Thứ bảy, 20/04/2024 06:54 (GMT+7)

Hệ thống thông gió, điều hòa chung cư có lây nhiễm virus SARS-CoV-2?

MTĐT -  Chủ nhật, 15/08/2021 12:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường – Bộ Xây dựng.

Khu tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được trưng dụng làm cơ sở cách ly, thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Vừa qua, tại chung cư Vạn Đô (quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh) phát hiện nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 sống ở các căn hộ nằm gần nhau, có cửa thông gió cùng hành lang hoặc nằm cùng trục ở trên và dưới. Cư dân ở đây được khuyến cáo đóng kín cửa chính, cửa thông gió nhà vệ sinh, ô thông gió giao với các khu vực có không gian chung như hành lang.

Tại chung cư Lexington (thành phố Thủ Đức) đang cho vận hành hệ thống quạt hút trục phòng rác các tầng liên tục ngày đêm, để luôn tạo ra áp lực âm hút không khí chỉ có thể đi vào và không thể thoát ra. Ban quản lý khuyên các hộ nên mở quạt hút nhà vệ sinh 5-10 phút trước khi mở cửa vào để làm loãng không khí, đổ nước vào phễu thoát sàn của ban công, sàn nhà vệ sinh để giảm khí bẩn và mùi cống thoát ra xung quanh.

Cụm nhà chung cư Tam Phú, thành phố Thủ Đức cũng phát hiện nhiều ca dương tính cùng block, cùng trục đứng. Nhóm căn hộ này cùng lấy gió từ một giếng trời, nhất là quạt thông gió từ các nhà vệ sinh.

Điều này khiến cho nhiều người dân bất an và cho rằng, virus SARS-CoV-2 lây nhiễm qua hệ thống thông gió và điều hòa không khí chung cư. Đồng thời cũng dấy lên nỗi lo trong cư dân ở các chung cư có F0 cách ly tại nhà.

Trả lời về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường – Bộ Xây dựng cho biết: Theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5687:2010 về “Thông gió – Điều hòa không khí – Tiêu chuẩn thiết kế” có quy định rõ vị trí đặt cửa lấy không khí ngoài (gió tươi): Cửa hoặc tháp lấy không khí ngoài có thể được đặt trên tường ngoài, trên mái nhà hoặc ngoài sân vườn và phải cách xa không dưới 5m đối với cửa thải gió của nhà lân cận, của nhà bếp, phòng vệ sinh, gara ô tô, tháp làm mát, phòng máy. Không được thiết kế cửa lấy không khí ngoài chung cho các hệ thống thổi nếu chúng không được phép bố trí cùng trong một phòng…

Đồng thời, QCVN 04:2019/BXD, QCVN 04:2021/BXD “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư” có hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc thiết kế hệ thống thông gió và điều hòa không khí. Cụ thể, tại mục 2.6 Yêu cầu về hệ thống thông gió và điều hòa không khí: Các căn hộ và không gian ngoài căn hộ trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp phải có hệ thống thông gió tự nhiên hoặc cưỡng bức.

Khi sử dụng hệ thống thông gió cưỡng bức, điều hòa không khí cần đảm bảo các yêu cầu sau: Các thông số khí hậu bên ngoài nhà phục vụ cho thiết kế hệ thống thông gió, điều hòa không khí tuân thủ theo QCVN 02:2009/BXD và tiêu chuẩn lựa chọn áp dụng; Chỉ được sử dụng chất làm lạnh đảm bảo an toàn môi trường theo quy định hiện hành; Khí thải ra ngoài không được gây khó chịu hay nguy hại cho người và tài sản xung quanh; không khí tươi phải cấp trực tiếp vào trong phòng với lưu lượng không ít hơn 90% lưu lượng khí thải ra…

Do vậy, những chung cư được xây dựng tuân thủ theo các tiêu chuẩn quy chuẩn liên quan đến việc thiết kế hệ thống thông gió và điều hòa không khí do Bộ Xây dựng ban hành thì việc phát tán virus SARS-CoV-2 theo hệ thống thông gió, điều hòa khó có thể xảy ra.

Tại các chung cư việc lây nhiễm thường do tiếp xúc chung thang máy hoặc các khu vực hàng lang chung.

Tuy nhiên trong thực tế, tại các chung cư việc lây nhiễm thường do tiếp xúc chung thang máy hoặc các khu vực hàng lang chung. Đặc biệt, các căn hộ tại chung cư cũ thiết kế hệ thống thông gió, làm quạt hút gió, đặt cục nóng điều hòa ra hành lang chung thì việc căn hộ đó có F0 – cách ly tại nhà vẫn có thể phát tán virus SARS-CoV-2 ra khu vực không gian chung.

PGS.TS Vũ Ngọc Anh kiến nghị: Để đảm bảo cách ly F0 tại nhà, phải tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hạn chế cách ly F0 tại chung cư nhất là các chung cư cũ. Nên cách ly F0 tại nhà ở riêng lẻ, chọn những phòng độc lập, khép kín, các cửa thông hơi ra không gian sử dụng chung phải bịt lại, các cửa sổ thoáng hướng ra ngoài trời thì nên mở thường xuyên để lấy đủ oxy cho F0 trong phòng.

Trong trường hợp cách ly F0 tại chung cư cần đảm bảo các khu vực hành lang, thang máy sử dụng chung phải được khử khuẩn thường xuyên. Các phòng bố trí cho F0 phải khép kín, có cửa sổ thoáng hướng ra ngoài trời, không lựa chọn phòng có cửa sổ thông ra hành lang chung.

