Thứ năm, 25/04/2024 11:50 (GMT+7)

Hệ lụy sau khai thác vàng ở Kon Tum

MTĐT -  Thứ năm, 19/10/2017 08:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau thời gian các công ty, doanh nghiệp dùng máy móc, dốc hết sức để khai thác vàng tại những địa điểm được cấp phép trên địa bàn tỉnh Kon Tum, hiện trạng đất đai ở những nơi này đã hoàn toàn biến đổi

Hậu quả gây ra làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng môi trường và cả đời sống sản xuất của người dân xung quanh khu vực khai thác.

Những công trường khai thác vàng tại các huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei (Kon Tum) sau nhiều năm hoạt động hết công suất để khai thác vàng, hậu quả để lại thấy rõ và hệ lụy của nó còn kéo dài nhiều năm sau nữa. Thậm chí, rất nhiều điểm không thể khôi phục lại hiện trạng như ban đầu. Đó là những dòng sông, dòng suối bị cày xới nham nhở, là những vùng đất màu mỡ bị hoang hóa, sa mạc hóa nặng nề, không thể gieo trồng hay sản xuất. Và đời sống người dân vì thế mà đã nghèo nay lại nghèo hơn.

Sau khai thác vàng, dòng sông tạo thành hố sâu gây sạt lở

Sông Pô Kô, đoạn chảy qua xã Đắk Ang (huyện Ngọc Hồi) bị biến dạng do khai thác vàng sa khoáng. Lòng sông bị đào sâu để khai thác vàng khiến hai bên bờ bị sạt lở nghiêm trọng, cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất của người dân. Những bãi bồi màu mỡ phù sa hai bên bờ trước kia, nay biến thành bãi đất gò, cứng, đất đá lởm khởm, bị bỏ hoang.

Chị Y Dôn (thôn Long Dôn, xã Đăk Ang) cho biết, khu vực bãi bồi này rộng khoảng 20.000 m2. “Trước đây, người dân trồng mì, trồng lúa trên khu vực này nhưng sau khi có công ty đến đây khai thác vàng, đất bị đào bới tung lên, chỉ còn trơ lại sỏi, đá. Năm 2015, sau khi khai thác xong, công ty trả lại đất cho bà con, nhưng đất bây giờ đã bạc màu, bà con không thể trồng được cây gì trên đó nữa. Từ đó, đất ở đây bị bỏ hoang, người dân lại quay lên rừng để trồng mì kiếm sống”, chị Y Dôn nói. 

Dòng suối lởm khởm sỏi đá sau khai thác vàng

Cùng với huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei cũng là điểm nóng về khai thác vàng tại Kon Tum. Ngoài các công ty được cấp phép khai thác vàng, thì tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra công khai trong một thời gian dài. Hiện trạng trên nhiều con sông, suối của huyện đã không còn nguyên vẹn. Đói nghèo lại đeo bám người dân xung quanh khu vực khai thác vì không cố đất sản xuất.

Gia đình bà Y Tun (ở tại thôn Đăk Đoát, xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei) là một trường hợp như vậy. Trước đây, gia đình bà có khoảng 1.500 m2 ruộng lúa nằm dọc bờ suối Đăk Mỹ. Nhờ đất tốt nên trồng lúa 2 vụ, năm nào cũng được mùa, không phải lo cái ăn. Đến khi công ty khai thác vàng vào mua với giá cao (50 nghìn đồng/m2) và hứa sẽ hoàn trả lại đất sau khi khai thác nên gia đình bà đã đồng ý bán.

Dòng suối lởm khởm sỏi đá sau khai thác vàng

“Công ty khai thác xong, có san lấp lại mặt bằng nhưng lớp đất màu mỡ bên trên bị trôi đi hết, chỉ còn lại sỏi, đá ngổn ngang. Mấy năm nay, ruộng đó bỏ hoang nên gia đình lâm vào cảnh khốn khó. Nếu được lựa chọn lại, tôi nhất định không bán đất cho đơn vị khai thác vàng”, bà Y Tun nói.

Theo ông A Mrát - Trưởng thôn Đăk Đoát (xã Đăk Pét), việc triển khai dự án khai thác vàng sa khoáng trên địa bàn đã ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng. Sau khi các công ty đến khai thác vàng, người dân trong thôn cũng ùa theo để đi làm vàng, bỏ bê ruộng nương, khiến chính quyền phải đi vận động và truy quét các đối tượng khai thác trái phép.

Ruộng trồng lúa biến thành bãi đất hoang sau khi khai thác vàng

“Đất thì bán hết cho công ty khai thác vàng. Sau khi khai thác xong, tiền bán đất thì đã tiêu hết, đất sản xuất công ty trả lại thì bạc màu, không thể canh tác phải bỏ hoang. Trước đây, chỉ cần ra sông là có tôm, có cá để ăn, bây giờ thì hết rồi. Nhiều hộ gia đình trong thôn rơi vào cảnh thiếu ăn”, ông A Mrát cho hay.

Như vậy, hậu quả để lại sau những dự án khai thác vàng là lâu dài và vô cùng nghiêm trọng. Cho nên, việc khai thác khoáng sản nói chung và khai thác vàng nói riêng cần phải được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ ngay từ khâu cấp phép, để hạn chế những tác động của nó đến môi trường và đời sống của  người dân.

Bạn đang đọc bài viết Hệ lụy sau khai thác vàng ở Kon Tum. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo TN&MT

Cùng chuyên mục

Tin mới