Thứ năm, 25/04/2024 14:54 (GMT+7)

Hiểm họa cháy rừng trên thế giới

MTĐT -  Thứ hai, 13/04/2020 09:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày nay, bảo vệ và phát triển tài bền vững tài nguyên rừng đang được đặt ra như một yêu cầu cấp bách cho nhiều quốc gia và trên toàn cầu.

I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA RỪNG ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG
Rừng là hợp phần quan trọng nhất cấu thành nên sinh quyển. Ngoài ý nghĩa về tài nguyên động - thực vật, rừng còn là một yếu tố địa lý không thể thiếu được trong tự nhiên; nó có vai trò cực kỳ quan trọng tạo cảnh quan và có tác động mạnh mẽ đến các yếu tố khí hậu, đất đai. Chính vì vậy mà rừng không chỉ có chức năng trong phát triển kinh tế, xã hội mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong bảo vệ môi trường.
Trước hết, rừng có ảnh hưởng đến nhiệt độ, độ ẩm không khí, thành phần khí quyển và có ý nghĩa điều hoà khí hậu. Rừng là vật cản trên đường vận chuyển của gió và có ảnh hưởng đến tốc độ cũng như làm thay đổi hướng gió, và thông qua đó làm thay đổi các nhân tố khác của hoàn cảnh sinh thái. Nhìn chung, nếu gọi h là chiều cao của dải rừng thì phạm vị ảnh hưởng của rừng làm giảm tốc độ gió rõ rệt trong phạm vi 5 - 10h ở mặt đón gió và 20 - 30h ở mặt khuất gió.
Rừng không chỉ chắn gió mà nó còn làm sạch không khí và có ảnh hưởng lớn đến vòng tuần hoàn cacbon trong tự nhiên. Trên thực tế, rừng được xem như những nhà máy lọc bụi khổng lồ. Trung bình một năm, 1 ha rừng thông có khả năng hút từ 36,4 tấn bụi từ khí quyển. Nhiều nghiên cứu còn cho thấy nước mưa ở nơi không có rừng chứa các chất phóng xạ cao gấp 2 lần so với nước mưa trong rừng. Bên cạnh đó, rừng cũng góp phần làm giảm đáng kể tiếng ồn. Ví dụ như một dải cây rừng 50m ở cạnh đường giao thông có khả năng làm giảm tiếng ồn 20 - 30dB. Rừng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng làm cân bằng hàm lượng O2 và CO2 trong khí quyển. Hàng năm có khoảng 100 tỷ tấn CO2 được cố định bởi quá trình quang hợp do cây xanh và một lượng tương tự được trả lại khí quyển do các quá trình khác nhau trong tự nhiên. Tuy nhiên, do tác động của con người đã có ảnh hưởng xấu đến cân bằng CO2 trong khí quyển. Người ta dự đoán rằng nếu toàn bộ sinh khối của rừng mưa nhiệt đới được đốt trong vòng 50 năm tới, và lượng CO2 giải phóng ra không được thay thế bằng các nguồn hấp thụ khác thị CO2 sẽ được giải phóng với tốc độ gấp đôi hiện nay. Còn nếu cứ với tốc độ phá rừng như hiện nay thì vào năm 2050 nồng độ CO2 trong khí quyển sẽ tăng gấp đôi và nhiệt độ trung bình tăng khoảng 20C. Lúc đó, các khối băng tan làm mực nước biển có thể dâng cao 1 - 3m vào cuối thế kỷ XXI.
Rừng xanh là vệ sỹ của thiên nhiên, là trụ cột cân bằng sinh thái. Rừng có thể duy trì cân bằng giữa khí cacbon và oxi trong không khí. Hơn thế, rừng còn có thể thanh lọc những khí độc hại. Vì vậy, rừng được mọi người gọi là “lá phổi của Trái Đất”.
