Thứ sáu, 29/03/2024 17:33 (GMT+7)

Hệ lụy từ việc thả nổi quản lý tổ chức quan trắc môi trường

Nhóm PV -  Thứ sáu, 30/10/2020 16:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Mạng lưới tổ chức hoạt động quan trắc được Bộ TNMT cấp phép dày đặc, liệu rằng một mình Bộ có quản lý được hay không?”, Viện trưởng IRECO đặt câu hỏi.

Ngồi ở Bắc Giang để quan trắc…Thái Nguyên

Dự án Dự án Phát triển hệ thống cấp nước thành phố Thái Nguyên được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại quyết định số 2009/QĐ-UBND ngày 09/7/2012, Quyết định số 1578/QĐ-UBND ngày 22/7/2014 và Quyết định số 3091/QĐ-UBND ngày 22/10/2018. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Nước sạch Thái Nguyên với tổng mức đầu tư 640.337 triệu đồng.

Quan trắc môi trường là hoạt động theo dõi, giám sát chất lượng môi trường định kỳ. Mục đích của việc làm này nhằm phân tích môi trường đang bị ảnh hưởng ở mức độ nào và hoạt động sản xuất kinh doanh có tác động như thế nào đến môi trường

Toàn bộ dự án được thực hiện trên địa bàn TP.Thái Nguyên. Trong đó, công trình thu nước, trạm bơm nước thô đặt tại phía Nam Hồ Núi Cốc, thuộc xã Phúc Trìu, TP.Thái Nguyên. Nhà máy xử lý nước sạch Hồ Núi Cốc công suất cấp nước 50.000 m3/ngđ được đặt tại vị trí đồi Voi Phun khu vực phía Nam Hồ Núi Cốc.

Dự án mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước bằng việc xây dựng mới tuyến ống truyền tải từ Nhà máy nước Hồ Núi Cốc về thành phố và mạng lưới đường ống truyền dẫn nối với mạng lưới đường ống hiện có, mở rộng mạng lưới đường ống phân phối dịch vụ cấp nước cho xã Quyết Thắng, xã Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Hà và vùng chưa được cấp nước thuộc thành phố Thái Nguyên.

Ngày 07/5/2020 tại Thành phố Thái Nguyên, Công ty Cổ phần Nước sạch Thái Nguyên đã ký kết hợp đồng dịch vụ tư vấn giám sát thi công dự án với đơn vị trúng gói thầu TNCS2 là Công ty TNHH Tư vấn dự án ANYCON liên kết với Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng WATECH (Watech).

Sau đó, Công ty TNHH Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ môi trường (EJC Group – có địa chỉ tại Bắc Giang) là đơn vị được Watech lựa chọn là đơn vị thực hiện quan trắc không khí Môi trường lao động. Theo dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, tổ chức kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng các yêu cầu về nhân lực quan trắc môi trường, trang thiết bị quan trắc môi trường, điều kiện kỹ thuật của phòng thí nghiệm và có quy trình phương pháp về quan trắc môi trường được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường..

Tuy nhiên, theo nguồn tin của PV thì hoạt động quan trắc lại chỉ được EJC thực hiện bằng mẫu thử nghiệm do Watech cung cấp. Vị trí quan trắc môi trường ngoài thực địa cũng không được ghi rõ tọa độ và mô tả các điều kiện tự nhiên có tác động ở xung quanh điểm lấy mẫu. Nhưng đơn vị lấy mẫu và cán bộ của đơn vị này chỉ ghi địa điểm lấy mẫu là phía đông hoặc phía tây dự án, “Phiếu kết quả này chỉ có giá trị đối với mẫu thử nghiệm do khách hàng gửi tới hoặc nhân viên công ty TNHH NCUD&CGCNMT trực tiếp lấy”, phần ghi chú được nêu trong phiếu kết quả của EJC.

Trong khi dự án này trải dài trên nhiều địa bàn, do đó khi xem phiếu quan trắc môi trường để kiểm tra, đánh giá chất lượng môi trường liên quan của khu vực này thì ngay cả cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng gặp khó, sẽ không biết thực chất chất lượng môi trường liên quan ở khu vực triển khai dự án này như thế nào để đưa ra được giải pháp phù hợp. Hơn nữa, đưa ra kết quả thử nghiệm theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” như trên, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ thiếu thốn về nhân lực, thiết bị hay đây là sự chủ quan, thiếu trách nhiệm trong công tác môi trường?

Cần phân cấp quản lý, không “khoán trắng”

Tại chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), tiêu chí yếu tố nhạy cảm về môi trường nơi thực hiện dự án, được các Đại biểu đưa ra. Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hộ Ủy ban Thường vụ Quốc Hội tiếp thu và đã quy định rõ hơn tiêu chí này nhằm đề cập tầm quan trọng của đối tượng bị tác động của dự án, vị trí của dự án đối với vùng nhạy cảm môi trường.

Quan trắc môi trường nước mặt trên sông Hiếu

Nhưng xét trong trường hợp cụ thể như EJC và Watech, nếu có sai số về kết quả quan trắc, số liệu quan trắc môi trường không kiểm soát được, gây ra sai lệch nhận thức cho những người bị tác động trực tiếp từ chất lượng không khí ô nhiễm, cơ quan nhà nước.. thì trách nhiệm của đơn vị quan trắc vẫn chưa được quy định cụ thể trong luật.

Một điểm khác cũng cần bàn tới, Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên cũng có Trung tâm quan trắc TNMT dù có đầy đủ chức năng, lại có ưu thế hơn hẳn về am hiểu thực địa, là đơn vị sát sườn phục vụ báo cáo thống kê cho chính quyền địa phương lại không được lựa chọn. Nguyên nhân gì khiến một dự án tại Thái Nguyên phải để một đơn vị ở Bắc Giang thực hiện quan trắc?

