Thứ bảy, 20/04/2024 03:15 (GMT+7)

Hà Nội:Tại sao ngập úng và kiến nghị giải pháp khắc phục tình trạng

MTĐT -  Thứ ba, 05/09/2017 21:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để hạn chế úng ngập, ưu tiên xây dựng và nâng cấp trạm bơm, hồ điều hòa, kênh, mương thoát nước cũng như cải tạo, xây dựng cống ngầm cho 3 lưu vực Cổ Nhuế, Mỹ Đình và Mễ Trì.

Diễn biến tình hình ngập lụt tại Hà Nội theo ghi chép của tác giả
* Trước khi có các dự án thoát nước [2] và điển hình là năm 1984: trận mưa ngày 20 và 21 tháng 11 năm 1984 với lượng mưa 614,4 mm gây úng ngập ở nhiều vùng, trong đó ở khu Kim Liên ngập 1m trong 3 ngày. Nguyên nhân úng ngập ở toàn cục hay ở các khu vực ngoại thành thuộc các vùng Từ Liêm, Thanh Trì là do:

- Diện tích và dung tích chứa - điều hoà nước mưa bị thu hẹp, san lấp

- Mức nước sông Nhuệ - nơi tiếp nhận toàn bộ nước mưa của Hà nội khá cao, nhiều khi tới 5,5m.

- Hệ thống mương tiêu nước bị bồi lắng, lấn chiếm nên tiết diện lòng mương bị thu hẹp.

- Một số vùng bị đắp bờ, khoanh vùng nuôi cá làm giảm khả năng chứa nước, điều hoà nước mưa.

- Diện tích nội thành mở rộng, gia tăng, lượng nước tích tụ lại càng tăng.

*Sau khi có các dự án thoát nước 1995-2008, nhiều vùng trong TP Hà Nội cũng vẫn xảy ra ngập lụt:

- Trận mưa lịch sử từ ngày 31 tháng 10 đến ngày 1 tháng 11 năm 2008 gây nên tình trạng ngập lụt trầm trọng ở nhiều vùng của Hà Nội. Theo báo cáo nhanh của Công ty Thoát nước Hà Nội lúc 11 giờ ngày 31/10, tổng lượng mưa đo được tại Đường Láng là 250,6mm; Hà Đông: 433,3mm; Nội thành: 106 mm; Vân Hồ: 127mm; Đồng Bông (Từ Liêm): 464mm. Diễn biến thời tiết lúc đó rất phức tạp. Trời tiếp tục mưa kéo dài. Mực nước trong các hồ điều hoà dâng cao, ở mức cốt 5,5m. Trong khi đó, thông thường là 4,2m.

- Ngày 20 tháng 7 năm 2009, Báo cáo nhanh của Công ty thoát nước Hà Nội cho biết, trận mưa đã làm 35 điểm bị ngập úng nghiêm trọng. Theo đó, trên địa bàn TP Hà Nội từ 4h30 đến 7h00 sáng, mưa với cường độ lớn, lượng mưa đo được là 80mm/h tập trung trong thời gian ngắn (từ 5h30 đến 6h30). Ngay sau khi mưa ngớt, đến 8h00 còn khoảng 15 điểm úng ngập và đến khoảng 9h00 khi không còn mưa bổ sung, các điểm úng ngập nước đã cơ bản rút hết. Bên cạnh đó, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, lượng mưa đo được khu vực nội thành là 128,7mm, Long Biên 137,9mm, Vân Hồ 113,6mm, Thanh Liệt là 101,5mm.

Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1, sau khi hoàn thành hệ thống thoát nước đáp ứng cường độ 172mm/2 ngày tương đương 36mm/h, giai đoạn 1 chủ yếu ở lưu vực nội thành (77,5km2), tập trung vào cải tạo trạm bơm đầu mối và 4 con sông, còn các tuyến mương chưa được cải tạo.

- Từ năm 2012 đến năm 2014 đều xảy ra tình trạng tương tự. Ngày 1 tháng 8 năm 2015, theo quan sát, một số địa điểm như Hà Đông, Linh Đàm... đã có mưa từ khá sớm và càng đến gần trưa, mưa càng nặng hạt hơn. Trên một số tuyến đường nhỏ bắt đầu ngập nhẹ.

