Thứ sáu, 29/03/2024 04:23 (GMT+7)

Hồ Tây - Điểm lựa chọn của du khách bốn phương

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ sáu, 03/07/2020 16:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Được thiên nhiên ưu đãi, dù ở ngay trung tâm thành phố, với tốc độ phát triển nhanh nhưng đến với Hồ Tây, du khách cảm nhận sự thanh bình, khoáng đạt cùng nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống

Ca dao Hà Nội có câu:

“Mịt mù khói tỏa ngàn sương

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”

Nhịp chày ở đây là chày giã dó để làm giấy. Đây là nghề thủ công truyền thống, loại cổ nhất Việt Nam được xây dựng từ thế kỷ III - IV sau Công Nguyên.

Giấy này giành riêng cho nhà vua viết tờ sắc phong chức cho các vị thần và các quan lại trong nước.

“Tiếng đồn con gái Nghĩa Đô

Quanh năm làm giấy cho vua được nhờ”

Hoặc là:

“Người ta buôn vạn, bán ngàn

Em đây làm giấy cơ hàn vẫn tươi

Dám xin ai đó chớ cười

Vì em làm giấy cho người đề thơ”

Bên cạnh nghề thủ công truyền thống được xây dựng tại Hồ Tây, khách du lịch còn được khám phá những nét đẹp văn hóa truyền thống của Thủ đô.

Cũng như khu phố cổ, phố cũ ở Hà Nội, Hồ Tây là nơi mà các địa danh đều mang trong mình những giá trị lịch sử quý giá, truyền thống văn hóa tốt đẹp đặc trưng của người Hà Nội từ bao đời nay. Sẽ thật là thiếu sót nếu trong hành trình khám phá Hồ Tây mà không ghé thăm những danh thắng, di tích nổi tiếng. Đặc biệt, đây là khu vực có nhiều trang ấp, làng cổ; mỗi trang ấp, ngôi làng lại có vẻ đẹp văn hóa riêng gắn liền với những ngôi chùa cổ, làng nghề truyền thống nổi tiếng vang danh đất kinh kỳ từ xa xưa như nghề làm giấy, dệt vải, nuôi cá cảnh… Nổi danh và được gìn giữ, phát triển đến hôm nay là các làng nghề trồng hoa cây cảnh nổi tiếng bao bọc quanh hồ: Tứ Tổng, Nghi Tàm, Quảng Bá… Tất cả tạo nên một vẻ đẹp quyến rũ riêng chỉ có ở Hồ Tây.

Gắn liền với những ngôi làng cổ là hệ thống đền, chùa cổ kính, uy nghiêm và đều là những nơi linh thiêng bậc nhất của kinh kỳ. Có niên đại hàng ngàn năm tuổi, dù đã trải qua nhiều lần tu bổ, sửa chữa nhưng những ngôi chùa vẫn giữ nguyên vẹn nét trầm mặc, rêu phong với kiến trúc cổ vô cùng tinh tế và độc đáo, nép mình bên những hàng cây xanh cổ kính tỏa bóng mát là nơi lưu giữ nhiều tư liệu, kỷ vật quý giá mang nhiều giá trị lịch sử. Đặc biệt, toàn bộ các di tích lịch sử, văn hóa ven hồ đều chọn hướng cửa chính trông ra lòng hồ. Ngoài Phủ Tây Hồ nổi tiếng, quanh Hồ Tây còn là nơi tọa lạc của chùa Vạn Niên được xây dựng dưới thời Lý, làm hoàn toàn bằng gỗ, chạm khắc hoa văn tinh xảo; chùa Thiên Niên (chùa Trích Sài) với 34 pho tượng tròn có niên đại từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20 và 7 bia đá, tấm cổ nhất được dựng vào năm 1709; là nơi nhiều nhà nghiên cứu, người dân đến tìm hiểu và lễ phật; chùa Võng Thị (Vinh Khánh tự) được xây dựng vào thời hậu Lê trên diện tích 5.000m2, một trong những quần thể kiến trúc bậc nhất tại Hồ Tây với hàng chục nghìn bức tượng chạm khắc tinh xảo mang giá trị nghệ thuật cao; chùa Tảo Sách được xây dựng từ thế kỷ 16 thu hút rất nhiều du khách, sĩ tử đến lễ phật, đọc sách, vãn cảnh.

