Thứ sáu, 19/04/2024 19:02 (GMT+7)

“Hô biến” đất quy hoạch khu dân cư để xây dựng nhà xưởng không phép?

Ngọc Tuấn – Thành Trung -  Thứ năm, 15/10/2020 09:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, hiện trạng khu đất này không được đầu tư xây dựng hạ tầng như: đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng,… như các khu dân cư khác.

Hơn 5 héc-ta đất tại xã Phúc Khánh (huyện Hưng Hà, Thái Bình) đã được quy hoạch làm khu dân cư, nay bỗng “mọc” lên hàng loạt nhà máy, xưởng sản xuất không phép với quy mô hoạt động không khác gì “cụm công nghiệp”, khiến dư luận xã hội bức xúc.

Toàn cảnh khu đất quy hoạch làm khu dân cư xã Phúc Khánh, huyện Hưng Hà bỗng hoá thành “cụm công nghiệp”.

Theo nội dung đơn của ông Nguyễn Xuân Quyến, trú tại xã Phúc Khánh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình gửi đến Toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử phản ánh việc: “Năm 2016, hơn 5,2 héc-ta đất tại khu vực Cánh Đồng Lẻ, thôn Khánh Mỹ, xã Phúc Khánh được quy hoạch, phân lô làm khu dân cư. Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá thì gần như toàn bộ khu đất này không sử dụng vào mục đích xây nhà ở, mà hàng loạt công trình nhà xưởng được xây dựng kiên cố, trên diện tích hàng nghìn m2 đất. Đây là hành vi sử dụng đất trái quy định pháp luật, không đúng với quy hoạch đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt”.

Để làm rõ nội dung phản ánh trên, chúng tôi đã có mặt tại địa phương để tìm hiểu. Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, hiện trạng khu đất này không được đầu tư xây dựng hạ tầng như: đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng,… như các khu dân cư khác. Thay vào đó, là các nhà máy, xưởng sản xuất được đầu tư xây dựng kiên cố, với quy mô lớn. Nhìn vào nhiều người lầm tưởng đây là “cụm công nghiệp” chứ không phải khu dân cư theo quy hoạch.

Ông Nguyễn Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà (người ngồi thứ 2 từ bên phải sang) tại buổi làm việc với phóng viên

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Quyến cho biết:  “Hiện nay toàn bộ diện tích đất được quy hoạch làm khu dân cư, đã được các cá nhân, doanh nghiệp sử dụng vào mục đích xây dựng nhà máy, xưởng sản xuất. Không có hộ dân nào sử dụng đất để làm nhà ở. Đây là điều hết sức bất thường”.

Cũng theo ông Quyến: “Họ (các chủ nhà xưởng – PV)  ngang nhiên lấn chiếm, sử dụng toàn bộ quỹ đất rất lớn, mà theo quy hoạch dùng để làm đường giao thông nội bộ khu dân cư; đất xây dựng hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng; quỹ đất  sử dụng chung trong khu dân cư để xây nhà máy, xưởng sản xuất mà không phải bỏ tiền ra mua. Điều này sẽ gây thất thoát số tiền lớn cho ngân sách nhà nước”

Ngoài nội dung phản ánh trên, người dân sống quanh khu vực này còn gánh thêm mối lo rất lớn khác. Đó là khi các nhà máy, xưởng sản xuất trên đi vào hoạt động với quy mô như một “cụm công nghiệp”, thì vấn đề xử lý môi trường sẽ được thực thực hiện ra sao? Cơ quan, đơn vị nào sẽ quản lý, giám sát và chịu trách nhiệm về vấn đề này?

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có buổi làm việc với đại diện UBND xã Phúc Khánh. Thông tin từ cán bộ địa chính xã cung cấp cho thấy: “Theo quy hoạch từ cuối năm 2016, tổng diện tích đất quy hoạch làm khu dân cư tại Cánh Đồng Lẻ, xã Phúc Khánh là hơn 5,2 héc-ta. Sau đó, toàn bộ khu đất này đã được chính quyền tổ chức đấu giá cho người dân có nhu cầu mua đất ở”.

Nói về hiện trạng xây dựng tại khu dân cư trên, vị cán bộ này thừa nhận: “Việc xây dựng nhà xưởng trên khu đất này là trái với quy hoạch ban đầu. Việc này xã đã lập biên bản vi phạm hành chính, và đã báo cáo lên UBND huyện Hưng Hà. Các doanh nghiệp vi phạm xây dựng ở đây chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực may mặc”.

Đơn kiến nghị của công dân gửi Môi trường và Đô thị Việt Nam và các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình

Để rõ hơn sự việc, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà. Tại buổi làm việc, ông Trường cho biết: “Về phía huyện cũng đã nắm được tình tình sự việc, hiện đang cử cán bộ xuống địa bàn để xác minh thông tin”.

Nói về trách nhiệm để xảy ra tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Trường   cho rằng: Việc quản lý và đầu tư xây dựng do UBND xã Phúc Khánh quản lý. Đến nay, UBND huyện Hưng Hà chưa nhận được bất cứ báo cáo nào của xã Phúc Khánh về sự việc trên (?!). 

Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ trước câu trả lời trên của vị Phó Chủ tịch huyện Hưng Hà, bởi trước đó, cán bộ địa chính xã Phúc Khánh khẳng định rằng: Đã báo sự việc lên UBND huyện Hưng Hà (?).

Khi phóng viên đề nghị được tiếp cận tài liệu, hồ sơ liên quan đến thực hiện quy hoạch khu dân cư Cánh Đồng Lẻ, xã Phúc Khánh. Ông Nguyễn Văn Trường từ chối cung cấp, với lý do: “Chờ UBND xã Phúc Khánh báo cáo rồi sẽ cung cấp cho báo chí”

Tuy nhiên, sau đó vị Phó Chủ tịch huyện này khẳng định: “Sau khi cho kiểm tra, rà soát. UBND huyện sẽ kiến nghị với Sở Xây dựng Thái Bình, thuyết phục những chủ cơ sở sản xuất tiến hành di dời toàn bộ các nhà xưởng ra các cụm công nghiệp. Nếu không thuyết phục được sẽ tiến hành cưỡng chế, trả lại hiện trạng ban đầu cho khu dân cư”.

Rõ ràng, để xảy ra tình trạng “quy hoạch một đằng sử dụng một nẻo” như nêu trên, thì trách nhiệm không chỉ thuộc riêng về chính quyền xã Phúc Khánh (như ông Nguyễn Văn Trường nói). Đây còn là trách nhiệm của các phòng, ban chuyên môn của huyện Hưng Hà trong việc quản lý, giám sát, báo cáo và tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện Hưng Hà theo chức năng, thẩm quyền đã được phân công.

Hơn nữa, việc để cho các công trình nhà xưởng không phép ngang nhiên “mọc” lên mà chính quyền không hề biết, là điều hết sức phi lý. Nếu không có sự “ngó lơ”, thậm chí “bật đèn xanh” của cán bộ, chính quyền địa phương thì các cá nhân, doanh nghiệp không thể vô tư xây dựng lên những công trình “khủng” thế được? Tất cả những băn khoăn, nghi vấn này chúng tôi xin gửi đến các cấp chính quyền tỉnh Thái Bình, huyện Hưng Hà để tìm câu trả lời.

Môi trường và Đô Thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Bạn đang đọc bài viết “Hô biến” đất quy hoạch khu dân cư để xây dựng nhà xưởng không phép?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...