- Trận mưa gần đây nhất, diễn ra vào đêm ngày 24 rạng ngày 25 tháng 5 năm 2016, kéo dài khoảng 5 giờ đồng hồ với cường độ trung bình khoảng 200 mm, gây ngập úng nặng tại nhiều phố, đặc biệt thuộc khu vực tả Nhuệ. Các phương tiện thông tin trên toàn quốc đã mô tả rất nhiều về các tác động đối với hoạt động kinh tế, xã hội, môi trường do trận mưa gây ra. Báo Dân trí có hàng loạt bài như: “Hà Nội ngập nặng sáng 25/5”, “Toà nhà cao nhất Việt Nam bị nước "bao vây", ”Thợ sửa xe máy hốt bạc ngày Hà Nội phố cũng như sông”, “ Lụt nặng, người dân Thủ đô phải chọn "cưỡi" xe cải tiến”,  “ Những hình ảnh khóc - cười cùng trận “lụt” ở Hà Nội sáng nay”, “Khu Văn Phú - Hà Đông bị cô lập, người dân bàng hoàng với biển nước”, “Hàng nghìn người vật vã "lội sông", bắt cá ở Đại lộ Thăng Long”, “  Hà Nội: Ùn tắc kinh hoàng, xe chết máy la liệt”, “Hà Nội ngập nặng, nhiều tuyến phố thành sông”, v.v.

Theo Báo điện tử Dân trí đưa tin, Ông Võ Tiến Hùng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, từ 23h00 ngày 24/5/2016 đến 4h30 ngày 25/5/2016 trên địa bàn Thành phố đã xảy ra mưa lớn. Trong đó, lượng mưa đo được tại Vân Hồ 187,1mm; Cầu Giấy 277,8; Mễ Trì 235,5mm ; Ngã Tư Sở 228,7mm; Xuân Đỉnh 196,9mm; Hồ Tây 168,5mm; Lương Định Của 193,6mm; Trúc Bạch 206,9mm; Nam Từ Liêm 214,1mm; Thanh Liệt 252mm; Hoàng Quốc Việt 249mm và các nơi khác xấp xỉ 200mm.

Nguyên nhân trực tiếp và sâu xa

Trước tiên, chúng ta phải thừa nhận rằng, việc thiết kế và xây dựng hệ thống thoát nước mưa dựa trên quan điểm tối ưu về kinh tế, xã hội và môi trường. Cần phải chọn trận mưa với cường độ xác định, theo chu kỳ lặp lại nhất định. Những trận mưa vượt quá giá trị đã chọn thì phải chấp nhận úng ngập trong một khoảng thời gian cho phép. Ở các nước châu Âu, như Pháp chẳng hạn, lượng mưa trung bình năm chỉ khoảng 800 mm, nhưng do biến đổi khí hậu, trong những ngày đầu tháng 6 này, thành phố Paris cũng bị ngập lụt ở khu vực sông Sen và trung tâm. Ở nước Mỹ cũng đã xảy ra tình trạng ngập lụt.

Đối với Hà Nội, tại Hội nghị “Đô thị Việt Nam: Thân thiện môi trường - phát triển bền vững”, do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 7-11-2015, đã có những đánh giá về nguyên nhân ngập lụt:

- Diện tích thoát nước tự nhiên của của các đô thị bị thu hẹp do bị lấn chiếm. Trong vòng 50 năm qua có đến 80% số diện tích mặt nước của thủ đô bị lấp, trong khi mới có duy nhất trạm bơm Yên Sở là nơi bơm cưỡng bức thoát nước cho thành phố. Theo chuyên gia về quản lý nước - từ năm 1983 đến năm 1996, 1,7km2 diện tích ao hồ đã mất đi do quá trình đô thị hóa khiến cho việc ngập lụt là đương nhiên. Ngay sau đó, một học giả khác đã cung cấp thông tin về diện tích hồ ao của Hà Nội biến đổi qua 10 năm từ 1986 - 1996 thông qua ảnh vệ tinh cho thấy, 64% số diện tích mặt nước hồ, bán ngập đã bị mất đi.  