Oxi trong không khí có vai trò vô cùng quan trọng đối với sinh vật. Con người có thể nhiều ngày không ăn uống, nhưng không thể ngừng thở dù chỉ một phút. Trên Trái Đất, phần lớn oxi là do thực vật trong rừng sản xuất ra. Khi thực vật thực hiện quá trình quang hợp, chúng hấp thụ khí CO2 và nhả ra khí O2. Đương nhiên thực vật cũng phải hô hấp, song dưới ánh nắng Mặt Trời, tác dụng quang hợp của nó so với tác dụng thở gấp 20 lần. Do đó, con người gọi thực vật là “xưởng chế tạo thiên nhiên” khí oxi.
Rừng quả là “lá phổi của Trái Đất”, không có rừng mọi sinh vật đều không thể hô hấp, không thể tồn tại.
Từ góc độ sinh thái và môi trường mà xét, rừng là lá phổi của Trái Đất, là nòng cốt cân bằng sinh thái. Thông qua tác dụng quang hợp, rừng duy trì sự cân bằng giữa khí cacbonic và khí oxy trong không khí. Ngoài ra, rừng còn có những chức năng khác.
II. HIỂM HỌA CHÁY RỪNG TRÊN THẾ GIỚI:
Rừng vô cùng quan trọng với sinh vật và con người. Nhưng do nhiều nguyên nhân, làm cho rừng bị tàn phá, gây nên các hiểm họa cho hệ sinh thái và cho loài người.
1.Thảm họa cháy rừng Australia:
Cháy rừng không phải là chuyện lạ ở Australia. Hằng năm cứ đến mùa hè với thời tiết hanh khô và nhiệt độ cao, các đám cháy rừng vẫn thường xuyên xuất hiện, đến mức người dân ở đây còn gọi mùa hè là “mùa cháy rừng”. Thường thì các đám cháy rừng này luôn dừng lại ở mức có thể kiểm soát được. Thế nhưng, câu chuyện năm nay thì hoàn toàn khác. Từ tháng 9/2019. hàng chục các vụ cháy rừng đã bắt đầu bùng phát ở bang New South Wales (NSW) và phát triển tệ đến mức, chính phủ Australia phải ban bô tình trạng khẩn cấp vào tháng 11 vừa qua. Các vụ cháy nhanh chóng lan rộng trên toàn bộ lãnh thổ Australia, khiến việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.
Sức tàn phá kinh hoàng
Theo trang News.com.au. tính từ đầu mùa cháy rừng 2019 đến nay, tổng cộng khoảng 10 triệu ha rừng đã bị “bà hỏa” phá hủy và hầu hết các bang đều bị ảnh hưởng, ngoại trừ khu vực Lãnh thổ Thủ đô. Để so sánh, con số này còn gấp đôi diện tích lãnh thổ Bỉ. Ngoài ra. NSW và Victoria là hai bang chịu ảnh hưởng cháy rừng nghiêm trọng nhất. Chỉ riêng bang NSW gần 5 triệu ha rừng đã bị thiêu trụi lớn hơn tổng diện tích Hà Lan.
Có thể nói, đây là thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất không chỉ riêng trong lịch sử Australia, mà còn trên cả thế giới nhiều năm qua. Vụ cháy rừng Amazon hồi tháng 8/2019, khiến cả thế giới bàng hoàng, chi tước đi khoảng 900.000 ha rừng. Cháy rừng ở bang California (Mỹ) năm 2018 thiêu rụi khoảng 800.000 ha.
Các đám cháy đã thiêu trụi hơn 56.000 km2 đất, khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đến nay, những vụ cháy đã khiến hơn 20 người thiệt mạng và hơn 1.500 ngôi nhà bị phá hủy. Đầu năm 2020, có thêm 28 người nữa được xác nhận đang mất tích khi đám cháy lan đến các trung tâm du lịch sầm uất phía đông Victoria. Hội đồng Bảo hiểm Australia ngày 6/1/2020 khẳng định thiệt hại do hỏa hoạn gây ra đã vượt mốc 485 triệu USD.
Tại các thành phố lớn như Canberra, Melbourne và Sydney bị bao trùm bởi những đám khói màu đỏ cam dày đặc và lây lan sang các khu vực lân cận như New Zealand, dấy lên một thảm họa ô nhiễm môi trường khác. Ngày 1/1/2020 vừa qua, Thủ đô Canberra ghi nhận tình trạng ô nhiễm tồi tệ nhất lịch sử, với chỉ số chất lượng không khí cao gấp 23 lần so với mức nguy hiểm tới sức khỏe con người.
