Thứ tư, 24/04/2024 23:42 (GMT+7)

Hà Nội yêu cầu xử lý sai phạm dự án BT, BOT trước ngày 31/3

MTĐT -  Thứ tư, 14/03/2018 11:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Liên quan đến kết luận sai phạm tại những dự án BT, BOT trên địa bàn thành phố, mới đây UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các cơ quan liên quan báo cáo trước ngày 31/3.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện chỉ đạo của Thành ủy tại Công văn số 837-CV/TU ngày 31/01/2018 về việc rà soát lại các dự án đang triển khai và chuẩn bị triển khai theo hình thức BT, BOT để đảm bảo thực hiện đúng quy định và không để xảy ra các hạn chế, khuyết điểm như Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra tại Kết luận thanh tra số 1422/KL-TTCP ngày 06/6/2017.

Trong đó, UBND TP Hà Nội đặt thời hạn các nội dung kết luận, kiến nghị tại Kết luận số 1422/KL-TTCP ngày 06/6/2017 của TTCP và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại Văn bản số 6844/VPCP-V.I ngày 03/7/2017 của Văn phòng Chính phủ phải hoàn thành, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 31/3/2018.

Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện các nội dung kết luận, kiến nghị, báo cáo UBND Thành phố. Chủ trì cùng các sở, ngành, các đơn vị liên quan triển khai công tác đầu tư theo hình thức BT, BOT theo đúng quy định của pháp luật.

Nút giao thông trung tâm quận Long Biên - Một trong số các dự án BT có sai phạm. Ảnh: Internet.

Liên quan đến vấn đề này, vào tháng 10/2017, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã ký quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, đơn vị thực hiện kết luận của TTCP. Tổ công tác gồm 11 người, ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội làm Tổ trưởng.

Trước đó, tháng 6/2017, TTCP đã chỉ ra hàng loạt vi phạm tại các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường ở Hà Nội.

14/15 dự án được chỉ định thầu

Theo kết luận của TTCP, UBND Hà Nội chưa thực hiện đúng việc lập phê duyệt, công bố danh mục dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT lĩnh vực giao thông môi trường (giai đoạn 2008-2012), gây ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện, làm giảm hiệu quả.

TTCP phát hiện 15 dự án đầu tư theo hình thức BT thuộc các lĩnh vực trên chỉ có một dự án được lựa chọn nhà đầu thư theo hình thức đấu thầu. Cả 14 dự án còn lại thực hiện qua hình thực chỉ định thầu.

Việc lựa chọn ký hợp đồng để thực hiện dự án với một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực quy định. Các dự án khi trình xin chủ trương lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức chỉ định thầu đều có chung lý do cơ bản là do tính cấp bách, cấp thiết.

Tại thời điểm được thẩm định, đánh giá và lựa chọn để thực hiện dự án, một số nhà đầu tư năng lực về tài chính hạn chế, không đảm bảo. Hầu hết dự án đều bị chậm tiến độ so với yêu cầu.

Nhiều nhà đầu tư tại thời điểm được lựa chọn để thực hiện dự án lại có năng lực tài chính hạn chế, không đảm bảo năng lực như Công ty cổ phần Tasco đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương; dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ do Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco5) làm chủ đầu tư...

Không đánh giá đúng năng lực chủ đầu tư

TTCP kết luận hầu hết các dự án đều bị chậm tiến độ so với yêu cầu và nguyên nhân được xác định là chủ đầu tư không đủ năng lực huy động vốn, bố trí vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án của nhà đầu tư yếu kém không đảm bảo giải ngân theo tiến độ cam kết. UBND TP Hà Nội đã thực hiện không đúng quy trình lựa chọn cũng như đánh giá năng lực của nhà đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư không đủ năng lực để thực hiện dự án.

Thậm chí, theo kết luận của TTCP, tại một số dự án BT có hiện tượng cơ quan chức năng TP Hà Nội thẩm định, phê duyệt "vội vàng" dự toán đầu tư dẫn đến tăng tổng mức đầu tư dự án, ảnh hưởng đến việc tính toán, sắp xếp các phương án giao đất đối ứng để xác định thu tiền sử dụng đất. Cụ thể, tại dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương do tính toán áp dụng đơn giá không chính xác đã làm tăng giá trị hợp đồng BT hơn 19,5 tỉ đồng; tại nút giao thông Long Biên tăng giá trị lên tới hơn 60 tỉ đồng, dự án đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An đội vốn 27,9 tỉ đồng.

Tiếp đó, sau khi ký kết các hợp đồng, UBND TP Hà Nội và cơ quan chức năng đã thiếu sự chặt chẽ trong việc giám sát. Hầu hết các dự án đều bị chậm tiến độ không đảm bảo mục tiêu cấp bách như yêu cầu đặt ra cho dự án, đồng thời làm phát sinh nhiều chi phí trong đầu tư.

Cụ thể tại dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở do Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) làm chủ đầu tư được khởi công khi chưa có quyết định phê duyệt dự án, chưa có kết quả thẩm tra, phê duyệt về thiết kế cơ sở và công nghệ của Bộ Xây dựng, Sở TN-MT.

Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở cũng dính sai phạm. Ảnh: Internet.

Điều đáng nói, do chậm tiến độ, dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở đã phát sinh khoản chi phí lên tới 11,5 triệu USD. Cùng với đó nhà đầu tư đã tự triển khai hạng mục về nạo vét không có bất cứ sự tham gia nào của cơ quan chức năng nhưng sau đó vẫn đề nghị quyết toán khoản tiền lên tới gần 10 triệu USD.

Còn tại dự án đường trục phía nam tỉnh Hà Tây cũ do Cienco 5 làm chủ đầu tư, TTCP phát hiện cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã thẩm định, phê duyệt và tính chi phí lãi vay 920 tỉ đồng trong tổng vốn đầu tư dự án BT là không có cơ sở, dẫn đến việc xác định giá trị tổng vốn đầu tư để ký hợp đồng sai…

Vì vậy, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hà Nội thực hiện việc xử lý trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP Hà Nội liên quan đến khuyết điểm, vi phạm trong việc quyết định lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện quy trình chỉ định nhà đầu tư. Đồng thời với đó, xử lý trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chậm cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đường Hà Nội – Hưng Yên trong giai đoạn thực hiện theo quy định của Nghị định số 78/2007/NĐ-CP.

TTCP cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội thực hiện việc xử lý trách nhiệm đối với các sở, ban, ngành chức năng, các cơ quan quản lý hợp đồng BT và các tổ chức, cá nhân thuộc UBND thành phố đã có khuyết điểm, vi phạm nêu trong kết luận thanh tra, liên quan đến quá trình tham mưu, quản lý, giám sát, thực hiện hợp đồng.

P.V (tổng hợp theo VietTimes, TPO)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội yêu cầu xử lý sai phạm dự án BT, BOT trước ngày 31/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành
Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.