Thứ tư, 24/04/2024 12:05 (GMT+7)

Hải Phòng: Khai thác tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP

Bùi Bột -  Thứ hai, 04/04/2022 17:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

tm-img-alt

Thực hiện Quyết định số 674/QĐ-UBND ngày 9/3/2021 của UBND TP. Hải Phòng phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Hàng năm, Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các huyện, quận, các hội đoàn thể và cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền tới nhân dân, các chủ thể có các sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, đẩy nhanh tiến trình xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu. Qua đó tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường, hướng đến một ngành nông nghiệp chuyên nghiệp.

Đồng hành cùng nông dân để khẳng định giá trị sản phẩm OCOP

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân ( doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng (cơ quan thường trực thực hiện Chương trình), năm 2021, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố đã tổ chức 02 đợt đánh giá, phân hạng được 81 sản phẩm OCOP của 23 tổ chức, cá nhân (05 hợp tác xã, 09 doanh nghiệp, 09 hộ sản xuất) thuộc 09 quận, huyện tham gia Chương trình; trong đó có 62 sản phẩm thực phẩm, 04 sản phẩm đồ uống, 15 sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Kết quả: 05 sản phẩm đạt trên 90 điểm (tiêu chuẩn hạng 5 sao), 21 sản phẩm đạt 4 sao và 55 sản phẩm đạt 3 sao. Ủy ban nhân dân thành phố đã có Quyết định công nhận 76 sản phẩm của 22 chủ thể đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP thành phố; đối với 05 sản phẩm được trên 90 điểm (đạt 5 sao) Ủy ban nhân dân thành phố đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

tm-img-alt

Trên thị trường, nhóm sản phẩm thực phẩm đã và đang được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và an toàn thực phẩm như:

- Sản phẩm Rươi kho của Công ty TNHH Thịnh Phát, xã Mỹ Đức, huyện An Lão;

- Chả chìa của hộ sản xuất kinh doanh Bác Hoạt tại phường Đằng Hải, quận Hải An;

- Sản phẩm Gạo Kiến Quốc của Công ty cổ phần đầu tư Hải Âu Việt;

- Các sản phẩm Nước mắm của Công ty cổ phần chế biến và dịch vụ thủy sản Cát Hải.

Các sản phẩm này hiện đang được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.

tm-img-alt
tm-img-alt

Tiêu biểu trong nhóm sản phẩm đồ uống như Rượu Đế Vương, Rượu sữa Lúa, Rượu Dứa ông của HTX rượu Đế Vương tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy. Đặc biệt là bộ sản phẩm chế biến từ trà xanh của Công ty CP Doanh nghiệp xã hội cộng đồng xanh tại quận Đồ Sơn đã được xuất khẩu và tiêu thụ chủ yếu tại thị trường Hoa Kỳ. Trước đây các sản phẩm được bán qua các kênh truyền thống như thương lái, hệ thống đại lý, bán lẻ trực tiếp; hiện nay các sản phẩm đã được đưa vào hệ thống siêu thị như Go!, Aeon mall, CoopMart và các sàn thương mại điện tử như Shope, Nowfesh, Postmart).

tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt

Bên cạnh các sản phẩm thuộc nhóm ngành Thực phẩm và Đồ uống, năm 2021 còn có sự tham gia của nhiều sản phẩm thuộc nhóm ngành thủ công mỹ nghệ như: Các sản phẩm làm từ tre của HTX tre Tiên Cầm, xã An Thái, huyện An Lão; Các sản phẩm gốm sứ của Cơ sở gốm Phù điêu tại xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy; Sản phẩm tượng gỗ danh nhân văn hóa Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm của Công ty CP đầu tư XDTMVT Hải Bình tại Thị trấn Vĩnh Bảo. Đặc biệt sản phẩm tượng gỗ danh nhân văn hóa Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là sản phẩm được các du khách trong và ngoài nước lựa chọn  mua để làm kỉ niệm, quà tặng người thân mỗi lần đến thăm quan Khu di tích Quốc gia đền thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo.

Đa dạng và nâng tầm chất lượng sản phẩm trên thị trường

Chương trình OCOP tại Hải Phòng thời gian vừa qua đã góp phần đưa những sản phẩm có chất lượng đến với người tiêu dùng. Một số chủ thể sau khi tham gia Chương trình đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cơ sở sản xuất. Có thể nhận thấy một số lợi ích mang lại cho các chủ thể khi tham gia Chương trình đó là: Do tận dụng lợi thế bản địa để phát triển sản phẩm OCOP theo hướng đa dạng, chế biến sâu, gia tăng giá trị của sản phẩm so với việc bán thô, không có thương hiệu, không có nhãn mác; Thông qua quá trình chấm điểm sản phẩm theo Bộ tiêu chí, chủ thể tự đánh giá được những thành công, hạn chế trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt khác, các chủ thể còn được tham gia các chương trình hỗ trợ quảng bá và xúc tiến thương mại do Trung ương và các địa phương tổ chức.

tm-img-alt

Hiện nay một số hệ thống siêu thị như Big C, Coopmart đang có chính sách tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP đưa vào hệ thống của họ. Ngoài ra thì việc kết nối các chủ thể với các sàn thương mại điện tử cũng đã giúp các chủ thể tiếp cận thêm với các kênh bán hàng ngoài cách thức truyền thống, góp phần giảm bớt khó khăn cho chủ thể trong khâu tiêu thụ sản phẩm trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.

Có thể nói chất lượng sản phẩm OCOP là yếu tố sống còn, mang tính quyết định đến sự thành bại của Chương trình, đặc biệt là các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống thì bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Việc kiểm soát chất lượng từ khâu đánh giá, phân hạng đến quá trình về sau đang được thực hiện theo các quy định hiện hành. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP trước hết phải từ các chủ thể. Đối với các nhóm sản phẩm thực phẩm và đồ uống, ngay từ khi chuẩn bị các thủ tục để tham gia Chương trình, họ đã chủ động tiến hành đưa mẫu sản phẩm đến các cơ quan có chức năng phân tích chất lượng. Trên cơ sở đó công bố chất lượng sản phẩm theo quy định.

Từ thực tế của một số tỉnh thành đang thực hiện khá tốt Chương trình OCOP trên địa bàn cả nước cho thấy để thực hiện có hiệu quả chương trình này, các địa phương đều chú trọng xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP; trong đó chú trọng hỗ trợ trong việc xây dựng vùng nguyên liệu; cải tiến, nâng cấp máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm; đăng ký nhãn hiệu, mã số, mã vạch sản phẩm; tham gia hội trợ, triển lãm trong và ngoài nước; xây dựng điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP; xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thuê tư vấn giúp chủ thể thực hiện chu trình OCOP.

Hải Phòng với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, hàng năm thu hút khá nhiều du khách tham quan. Do vậy, các ngành cần tham mưu cho thành phố thực hiện việc xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch của thành phố, sản phẩm OCOP sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh của TP. Hải Phòng đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Có thể khẳng định, Chương trình OCOP được triển khai thực hiện đã làm thay đổi khu vực kinh tế nông thôn, hướng người dân chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị. Tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản đặc sản, đặc trưng của từng địa phương theo hướng chuyên nghiệp, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương.

Thông qua việc tiêu chuẩn hóa sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá và phát triển thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn và là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đời sống về mọi mặt cho người dân nông thôn, thực hiện thành công chương trình xây dựng Nông thôn kiểu mẫu,  giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của thành phố Cảng trung dũng quyết thắng./.

Bạn đang đọc bài viết Hải Phòng: Khai thác tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.