Thứ sáu, 19/04/2024 13:46 (GMT+7)

Hình thành các trung tâm đầu mối để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long

MTĐT -  Thứ sáu, 22/07/2022 14:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Báo cáo gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới nghiên cứu về 7 đô thị ĐBSCL đưa ra một số phát hiện chính, trong đó có một phát hiện là các đô thị của ĐBSCL chưa đáp ứng đủ các dịch vụ và tiện ích đô thị, nên người dân có xu hướng di cư sang các vùng khác.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đứng trước nhiều thách thức để phát triển. Quy hoạch vùng ĐBSCL là một cơ hội lớn để các bên liên quan, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp và người dân ĐBSCL đóng góp ý tưởng sáng tạo nhằm tìm ra những hướng đi và động lực tăng trưởng mới. Quy hoạch ĐBSCL đưa ra ý tưởng thành lập các Trung tâm đầu mối (TTĐM) để hỗ trợ phát triển tổng thể đối với các ngành hàng sản xuất nông nghiệp chủ lực của ĐBSCL như lúa gạo, trái cây, thủy sản.

Theo Quy hoạch vùng, TTĐM là nơi tập trung tất cả những sản phẩm, dịch vụ của cụm ngành nông nghiệp, mỗi một trung tâm sẽ được xác định ở một vị trí cụ thể, có không gian cụ thể và có trọng tâm về một nhóm sản phẩm nông nghiệp cụ thể. Việc thành lập các trung tâm đầu mối này phụ thuộc nhiều yếu tố như vùng nguyên liệu, diện tích đất có khả năng sử dụng, kết nối giao thông, khả năng kết nối với các khu vực đô thị để phát triển đa dạng về lao động, công nghệ, dịch vụ...

Nhóm chuyên gia của GIZ đang nghiên cứu, hỗ trợ để thực hiện ý tưởng TTĐM. Dựa trên quan điểm của Quy hoạch vùng, nhóm chuyên gia đã tích hợp thêm một số yếu tố kết nối phát triển giữa đô thị và nông thôn vào nội hàm của TTĐM. Theo đó, khái niệm Trung tâm đầu mối phát triển đô thị - nông thôn tổng hợp (hubs - gọi tắt là Trung tâm đầu mối - TTĐM) sẽ đóng vai trò như một phức hợp về kinh tế, nơi điều phối và phát triển chuỗi sản xuất với sự hỗ trợ của công nghệ cho cả vùng nguyên liệu (vùng sản xuất). Chuỗi cung ứng diễn ra trong mọi quy trình/bước từ trồng trọt đến thu hoạch, bảo quản chế biến, kiểm định chất lượng và xuất khẩu được kiểm soát trung tâm nhằm tối ưu hóa trong mọi lĩnh vực, quy trình. Ngoài ra, trung tâm này sẽ được đặt tại các đô thị cấp vùng (vùng huyện, hoặc tỉnh hoặc vùng tỉnh), sẽ tích hợp các tiện ích đô thị nhằm phát triển đô thị và là đông lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực nông thôn lân cận, là vùng sản xuất.

Ý nghĩa của các trung tâm đầu mối vùng

Tập trung các ngành trong cụm vào một chỗ để tăng hiệu quả tích hợp và hiệu quả cung cấp hạ tầng, logistic; tăng lợi thế về dung lượng thị trường trong đàm phán, giao dịch nhằm giảm thiểu nguy cơ bị ép giá; hỗ trợ người sản xuất mọi quy mô, kể cả nhỏ lẻ có thể trực tiếp tham gia vào thị trường không phải qua nhiều khâu trung gian; kêu gọi đầu tư phát triển có định hướng từ mọi nguồn, trong đó có nguồn ngân sách.

Như vậy, TTĐM sẽ giúp giải quyết bài toán tối ưu hóa các hoạt động chuỗi cung ứng liên quan đến nguồn nguyên liệu, sản xuất, chế biến, tiêu thụ và sinh kế và đời sống của một khu vực vùng tỉnh, từ đó hỗ trợ góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của vùng.

Với các TTĐM này, các địa phương thuận lợi hơn trong việc định hình vùng nguyên liệu, cấu trúc hạ tầng, logistic và các định hướng phát triển ngành trong cụm ngành kinh tế nông nghiệp trong mối liên kết vùng.

Việc hình thành và phát triển TTĐM sẽ giúp giải quyết được một thực tế yếu kém hiện nay là thiếu sự liên kết cụm ngành trong các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, hàm lượng công nghiệp và dịch vụ gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp thấp. Vì vậy, vai trò của TTĐM (nếu được thành lập) sẽ là đẩy mạnh phát triển liên kết các cụm ngành kinh tế nông nghiệp; phát huy lợi thế về nông nghiệp của vùng để thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ. Lấy công nghiệp và dịch vụ tạo giá trị gia tăng cho nông nghiệp, đồng thời tạo việc làm và thu hút lao động nông thôn.

TTĐM sẽ hỗ trợ đẩy mạnh liên kết các địa phương trong từng tiểu vùng, các sản phẩm nông sản với mức độ áp dụng khoa học - công nghệ cao hơn và chế biến sâu hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao hơn của thị trường trong nước và quốc tế.

TTĐM được bố trí ở các vị trí trung tâm (có thể là đô thị), có mối liên kết chặt chẽ với các khu nguyên liệu, mạng lưới các cơ sở sản xuất và dịch vụ tỉnh và có đường giao thông đa phương tiện thuận lợi đáp ứng được các tiêu chí lưu thông.

TTĐM là nơi thu hút nhân lực lao động và dịch vụ, do đó các tiện ích đô thị là thành phần không kém quan trọng.

Hình thành và phát triển TTĐM cũng mang hàm ý gắn với mối quan hệ phát triển giữa đô thị và nông thôn. Lý do chính vì giữa các ngành trong chuỗi cung ứng cần đảm bảo liên kết, đặc biệt là về không gian để tối ưu hoá các hiệu quả tích hợp về phân bố dân cư, lao động, các hoạt động kinh tế, vốn, hạ tầng...

Mối quan hệ đô thị - nông thôn này thực chất là liên kết phát triển giữa trung tâm của các cụm ngành tại các tiểu vùng sản xuất với vùng đô thị – công nghiệp động lực của vùng để phát triển hoàn thiện các chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Khung pháp lý và chính sách cho hoạt động của TTĐM

Trước hết, khung pháp lý và chính sách cần được xây dựng và hoàn thiện để đảm bảo điều kiện căn bản về pháp lý như cơ cấu tổ chức và phạm vi, chức năng và quy mô hoạt động của các TTĐM. Khung pháp lý và chính sách sẽ xác định vai trò và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan đến việc phát triển các TTĐM trong việc tạo môi trường, hệ sinh thái cho việc phát triển các mối liên kết giữa các bên có liên quan, đặc biệt là mối liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất, đối tác cung ứng dịch vụ hỗ trợ...

Thứ hai, khung quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch đô thị cần xác định được vùng phát triển, tầm nhìn và quy mô phát triển cho TTĐM, theo đó, vùng sản xuất, nguyên liệu, các điều kiện về hạ tầng, giao thông, dịch vụ logistics cần được nghiên cứu, tính toán thấu đáo và tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng cũng như quy hoạch đô thi - nông thôn. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc sát sao của các cơ quan quản lý chuyên ngành ở cấp trung ương và cấp tỉnh, đặc biệt là vai trò chủ động của chính quyền địa phương. Các tỉnh ĐBSCL cũng cần thảo luận và cân nhắc trên quan điểm “lợi thế và lợi ích phát triển vùng” để định hình hoạt động và quy mô của TTĐM, từ đây, xây dựng các tiêu chí lựa chọn để hình thành TTĐM.

