp hơn các thành phố như Thượng Hải, Seoul, Singapore và Tokyo – nơi tỷ lệ này chiếm trên 12%. Ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM vẫn còn là một vấn đề đáng lo ngại”, bà Hằng cho biết.

Khách thuê văn phòng dịch chuyển dần ra ngoài trung tâm

Theo Trí thức trẻ, ông Bùi Trung Kiên, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội nhận định: "Tại Việt Nam, do mức độ thuận tiện trong di chuyển tại các thành phố còn hạn chế nên các khách thuê doanh nghiệp đang giải quyết bằng cách tìm đến các khu vực có kết nối tốt nhất. Khu vực trung tâm thành phố Hà Nội đã từng là ưu tiên hàng đầu của khách thuê".

"Tuy vậy, do lưu lượng giao thông lớn, thời gian di chuyển từ trung tâm ra khu vực phía Tây đã tăng lên đến khoảng một tiếng đồng hồ. Tình trạng này, kết hợp với giá thuê tăng và nguồn cung mặt bằng văn phòng cao cấp hạn chế ở khu vực trung tâm, đã dần hướng khách thuê ra các khu vực ngoài trung tâm".

Ông Kiên cũng cho biết, dự án hệ thống metro của Hà Nội hiện đang ưu tiên các bến tại khu vực cận trung tâm và phía Tây, nhờ đó tạo lợi thế kết nối cho các tòa nhà văn phòng ở khu vực này.

Thêm một lý do để khách thuê rời văn phòng ra khỏi khu vực trung tâm là bởi khu vực cận trung tâm là nơi có số lượng lớn nhất nhân viên cư trú (763.000), theo sau là khu vực phía Tây với 420.000 nhân viên. Xu hướng dịch chuyển ra ngoài trung tâm được phản ánh qua mức tăng trưởng ấn tượng trong công suất cho thuê của khu vực cận trung tâm, từ 40% năm 2015 lên trên 80% năm 2018, và mức công suất cho thuê ổn định trên 93% của khu vực phía Tây, theo ông Kiên.

Quy hoạch yếu kém

Mặc dù thời gian qua, cả Hà Nội và TP.HCM đã rất nỗ lực triển khai xây dựng, mở thêm nhiều tuyến đường giao thông mới, trong đó có nhiều tuyến đường xuyên tâm, đường vành đai, đường trên cao và hệ thống cầu, hầm đường dành cho người đi bộ nhằm gia tăng diện tích đất mặt đường dành cho giao thông. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc, quá tải hạ tầng giao thông vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng giao thông đô thị bền vững. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do thiếu quỹ đất dành cho phát triển giao thông.

Quỹ đất đô thị cho giao thông còn quá khiêm tốn so với tốc độ đô thị hóa của 2 thành phố lớn này. Ảnh: Internet. 

Từng trao đổi với vov giao thông về vấn đề này, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị cho rằng, quy hoạch giao thông vận tải chỉ định hướng bước đầu, quan trọng là quá trình thực hiện theo quy hoạch. Hiện nay, theo quy định, các đô thị thông thường phải đạt tỷ lệ đất dành cho giao thông dưới 10%, đối với những đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, diện tích đất dành cho giao thông phải đạt được từ 20-25%.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các dự án theo quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, một số dự án đã có sự điều chỉnh, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đơn cử là một số dự án điều chỉnh số lượng tầng cao nhưng không điều chỉnh về quy hoạch giao thông xung quanh nên tất yếu gây ra tình trạng quá tải hạ tầng giao thông.

Còn theo PGS-TS Nguyễn Trọng Thông- Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc Sư Việt Nam, hiện nay các quy hoạch cơ bản thực hiện tốt. Nguyên nhân của tình trạng quá tải hạ tầng hiện nay và tình trạng ùn tắc giao thông là quá trình thực hiện quy hoạch chưa đồng bộ, thiếu sự liên kết giữa các ngành với nhau. Mặt khác trong quá trình phát triển đô thị, vẫn còn tâm lý ưu tiên phát triển giao thông cá nhân trước phát triển giao thông công cộng.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội và TPHCM dành chưa đến 9% diện tích đô thị cho đất giao thông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.