Thứ tư, 24/04/2024 16:21 (GMT+7)

Hành trình trở thành người hoạt động bảo vệ động vật hoang dã

Hoàng Thoa -  Chủ nhật, 25/04/2021 14:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thái Tuấn - chàng sinh viên ngành CN Sinh học tại trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng được biết đến với nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của động vật hoang dã.

Nhưng ít ai biết trước đây Thái Tuấn đã từng buôn bán động vật hoang dã. Và hành trình thay đổi với nhiều khó khăn, thử thách đã giúp Tuấn trở thành người truyền cảm hứng như ngày hôm nay.

Vì “yêu” mà sở hữu động vật

Ngay từ nhỏ, Tuấn đã tự cảm thấy bản thân mình có đường dây kết nối với động vật và thiên nhiên, chính vì vậy chương trình về động vật hoang dã với Tuấn hay hơn bất kỳ chương trình nào. Ngoài ra, Tuấn còn được chứng kiến bố và các anh nuôi nhốt chim tại nhà, tại thời điểm đó Tuấn cũng được bố cho nuôi một chú khỉ. 

Khi gắn bó lâu với động vật Tuấn cho rằng, để được thấy chúng hằng ngày chỉ có một cách duy nhất đó là bắt chúng về và nhốt chúng vào lồng. Với suy nghĩ đó sau 2 năm, phong trào nuôi nhốt động vật bò sát tại Đà Nẵng ngày càng tăng, Tuấn đã trở thành người chuyên nuôi nhốt động vật hoang dã.

Nhắc về câu chuyện nhiều năm trở về trước, Tuấn chia sẻ: “Điều duy nhất mình nhìn thấy ở động vật hoang dã tại thời điểm đó là chúng đẹp, chúng độc đáo và chúng mang lại thu nhập cho mình. Từ đó mình bắt đầu nuôi nhốt và dần trở thành một người buôn bán động vật hoang dã, mình thường nhắm đến các loài thuộc mục quan tâm, sắp nguy cấp và nguy cấp của Sách đỏ. Bởi vì chúng không dễ gặp ngoài tự nhiên nên việc nuôi nhốt chúng trong lồng lại càng trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết. Mình còn đi chia sẻ về các giá trị của việc nuôi nhốt động vật hoang dã để có thể bán đắt hơn các mặt hàng “đỏ” này”.

Hình ảnh Thái Tuấn cùng “thú cưng”. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vì đã buôn bán động vật hoang dã và thu lời từ chúng nên có thời điểm Tuấn đã trở thành “anti-fan” của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) - trung tâm đi đầu trong việc xử lý các vụ việc vi phạm về động vật hoang dã. Điều đó đã dập tắt suy nghĩ nuôi nhốt động vật hoang dã của nhiều người như Tuấn. Nên với Tuấn lúc đó đấu tranh, thậm chí là chửi bới, bảo thủ với quan điểm nuôi chúng là đang “yêu”, đang bảo vệ và cho rằng khi thả ra chúng không sống được.

Mọi chuyện sẽ không có gì để nói khi Tuấn “yên phận” làm người buôn bán động vật hoang dã. Nhưng cuộc sống luôn đưa ta đến nhiều điều mà ta không lường trước được. Với Tuấn đó chính là chuyến đi định mệnh đến Sơn Trà vào đầu năm 2017.

“Trên đường đi lên Đỉnh bàn cờ (Sơn Trà) mình bắt gặp một chú khỉ sống ngoài tự nhiên rất đẹp và không hề sợ người. Lúc đó trong đầu mình lần đầu tiên có suy nghĩ rằng sẽ ra sao nếu mình bắt bọn chúng về bán và sau đó là chuỗi câu hỏi: tại sao vẫn còn động vật đẹp như thế này ngoài tự nhiên, chúng có được bảo vệ hay không, làm sao chúng có thể sống được? Những câu hỏi đó đã ám ảnh mình và khiến mình bắt đầu đi tìm hiểu về Đa dạng sinh học và công cuộc bảo tồn của Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh - GreenViet”, Tuấn cho biết.

Cùng thời điểm đó, một trong số những con vật mà Tuấn nuôi đã chết không có lý do.  Điều đó làm Tuấn nhớ về chú khỉ gặp ven đường và có một nguồn năng lượng thôi thúc Tuấn bắt đầu có suy nghĩ tích cực hơn về việc bảo tồn động vật hoang dã.

Bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời

Trong thời gian nghỉ hè chuẩn bị vào lớp 10, Tuấn đã tình cờ đăng ký làm tình nguyện viên cho sự kiện triển lãm tại các trường THPT ở Sơn Trà do Trung tâm GreenViet tổ chức. Sau khi trở thành tình nguyện viên Tuấn được tham gia tập huấn và tự nhận mình bị “thuần hóa” với những kiến thức mới mẻ và bổ ích.

Động thái ngay sau đó của Tuấn là bán nốt những loài động vật hoang dã ngoại lai (cự đà, rồng Úc) và thả về rừng một số loài động vật đặc hữu (rắn, rùa núi vàng,…). Đặc biệt,  những hoạt động dành cho tình nguyện viên của trung tâm GreenViet Tuấn đều tham gia đầy đủ và bổ sung được nhiều kiến thức về các loại động vật hoang dã. 

Thái Tuấn lột xác với hành trình bảo vệ động vật hoang dã của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đến năm 2018, Tuấn quyết định đăng ký trở thành tình nguyện viên của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) - đây là một bước ngoặt lớn và khó khăn với Tuấn. Để có thể tự tin hoạt động trong trung tâm Tuấn đã che đậy đi quá khứ của mình bằng việc khóa các bài viết liên quan đến động vật hoang dã trên trang Facebook cá nhân. Trong Tuấn luôn tồn tại một nỗi sợ về quá khứ sẽ bị phanh phui và bản thân không được bảo vệ những động vật hoang dã. 

Nhưng Tuấn đã biết cách biến nỗi sợ đó thành động lực to lớn để trở thành một tình nguyện viên đắc lực của Câu lạc bộ ENV Đà Nẵng (Một câu lạc bộ trực thuộc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV) về mảng Khảo sát, Tuấn gặt hái được một thành tích khủng khi đã đi hơn 500 điểm khảo sát vi phạm về động vật hoang dã ở nhà hàng, quán nhậu, tiệm thuốc đông y hay các hộ dân cư. Những trải nghiệm đó đã tạo nên Tuấn ngày hôm nay là Chủ nhiệm của Câu lạc bộ ENV Đà Nẵng.

Nhìn lại quá trình cố gắng của mình, Tuấn xúc động chia sẻ: “Có thể nói cơ duyên của mình không hẳn là bảo vệ chúng và trước kia mình cũng rất ngại khi kể ra câu chuyện này. Nhưng càng đi nhiều, càng nói chuyện với mọi người mình nhận được nhiều lời khuyên nên chia sẻ bởi chúng mang nhiều giá trị hơn những gì mình đã nghĩ”.

Để có được thành quả này, bên cạnh sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Tuấn còn có một người truyền cảm hứng và giúp đỡ Tuấn biết về tầm quan trọng của động vật hoang dã đối với cuộc sống, một người đã hi sinh thanh xuân của mình để bảo vệ và tuyên truyền về loài Voọc Chà vá Chân nâu, đó là chị Lê Trang - 1 trong số 13 “Anh hùng điểm nóng Đa dạng sinh học”.

Trong tương lai Tuấn mong muốn làm một khu cứu hộ động vật hoang dã ở miền Trung.  Khu vực này sẽ tiếp nhận các trường hợp động vật hoang dã bị nuôi nhốt đã mất đi bản năng sinh tồn, giúp chúng khôi phục qua môi trường bán hoang dã và sẽ thả chúng về tự nhiên ở một khu bảo tồn và đảm bảo chúng sẽ sống tốt ở đó. 

Một hệ sinh thái càng đa dạng thì hệ sinh thái đó sẽ càng bền vững, các mắt xích trong lưới thức ăn sẽ có thể thay thế nhau, nhưng nếu không biết đến tầm quan trọng của từng mắt xích trong hệ sinh thái sẽ ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến hệ sinh thái đó. Vốn dĩ, con người chúng ta cũng chỉ là một mắt xích trong hệ sinh thái trái đất này. Vì vậy, hãy bảo vệ chúng, tương lai của chúng ta.

Bạn đang đọc bài viết Hành trình trở thành người hoạt động bảo vệ động vật hoang dã. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.