Hỏa hoạn diễn ra trên khắp sáu bang thuộc Australia và bang NSW phải chịu tổn thất lớn nhất về mặt sinh thái. Theo số liệu của Đại học Sydney, chỉ riêng tại NSW, gần nửa tỷ sinh vật, bao gồm các loài động vật có vú, chim và bò sát có khả năng bị thiêu chết. Trong đó, khoảng 8.000 chú gấu túi koala, chiếm khoảng một phần ba tổng số lượng cá thể trên lãnh thổ Australia và đáng buồn hơn, khoảng 30% tổng diện tích sống của chúng đã bị xóa sổ.
Theo truyền thông Australia, số lượng động vật bị chết cháy còn có thể tăng lên trong thời gian tới, bởi dẫu thoát khỏi đám cháy nhưng chúng có thể chết do bị đói, khát hoặc sốc nhiệt khi bị mất đi môi trường sống. Điều khiến giới chuyên gia lo ngại là cháy rừng có thể làm sụt giảm tới mức khó hồi phục số lượng loài động vật chỉ có ở Australia và đang có nguy cơ tuyệt chủng, chẳng hạn như gấu túi.
2. Cháy rừng Indonesia đang phủ đen bầu trời các nước Đông Nam Á
Amazon không phải là rừng nhiệt đới duy nhất bị lửa tàn phá. Hàng loạt vụ cháy rừng ở Indonesia đang khiến phần lớn Đông Nam Á bị bao phủ bởi lớp khói dày đặc.
Khoảng 3.300 km2 rừng trên đảo Borneo và Sumatra đã bốc cháy, Jakarta đã phải triển khai hơn 9.000 người và 52 máy bay để đối phó theo Economist.
Indonesia và quốc gia láng giềng Malaysia đang cố gắng dập tắt ngọn lửa và xóa tan khói mù bằng cách tạo mây. Tuy nhiên, thời tiết khô ráo khiến việc kiểm soát đám cháy trở nên vô cùng khó khăn.
Khói mù được cho là nguyên nhân gây ra hơn 200.000 ca nhiễm trùng đường hô hấp và khiến hơn 1.500 trường học ở Malaysia phải đóng cửa. Khói quá dày buộc hàng loạt chuyến bay phải hủy bỏ. Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói ông đang cầu mưa tới.
Bộ Lâm nghiệp và Môi trường Indonesia cho biết phần lớn các vụ hỏa hoạn xảy ra đều do con người. Theo thông tin từ Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia, 80% các đám cháy bắt nguồn từ việc người dân đốt rừng để làm đồn điền dầu cọ.
Đây là hành vi bất hợp pháp, tuy nhiên các quan chức địa phương quản lý vấn đề này lại dễ dàng bị mua chuộc. Nếu không đốt rừng, người dân phải chặt cây và xử lý rác thải, khiến chi phí tăng cao.
Đám cháy đặc biệt khó dập tắt nếu xảy ra trong rừng than bùn. Đây là những khu rừng đầm lầy được bao phủ bởi lớp than bùn do thực vật không phân hủy hoàn toàn tạo ra.
3. Cháy rừng Amazon (Brazil):
Rừng Amazon có tới 60% diện tích thuộc lãnh thổ Brazil. Đây cũng là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Nó là vùng đa dạng sinh học nổi bật bậc nhất thế giới, với rất nhiều loại động thực vật sinh sống.
Khu rừng này hấp thụ một lượng lớn khí carbon dioxide trên thế giới, một loại khí nhà kính được cho là nhân tố lớn nhất gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.
Do đó các nhà khoa học cho rằng việc bảo tồn rừng Amazon là điều kiện sống còn để đối phó với tình trạng quả đất đang nóng lên.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Số vụ cháy rừng trên toàn lãnh thổ Brazil đã chạm tới mức cao nhất, ít nhất tính từ năm 2013 tới nay. Theo thống kê của cơ quan nghiên cứu vũ trụ Brazil (INPE), tính tới ngày 23/8/2019 tỉ lệ các vụ cháy rừng đã tăng 84% nếu so với cùng kỳ một năm trước.
