Thứ năm, 28/03/2024 18:46 (GMT+7)

Hàng loạt doanh nghiệp điện gió đối mặt nguy cơ phá sản, xin "đường lùi"

MTĐT -  Thứ ba, 26/10/2021 10:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), Việt Nam sẽ có khoảng 4.000 MW dự án điện gió “lỡ hẹn” vận hàng thương mại (COD), dẫn đến tổn thất rất lớn về đầu tư và việc làm trong tương lai.

Theo số liệu tính toán của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), Việt Nam sẽ có khoảng 4.000 MW dự án điện gió “lỡ hẹn” vận hàng thương mại (COD), dẫn đến tổn thất rất lớn về đầu tư và việc làm trong tương lai. Với rủi ro tài chính ước tính ở mức 6,51 tỷ USD chi phí tài sản cố định, và 151 triệu USD chi phí vận hành hàng năm...

tm-img-alt
GWEC dự báo, sẽ có khoảng 4.000MW dự án điện gió “lỡ hẹn” COD, ước tính rủi ro tài chính lên tới 6,51 tỷ USD chi phí tài sản cố định, và 151 triệu USD chi phí vận hành hàng năm.

Nhiệm vụ “bất khả thi”

Tập đoàn HBRE cùng với đối tác hiện đang triển khai đầu tư xây dựng các nhà máy điện gió với tổng công suất 370MW tại các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Hà Tĩnh. Ông Hoàng Ngọc Quy, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn HBRE chia sẻ: Trong thời gian qua, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 lần thứ 4 đã gây rất nhiều khó khăn cho HBRE nói riêng và ngành điện gió nói chung.

Đơn cử như tại dự án Trang trại phong điện HBRE Chư Prông, tỉnh Gia Lai, tập đoàn này đang thi công ngày đêm với 3 ca liên tục trong thời gian qua. Đến nay dự án đã hoàn thành 2/3 khối lượng lắp đặt tuabin và chỉ còn gần 1 tháng để hoàn thành xây dựng, thủ tục nghiệm thu và công nhận COD trước 01/11/2021 để được hưởng giá mua điện 8,5 UScent/kWh đối với điện gió trên đất liền theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là thách thức không nhỏ của HBRE nói riêng và các nhà máy đang xây dựng nói chung.

Số liệu mới nhất của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, trong số 106 nhà máy điện gió với tổng công suất 5.655,5 MW đăng ký vận hàng thương mại (COD) thì đến ngày 22/10/2021, mới có 28 nhà máy điện gió với tổng công suất 1.247,4 MW đã được công nhận COD.

Như vậy, chỉ còn khoảng 1 tuần nữa, hàng chục dự án còn lại sẽ phải hoàn thành để hưởng giá FIT, như lời một nhà đầu tư chia sẻ thì “đây là một nhiệm vụ “bất khả thi””.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội điện gió và mặt trời Bình Thuận cho biết đã gửi đi không biết bao nhiêu kiến nghị về lùi thời hạn áp dụng giá FIT cho điện gió. Ông Thịnh cho biết, ở Bình Thuận có 6 dự án điện gió, cơ bản đáp ứng tiến độ về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn đang vướng chồng lấn quy hoạch titan. Nhìn chung, trên phạm vi cả nước, có rất ít dự án có thể kịp tiến độ FIT. Giờ này, 106 dự án đăng ký COD chỉ một phần dự án hòa lưới.

Đến lúc này, ông Thịnh dự báo rằng trên phạm vi cả nước sẽ có “rất nhiều dự án sẽ bị bỏ lại sau lưng”, kéo theo rất nhiều hệ lụy từ vỡ phương án tài chính, công ty phá sản, nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Việt Nam.

Số liệu tính toán của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) đưa ra, sẽ có khoảng 4.000MW dự án điện gió “lỡ hẹn” COD, dẫn đến tổn thất rất lớn về đầu tư và việc làm trong tương lai.

GEWC ước tính, rủi ro tài chính lên tới 6,51 tỷ USD chi phí tài sản cố định, và 151 triệu USD chi phí vận hành hàng năm. Do phần lớn những khoản đầu tư này sẽ được đưa vào Việt Nam thông qua các hoạt động xây dựng và dịch vụ tại địa phương, tổn thất đối với nền kinh tế nội địa sẽ rất rõ rệt.  

Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10/09/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, giá ưu đãi cố định (giá FIT) cho điện gió trên biển là 9,8 cents/kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cents/ kWh (khoảng 1.927 đồng). Giá này chưa gồm thuế giá trị gia tăng (VAT), được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Quyết định 39 đã tạo động lực thúc đẩy thị trường điện gió tại Việt Nam phát triển sau một thời gian trầm lắng do giá thấp. Đã có hàng trăm dự án điện gió được đề xuất bổ sung quy hoạch và đang được thi công xây dựng. Tuy nhiên, do quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và cung cấp thiết bị, linh phụ kiện điện gió…, từ đó gây ảnh hưởng đến tiến độ cung cấp turbine, kéo dài thời gian thi công, lắp đặt và làm chậm tiến độ đưa vào vận hành của các dự án điện gió.

Trong trường hợp không kịp vận hành trước 01/11/2021, các dự án điện gió sẽ phải chuyển sang cơ chế đấu thầu giá và Bộ Công Thương đang trong quá trình hoàn thiện cơ chế này.

Kéo dài thời hạn áp dụng cơ chế FIT

Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp điện gió khẩn thiết kiến nghị lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT đối với điện gió để tránh nguy cơ phá sản phương án tài chính kinh doanh của nhà đầu tư.

“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ quan tâm, xem xét lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT đối với điện gió trên đất liền đến tháng 12/2022 và điện gió ngoài khơi đến tháng 12/2025”, lãnh đạo HBRE mong muốn.

tm-img-alt
Dịch Covid-19 tại Việt Nam đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công của các dự án điện gió, do giãn cách xã hội đã hạn chế sự di chuyển và đi lại.

Đồng quan điểm, GWEC và ngành điện gió toàn cầu kiến nghị Chính phủ cho phép giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm ít nhất 6 tháng, như một biện pháp cứu trợ Covid-19 cho ngành điện gió Việt Nam.

Ông Mark Hutchinson, đại diện GWEC chia sẻ, với sự chậm trễ đáng kể của nhiều dự án điện gió trên bờ ở Việt Nam, GWEC đã đề nghị Chính phủ lùi thời hạn áp dụng giá FIT điện gió.

“Các biện pháp cứu trợ liên quan đến COVID-19 đã được đưa ra cho nhiều ngành công nghiệp khác ở Việt Nam nhưng chưa áp dụng cho ngành điện gió và chúng tôi mong muốn Chính phủ cung cấp một số biện pháp cứu trợ tốt hơn trong việc lùi thời hạn áp dụng giá FIT. Thời hạn tính giá FIT điện gió nên được lùi lại”, ông Mark Hutchinson nhấn mạnh.

Đại diện GWEC cho biết, Covid-19 đã ảnh hưởng tới các dự án theo nhiều cách khác nhau và việc xem xét ưu đãi cần có sự công bằng. Vì vậy, GWEC đề xuất là lùi thời hạn áp dụng giá FIT thêm 6 tháng đối với các dự án nếu họ đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN, đã đặt hàng và nhập khẩu tuabin gió về Việt Nam với đầy đủ hồ sơ thông quan để chứng minh điều đó.

Đồng quan điểm, ông Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam cho rằng việc xem xét gia hạn áp dụng giá FIT điện gió thêm một thời gian là rất cần thiết. Nếu không được gia hạn thì trong số hàng trăm dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN sẽ có rất nhiều dự án gặp khó.

Trước hết là vấn đề vốn, bởi vì suất đầu tư dự án điện gió khá cao. Suất đầu tư 1 MW điện gió khoảng 2 triệu USD. Tiếp đến, các dự án sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tài chính cũng như giá bán điện sau khi hết hạn giá FIT, nên các nhà đầu tư sẽ đối mặt nhiều rủi ro.

Bạn đang đọc bài viết Hàng loạt doanh nghiệp điện gió đối mặt nguy cơ phá sản, xin "đường lùi". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.