Thứ ba, 19/03/2024 16:52 (GMT+7)

Hải Phòng thực hiện tốt mục tiêu kép trong năm 2021, năm 2022 quyết tâm thực hiện các mục tiêu lớn

Đồng Văn Nam -  Thứ ba, 07/12/2021 08:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Năm 2022 Hải Phòng chọn chủ đề của thành phố là: “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”.

“Với kết quả đạt được của mục tiêu kép năm 2021: “vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa hồi phục, phát triển kinh tế”, năm 2022 Hải Phòng chọn chủ đề của thành phố là: “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”.

Trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, tác động mạnh hơn đến đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, sát thực tiễn của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự nỗ lực cao độ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, thành phố Hải Phòng đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Một số kết quả nổi bật như sau:

tm-img-alt
Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy phát biểu tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 6
  1. Tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước

Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thành phố đã chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đảm bảo đúng luật định, dân chủ, minh bạch, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 99,78%, cao hơn kỳ bầu cử nhiệm kỳ 2016 - 2021 là 0,31%. Cán bộ chủ chốt của Trung ương và thành phố trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu cao; bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố, quận, huyện; bảo đảm được cơ cấu, chất lượng đại biểu.

  1. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới

Toàn hệ thống chính trị thành phố đã tập trung cao độ, tổ chức thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Trên địa bàn thành phố chưa có ca bệnh nặng, chưa có ca tử vong, là thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất chưa phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tích cực triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 với tinh thần “vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất”. Triển khai phương án đáp ứng điều trị 30.000 bệnh nhân nhiễm Covid-19; mở rộng hệ thống oxy trung tâm cho 100% các bệnh viên tuyến thành phố, bệnh viện/trung tâm y tế có giường bệnh tuyến quận, huyện; xây dựng phương án triển khai Trạm Y tế lưu động và kế hoạch chăm sóc F0 tại nhà. Giữ vững an toàn phòng chống dịch tại khu công nghiệp, khu kinh tế, chưa để phát sinh trường hợp lây lan dịch bệnh. Phối hợp, hỗ trợ các địa phương khác trên cả nước trong công tác phòng, chống dịch: Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội.

  1. Kinh tế thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức cao so với cả nước và các địa phương khác

Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố GRDP (giá so sánh năm 2010) ước tăng 12,5%, tuy không đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch 13,5%) nhưng là mức tăng trưởng cao nằm trong nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 90.421,01 tỷ đồng, đạt 117,2% dự toán Trung ương giao và 101% dự toán HĐND thành phố giao, trong đó: thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước 54.000 tỷ đồng, đạt 109,1% dự toán Trung ương giao và 101,9% dự toán HĐND thành phố giao; thu nội địa ước 35.000 tỷ đồng, đạt 133,1% dự toán Trung ương giao, đạt 100% dự toán HĐND thành phố giao. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 3,13 tỷ USD, tăng 91,44% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,5%; kim ngạch xuất khẩu 25,11 tỷ USD, tăng 23,19%; sản lượng hàng qua cảng 150,16 triệu tấn, tăng 7,35%; tổng vốn đầu tư phát triển 173.975 tỷ đồng, tăng 1,32%. Vốn đầu tư công được tập trung đẩy mạnh giải ngân.

tm-img-alt
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng
  1. Thưc hiện Chủ đề năm “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu” được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đạt kết quả tích cực

Hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, cho chủ trương điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Phê duyệt 08 đồ án điều chỉnh quy hoạch cục bộ; Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố năm 2021. Hoàn thành việc bố trí sắp xếp cho trên 500 hộ dân về chung cư HH4 Đồng Quốc Bình.

tm-img-alt
Tòa chung cư HH3, HH4 Đồng Quốc Bình được hoàn thành trong năm 2021

Trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, như: Dự án công viên nút giao Nam cầu Bính; Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố và Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố tại Khu đô thị Bắc sông Cấm; Dự án chỉnh trang sông Tam Bạc đoạn từ cầu Lạc Long đến cầu Hoàng Văn Thụ; Khu chung cư Vạn Mỹ.

Cơ bản hoàn thành xây dựng các công trình hạ tầng tại 07 xã thí điểm nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2020 với 160/163 công trình, 03/163 công trình đang thi công. Các địa phương đã vận động 4.730 hộ dân (bình quân 591 hộ/xã) hiến tặng 125.724m2 đất (bình quân 15.715 m2/xã) để đầu tư các công trình nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp tục thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 14 xã năm 2021, xác định cụ thể danh mục 49 công trình của 14 xã để khởi công trong quý IV/2021. Các huyện Kiến Thụy, An Dương, Tiên Lãng, Thủy Nguyên đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

  1. Tiếp tục triển khai nhiều dự án hạ tầng quan trọng, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội

Thành phố đã khởi công 10/31 dự án, công trình, khánh thành 11/23 dự án, công trình theo danh mục các dự án, công trình dự kiến khởi công, khánh thành năm 2021 theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 22/12/2020 của Hội đồng nhân dân thành phố. Hoàn thành, trình Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư 14 dự án hạ tầng giao thông, đô thị quan trọng. Hoàn thành, đưa vào khai thác một số công trình: Trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2 đoạn từ nút giao với đường Nguyễn Văn Linh đến đường Tô Hiệu; cầu Dinh; cầu Quang Thanh; tuyến đường nối từ nút giao Nam cầu Bính đến Ngã 4 đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5; tuyến đường trục đô thị nối đường liên phường với đường 356 (giai đoạn II tuyến đường liên phường), quận Hải An; cải tạo, mở rộng nút giao thông ngã 5 Kiến An; đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng; mở rộng đường xuyên đảo Cát Hải (Cái Viềng - Mốc Trắng); cải tạo, nâng cấp đường 356 (đoạn từ ngã ba Hiền Hào đến ngã ba Áng Sỏi, huyện Cát Hải).Đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị hoàn thành một số công trình: đường Đông Khê 2; cầu Rào 1; nút giao khác mức tại Ngã 4 đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5.

tm-img-alt
Công trình cầu Quang Thanh nối huyện An Lão của thành phố Hải Phòng với huyện Thanh Hà của tỉnh Hải Dương, hoàn thành trong năm 2021

Khởi công các dự án: Trung tâm Hành chính - Chính trị quận Ngô Quyền; xây dựng 3 tòa nhà hỗn hợp Hoang Huy Commerce tại phường Kênh Dương và phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân; cải tạo, nâng cấp mở rộng đường Máng nước (từ ngã tư Tôn Đức Thắng - Máng nước - Quốc lộ 5 đến đường Tỉnh 351), huyện An Dương; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền; tuyến đường nối tỉnh lộ 354 qua KCN Kiến Thụy đến đường bộ ven biển tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy; đường nối từ cầu Lạng Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo đến đường bộ ven biển; tuyến đường từ đường bộ ven biển (Km1+00) đến Ngã Ba Vạn Bún (đường Lý Thái Tổ), quận Đồ Sơn; xây dựng mở đường ĐT363 (đoạn kênh Hòa Bình, từ ĐT đến ĐT 361).

  1. Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Tăng cường công tác quản lý thuế, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra và thu hồi nợ đọng thuế. Cân đối, bố trí, đảm bảo đầy đủ, kịp thời kinh phí phòng, chống dịch Covid-19; trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết quy định chính sách đặc thù trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Xây dựng quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ điều tiết các khoản thu giữa các cấp ngân sách chính quyền địa phương và các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 và giai đoạn ổn định ngân sách.

Công bố kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2020 của thành phố. Ban hành và tổ chức thực hiện Quyết định phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025. Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế thành phố đã ký kết Quy chế phối hợp về việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cấp mã số thuế liên thông giữa các đơn vị, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Thành lập Tổ công tác giải quyết trình tự, thủ tục các dự án phát triển du lịch trên địa bàn thành phố.

  1. Chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Kịp thời triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng. Chủ động phương án dự trữ hàng hóa các mặt hàng thiết yếu, sẵn sàng phương án cung ứng hàng hóa cho Nhân dân trong vùng phong tỏa cách ly y tế.

Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em. Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với mức quà tặng cao hơn so với năm 2020. Tiếp tục thực hiện hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ gia đình người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở và hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ nghèo theo các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố. Hỗ trợ từ ngân sách thành phố thêm 30% mức đóng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo và hỗ trợ thêm 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo.

Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về giáo dục đào tạo năm học 2020-2021, chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục được duy trì và nâng cao.

tm-img-alt
Lãnh đạo thành phố tham dự tại điểm cầu tại thành phố Hải Phòng Lễ phát động trực tuyến toàn quốc Chương trình “Sóng và máy tính cho em”

Hải Phòng là một trong số ít địa phương tổ chức dạy học trực tiếp trên toàn thành phố; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng chuyển trạng thái sang dạy học trực tuyến nhờ chủ động trong chuẩn bị về công nghệ, lên phương án điều chỉnh kế hoạch, chương trình. Tổ chức triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được quan tâm, chú trọng.

Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hoạt động giai đoạn 2021-2025 của các chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) có mục tiêu, trọng điểm; tăng cường tiềm lực KH&CN; phát triển thị trường KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển tài sản trí tuệ. Xuất bản, phát hành bộ thông sử đầu tiên của thành phố - công trình Lịch sử Hải Phòng gồm 4 tập, bao quát toàn bộ lịch sử vùng đất Hải Phòng từ khởi nguồn đến năm 2020. Nâng cao chất lượng tuyên truyền và cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về tình hình kinh tế - xã hội thành phố, công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp tục triển khai Hệ thống phần mềm một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến thành phố; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, trả kết quả dịch vụ bưu chính công ích. Xây dựng, trình Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan, biểu diễn nghệ thuật chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của đất nước và thành phố. Thực hiện thành công các vở diễn, chương trình thuộc Đề án sân khấu truyền hình với quy mô và hình thức tổ chức các hoạt động phù hợp, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19; đăng cai tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021; xây dựng Đề án bổ sung tượng danh nhân, công trình điêu khắc đặt tại một số công viên - vườn hoa trên địa bàn thành phố Hải Phòng và Đề án số hóa xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

  1. Công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu được chú trọng.

Phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Cát Hải; Kế hoạch sử dụng đất hàng năm 13 quận, huyện. Chỉ đạo thực hiện cưỡng chế đối với các vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng... thực hiện thu hồi đất để phục vụ các dự án, công trình, nhất là mặt bằng phục vụ phát triển các khu công nghiệp để hoàn thiện kết cấu hạ tầng và tạo quỹ đất thu hút đầu tư. Hoàn thành công tác tổ chức cưỡng chế, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại khu đất 9,2ha thuộc phường Thành Tô, quận Hải An, bảo đảm đúng kế hoạch, tiến độ đề ra, tuyệt đối an toàn, đúng quy định của pháp luật.

Ban hành các văn bản tăng cường quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng trên địa bàn thành phố. Rà soát các cơ sở nguy cơ gây ô nhiễm trong khu dân cư. Hoàn thiện Đề án cơ sở dữ liệu tài nguyên nước thành phố Hải Phòng (giai đoạn 1). Phê duyệt Chương trình quan trắc môi trường thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục duy trì hoạt động của Trung tâm điều khiển tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường tiếp nhận dữ liệu video và dữ liệu quan trắc tự động từ các chủ nguồn thải trên địa bàn thành phố truyền về. Thực hiện các chương trình quan trắc môi trường theo đề án quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường được phê duyệt. Triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

  1. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp được đẩy mạnh.

Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, lãng phí được thực hiện nghiêm theo đúng chỉ đạo của Trung ương. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật trên địa bàn thành phố tiếp tục được chú trọng, nâng cao chất lượng. Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật gây vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục thực hiện sắp xếp các cơ quan chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố, xây dựng “Chính quyền điện tử”, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

  1. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Các hoạt động đối ngoại tiếp tục được thực hiện nhất quán theo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi. Tiếp tục triển khai 25 thỏa thuận/biên bản ghi nhớ còn hiệu lực; bổ sung 01 bản ký kết ghi nhớ thúc đẩy hợp tác giáo dục và văn hóa với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam. Tổ chức công tác chuẩn bị phục vụ Đoàn đánh giá của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đối với Hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.

tm-img-alt
Đảo Cát Bà - điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước
  1. Tích cực triển khai nghiên cứu, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng phát triển thành phố với tầm nhìn chiến lược, dài hạn

Hoàn thành xây dựng Đề án, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù cho phát triển của thành phố Hải Phòng.

tm-img-alt
Hệ thống cảng biển ở Hải Phòng đã góp phần quan trọng thúc đẩy giao thương quốc tế của Việt Nam

Tích cực triển khai lập Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham mưu sơ kết, tổng kết, xây dựng các nghị quyết chuyên ngành trên địa bàn thành phố. Xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố khóa XV về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thành phố 5 năm 2021 - 2025.

Năm 2022, dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch Covid-19 còn có thể kéo dài, thế giới và nước ta có khả năng sẽ phải chấp nhận sống chung lâu dài với dịch bệnh. Đối với thành phố, sự ổn định trong phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cải thiện, sự lan tỏa của cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XXVI Đảng bộ thành phố, đặc biệt là thực hiện thắng lợi các giải pháp đột phá về xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng và nhiệm vụ, giải pháp về phát triển hạ tầng giao thông nông thôn gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, chuyển đổi số mạnh mẽ trên địa bàn thành phố, chủ đề năm 2022 là: “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”.

Theo đó, thành phố sẽ đẩy nhạnh tiến độ công tác chuẩn bị, hoàn thiện thủ tục để triển khai các dự án, công trình trọng điểm thực hiện 3 giải pháp đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXVI; tổ chức triển khai Chương trình phát triển đô thị thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 và Đề án chỉnh trang đô thị giai đoạn 2020-2025 nhằm mục tiêu xây dựng chỉnh trang đô thị thành phố đến năm 2025 đạt các tiêu chí đô thị loại I, hướng tới đô thị đặc biệt, cụ thể:

  1. Tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch Covid-19; chủ động từ sớm, từ xa trong việc xây dựng các kế hoạch, kịch bản để ứng phó kịp thời, linh hoạt, sáng tạo trong mọi tình huống, giữ vững thành quả chống dịch, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn; thực hiện bằng được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế với tinh thần vì sức khỏe cộng đồng, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết. Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng vắc-xin phòng dịch Covid-19 cho Nhân dân thành phố; chủ động mua thuốc điều trị Covid-19 theo công nghệ mới.

Tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại các Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng đã được Quốc hội thông qua.

  1. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn chi

Giữ vững vị trí xếp hạng PCI của thành phố trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt; điểm số PCI đạt từ 70 điểm trở lên.

Đổi mới phương thức và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế. Chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, xúc tiến đầu tư trực tuyến; thu hút các dự án lớn, công nghệ cao có vai trò dẫn dắt, đóng góp lớn cho thành phố, trong đó thu hút FDI theo 4 định hướng lớn là chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, có sự cam kết chuyển giao công nghệ và lao động có kỹ năng cao. Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nắm bắt thời cơ thu hút nguồn lực bên ngoài, đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI sau đại dịch Covid-19. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho các dự án ngoài ngân sách đẩy nhanh tiến độ đưa vào hoạt động.

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

tm-img-alt
Một góc đô thị khu nút giao Nam Cầu Bính Hải Phòng

Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chống thất thu ngân sách; tập trung triển khai hóa đơn điện tử; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý ngân sách. Tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên khoáng sản, bất động sản thuộc sở hữu của Nhà nước. Tập trung rà soát các dự án đã và đang thực hiện để yêu cầu nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, kiên quyết thu hồi các khoản nợ đọng theo quy định để bổ sung vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Siết chặt kỷ cương, thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý thu, chi ngân sách.

Tiếp tục đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách, ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu đột phá, dự án, công trình trọng điểm và lĩnh vực an sinh xã hội; tăng cường phân cấp cho quận, huyện trong lĩnh vực thu, chi ngân sách, quản lý vốn đầu tư công.

  1. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 03 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao; cảng biển - logistics; du lịch - thương mại

Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là hoạt động của các Tập đoàn lớn như LG, Vingroup, các cơ sở sản xuất công nghiệp có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, tạo việc làm, nhằm đảm bảo duy trì hoạt động ổn định và phát huy tối đa công suất. Tạo mọi điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp nhằm sớm đưa vào hoạt động năm 2022, tạo thêm năng lực sản xuất và sản phẩm mới cho nền kinh tế.

Lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đẩy nhanh tiến độ mở rộng Khu công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn 3; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và thành lập các khu, cụm công nghiệp mới. Triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN: CCN Tân Trào (huyện Kiến Thụy), CCN Giang Biên (huyện Vĩnh Bảo), CCN Tiên Cường II, Tiên Cường III, CCN Đại Thắng (huyện Tiên Lãng), CCN Mỹ Đồng (huyện Thủy Nguyên), CCN Cẩm Văn (huyện An Lão)…. Tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, quỹ đất để thu hút ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, các dự án công nghiệp quy mô lớn có công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách. Tạo điều kiện thuận lợi để sớm khởi công xây dựng các dự án nhà ở công nhân của Công ty TNHH Regina, Công ty Pegatron Việt Nam, Công ty USI Việt Nam.