Bất cập tại đây cũng được thể hiện, trong khi các trung tâm quan trắc thuộc quản lý của tỉnh bị hạn chế trong một khu vực nhất định thì các tổ chức quan trắc được Bộ TNMT cấp phép lại được tự do hoạt động mà không chịu sử quản lý của chính quyền địa phương – nơi được tổ chức quan trắc. Điều này dễ dẫn đến sự cẩu thả trong quá trình thử nghiệm, khi các doanh nghiệp dễ “rút gọn” quy trình quan trắc.

Trao đổi với  PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng (IRECO) nêu quan điểm, “Về nguyên tắc, nên phân cấp theo mức độ, quy mô hoặc phải thể hiện theo quy chế và phải có sự phối hợp”.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, đối với riêng về mạng lưới tổ chức quan trắc trên cả nước mà chỉ do cấp Bộ cấp phép là quá rộng. Đồng thời để đạt độ chính xác cao, mạng lưới quan trắc cần phải phân bố nhiều địa điểm thì mới có tác dụng, nếu mạng lưới mỏng quá thì sẽ không có ý nghĩa, số liệu cũng không đúng.

Nhưng trong trường hợp mạng lưới được Bộ TNMT cấp phép dày đặc, liệu rằng một mình Bộ có quản lý được hay không ? Cho nên phải phân cấp và đương nhiên phải có giám sát, quản lý để tránh trường hợp cứ phân cấp rồi lại buông xuôi.

“Theo tôi, cần phải mở rộng mạng lưới quan trắc, một số nơi họ sẽ lập lờ do kinh phí nhưng môi trường là vấn đề quan trọng, mở rộng mạng lưới và nghiên cứu để có sự phân cấp rõ ràng, không được khoán trắng”, Viện trưởng IRECO nói.

Theo một chuyên gia quản lý môi trường: "Muốn biết chất lượng môi trường sống như thế nào thì chúng ta phải căn cứ vào số liệu quan trắc môi trường, thế nhưng chính quá trình quan trắc môi trường lại không được Giám sát quản lý số liệu đảm bảo, không có chế tài và sự quản lý theo luật định. Trong quá trình cấp phép và hoạt động sau cấp phép của các tổ chức quan trắc môi trường thì việc quản lý của cơ quan chuyên môn về môi trường của nhà nước ở địa phương hầu như không có, luật hiện hành không quy định, việc quản lý giám sát các cơ sở làm quan trắc môi trường rõ ràng bị buông lỏng, cho thấy kết quả quan trắc môi trường, số liệu đánh giá chất lượng môi trường sống thời gian qua và hiện nay không đủ độ tin cậy. Việc nêu ra thực trạng môi trường để người dân và chủ doanh nghiệp, chủ dự án đầu tư cũng như cơ quan nhà nước đề xuất, áp dụng các giải pháp bảo vệ môi trường, xử lý chất thải sẽ không thực chất, không đúng thực tế, gây lãng phí tiền của mà không giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, dẫn đến chất lượng môi trường tiếp tục có diễn biến xấu, suy thoái môi trường mà không có giải pháp ngăn chặn kịp thời, các đối tượng có liên quan bị bất ngờ khi gây ra ô nhiễm môi trường hoặc sự cố môi trường. Rõ ràng ở đây có trách nhiệm của cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã buông lỏng, đã không có quy định pháp luật hữu hiệu để quản lý, giám sát hoạt động quan trắc môi trường ở từng tỉnh, thành phố, hoặc hoạt động quan trắc môi trường liên tỉnh và hoạt động quan trắc môi trường trên cả nước."

Vì những bất cập nêu trên, rất cần thiết phải có quy định pháp luật hữu hiệu để quản lý, cấp phép và giám sát sau cấp phép đối với các tổ chức hoạt động quan trắc môi trường. Phải đảm bảo khi xem xét cấp phép và khi đi vào hoạt động thì các tổ chức quan trắc môi trường phải có trang thiết bị, hóa chất tương ứng cho việc phân tích các mẫu thành phần môi trường, cho việc quan trắc môi trường, nhất là phải có nhân viên, con người và người đứng đầu tổ chức đó phải có kiến thức, chuyên môn được đào tạo về lĩnh vực liên quan đến hoạt động quan trắc môi trường, như hóa học, sinh hóa, độc học, môi trường, công nghệ xử lý chất thải... chứ không thể để tồn tại những tổ chức quan trắc môi trường mà không có người có chuyên môn liên quan, hoặc người lãnh đạo tổ chức quan trắc môi trường thiếu hiểu biết về hoạt động này, chỉ có chuyên môn về quản lý đất đai hoặc quản trị kinh doanh, quản lý kinh tế... dẫn đến các hành vi thiếu hiểu biết hoặc làm liều như thời gian vừa qua. Và nhất thiết phải báo cáo hoạt động cho cơ quan chuyên môn và chính quyền sở tại, đồng thời phải có sự đánh giá về quá trình hoạt động quan trắc môi trường sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép để làm cơ sở để xử lý và cấp phép hoạt động tiếp theo, đồng thời đảm bảo số liệu quan trắc môi trường, đánh giá chất lượng môi trường có cơ sở căn cứ đảm bảo được tin cậy./.

Bạn đang đọc bài viết Hệ lụy từ việc thả nổi quản lý tổ chức quan trắc môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thái Nguyên: Tận dụng phế phẩm để chăn nuôi
Tận dụng nguồn thức ăn thừa tại các bếp ăn tập thể, hội viên Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Nguyên đã xử lý, chế biến để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