- Do xây dựng đô thị nên diện tích thấm nước bị thu hẹp. Chuyên gia quy hoạch cho rằng: “Hiện tượng ngập úng mà Hà Nội đang phải gánh chịu là hậu quả của quy hoạch đô thị. Chính quyền đô thị là những người phải chịu trách nhiệm trước hết về hiện tượng ngập úng đó”. Chính những sông, hồ, ao đã đem lại lợi thế cho Hà Nội trong việc chống ngập úng so với các tỉnh, thành khác như TPHCM hay các địa phương ven biển, gần các hồ, đập lớn. Tuy nhiên, cách ứng xử của con người ở Hà Nội lại hoàn toàn không coi trọng tài sản quý giá đó.

- Một cán bộ nghiên cứu đã kết luận: “Chúng ta đang ăn dần diện tích mặt nước. Đô thị hóa quá nhanh đi kèm với hiện tượng bêtông hóa diện tích bề mặt, không đủ diện tích để thẩm thấu nước. Hệ thống thoát nước đã quá tải, hệ thống này một khi đã xây dựng thì rất khó cải tạo trong khi lượng mưa ngày một tăng”.

- Biến đổi khí hậu (BĐKH) càng làm cho tình trạng úng ngập trầm trọng thêm chứ không phải nguyên nhân chính của tình trạng úng ngập.

- Nhiều chuyên gia cho rằng, dự án thoát nước TP. Hà Nội đang làm sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn nếu không hướng đến nguồn gốc của hệ thống thoát nước Hà Nội. Cụ thể, cho dù làm các hệ thống cống mới nhưng các hệ thống này vẫn đổ ra các con sông như sông Tô Lịch, Kim Ngưu... nghĩa là dựa vào dòng chảy tự nhiên, sau đó lại phải nhờ các trạm bơm để tiêu thoát nước. Hiện nay, Hà Nội mới có duy nhất trạm bơm Yên Sở đảm nhận công việc bơm cưỡng bức để chống úng ngập cho nội đô. Nhưng việc đầu tư xây dựng lại không đồng bộ: Thiếu ống cống dẫn nước đủ tiết diện để vận chuyển nước mưa từ các tiểu lưu vực về trạm bơm.

Báo điện tử Vietnamnet, ngày 25 tháng 5 năm 2016, trong bài phỏng vấn ông Võ Nguyên Phong, PGĐ Sở Xây dựng Hà Nội do nhà báo Phạm Huyền thực hiện với tiêu đề “Hà Nội cam kết không bất lực với úng ngập”, cho biết: Trên địa bàn thành phố có 35 điểm úng ngập, đến 8h30 sáng ngày 25 tháng 5, cơ bản các điểm úng ngập khu vực nội thành đã được giải quyết, hiện vẫn còn một số khu vực úng ngập ở tả sông Nhuệ và khu vực Hà Đông như ngã tư Dương Đình Nghệ - Phạm Hùng, khu vực đường Quang Trung... Đây là những khu vực hiện chưa được đầu tư thoát nước đồng bộ, chủ yếu các khu vực đã được đô thị hoá được thoát nước về sông Tô Lịch. Các khu vực còn lại thoát nước ra sông Nhuệ và phụ thuộc vào các trạm bơm Đồng Bông I và trạm bơm Yên Nghĩa.

Với trận mưa 50-100mm thì Hà Nội sẽ xuất hiện 16 điểm úng ngập. Việc xuất hiện các điểm úng ngập này là không thể tránh khỏi.

- Có thể thấy, mặc dù có các dự án cải tạo, nâng cấp các hệ thống thoát nước đô thị, nhưng do cải tạo, nâng cấp không theo kịp tốc độ đô thị hóa, tăng dân số, tăng diện tích đô thị, tăng diện tích mặt phủ không thấm nước nên ngập lụt vẫn xảy ra. Hơn nữa đối với TP Hà Nội, lại cải tạo không đồng bộ giữa các khu đô thị. Trạm bơm đầu mối như Yên Sở 90 m3/s đảm bảo công suất nhưng các đường cống dẫn nước đến lại không đáp ứng, thỏa mãn với công suất máy bơm, nên nước vẫn ứ động lại trên các khu phố ở địa hình thấp.

