Thứ tư, 24/04/2024 16:41 (GMT+7)

Hạn hán ở lưu vực sông Ba sẽ trầm trọng hơn

MTĐT -  Thứ năm, 24/03/2022 08:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dưới tác động của biến đổi khí hậu và sự thay đổi mục tiêu sử dụng đất, hạn hán tại lưu vực sông Ba được dự báo sẽ trở nên nghiêm trọng và khó lường hơn.

Hạn hán ở lưu vực sông Ba sẽ trầm trọng hơn
Hạn hán làm cây cà phê chết khô ở Gia Lai mùa khô năm 2019. Nguồn: vov.vn

Kết luận này được rút ra từ nghiên cứu “Assessment the impacts of climate change on drought in the Ba River basin, Central Vietnam using Landsat remote sensing data” (Đánh giá những tác động của biến đổi khí hậu lên hạn hán ở đồng bằng sông Ba, miền Trung Việt Nam, bằng dữ liệu viễn thám Landsat) của Thẩm Thị Ngọc Hân (Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Vũ trụ TP.HCM) và cộng sự xuất bản trên tạp chí IOP Conference Series: Earth and Environmental Science. Đây là một phần của đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tác động của quá trình biến đổi khí hậu và các hoạt động kinh tế-xã hội đến môi trường lưu vực sông Ba/Đà Rằng bằng công nghệ viễn thám và GIS” (Chương trình KH&CN Vũ trụ giai đoạn 2016-2020).

Là con sông lớn nhất vùng ven biển miền Trung, sông Ba chảy qua ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Phú Yên, lưu vực sông có tổng diện tích 13.900 km². Do đó, tác động của biến đổi khí hậu lên con sông này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội trong vùng. Kể từ năm 2010, người dân lưu vực sông Ba đã mở rộng các diện tích trồng cà phê, cao su, tiêu, điều… Mặc dù đem lại thu nhập nhất định cho người dân nhưng việc canh tác, trồng trọt ngày càng phải đối mặt với rủi ro khi khí hậu ấm lên khiến các sự kiện hạn hán xuất hiện ngày một trầm trọng hơn.

Để tìm hiểu kỹ về tác động này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các hình ảnh vệ tinh, dữ liệu mặt đất và các tài liệu liên quan về lưu vực sông Ba để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu lên hạn hán, một hiện tượng thời tiết cực đoan đã xảy ra ở khu vực này thời gian qua. Họ nhận thấy, từ năm 1989 đến năm 2019, sự thay đổi mục tiêu sử dụng đất đã làm giảm đột ngột 41,5% diện tích rừng, trong đó khu vực phía Tây và Đông Nam thay đổi nhiều nhất. Bên cạnh đó, với tỉ lệ gia tăng 7,2%, trong vòng từ năm 2005 đến 2019, đất nông nghiệp đã tăng 38,2%. Chỉ có khu phía Bắc – một phần của vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng - và rừng trên nhiều rặng núi giữa Phú Yên và Đắk Lắk, và Đông Gia Lai là còn nguyên vẹn.

Trong khi đó, việc dùng chỉ số mức khô hạn nhiệt độ - thực vật (TVDI) để xác định độ ẩm đất cho thấy sự khô hạn trong lưu vực sông Ba có xu hướng gia tăng từ năm 2005 đến năm 2019 và rất có thể sẽ tiếp tục duy trì xu hướng này trong những năm tiếp theo. Dữ liệu lịch sử cho thấy, năm trong số sáu năm có hiện tượng El Niño là nguyên nhân dẫn đến các trận hạn hán của vùng, trong đó giai đoạn 2014-2016 và 2018-2019 trầm trọng nhất và mức độ thay đổi dễ nhận thấy là vào năm 2016 khi chỉ số TVDI cao nhất trong hai thập kỷ. Theo tính toán của họ, hạn hán xuất hiện tới 99,2% trên các diện tích nông nghiệp vào năm 2016 và 87,3% vào năm 2019. Riêng năm 2016, hạn hán dẫn đến mất mùa và làm thiệt hại hơn 2.100 tỉ đồng.

Điều đáng ngại hơn cả là vào năm kế tiếp năm có hiện tượng El Niño, ví dụ như năm 2016, lượng mưa và dòng chảy trên sông Ba chỉ ở mức 50 đến 70% so với trung bình hằng năm và ở một số khu vực, lượng mưa chỉ còn ở mức 20%.

Trước đó, trong báo cáo “Mối liên hệ giữa hạn khí tượng và thay đổi quyền sử dụng đất ở lưu vực sông Ba” tại hội nghị quốc tế về thông tin địa lý và cơ sở hạ hầng vào năm 2021, các tác giả đã dự tính nhiệt độ sẽ tăng 0,7 đến 3.5oC từ năm 2025 đến cuối thế kỷ 21, gia tăng độ bốc hơi nước từ 5,93% đến 25,65%... Hạn hán trầm trọng sẽ xuất hiện thường xuyên hơn ở vùng trung và thượng nguồn sông Ba.

Với tất cả những phát hiện này, các nhà nghiên cứu cho rằng, tình trạng hạn hán ở sông Ba dưới tác động của biến đổi khí hậu và thay đổi mục tiêu sử dụng đất sẽ ngày càng trở nên khắc nghiệt. Trước nguy cơ hạn hán đe dọa sinh kế của người dân nơi này trong tương lai, chính quyền và các cơ quan chức năng cần có những giải pháp và hành động để chuẩn bị đối đầu với hạn hán.

Bạn đang đọc bài viết Hạn hán ở lưu vực sông Ba sẽ trầm trọng hơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tia Sáng

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.