Thứ ba, 03/12/2024 08:35 (GMT+7)

Hải Dương phát công điện số 14 về ứng phó lũ lớn, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều

Trâm Anh -  Thứ năm, 12/09/2024 16:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 12/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương phát công điện số 14 về tập trung ứng phó với lũ lớn, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trên các sông địa bàn tỉnh Hải Dương.

Theo công điện, ngay sau khi bão số 3 tan, tỉnh Hải Dương lại tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi đợt mưa lớn kéo dài, lũ thượng nguồn dâng cao và xả lũ các hồ chứa thủy điện làm cho mức nước các sông trên địa bàn tỉnh lên rất nhanh, một số nơi đã vượt xa mực nước báo động III, gây ngập lụt ngoài bãi sông, hệ thống đê điều của tỉnh đã xuất hiện nhiều sự cố, có những sự cố rất nguy hiểm nếu không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đê.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn tỉnh lũ trên hệ thống sông Thái Bình và sông Luộc còn tiếp tục lên, duy trì ở mức cao trong nhiều ngày, trong bối cảnh nhiều năm qua hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh không chịu tác động của lũ lớn, sự cố đê điều sẽ xuất hiện nhiều có thể uy hiếp an toàn đê.

Để chủ động ứng phó lũ lớn, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh, thực hiện Công điện số 93/CĐ-TTg ngày 11/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó với lũ lớn, bảo đảm an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu UBND, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã, các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:

Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, chủ động theo dõi sát thông tin dự báo, cảnh báo tình hình mưa lũ, không chủ quan, lơ là, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công các đồng chí trong Thường vụ, Thường trực, lãnh đạo UBND cấp huyện trực tiếp tới các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lũ, hộ đê. Trong đó tập trung những nhiệm vụ: Tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo cấp báo động, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu, không để bị động, bất ngờ, từng vị trí đê, từng sự cố đều phải có người kiểm tra, chịu trách nhiệm. Thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn phải lên đê để thường trực chỉ huy ứng cứu tại chỗ, triển khai phát quang cây dại để nâng cao hiệu quả công tác tuần tra canh gác.

Tiếp tục rà soát, triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sinh sống tại khu vực ngoài bãi sông (kể cả trong các tuyến đê bối có nguy cơ mất an toàn), kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm; bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân tại các địa điểm di dời.

Tiếp tục rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo “phương châm bốn tại chỗ”; kể cả phương án hộ đê toàn tuyến, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị tại các trọng điểm để sẵn sàng triển khai hộ đê, xử lý các sự cố.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó xử lý sự cố công trình gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo theo dõi sát diễn biến mưa lũ, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác ứng phó với lũ, hộ đê theo cấp báo động để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều. Hướng dẫn công tác kỹ thuật, xử lý ứng cứu sự cố đê điều, thủy lợi; tham mưu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND tỉnh trong việc xuất, phát vật tư, phương tiện chuyên dùng phòng, chống lụt bão để xử lý, ứng cứu sự cố đê điều, thủy lợi.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ hộ đê theo đúng quy định; chỉ đạo các lực lượng quân đội đứng chân trên địa bàn phối hợp các địa phương, đơn vị có liên quan hỗ trợ địa phương thực hiện công tác sơ tán dân đến nơi an toàn; triển khai các phương án hộ đê theo kế hoạch, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời xử lý, ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Công an tỉnh chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực sơ tán dân cư đi và đến, trật tự an toàn giao thông, sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương thực hiện sơ tán dân, cứu nạn, ứng phó với lũ lớn.

Sở Giao thông và vận tải chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, không để xảy ra sự cố đối với phương tiện giao thông thủy gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, các cầu qua sông.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương theo dõi chặt chẽ, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo diễn biến mưa lũ; thông tin kịp thời, chính xác tới các cấp chính quyền, các ngành, đơn vị có liên quan và nhân dân trong tỉnh biết để chủ động phòng, tránh, ứng phó để giảm thiểu tối đa thiệt hại...

Toàn văn công điện:

tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
Bạn đang đọc bài viết Hải Dương phát công điện số 14 về ứng phó lũ lớn, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm sóc cây xanh đô thị kiến tạo cảnh quan du lịch Sa Pa
Những năm gần đây, việc chăm sóc cây xanh đô thị và cây hoa trang trí đã trở thành một yếu tố kiến tạo nên không gian du lịch của thị xã Sa Pa. Đây là nỗ lực nhằm nâng cao cảnh quan đô thị, chất lượng môi trường thiên nhiên.

Tin mới