Thứ ba, 03/12/2024 08:26 (GMT+7)

Hiểm họa ung thư, dị tật từ xử lý rác bằng công nghệ đốt lạc hậu

Kiêm Hào -  Thứ ba, 28/11/2017 19:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 26/11/2017 lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ra thông báo, kêu gọi các nhà đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt với rất nhiều ưu đãi hết sức hấp dẫn.

Đó là việc làm cần thiết bởi mỗi ngày TP.HCM phát sinh ra lượng rác hơn 8.700 tấn/ngày trong lúc quỹ đất chôn rác không còn. Tuy nhiên, việc đốt rác sẽ phát thải ra Dioxin và Furan rất lớn nếu không kiểm soát chặt chẽ việc xử lý khí thải của các lò đốt rác.

Kiểm soát công nghệ đốt trong xử lý chất thải

Các quốc gia trên thế giới đã và đang chuyển sang công nghệ không đốt nên các nhà sản xuất nước ngoài tìm mọi cách chuyển máy móc công nghệ đốt vào Việt Nam. Ví dụ như vào những năm cuối thế kỷ 20, khi có chủ trương hạn chế đốt chất thải y tế tại châu Âu, Bỉ đã tài trợ cho Việt Nam hơn 60 lò đốt chất thải y tế, dẫn đến việc Việt Nam đã coi lò đốt là công nghệ tiên tiến và duy nhất đối với xử lý chất thải y tế trong nhiều năm. Sau đó, khi Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (trước đây) tiến hành khảo sát mới vỡ lẽ, hầu hết các lò trên không đạt yêu cầu do không có hệ thống xử lý khí thải.

--

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, công nghệ lò đốt rác thải cỡ nhỏ hiện đã lỗi thời. Tại nhiều nước châu Âu cũng như một số nước châu Á, công nghệ này không được khuyến khích hoặc đã bị cấm sử dụng. Trên thế giới cũng đã có nhiều bài học về ô nhiễm chất dioxin do sử dụng tràn lan lò đốt rác thải, điển hình là thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Việc Nhật Bản lắp đặt và sử dụng gần 2.000 lò đốt rác thải, chưa kể lò đốt rác công nghiệp cỡ nhỏ, đã phát thải ra môi trường gần 40% lượng dioxin trên toàn thế giới. Đến nay, Nhật Bản vẫn đang phải tìm biện pháp giải quyết những hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường từ việc đầu tư tràn lan các lò đốt rác thải trên.

Đốt rác hiện nay là quá trình chủ yếu phát thải ra Dioxin và Furan, chất cực độc cho con người và môi trường. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) năm 2003 đã khuyến nghị với các nước châu Á về 10 nhóm nguồn phát thải và định lượng Dioxin để kiểm kê lượng Dioxin phát thải ra môi trường. Năm 1998, EPA đã xác định có 5 nguồn phát thải chủ yếu là: Đốt rác thải thành phố - Đốt rác thải y tế - Sản xuất xi măng - Tái chế nhôm và Đốt cháy sinh học khác.

Dioxin được hình thành trong quá trình đốt cháy, hình thành theo các cơ chế sự phá hủy không hoàn toàn của vật liệu được đốt nhưng trong vật liệu này đã có sẵn Dioxin và Furan. Nguyên nhân chính là do quá trình đốt không hiệu quả, công nghệ đốt và các hệ thống kiểm soát ô nhiễm trong quá trình vận hành lò đốt kém.

Dioxin là tên gọi chung của một nhóm hàng trăm các hợp chất hóa học tồn tại bền vững trong môi trường cũng như trong cơ thể con người và các sinh vật khác. Tùy theo số nguyên tử Cl và vị trí không gian của những nguyên tử này, Dioxin thường được hiểu là gồm hai nhóm chất sau:

• Các đồng loại của dioxin: 75 chất, tùy thuộc vào số lượng nguyên tử clo chứa trong phân tử, được chia ra tám nhóm đồng phân (isomer).

• Các đồng loại của furan: 135 chất, tương tự như các hợp chất dioxin, nhóm furan cũng được chia ra làm 8 nhóm đồng phân.

Trong số các hợp chất dioxine, TCDD (Tetrachlorodibenzodioxin) là nhóm độc nhất. Các đồng loại của dioxin và furan có tính độc nếu trong phân tử của nó có chứa 4 nguyên tử clo ở vị trí 2,3,7,8.

Hiện nay, số lượng lò đốt được sử dụng ở Việt Nam khá nhiều, đa dạng về nguồn gốc, công suất đốt và khả năng xử lý khí thải. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có đủ số liệu thống kê đầy đủ về số lượng, nơi sử dụng, đặc tính kỹ thuật… Việc xử lý chất thải bằng phương pháp đốt được quan tâm nhiều hơn cho nên khí thải phát sinh từ các lò đốt này càng được chú trọng. Có ba phương pháp để phân chia lò đốt đó là: lò đốt chất thải y tế, lò đốt chất thải công nghiệp và lò đốt chất thải sinh hoạt.

Thận trọng sẽ không thừa

Gần đây, phát thải Dioxin vào không khí tại Việt Nam được nghiên cứu và báo cáo từ ngành luyện thép và ngành xi măng do Tổng cục môi trường thực hiện. Trong một nghiên cứu đối với ngành thép và ngành xi măng đã chỉ ra tổng nồng độ Dioxin phát thải từ các lò luyện thép từ 0,234 đến 0,577 ng/Nm3 và nồng độ Dioxin theo TEQ 0,048 đến 0,166 ng –TEQ/Nm3. Ngành xi măng cho thấy tổng nồng độ Dioxin phát thải nằm trong khoảng từ 0,28 đến 5,32 ng/Nm3 và nồng độ Dioxin theo TEQ nằm trong khoảng 0,033 đến 0,837 ng-TEQ/Nm3.

