Thứ sáu, 29/03/2024 12:59 (GMT+7)

Hải Phòng: Người dân nơm nớp lo sợ khi DN nổ mìn khai thác đá

Phong Linh -  Thứ ba, 10/08/2021 10:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều năm qua, người dân địa phương đã phải sống chung với tiếng ồn, khói bụi, gây ô nhiễm môi trường từ việc khai thác đá của Công ty TNHH Kiên Ngọc.

Theo phản ánh của người dân xã An Sơn, nhiều năm qua, người dân địa phương đã phải sống chung với tiếng ồn, khói bụi, gây ô nhiễm môi trường từ việc khai thác đá của Công ty TNHH Kiên Ngọc. Đặc biệt, tình trạng nổ mìn phá đã của công ty này còn gây ra rung chấn lớn, làm nứt nhiều nhà dân. Thậm chí, đã có những hòn đá bán kính 30-40cm từng bay lạc vào vườn nhà dân lúc trời còn tờ mờ sáng.

Dân đã kiến nghị nhiều lần
Được biết, trước đó vào năm 2014, lo sợ việc nổ mìn khai thác đá của Công ty Kiên Ngọc ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống, người dân xã An Sơn đã nhiều lần kiến nghị tới UBND TP Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… đề nghị doanh nghiệp dừng hoạt động khai thác. Tuy nhiên, sau một thời gian không hoạt động, tháng 4/2020, Công ty Kiên Ngọc lại tiếp tục nổ mìn khai thác đá khiến người dân bất an, lo lắng.

Núi Trại Sơn B nơi Cty TNHH Kiên Ngọc khai thác đá

Anh Vũ Văn Duyến – Thôn 9 Trại Sơn, An Sơn cho biết, gia đình tôi cùng một số hộ dân sống rất gần chân núi (địa điểm khai thác đá của Công ty Kiên Ngọc) nên mỗi lần công ty nổ mìn khai thác đá là một lần chấn động cả khu vực. Sau đó là những cơn bão bụi, phủ dày trên cây, nhà cửa… ngày ngày lặp đi lặp lại ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường không khí và chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt, khoảng 5h sáng ngày 28/7/2021 trong khi cả nhà tôi đang ngủ thì có tiếng rung lớn, sau đó đá sạt lở rơi xuống vườn nhà tôi khiến mọi người đều sợ hãi, lo ngại ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản. Sự việc đã được chúng tôi kiến nghị gửi UBND xã An Sơn, xã cũng đã cho người ra lập biên bản. Chúng tôi mong các cấp chính quyền sớm có biện pháp khắc phục để người dân chúng tôi yên tâm sinh sống – anh Duyến chia sẻ.

Ông Phạm Văn Đảng - trưởng thôn 9 Trại Sơn xã An Sơn cho biết, theo đăng ký thời gian nổ mìn của Kiên Ngọc, công ty sẽ nổ mìn 2 lần/ngày (sáng từ 11h30-13h, chiều từ 16h-17h30). Tuy nhiên trong khoảng thời gian tháng 6 tháng 7 năm 2021 Công ty Kiên Ngọc nổ mìn không theo giờ quy định nào cả, lúc thì trưa lúc thì 6h tối, bắn bừa bãi gây rung động, gây bụi, gây nứt nát nhà dân, thiệt hại là vô cùng lớn. Chúng tôi đã làm đơn kiến nghị gửi UBND xã An Sơn rất nhiều lần nhưng chưa được giải quyết và Công ty Kiên Ngọc vẫn nổ mìn khai thác bình thường.

Không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, việc nổ mìn khai thác đá tại núi Trại Sơn còn tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm tới các di tích lịch sử. Bởi theo phản ánh và ghi nhận thực tế của PV, mỏ đá trên núi Trại Sơn nằm rất gần các di tích cấp thành phố, như: hang Đốc Tít, hang Huyện uỷ (hang Công an), chùa Kim Liên… (Quyết định 734/QĐ-UB xếp hạng di tích lịch sử năm 2005, do Phó Chủ tịch Hoàng Văn Kể ký).