Ngân nhiệt kế chạm đến con số 41.90C. Làn sóng nhiệt vẫn tiếp tục vờn quanh miền đông nam, nhiệt độ Canberra dự kiến sẽ lên đến 40.60C trong tuần này.
Rừng bạch đàn vốn phổ biến ở Australia với tinh dầu trong thân cây rất dễ cháy, khi bị bắt lửa loài cây này khiến hỏa hoạn lan nhanh hơn. Chúng còn phụ thuộc vào lửa để có thể giải phóng hạt giống để sinh sôi nảy nở. Do dó. một số hệ sinh thái như rừng bạch đàn nhiều khả năng sẽ có thể khôi phục nhưng không phải loại cây nào cũng có khả năng như chúng.
Theo ông Mike Flannigan, nhà khoa học về cháy tại Đại học Alberta (Canada), vẫn là quá sớm đế biết chính xác nguyên nhân làm phát sinh các đám cháy rừng, bởi cháy rừng chỉ mới bùng phát gần đây và hiện mọi cơ quan chức năng vẫn đang ưu tiên dành thời gian kiểm soát các đám cháy.
Dù con người là nhân tố lớn gây hỏa hoạn ở Australia, song những nguyên nhân do tai nạn cũng thường xảy ra như các vụ chập, cháy từ xe cộ hay dây điện. Mặc dù các đầu mẩu thuốc lá còn lại sau khi hút thường không gây hỏa hoạn, song trong điều kiện thời tiết khô nóng, chuyện này hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài ra, sét đánh vào các khu rừng bị hạn hán cũng có thể là nguyên nhân gây hỏa hoạn.
Tình trạng trên đã phản ánh sự yếu kém của nước này trong trong công tác giảm lượng khí thải carbon dioxide. Chính quyền của Thủ tướng Scott Morrison đang đối mặt với chỉ trích vì cản trở nỗ lực toàn cầu trong việc hoàn thành một quy tắc thực thi thỏa thuận Paris trong một hội nghị của Liên hợp quốc tại Madrid vào tháng 12. Bản thân ông Morrison cũng bị phản ứng dữ dội khi ông đi nghỉ ở Hawaii trong lúc ngọn lửa đang tàn phá đất nước, dù cuối cùng ông đã phải cắt ngắn kỳ nghỉ.
Ngay cả khi thực sự muốn “chuyển mình” về chính sách năng lượng và biến đôi khí hậu, Australia cũng sẽ vấp phải tranh cãi gay gắt trong nội bộ chính phủ, một phần do truyền thống khai thác mỏ và sản xuất than nổi danh bao lâu nay.
4. Cháy rừng California trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”?
Có 3 yếu tố chính khiến các đám cháy rừng ở California, Mỹ, lan rộng với tốc độ chóng mặt.
Một bà mẹ lâm bồn trong lúc được sơ tán. Hàng chục chiếc xe băng qua con đường mịt mù khói lửa và hơi nóng dữ dội. Những người sống sót sau vụ xả súng kinh hoàng giờ buộc phải tháo chạy một lần nữa vì ngọn lửa hoang dại đang tới gần. Đây là California chìm trong biển lửa kể từ khi đám cháy bùng phát vào rạng sáng ngày 8/11, thiêu rụi gần 80% diện tích đất ở thị trấn phía Bắc Paradise.
Điều gì khiến cháy rừng California luôn trở thành thảm họa và xẩy ra thường xuyên như vậy? Dưới đây là 3 yếu tố chính khiến ngọn lửa lan rộng một cách chóng mặt: Biến đổi khí hậu, con người và gió Santa Ana xuất hiện vào mùa thu.
5. Hiểm họa
- Oằn mình chống “giặc”
Thủ tướng Scott Morrison hôm 6/1/2020 tuyên bố sẵn sàng trả “bất cứ giá nào” để giúp cộng đồng hồi phục sau trận cháy kinh hoàng. Chính phủ nước này sẽ rót thêm 1,4 tỷ USD trong hai năm để khắc phục hậu quả.