Năm 2016, trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga đã lấy mẫu tại một số lò đốt, cơ sở xử lí rác thải tại Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hoá và TP. Hồ Chí Minh để phân tích hàm lượng dioxin dựa trên 29 chỉ tiêu. Kết quả, có 7/18 mẫu khí thải có hàm lượng TEQ (giá trị trung bình) cao vượt ngưỡng, trong đó nhiều mẫu cao hơn giới hạn tối đa cho phép hàng nghìn lần.

Cụ thể, tại lò đốt rác thải công nghiệp tại Hải Dương có hàm lượng DRCs lên tới 46.800 pg TEQ/Nm3, cao gấp 81 lần mức cho phép. Tại TP. Hồ Chí Minh, trong số 5 mẫu lấy từ 2 trạm xử lý chất thải nguy hại và 1 công ty môi trường thì có 3 mẫu vượt tiêu chuẩn, trong đó 1 mẫu vượt tới 5.000 lần.

Phóng viên của Môi trường Đô thị điện tử trong quá trình đi khảo sát các nhà máy đốt rác sinh hoạt ở Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng thì nhận thấy các nhà máy trên xử lý khói thải lò đốt rác bằng phương pháp phun nước làm mát trong các đường ống bê tông. Việc này sẽ làm cho nhiệt độ sẽ giảm từ từ trước khi thải ra ra môi trường. Tuy nhiên, Với công nghệ xử lý khí thải thô sơ như vậy thì theo ý kiến của Phó giáo sư Thái Văn Nam – một chuyên gia về môi trường – thì việc hạ nhiệt chậm sẽ khiến Dioxin và Furan tái ô nhiễm.

Ngoài ra các văn bản chế tài kiểm soát Dioxin và Furan ở Việt Nam còn thiếu các quy chuẩn về phát thải dioxin trong công nghiệp, chưa có hướng dẫn và quy định về việc quan trắc chất ô nhiễm này tại nguồn và môi trường gần các khu công nghiệp, còn thiếu những đánh giá về hiện trạng ô nhiễm Dioxin từ các hoạt động công nghiệp. Vào năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải lò đốt chất thải y tế (QCVN 02:2012/BTNMT) thay thế cho (QCVN 02:2008/BTNMT) trong đó quy định nồng độ cho phép của Dioxin trong khí thải là 2,3 ng-TEQ/Nm3. Đốt với lò đốt chất thải công nghiệp, năm 2010, Việt Nam đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải lò đốt chất thải công nghiệp (QCVN 30:2010/BTNMT). Quy chuẩn này quy định giá trị tối đa cho phép các thông số ô nhiễm trong khí thải lò đốt chất thải công nghiệp và một số yêu cầu cơ bản liên quan đến bảo vệ môi trường trong thiết kế và vận hành lò đốt.

Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Nga Xofronov Ghenrik Alexandrovich và Giáo sư Rumax Vladimia Xtepanovich, đồng Tổng giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đã khẳng định rằng, hậu quả về mặt y sinh học của Dioxin đối với con người và môi trường sinh thái là rất nghiêm trọng, vì Dioxin là chất độc nhất mà loài người đã tổng hợp được. Qua kết quả nghiên cứu trong 18 năm của Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga, các nhà khoa học kết luận rằng Dioxin đã gây ra hậu quả y học và sinh học lâu dài đối với sức khoẻ con người, không những đối với các cựu chiến binh Việt Nam đã từng tham gia chiến tranh, mà còn cả thế hệ thứ 2, thứ 3 là con em của những người đã bị phơi nhiễm. Thậm chí, cả những trẻ em sống trong vùng bị nhiễm chất độc hoá học cũng có biểu hiện bệnh lý.

Dioxin đã có ảnh hưởng về di truyền sinh thái, đặc biệt gây ra tình trạng sẩy thai, lưu thai hoặc có con bị dị tật bẩm sinh ở phụ nữ bị nhiễm Dioxin. Cũng theo hai nhà khoa học Nga này, tác động lâu dài của chất độc điôxin không chỉ có 20 năm, mà có thể lên tới trên 100 năm. Số người bị ảnh hưởng của chất độc này cũng không chỉ dừng ở 4,8 triệu người mà có thể là hàng chục triệu người. Theo Beatrice Eisman và Vivian Raineri, trong thập niên 1980, chỉ riêng tại bệnh viện Từ Dũ ở Thành phố Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày có một trẻ sơ sinh ra đời với dị tật bẩm sinh.

Trong quá trình tìm hiểu để viết bài này, chúng tôi có những căn cứ khoa học để đề xuất với lãnh đạo của TP.HCM về việc thận trọng khi đưa công nghệ đốt vào xử lý rác thải khi mà trình độ quản lý của cán bộ chưa được đào tạo bài bản, các quy định, quy chuẩn chưa sâu sát để kiểm soát Dioxin và Furan.

Các đơn vị xử lý môi trường nên thuê các chuyên gia từ Nhật Bản, Mỹ hoặc châu Âu thẩm định, đánh giá các dự án xử lý rác thải bằng công nghệ đốt trước khi hình thành. Thiết nghĩ rằng, việc cẩn trọng này sẽ không dư thừa và sẽ giúp cho TP.HCM tránh được các bài học từ Nhật Bản, bảo vệ cư dân thành phố của chúng ta trước nguy cơ ung thư, dị tật bởi một lượng lớn Dioxin và Furan sẽ phát thải từ công nghệ đốt.

Bạn đang đọc bài viết Hiểm họa ung thư, dị tật từ xử lý rác bằng công nghệ đốt lạc hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới