Thứ sáu, 29/03/2024 02:56 (GMT+7)

Hạn mặn miền Tây: Né thời vụ để tránh thiệt hại

MTĐT -  Thứ sáu, 20/03/2020 16:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các chuyên gia, về lâu dài, người dân ĐBSCL nên né thời vụ để tránh thiệt hại, thay vì đương đầu sẽ thiệt hại nặng nề thêm.

Các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang trải qua đợt hạn mặn lịch sử. Hạn mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long trừ Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ.

Đến thời điểm này, 5 tỉnh miền tây đã công bố tình huống khẩn cấp vì hạn mặn bao gồm Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang và Long An.

5 tỉnh phải công bố tình trạng khẩn cấp vì hạn mặn. 

Dù đã rút kinh nghiệm năm 2016 và các địa phương đã sớm chủ động ứng phó nhưng thiệt hại vẫn xảy ra. Tuy chưa có thống kê chính thức nhưng con số thiệt hại không hề nhỏ.

Tại Sóc Trăng, ông Phạm Tấn Đạo - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng - cho biết xâm nhập mặn đã làm khoảng 1.000ha lúa đông xuân của huyện Trần Đề bị ảnh hưởng năng suất và trên 1.500ha lúa vụ 3 của huyện Long Phú bị thiệt hại.

Tại Bến Tre, dự kiến hơn 5.000ha lúa vụ 3 cũng sẽ bị mất trắng. Còn ở Tiền Giang, ngay trong vùng ngọt hóa, cây lúa cũng đang điêu đứng vì không có nước ngọt, nguy cơ giảm năng suất rất cao...

Không chỉ cây lúa, tại Bến Tre, khoảng 20.000ha cây ăn trái được đặt trong tình huống "báo động đỏ" khi nguồn nước tưới bị thiếu hụt. Đến đầu tháng 3, đã có nhiều vườn sầu riêng bị chết nhánh, khô lá, rụng trái do lâu ngày không được tưới.

Tương tự, tại vùng chuyên canh cây sầu riêng thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nhiều diện tích cây sầu riêng đã bị khô héo, rụng trái...

Người dân ở Tiền Giang, Bến Tre hàng ngày sống nhờ vào những can nước xin từ điểm cấp miễn phí. Ảnh: VNE.

Theo dự báo, độ mặn năm nay có khả năng cao hơn trung bình của nhiều năm và cao hơn thiên tai năm 2016. Cùng với đó, ngành nông nghiệp cho biết xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang rất gay gắt và tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô.

Nguyên nhân là do lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mê Kông rất ít vì bị ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino. Lượng mưa thấp kỷ lục này khiến nước đổ về hạ nguồn không nhiều. Cũng chính vì ít mưa nên dẫn đến việc các đập thủy điện dọc lưu vực sông Mê Kông phải tích nước cho đến khi đầy mới xả ra để phát điện. Điều này khiến lượng nước đổ về hạn nguồn là rất ít và tình trạng hạn mặn càng thêm nghiêm trọng.

Thuận theo tự nhiên

Trao đổi với VietnamNet, Th.s Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL cho biết, về lâu dài để giải quyết bài toán hạn mặn ở ĐBSCL, thứ nhất phải tách chuyện nước sinh hoạt và sản xuất ra làm riêng biệt, không nhập nhằng như trước đây nữa.

“Trước đây, mình cứ nói ngăn mặn, trữ ngọt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt, cái này rất không ổn. Nước ngọt để sản xuất thì làm sao sử dụng được cho sinh hoạt, vì thuốc trừ sâu, ô nhiễm.

Tổng nhu cầu nước ngọt vùng ven biển là 100%, nhưng nước sinh hoạt chỉ 5%, lâu nay không tách ra nên dẫn đến tình trạng không đáp ứng được cái nào cả. Bây giờ tách ra đi, 5% nước sinh hoạt mỗi hộ có thể làm ao chứa nước hay áp dụng các công nghệ nano, dùng túi vải địa chất để chứa.