- Vấn đề này đối với Hà Nội đã được quy hoạch. Tuy nhiên thực tế thực hiện lại rất chậm so với quy hoạch. Đây chính là trách nhiệm của chính quyền, không coi trọng việc đầu tư các hồ điều hòa cùng các trạm bơm đầu mối.

Các giải pháp đã thực hiện và kiến nghị một số giải pháp khắc phục tình trạng úng ngập

Khung pháp lý

* Theo Quyết định số 1930/2009/QĐ-TTg, ngày 20 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về Thoát nước mưa [4]:

- Mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020:
+ Xoá bỏ tình trạng ngập úng tại các đô thị từ loại IV trở lên.

+ Mở rộng phạm vi phục vụ của các hệ thống thoát nước đạt trên 80%.

- Mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025:

+ Xoá bỏ hoàn toàn tình trạng ngập úng thường xuyên tại các đô thị.

+ Mở rộng phạm vi phục vụ các hệ thống thoát nước đô thị lên 90 - 95%; đối với các đô thị từ loại IV trở lên đạt 100%.

* Khung pháp lý và chính sách của ngành được định hướng bởi cam kết bảo vệ môi trường nêu trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015. Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014, Nghị định 80/2014/NĐ-CP, Quyết định số 589/QĐTTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ [7] mới ban hành đã nhấn mạnh hơn nữa tới việc bảo vệ môi trường, bảo vệ chất lượng các nguồn nước quốc gia, trong đó có chống úng lụt. Quá trình phi tập trung hóa dần dần trong thập niên vừa qua đã dẫn tới việc chuyển giao trách nhiệm quy hoạch và quản lý cơ sở hạ tầng đô thị cho chính quyền các tỉnh.

Các hoạt động cải tạo hồ:

- Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn I: cải tạo, nạo vét 06 hồ gồm Thiền Quang, Giảng Võ, Thành Công, Thanh Nhàn 1, 2A, 2B và xây dựng 05 hồ điều hoà Yên Sở.

- Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II: cải tạo đồng bộ 12 hồ gồm: Hào Nam, Đống Đa, Hố Mẻ, Phương Liệt 1, Khương Trung 1+2, Định Công, Bảy Mẫu, Tân Mai, Linh Đàm, Hạ Đình, Đầm Chuối. Cải tạo bằng nguồn vốn trong nước : Bảy Gian, Đầm, Linh Quang. Năm 2015 theo kế hoạch phải cải tạo 23 hồ.

- Một số hồ cũng được cải tạo thông qua các dự án khác bằng nguồn vốn trong nước: hồ Tây, Văn Chương, Thương Mại, Ba Mẫu, Công viên, Đền Lừ, Giáp Bát, Kim Liên to, hồ Đầm, Bảy Gian, Nghĩa Tân, Sinh thái Lâm Du, Hàm Long, Đại Từ 1+2, hồ Dài, Mục Dục...

Quy hoạch cao độ san nền xây dựng Đô thị trung tâm Hà Nội

- Khu vực Hà Nội cũ, Quận Bắc và Nam Từ Liêm, Quận Hà Đông ra đến vành đai 4 cao độ xây dựng khống chế như sau: những khu vực có cao độ < +6,2m sẽ tôn nền đến ≥ +6,2m đối với dân dụng và ≥ +6,5m đối với công nghiệp.

- Khu vực huyện Thanh Trì và đến hết ranh giới đô thị trung tâm về phía nam cao độ xây dựng khống chế đối với dân dụng ≥ +5,7m; đối với công nghiệp ≥+6,2m.

- Dọc trục Láng – Hoà Lạc: từ đường Láng qua cầu sông Nhuệ: 6,2-7,0m; Từ cầu sông Nhuệ đến đường 70: 6,3-7,5m; Từ đường 70 đến đê đông sông Đáy: 7,0-8,0m; Từ đê tây sông Đáy đến đê đông sông Tích: 8,5-10,0m; Từ đê tây sông Tích đến QL21 (đường Hồ Chí Minh): 12,0-18,0m; Từ tây QL21 đến chân núi Ba Vì: >18,0m. Do đó, khu vực từ đường Láng đến đê đông sông Tích hầu hết là ruộng, đều phải tôn nền với chiều cao đắp 2,0 – 3,5m. Các khu vực còn lại san gạt cục bộ tạo mặt bằng xây dựng.

Khẩn trương thực hiện Quyết định số 725/2013/QĐ-TTg [5].

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 725/2013/QĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống thoát nước Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050. Theo đó là đào mới, xây dựng và nâng cấp trạm bơm và các hồ điều hòa (xem hình 1).

Hình 1: Đề xuất công trình đầu mối lưu vực Tả Nhuệ

- Lưu vực Nam Thăng Long, diện tích 4,5 km2: Xây dựng trạm bơm Nam Thăng Long công suất 9m3/s (thoát ra sông Hồng) và hồ điều hòa: 25ha + Kênh, mương thoát nước: 2,5km.

- Lưu vực Cổ Nhuế, diện tích 15,2 km2: Xây dựng trạm bơm Cổ Nhuế công suất 12m3/s (thoát ra sông Nhuệ), hồ điều hòa đầu mối (3 hồ): Cổ Nhuế 1 và 2, hồ thành phố Giao Lưu 41ha, các hồ điều hòa khác: 40,55ha, hồ Chèm 9ha, hồ Cáo Đỉnh 5ha, hồ Xuân Đỉnh 1, 2 (6+12ha), kênh, mương thoát nước: 8,2km; cải tạo, xây dựng cống ngầm: 27,2 km.

- Lưu vực Mỹ Đình, diện tích 13,6 km2: Nâng cấp trạm bơm Đồng Bông 1 lên 20m3/s (thoát ra sông Nhuệ), hồ điều hòa trạm bơm: 30ha, các hồ điều hòa khác: 25ha, kênh, mương thoát nước: 8,9km; cải tạo, xây dựng cống ngầm: 9,97 km.

- Lưu vực Mễ Trì, diện tích 14,7 km2: Xây dựng trạm bơm Đồng Bông 2 công suất 9m3/s (thoát ra sông Nhuệ), hồ điều hòa Phú Đô trạm bơm: 30ha, các hồ điều hòa khác: 30,2ha, kênh, mương thoát nước: 7,0km; cải tạo, xây dựng cống ngầm: 29,4 km.

- Lưu vực Ba Xá, diện tich 9,9 km2: Xây dựng trạm bơm Ba Xã công suất 20m3/s (thoát ra sông Nhuệ), hồ điều hòa trạm bơm: 32ha, các hồ điều hòa khác: 6,5ha, kênh, mương thoát nước: 4,0km; cải tạo, xây dựng cống ngầm: 21,7 km.

- Lưu vực tả Thanh Oai, diện tích 40,10 km2: Xây dựng trạm bơm Siêu Quần công suất 10,0m3/s; trạm bơm Đại Áng 10m3/s; trạm bơm Hoà Bình 25,0m3/s (thoát ra sông Nhuệ), các hồ điều hòa Thượng Phúc 1, 2, Đại Áng: 281,7, kênh, mương: 11,9km; cải tạo, xây dựng cống ngầm: 57,5km.

Kết luận

Cần khẩn trương thực hiện quy hoạch đã có theo Quyết định số 725/2013/QĐ-TTg.

Trước mắt, để hạn chế úng ngập, ưu tiên xây dựng và nâng cấp trạm bơm, hồ điều hòa, kênh, mương thoát nước cũng như cải tạo, xây dựng cống ngầm cho 3 lưu vực Cổ Nhuế, Mỹ Đình và Mễ Trì.

GS. TS. Trần Hiếu Nhuệ, TS. Trần Thị Hiền Hoa
Trường Đại học Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội:Tại sao ngập úng và kiến nghị giải pháp khắc phục tình trạng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...