Thứ ba, nguồn lực đầu tư còn thiếu sự kết nối và chưa nhất quán giữa quy hoạch/kế hoạch. Vận hành TTĐM thì hợp tác công tư và cơ chế đầu tư cho mô hình này phải đươc làm rõ, cơ chế huy động đầu tư từ khu vực tư nhân cũng cần được xây dựng để tạo động lực huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và người sản xuất, Cuối cùng, cần sắp xếp lại thị trường hiện có theo lựa chọn ưu tiên và thế mạnh đối với các sản phẩm của ĐBSCL như lúa gạo, trái cây và rau củ, thủy sản, giống, cây trồng, phân bón, các công nghệ, thiết bị… tạo động phát triển các TTĐM. Các hiệp hội doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình này để giảm thiểu méo mó thị trường.

Các bước nghiên cứu và sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã

Tính kết nối các dịch vụ dự kiến TTĐM sẽ cung cấp đến toàn bộ hệ thống sản xuất nông nghiệp, ngành hàng hiện tại. Theo chức năng thiết kế, TTĐM sẽ điều phối chuỗi sản xuất, vì vậy nó sẽ cung cấp dịch vụ liên quan đến toàn bộ quá trình sản xuất, vậy cần phải làm rõ về loại hình và quy mô của các dịch vụ này. Đây cũng sẽ là một trong những đầu vào quan trọng để quy hoạch không gian cho các trung tâm đầu mối.

Tính kết nối của TTĐM với vùng nguyên liệu và mạng lưới cơ sở hạ tầng cho lưu thông.

Tính kết nối của TTĐM đối với phát triển sinh kế của người dân nông thôn khu vực xung quanh (vùng nguyên liệu) nhằm nâng cao đời sống cho người dân.

Tính kết nối về xã hội: TTĐM không chỉ cung ứng các dịch vụ sản xuất, lưu thông mà còn cung cấp cả các tiện ích đô thị, nhằm thu hút đầu tư, lao động và công nghệ cho vùng sản xuất. Điều này là rất quan trọng cho ĐBSCL để thu hút và phát triển nguồn nhân lực, công nghệ cao. (báo cáo gần đây nhất của Ngân hàng thế giới nghiên cứu về 7 đô thị ĐBSCL đưa ra một số phát hiên chính, trong đó có một phát hiện là các đô thị của ĐBSCL chưa đáp ứng đủ các dịch vụ và tiện ích đô thị, nên người dân có xu hướng di cư sang các vùng khác).

Tính kết nối đô thị và nông thôn: Chính sách và cơ chế thu hút đầu tư các lĩnh vực khác nhau về chế biến, logistics, lưu thông…; Các tiêu chí, vấn đề cần tích hợp trong việc quy hoạch các đô thị nơi đặt TTĐM: Quy hoạch đô thị có tính chất này cần phải bổ sung, quan tâm đến những khía cạnh nào; Cơ chế vận hành và quản lý đối với các TTĐM…

Quá trình vận hành TTĐM có sự tham gia của tất cả các bên liên quan: Nông dân, nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến, cung ứng các dịch vụ liên quan, khu vực tư nhân, chính quyền địa phương, các nhà tư vấn, các nhà khoa học.

Để thực hiện ý tưởng này, Chính phủ cần xây dựng các chính sách thu hút khu vực tư nhân tham gia và tạo môi trường thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp tham gia. Sự tham gia của cộng đồng DN cần thu hút ngay từ giai đoạn đầu, nghiên cứu và xây dựng chính sách. Thông qua VCCI, cần tiến hành thực hiện các cuộc khảo sát lấy ý kiến, quan điểm của các DN về mối quan tâm, về tầm nhìn và mức độ cam kết của cộng đồng DN trong việc đồng hành thực hiện ý tưởng này.

Kết luận

Trung tâm đầu mối là ý tưởng mới trong quy hoạch vùng ĐBSCL, để hình thành được các trung tâm đầu mới theo quy hoạch hoặc trở thành hiện thực rất cần có sự vào cuộc của các Bộ, ngành Trung ương về đổi mới cơ chế, chính sách; sự tập trung, quan tâm và chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của chính quyền các địa phương trong vùng ĐBSCL.

Bạn đang đọc bài viết Hình thành các trung tâm đầu mối để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?