Australia phụ thuộc rất nhiều vào các nhân viên cứu hỏa tình nguyện, đặc biệt là ở vùng nông thôn nơi có nhiều đám cháy nhất. Lý do là nước này không có một hệ thống quản lý cứu hỏa chuyên nghiệp và tập trung như Mỹ.
Điều này buộc chính phủ Australia phải có những thay đổi về chính sách. Theo đó, tháng 12, Thủ tướng Morrison tuyên bố rằng, các tình nguyện viên bỏ việc để đi chữa cháy sẽ được bồi thường tiền lương. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 3.000 người lính “tự phát” lên đường cứu hỏa ở khắp nơi trên tiểu bang.
Để tăng lực lượng dập lửa ở các địa phương, quân đội Australia đã điều thêm 3.000 binh lính đến các vụ cháy để dập lửa. Đồng thời, Mỹ và Canada cử lính cứu hỏa đến Australia để hỗ trợ.
Theo The Verge, các chuyên gia cho rằng, trong điều kiện khắc nghiệt và diện tích đám cháy quá lớn, sức người khó có thể dập tắt hoàn toàn, nên chỉ có thể chờ cho ngọn lửa tự tàn đi mà thôi.
Mùa hè ở Australia kéo dài từ tháng 12 đến hết tháng 2 và mùa cháy rừng thường phát triển cực đại vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2. Vậy nên thảm họa được dự đoán sẽ khó sớm chấm dứt. Mặc dù mới đây, khu vực bờ biển đông Australia, từ Sydney đến Melbourne, đã xuất hiện những trận mưa lớn. Các trận mưa xối xả cũng xuất hiện ở một số vùng của bang NSW.
Thế nhưng, giới chuyên gia nhận định rằng, nếu các đám cháy ở NSW gặp các đám cháy ở bang Victoria sẽ tạo nên “một ngọn lửa khổng lồ”, khiến tình trạng cháy rừng còn có thể diễn ra tồi tệ hơn bây giờ. Hiện tại, chúng chỉ còn cách nhau khoảng 9 km trong khi nhiệt độ dự kiến tăng trở lại vào ngày 9-10/1.
- Khí hậu biến đổi
Yếu tố đầu tiên là khí hậu bang California. “Lửa, theo nhiều cách giải thích, là một thứ cực kỳ đơn giản. Mọi vật cứ đủ khô và bắt lửa, tất cả sẽ cháy bùng”. Park Williams - chuyên gia nghiên cứu khí hậu sinh học thuộc Đại học Columbia giải thích.
Giống như các bang miền Tây khác, California thường ẩm ướt vào mùa Thu và mùa Đông. Song đến mùa Hè, cây cối tại đây bắt đầu khô dần, vì thiếu mưa và nhiệt độ nóng hơn. Rừng cây ở đây trở thành mồi nhen lửa hoàn hảo cho các đám cháy nhỏ bất ngờ xảy ra.
Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu Trái Đất với nhiệt độ trung bình tăng cũng làm cho cây cối tại California khô hơn vào mùa Hè.
Trong danh sách top 10 thảm họa cháy rừng lớn nhất California chỉ có duy nhất 1 đám cháy xảy ra vào năm 1932, thời điểm biến đối khí hậu gây ảnh hưởng rất ít tới trái đất, còn 9 vụ xảy ra từ năm 2000, trong đó chỉ tính riêng năm nay là 2 vụ.
“Theo cách giải thích đơn giản nhất, điều kiện tự nhiên ở California góp phần làm cho lửa lan rộng. Với tình trạng biến đổi khí hậu, nguy cơ xuất hiện nhiều đám cháy hơn trong tương lai càng gia tăng đáng kể”. Tiến sĩ Williams nhận định.
Lãnh đạo thế giới nói gì?
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chí trích chính phủ Brazil đã không nỗ lực nhiều hơn trong việc bảo vệ khu rừng là lá phổi của nhân loại.