Tập trung phát triển, hiện đại hóa cảng biển, dịch vụ logistics. Khởi công dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3, 4, 5, 6 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Nâng cao năng lực xếp dỡ; duy trì độ sâu luồng hàng hải để đón thường xuyên các tàu vận tải có trọng tải lớn ra vào hệ thống cảng biển. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng vận tải biển lớn thiết lập trụ sở, chi nhánh tại thành phố; thu hút các doanh nghiệp logistics có thương hiệu, uy tín đầu tư vào thành phố.

  1. Xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại

Khẩn trương hoàn thành Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Triển khai lập các quy hoạch phân khu chức năng theo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng theo quy hoạch.

Tổ chức lập, triển khai Chương trình phát triển đô thị thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 và Đề án chỉnh trang đô thị giai đoạn 2020-2025 nhằm mục tiêu xây dựng chỉnh trang đô thị thành phố đến năm 2025 đạt các tiêu chí đô thị loại I, hướng tới đô thị loại đặc biệt. Khởi công dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố, hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc sông Cấm. Lựa chọn, triển khai đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các phường ven đô, giáp các huyện, từng bước đáp ứng tiêu chí đô thị loại I.

tm-img-alt
Khu nút giao ngã 5 đường Lê Hồng Phong

Đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng đang triển khai, như: Tuyến đường bộ ven biển, mở rộng đường 359, đường Đông Khê 2, Quốc lộ 10 (cầu Đá Bạc - cầu Kiền), cầu Rào 1 và đường Lạch Tray… đồng thời triển khai các công trình mới: cầu Nguyễn Trãi; cầu Bến Rừng; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37 đoạn qua địa phận thành phố Hải Phòng…

  1. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Tiếp tục đẩy mạnh thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức, kiểm tra đánh giá hiệu quả của việc thực hiện các cơ chế, chính sách đã thực hiện hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.Tiếp tục thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp, kém hiệu quả sang sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao, khắc phục tình trạng bỏ ruộng không canh tác, gây lãng phí đất đai; phát triển mạnh khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo quy định. Chuyển đổi hình thức chăn nuôi từ quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình sang quy mô chăn nuôi trang trại. Ưu tiên phát triển sản xuất các loại sản phẩm chủ lực, Chương trình sản mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP): hỗ trợ nâng cấp, phát triển cho 60 sản phẩm OCOP thành phố; thực hiện đánh giá, phân hạng cho 65 sản phẩm; củng cố, phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại có sản phẩm tham gia chương trình OCOP.Phát triển đội tàu khai thác thủy sản xa bờ với các trang thiết bị hiện đại, quản lý chặt chẽ việc khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Chính phủ; hoàn thành xây dựng tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu về giao thông tại 14 xã được lựa chọn thêm để triển khai thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021. Triển khai hiệu quả Đề án và Nghị quyết về xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 của thành phố.

  1. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế. Giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học. Chủ động chuẩn bị cơ cở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới; tổ chức rà soát, đánh giá tình hình thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ trường chuẩn quốc gia, ưu tiên bố trí nguồn lực cho nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các chương trình, kế hoạch KH&CN có mục tiêu, trọng điểm giai đoạn 2021-2025. Hỗ trợ thành lập doanh nghiệp KH&CN và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo. Tăng cường hoạt động tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm trọng điểm, chủ lực của thành phố. Xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trong việc triển khai các hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo để phát triển và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH&CN, nhất là trong các lĩnh vực Cách mạng công nghiệp 4.0 và KH&CN biển. Đổi mới đồng bộ cơ chế, phương thức quản lý tổ chức, hoạt động KH&CN; tăng cường tiềm lực KH&CN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực KH&CN.

tm-img-alt
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam phát biểu tại Hội thảo

Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai dự án “Thực hiện một số nội dung để xây dựng chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025”. Xây dựng hạ tầng, nền tảng, dịch vụ dùng chung chính quyền số thành phố là hạt nhân, nền móng xây dựng và phát triển Chính quyền số và dẫn dắt Chuyển đổi số, gồm các hạng mục: phát triển hạ tầng số; phát triển dữ liệu số; phát triển các nền tảng số; phát triển ứng dụng, dịch vụ số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng toàn thành phố.

  1. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng

Quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản, kiểm soát chất thải đô thị, nông thôn, các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế. Hoàn thành và triển khai Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố. Tiếp tục xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung thành phố, cải thiện chất lượng không khí ở đô thị và các khu công nghiệp. Thu hút đầu tư các dự án khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch (dự án điện khí sử dụng LNG, điện gió, dự án xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện). Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, giám sát môi trường. Quản lý và bảo vệ chặt chẽ nguồn nước ngọt, môi trường các lưu vực sông, xử lý ô nhiễm khu vực cửa biển; chú trọng bảo vệ đa dạng sinh học bảo tồn các khu vực rừng nguyên sinh, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà, Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ. Chủ động ứng phó sự cố môi trường, sự cố tràn dầu.