Ông Mạc Vương Quý - thôn 12 xã An Sơn cho biết, hiện khu vực khai thác đá của Công ty Kiên Ngọc đã đến sát 3 ngôi mộ cổ của dòng họ Mạc (3 ngôi mộ này nằm trong vùng lõi của di tích), có niên đại hàng trăm năm, ngự trên đỉnh núi, hiện không còn lối lên, nguy cơ bị xâm hại hiện hữu. Trong đó, một ngôi mộ cổ chỉ cách khu vực đang khai thác khoảng vài mét. Đại diện đơn vị khai thác từng gặp gỡ con cháu dòng họ Mạc để đề nghị di dời mộ cổ. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý và cho rằng, nếu di dời các ngôi mộ cổ, đơn vị này tiếp tục mở rộng khai thác đá. Khi đó dãy núi sẽ bị san phẳng, cụm di tích lịch sử Trại Sơn sẽ bị xâm hại.

Ông Mạc Vương Quý - thôn 12 xã An Sơn trao đổi với phóng viên

Chiều ngày 31/5/2021, hoạt động nổ mìn khai thác đá ngay trên đỉnh núi đã xâm phạm nghiêm trọng tới hiện trạng mộ cổ họ Mạc. Những tảng đá to, nhỏ bắn vào lăng mộ khiến lăng mộ bị nứt nát từ trong ra ngoài, xiêu vẹo, biến dạng trông thật thảm hại, điêu tàn. Trước cảnh tượng đó, chúng tôi dù có trái tim sắt đá, chai sạn đến mấy thì cũng không thể cầm lòng được – ông Quý ngậm ngùi.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đăng – Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết, quan điểm của địa phương là mình phải có trách nhiệm bảo vệ di tích lịch sử, không để doanh nghiệp động vào đó.

Còn liên quan đến mộ cổ nhà ông Quý, chính quyền đã đứng ra làm cầu nối giữa doanh nghiệp và người dân nhưng không thành công. Thực tế 3 ngôi mộ đó nằm trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của công ty. Giờ doanh nghiệp bỏ lại, không khai thác chỗ đó nữa. Nhưng trong quá trình bắn mìn thì chắc chắn không tránh được đá văng khi mộ nằm ngay trên núi – ông Đăng cho biết thêm.

Có mặt tại khai trường vào khoảng 10h42 phút ngày 2/8/2021, quan sát thực tế PV nhận thấy, có một số hộ dân nằm sát mỏ khai thác đá, bởi vậy nên việc đá lăn từ trên cao xuống hoặc việc bắn đá vào nhà dân như phản ánh là hoàn toàn có cơ sở. Còn ghi nhận tại công trường khai thác, xe tải vào “ăn hàng” tấp nập, cuốn theo bụi bay mù mịt. Mặc dù, doanh nghiệp có lắp trạm cân tại cửa mỏ, nhưng tại thời điểm ghi nhận, tất cả các xe chở đá ra khỏi mỏ đều không đi lên trạm cân. Không những thế, nhìn từ điểm cắm cờ thể hiện mốc giới trên đỉnh núi có thể thấy đường lên mỏ của Công ty Kiên Ngọc đang vượt ra khỏi danh giới.

Theo Điểm 2 - Điều 42 Nghị định 158/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật khoáng sản nêu rõ: “Tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin số liệu liên quan.”

Như vậy việc Cty TNHH Kiên Ngọc để xe tải chở đá ra khỏi mỏ nhưng không đi qua trạm cân có đúng quy định hay không.? Việc cấp phép khai thác đá cạnh khu di tích bất cập như thế nào? Mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc và có biện pháp khắc phục để người dân sớm ổn định cuộc sống, tránh gây hoang mang dư luận.

Bạn đang đọc bài viết Hải Phòng: Người dân nơm nớp lo sợ khi DN nổ mìn khai thác đá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới