Thứ sáu, 26/04/2024 06:33 (GMT+7)

Hà Nội xanh và xe buýt “xanh”

MTĐT -  Thứ tư, 31/05/2017 09:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Điều giản dị mà TP cần chính là văn hóa tham gia giao thông công cộng của mỗi người, khi họ dành một chút nhường nhịn, một chút bình tĩnh, một thái độ lịch thiệp khi bước chân ra phố…

Mười lăm năm trước anh bạn tôi ra Hà Nội học đại học. Trong một buổi trò chuyện về giao thông đô thị, anh kể một mẩu chuyện rất ngắn: Ra TP, điều anh lo ngại nhất là bị tắc đường, sau đó là việc có quá nhiều đèn xanh đèn đỏ. Một hôm, đến một ngã tư có chốt đèn đỏ đang sáng, anh dừng lại. Vừa dừng lại, thì chiếc xe con đằng sau bấm còi inh ỏi. Anh vội vã di chuyển xe sang phải một chút. Chiếc xe con lách bên trái lên, khi lướt qua anh, gã lái xe thò cổ buông một câu: “Thằng điên!”, rồi… phóng thẳng.

Thấy tôi nghi ngờ, anh khẳng định: “Thật! Ra phố, thấy đèn đỏ mà dừng lại đảm bảo bị chửi là điên”.

Ba năm sau tôi ra TP học đại học. Những gì xảy ra trên đường phố chứng minh điều anh nói… không đúng, nhưng cũng không hoàn toàn sai. Chỉ cần bạn dừng lại trước khi đèn đỏ đếm ngược một hai giây đã bị kẻ đi sau vượt qua và ngoái lại ném một cái nhìn khó chịu. Trước đèn xanh năm giây bạn không có dấu hiệu di chuyển sẽ nhận được những tràng còi thúc giục từ phía sau.

Thật tình có nhiều lúc đi trên phố, tôi gặp những người hễ cứ lên xe máy là… bóp còi. Tay họ lúc nào cũng nhăm nhe ở cái còi, hơi tí là bóp còi inh ỏi, còi kêu thành một tràng dài, trong khi đường thẳng thênh thênh chả ai cản. Tôi sử dụng xe máy đã mười năm, nhưng chỉ đôi lần bóp còi. Khi cần bóp còi thì lại… không biết còi ở đâu. Tìm thấy còi ở đâu thì nó… không kêu, lúc kêu lại khàn khàn như người tịt mũi. Một anh lái xe bảo tôi lịch sự như… người Nhật. Anh kể anh từng lái xe cho người Nhật và người Nhật rất ghét bóp còi. Do đó, cả chuyến đi Hà Nội - Cao Bằng hơn 1000 cây số, anh ấy không hề bóp còi xe lấy một lần. Có người nghe tôi bảo không bóp còi xe thì cười khẩy: Ở Việt Nam, đi xe máy mà không bóp còi là… tự sát.

Bốn năm học đại học, tôi từ nhà đến trường và từ trường về nhà bằng xe buýt. Những chuyến xe buýt còn đưa tôi đến nhiều nơi khác trong TP như Bờ Hồ, Thư viện Quốc gia, các bảo tàng... Hiện nay, với số đông cư dân, xe buýt là lựa chọn bất đắc dĩ, nhưng với một số khác, xe buýt là nơi để họ tìm kiếm những điều thú vị. Nhất là gần đây, di chuyển bằng xe buýt đối với cư dân TP đang là một xu hướng, khi vấn đề giao thông còn nhiều bất cập và cần phải giải quyết trong một thời gian dài.

Những chuyến hành trình thường xuyên trên xe buýt sẽ cho bạn những trải nghiệm bất ngờ. Có cả một xã hội thu nhỏ trong đó. Bạn đã nghe đồn về văn hóa ứng xử trên các phương tiện giao thông công cộng và bạn e dè. Trên xe buýt, thanh niên phớt lờ việc nhường ghế cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai.

Tôi từng chứng kiến một chị từ quê ra, say xe đến lả người mà không một ai nhường ghế. Cả xe chật cứng, nên những thanh niên ở các ghế sau nghiễm nhiên… coi như không biết. Phụ xe thấy ái ngại bèn nhờ một bác trông đứng tuổi, nhưng tóc nhuộm đen bóng nhường ghế, nào ngờ bác ta oang oang: “Tại sao tôi phải nhường ghế? Tôi đã hy sinh cả tuổi trẻ đánh giặc cho các anh chị hưởng hòa bình hôm nay? Tại sao bắt tôi phải nhường ghế?”. Rồi chuyện có những người ăn mặc lịch sự, tay xách cặp da đen bóng, khi được hỏi vé thì đáp gọn lỏn: “Đi nhờ!”. Có những người mua vé một tuyến nhưng đi đủ tuyến…

Nhưng có những ngày bạn cảm thấy yêu chuyến xe của mình vô cùng. Đó là khi bạn gặp những người trẻ lễ phép, lịch sự, sẵn sàng nhường ghế. Chỉ cần bạn hỏi đường một người, sẽ lập tức nhận được nhiều câu trả lời tận tình từ nhiều người. Bạn sẽ nhận được lời cảnh báo rất tế nhị từ tài xế và phụ xe khi trên xe xuất hiện những kẻ móc túi. Bạn sẽ được nghe nhiều chuyện đời của những hành khách từ quê ra, về con cái, về bệnh tật, thậm chí về một đám cưới, đám ma, hay một lễ hội ở một ngôi làng xa xôi nào đó.

Hôm trước truyền hình đưa tin về một TP ở Đài Loan (Trung Quốc) có tuyến xe buýt thân thiện với môi trường, gần gũi với thiên nhiên. Chuyện bắt đầu từ một anh chàng đang cảm thấy cuộc sống đô thị ngột ngạt và những chuyến xe chật chội làm đau đầu hành khách, thế là nảy ra ý tưởng thiết kế những chiếc xe buýt có cây, cỏ, hoa (tất nhiên là cỏ cây được tạo ra từ… nhựa). Hành khách bước lên xe sẽ có cảm giác như bước vào một khu rừng đầy hoa thơm cỏ lạ, đầu óc tất nhiên thư thái hơn nhiều. Ý tưởng tuyệt vời đã thành hiện thực.

Vài năm trước một nhà xuất bản đã ấn hành tập truyện ngắn có tên “Thị trấn xe buýt màu xanh”. Khi đó Hà Nội chỉ duy nhất loại xe buýt màu vàng chủ đạo. Tôi rất yêu những chiếc xe buýt màu vàng của Hà Nội và đã từng ước mơ TP có những chiếc xe buýt sơn màu xanh và nhiều màu khác, mỗi màu đại diện cho một tuyến đường xe ấy chạy qua. Bây giờ TP đã có những chiếc xe buýt sơn màu xanh, làm nền cho khung cảnh đô thị thêm đẹp và thanh lịch. Chất lượng phục vụ của nhà xe cũng tốt hơn trước rất nhiều.

Có thể Hà Nội chưa cần những chuyến xe thiết kế cùng cỏ cây, chim chóc để tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Hà Nội vốn là TP xanh với những con đường rợp bóng cây, tươi thắm hoa. Điều giản dị mà TP cần chính là văn hóa tham gia giao thông công cộng của mỗi người, khi họ dành một chút nhường nhịn, một chút bình tĩnh, một thái độ lịch thiệp khi bước chân ra phố…

Theo Kinh tế Đô thị

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội xanh và xe buýt “xanh”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.