Song, ao nước ngọt dùng cho sinh hoạt phải cách biệt, an toàn”, ông nói và dẫn chứng, từ lâu dân sống ở vùng mặn đã quen, nhà nào cũng ít nhất cả chục lu, hồ xi măng… để chứa nước ngọt. Tách nhu cầu riêng, không vì cái nọ mà làm cái kia, lấp công trình lung tung.

Để đối phó với hạn, mặn trong canh tác nông nghiệp, theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, trong những năm quá cực đoan, cách tốt nhất là né thời vụ để tránh thiệt hại, thay vì đương đầu sẽ thiệt hại nặng nề thêm.

Về lâu dài, dân ĐBSCL cần sống thuận theo tự nhiên. "Thuận tự nhiên không có nghĩa là phó mặc trời đất. Quan trọng là cần hiểu quy luật tự nhiên, cái nào can thiệp được, cái nào không để tránh can thiệp thô bạo và phải trả giá khi thiên nhiên lên tiếng. Thay vì cứ loay hoay hết chống lũ lại quay sang chống hạn mặn, mệt nhoài cả năm, chúng ta nên hiểu và thích ứng để đỡ tốn sức và tận dụng được cơ hội", ThS Thiện nói.

Theo ông, chìa khóa của việc sống thuận theo tự nhiên là chuyển hóa nền nông nghiệp ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ, chuyển từ nông nghiệp thuần túy, chạy theo số lượng sang nông nghiệp công nghệ, số lượng ít nhưng giá trị cao, đa dạng hơn. Cụ thể, cần giảm bớt một vụ lúa ở vùng đầu nguồn để hấp thu nước lũ cùng phù sa và tôm cá vào ruộng đồng. Điều này giúp

Tách nước sinh hoạt khỏi nước sản xuất không khả thi

Tuy nhiên, theo báo Đất Việt, với những giảm pháp trên, lãnh đạo các Sở NN-PT-NT các địa phương lại có những ý kiến trái chiều.

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở NN-PT-NT Kiên Giang cho biết, tách nước sinh hoạt khỏi nước sản xuất là không khả thi. Ông Tâm giải thích, hiện nay cả nước sinh hoạt và nước sản xuất đều được lấy chung từ nguồn nước ngầm tự nhiên.

Trong bối cảnh hạn hán chung, nguồn nước ngầm cũng bị cạn kiệt. Trong khi để bảo nguồn nước ngọt cho người dân sinh hoạt, nhà máy xử lý nước phải tận dụng mọi nguồn nước ngọt, kể cả lấy lại nước sản xuất để xử lý.

Còn ông Trịnh Công Minh - Phó Giám đốc Sở NN-PT-NT Tiền Giang cho biết, tách nước sinh hoạt khỏi nước sản xuất là yêu cầu bắt buộc và Tiền Giang đã làm từ lâu.

Theo ông Minh, Bộ Y tế có quy định rất rõ về tiêu chuẩn đối với nước sinh hoạt và nước sản xuất, không thể lẫn lộn.

Với nước sinh hoạt, ông Minh cho biết Tiền Giang đã sử dụng hệ thống ống dẫn nước từ nhà máy xử lý nước sạch tập trung dẫn trực tiếp tới từng hộ gia đình. Tính tới cuối năm 2019, việc kéo nước ngọt từ các nhà máy xử lý nước tập trung phục vụ cho người dân đã đáp ứng được tới 94%, còn khoảng 6% các hộ dân ở những khu vực có địa hình khó khăn đang được tỉnh tìm phương án hỗ trợ cho người dân có nước sử dụng.

Ths Nguyễn Hữu Thiện cho biết thêm, việc gộp các mục tiêu ngăn mặn, trữ ngọt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt vô tình làm mất đi chức năng tự xử lý của dòng chảy, khiến dòng chảy dẫn nước ngọt bị yếu đi.

Thêm vào đó, dòng chảy lại còn phải tiếp nhận thêm một lượng phân bón, thuốc trừ sâu rất lớn, nguy cơ ô nhiễm cao, không thể sử dụng cho sinh hoạt.

Vì những lý do trên, ông cho rằng yêu cầu phải tách nước sinh hoạt ra khỏi nước sản xuất là tất yếu, buộc phải làm.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hạn mặn miền Tây: Né thời vụ để tránh thiệt hại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.