Văn phòng tổng thống Pháp thậm chí còn nêu quan điểm họ sẽ phản đối việc phê chuẩn cuối cùng với thỏa thuận tự do thương mại giữa Liên minh, châu Âu và khối thương mại Nam Mỹ Mercosur, vì ông Bolsonaro đã nói dối về những vấn đề quan ngại môi trường tại hội nghị thượng đỉnh G20, thời điểm thỏa thuận thương mại vừa nêu lần đầu đạt được đồng thuận.
Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng bày tỏ quan điểm rất lo ngại về tình trạng rừng Amazon bị phá hủy. Song cả hai nhà lãnh đạo đều cho rằng việc ngăn chặn thỏa thuận thương mại không phải cách phản ứng đúng đắn.
Ngày 25/ 8/2019 Tổng thống Pháp Macron cho biết các nước Mỹ, Nhật. Đức, Pháp, Anh và Canada sẽ chốt một thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh thường niên G7 về “việc hồ trợ về tài chính và kỹ thuật” cho nhũng nước bị ảnh hưởng trong đợt cháy rừng Amazon, trong đó có Brazil.
Mặc dù tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi điện cho ông Bolsonaro, đề nghị hỗ trợ, nhưng giới quan chức Brazil sau đó cho biết họ sẽ không hợp tác với Washington trong việc giải quyết khủng hoảng cháy rừng.

III. CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN TÀI NGUYÊN RỪNG
Ngày nay, bảo vệ và phát triển tài bền vững tài nguyên rừng đang được đặt ra như một yêu cầu cấp bách cho nhiều quốc gia và trên toàn cầu. Trên nguyên lý chung của sự phát triển bền vững, tính bền vững của rừng được đánh giá dựa trên sự ổn định về diện tích, về khả năng cung cấp gỗ và chất lượng gỗ, về chức năng bảo tồn da dạng sinh học, về mặt sinh thái, tính bền vững của kinh tế - xã hội và bảo đảm việc làm cho con người (Wolfgang Tzchupke, 1998).
Rừng được coi là nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo. Nếu khai thác hợp lý sẽ bảo đảm cho việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên quý giá này. Khai thác hợp lý tài nguyên rừng được hiểu là quá trình khai thác luôn nằm trong giới hạn cho phép của khả năng tái sinh của rừng. Bảo đảm cho sự khai thác ổn định lâu dài đồng thời vẫn duy trì được các tính năng của rừng về cung cấp tài nguyên, phòng hộ môi trường, bảo đảm sinh thái cảnh quan cũmg như tính da dạng sinh học vốn có của rừng. Chính vì vậy mà những biện pháp quản lý tài nguyên rừng phải phù hợp với các điều kiện sinh thái, kinh tế, xã hội và nó sẽ thay đổi khi các điều kiện này thay đổi. Những nhiệm vụ cơ bản trong quản lý tài nguyên rừng là nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên vốn có của rừng, trước hết là nguồn tài nguyên sinh học và bảo vệ môi trường. Trong một số trường hợp sẽ bao gồm các mục đích cho sản xuất lâm nghiệp xã hội, cung cấp củi, gỗ, lương thực thực phẩm. Dù trong điều kiện nào thì điều quan trọng là phải xác định được sự phù hợp giữa lợi ích trước mắt của nhân dân địa phương và lợi ích quốc gia lâu dài. Phát triển tài nguyên rừng không chỉ phụ thuộc đơn thuần vào quản lý rừng mà còn là vấn đề kinh tế - xã hội của mỗi vùng, mỗi quốc gia. Do vậy, mỗi quốc gia cần có những chính sách riêng phù hợp với điều kiện thực tế của họ.

PGS.TS. Nguyễn Đức Khiển
TS. Nguyễn Kim Hoàng

Bạn đang đọc bài viết Hiểm họa cháy rừng trên thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.
Ngành chiếu sáng Việt Nam trên lộ trình chuyển đổi số
Khai thác, sử dụng những thành tựu, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của ngành kỹ thuật số vào ngành chiếu sáng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng tại các đô thị và tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, ...

Tin mới

Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.