PGS.TS Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh: Khu vực hành lang tại các chung cư phải đảm bảo thông thoáng vì nếu F0 đi vào khu vực hành lang kín rất dễ gây lây nhiễm.

Cũng liên quan đến nội dung này, thông tin tới Báo điện tử Xây dựng, PGS.TS Trần Ngọc Quang – Trưởng bộ môn Vi khí hậu – Môi trường Xây dựng, Đại học Xây dựng cho biết: Hầu hết các hệ thống thông gió trong nhà như khu vệ sinh, bếp, trục thu gom rác đều là hệ thông gió áp suất âm, nghĩa là không khí trong nhà sẽ được hút theo các ống gió đứng và thải lên mái nhằm ngăn chặn không khí ô nhiễm không lan sang các phòng lân cận, cũng như không ảnh hưởng đến khu vực lận cận gần điểm xả thải. Nên có thể nói, virus SARS-CoV-2 có phát sinh từ một căn hộ có ca F0 sẽ bị hút vào các hệ thống thông gió hút nói trên nên khó có thể phát tán ra ngoài qua các cửa sổ thông ra hành lang hoặc bên ngoài.

Đối với hệ thống thông gió cấp gió tươi, các cửa lấy gió ngoài được qui định cách các miệng thải gió tối thiểu là 5m. Căn cứ theo các qui định trên, có thể nói, virus SARS-CoV-2, ngay cả khi có mật độ đủ lớn cũng sẽ bị hút rồi pha loãng trước khi bị đẩy ra ngoài qua các cửa thải gió bố trí trên mái. Các căn hộ áp mái gần các miệng thải gió nhất nhưng với khoảng cách tối thiểu 5m cách xa đến cửa lấy gió ngoài ở phía dưới thì virus cũng bị khuếch tán với mật độ rất thấp nếu có thể lan truyền tới.

Để công tác cách ly F0 tại các chung cư đạt hiệu quả, PGS.TS Trần Ngọc Quang cho rằng: Việc ngăn chặn virus khuếch tán lại phụ thuộc rất nhiều vào công tác vận hành và bảo trì các hệ thống thông gió này tại các nhà chung cư. Theo tôi, trong giai đoạn này, tại các nhà chung cư có ca F0, F1, Ban quản lý toà nhà nên tăng cường vận hành các hệ thống thông gió hút chung để ngăn virus, nếu có, phát tán ra các khu vực công cộng như hành lang, sảnh nhà. Đồng thời, ban quan lý nên có kế hoạch tăng cường để duy tu, bảo trì các quạt thông gió, kiểm tra các trục gió ngang, đứng đảm bảo kín khít không có rò gỉ gió tại các trục kỹ thuật cũng như trong trần kỹ thuật hành lang.

Trả lời báo chí, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết: Virus biến chủng Delta có thể lưu trong không khí nhưng rất nhỏ và thời gian ngắn. Đặc biệt, khi ở môi trường không khí nóng, virus gần như không thể tồn tại. Vì vậy, ở khu chung cư, việc lây lan dịch bệnh từ căn hộ này sang căn hộ khác qua hệ thống thông gió là chưa có cơ sở khẳng định. Việc lây nhiễm trong chung cư thường do tiếp xúc chung thang máy hoặc các khu vực sinh hoạt chung.

Hiện nay, các chung cư có hệ thống thông gió chung, không khí được hút từ các phòng và đẩy ra ngoài, không phải chuyển từ căn hộ này sang căn hộ khác. Vì vậy, khó có khả năng virus lan từ căn hộ này sang căn hộ khác.

Trả lời trên báo chí, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo: Trừ khi căn hộ đối diện có F0, mà căn hộ mình có cửa sổ quay ra căn đối diện, hoặc quay ra hành lang đi chung thì cửa sổ nên được đóng chặt. Còn lại, trong thời gian F1 hay F0 cách ly tại nhà, các cửa sổ thông thoáng, có không gian rộng thì cần được mở thường xuyên để lấy đủ oxy cho dễ thở và giúp làm loãng tải lượng virus trong phòng.

Trên cơ sở đó, đối với những trường hợp F0 được cách ly tại nhà, các cơ quan chức năng và Bộ Y tế cần xem xét, kiểm tra kỹ về mặt cơ sở hạ tầng, tránh tình trạng phát tán virus SARS-CoV-2.

Được sự chấp thuận của Bộ Y tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã cho triển khai thí điểm cách ly những trường hợp F0 không triệu chứng tại nhà.

Đối với những trường hợp không triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện, nếu xét nghiệm RT-PCR ngày 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm hoặc rất thấp sẽ được chuyển về cách ly tại nhà nếu đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống lây nhiễm. Tiếp tục xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.

Triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà đối với trường hợp không triệu chứng sẽ thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống lây nhiễm, tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định.

Các trường hợp F0 này phải được giám sát của cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc. Tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm.

Y tế địa phương phải tổ chức đội theo dõi sức khỏe hàng ngày các trường hợp F0 cách ly tại nhà. Tổ chức đường dây nóng tiếp nhận thông tin trường hợp bệnh nhân xuất hiện triệu chứng, khẩn trương đưa vào bệnh viện điều trị…

Theo Khánh Hòa/ Báo Xây Dựng

Bạn đang đọc bài viết Hệ thống thông gió, điều hòa chung cư có lây nhiễm virus SARS-CoV-2?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...