  1. Thực hiện các chương trình phát triển văn hóa, con người, bảo đảm an sinh và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân

Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện nghiêm Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn về phòng chống dịch bệnh Covid-19 và bệnh đường hô hấp cấp trong các cơ sở y tế. Đảm bảo 100% bác sĩ được đào tạo về thu dung điều trị và phân loại bệnh nhân mắc Covid-19. Giám sát, phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nghiêm trọng trong năm 2022. Phát triển y tế tư nhân, tăng cường phối hợp y tế công - tư. Xây dựng Đề án trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết về “Chính sách dân số và phát triển của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.

  1. Cải cách hành chính, tư pháp, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Đẩy mạnh số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Triển khai xây dựng và vận hành Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh; vận hành, nâng cấp, mở rộng Trung tâm dữ liệu thành phố. Có biện pháp để tiếp cận và hỗ trợ triển khai công nghệ 5G sớm để tạo nền tảng công nghệ triển khai các biện pháp cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bám sát thực tiễn, hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực thi trách nhiệm giải trình, bảo đảm công khai, minh bạch. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động. Xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được Thủ trưởng cùng cấp phê duyệt, kịp thời xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra hoạt động thanh tra; thực hiện hiệu quả công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phấn đấu tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt trên 85%, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài, các quyết định khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực. Xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống tham nhũng năm 2022 theo định hướng, kế hoạch của Thanh tra Chính phủ. Tiếp tục triển khai công tác kiểm soát tài sản thu nhập theo quy định của pháp luật phòng, chống tham nũng.

  1. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; duy trì nghiêm chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu, nắm chắc tình hình địa bàn, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội

Nâng cao hiệu quả hợp tác và hội nhập quốc tế toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng tính hiệu quả, giá trị hợp tác thực chất. Phát huy vai trò của thành phố tại các cơ chế đa phương. Tích cực triển khai hoạt động liên kết vùng trong khuôn khổ tuyến “hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc. Đa dạng hóa, đổi mới, nâng cao chất lượng, khai thác hiệu quả các kênh thông tin đối ngoại nhằm giới thiệu, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh của thành phố. Làm tốt công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài và tranh thủ tối đa nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp phục vụ phát triển thành phố. Nâng cao giá trị kiều hối và viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

tm-img-alt
Cảng hàng không quốc tế Cát Bi

Nắm chắc tình hình địa bàn, giữ vững ổn định chính trị, tạo sự chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội, không để xảy ra bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, tổ chức tuần tra vũ trang, kiểm tra hành chính tại các điểm, tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự. Tăng cường công tác quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài, quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cư trú, xuất nhập cảnh trái phép.

Như vậy, có thể thấy khối lượng công việc phát triển, mở mang, chỉnh trang đô thị trong năm 2022 là vô cùng lớn. Tuy nhiên, thành phố sẽ tiếp tục tập trung phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng nhanh, tái cơ cấu các ngành kinh tế. Tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội thực hiện tốt chủ đề năm 2022: “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số tận dụng mọi thời cơ để phát triển, đóng góp nhiều hơn cho kinh tế Thành phố và đất nước.

Bạn đang đọc bài viết Hải Phòng thực hiện tốt mục tiêu kép trong năm 2021, năm 2022 quyết tâm thực hiện các mục tiêu lớn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Công an quận Tây Hồ tổ chức hội nghị tổng kiểm tra
Chiều ngày 15/3/2024, CA quậnTây Hồ đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch tổng điều tra cơ bản, tuyên truyền vận động và kiểm tra, xử lý đối với tất cả các xe ba, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp, xe mô tô kéo theo xe khác, vật khác trên địa bàn.

Tin mới

Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Bài thơ: Im lặng để mất nhau
Anh im lặng , em cũng sẽ lặng im////Dù con tim hình bóng anh khuất lấp///Niềm nhớ thương dành cho anh duy nhất///Cũng im lìm chẳng nhắn gọi anh đâu...
Bài thơ: Lòng cỏ
Đôi khi lòng đau như cỏ///Vết chân vô ý lướt qua,///Có khi lòng vui như cỏ///Bàn chân mềm mại thướt tha.