Ngôi chùa cổ nhất tại Hà Thành cũng nằm ở khu vực này. Đó chính là đền Quán Thánh - một trong bốn Tứ Trấn Thăng Long, có mặt chính nhìn ra Hồ Tây, sở hữu pho tượng thánh Trấn Vũ đúc năm 1677 - pho tượng đồng thuộc dạng kiệt tác của nghề đúc đồng làng Ngũ Xá được xem là báu vật nước Việt. Cách đền Quán Thánh không xa là chùa Trấn Quốc với hơn 1.500 tuổi. Tờ Daily Mail của Anh, chuyên trang du lịch uy tín Thrillist cùng lựa chọn chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới. Trải qua nhiều thế kỷ, chùa Trấn Quốc vẫn vẹn nguyên kiến trúc độc đáo, hoa văn chạm trổ tinh xảo mà màu thời gian nhuốm đều trên từng viên ngói, hàng gạch… là sự kết hợp hài hòa giữa nét uy nghiêm cổ kính với sự nên thơ soi bóng xuống hồ nước mênh mang của ngôi chùa linh thiêng ngàn năm.

Không đồ sộ hoành tráng, không màu mè tô điểm, những ngôi đền, chùa cổ kính quanh Hồ Tây mang nét hấp dẫn riêng để mỗi khi bước chân qua bậc thềm là một lần du khách và người dân bỏ qua những phiền muộn lo lắng nhỏ nhặt thường nhật, tâm hồn lạc chốn thiền môn, bình yên, thanh tịnh nhẹ nhàng đến lạ. Trang ấp xưa đã thành phố phường nhưng mỗi địa danh, di tích vẫn là câu chuyện lịch sử ý nghĩa nhắc nhở du khách và mỗi người về vẻ đẹp truyền thống văn hóa đặc sắc của một vùng Hồ Tây. Nhiều khách đến Hà Nội đã chọn Hồ Tây cho những ngày lưu trú ở đất kinh kỳ để tận hưởng sự bình yên, khoáng đạt với nhịp sống thanh bình và chậm rãi của thành phố. Hồ Tây cũng nằm trong danh sách top 15 địa điểm du lịch vui chơi giá rẻ, thú vị tại Hà Nội được nhiều người yêu thích lựa chọn.

Hồ Tây là một đoạn sông Hồng cũ còn lại sau khi sông đã đổi dòng sang hướng đông. Hồ có hình càng cua, móng ngựa hay lưỡi liềm, đầu vào ở phía thượng lưu - Nhật Tân, đầu ra ở phía hạ lưu - Yên Phụ. Sông Hồng có lượng phù sa rất lớn, có nhiều chi lưu và thường hay đổi dòng, “nửa kín nửa hở” rồi sang dạng “sông chết” và để lại những đầm hồ hình móng ngựa - đó là điều kiện địa chất, thủy văn mà sông Hồng đã sinh ra Hồ Tây cách ngày nay hàng ngàn năm.

Hoàng hôn ở Hồ Tây. Nguồn ảnh: Sưu tầm

Do sự biến đổi của sông, hồ như vậy mà đã xuất hiện nhiều truyền thuyết và nhiều tên gọi của Hồ Tây.

Hồ Xác Cáo trong truyện Hồ Tinh: có con cáo lông trắng chín đuôi làm hang ở núi hay ra quấy nhiễu dân gian. Vua Thủy Tề đem các loài thủy tộc đánh bắt cáo trắng và núi đá hang của cáo sụt xuống thành đầm lớn tức Hồ Tây.

Hồ Trâu Vàng trong truyện “Khổng lồ đúc chuông”: do ông Khổng Lồ thu hết đồng đen của phương Bắc đúc thành chuông. Khi đánh chuông, tiếng chuông vang vọng lên phương Bắc làm cho trâu vàng phương Bắc tưởng là tiếng mẹ gọi nên chạy xuống phương Nam tìm mẹ, vì đồng đen là mẹ của vàng. Khi đến nơi đây, trâu quần mãi làm đất sụt lún thành hồ. Hay truyền thuyết ở núi Lạn Kha bên Kinh Bắc có con trâu vàng từ hang núi xổng ra, đến Hồ Tây thì ẩn nên có tên hồ Trâu Vàng.

Dâm Đàm - đầm sương mù: theo Thư tịch từ thế kỉ XI, thời Lý, mặt hồ đọng nhiều sương mù với huyền thoại vua Lý Nhân Tông (1070 - 1127) ngồi thuyền của Mục Thận xem đánh cá; trong màn sương bỗng có một con thuyền tiến lại gần, trên thuyền có con hổ lớn, Mục Thận bèn quăng lưới bắt được hổ, nhưng đó là Thái sư Lê Văn Thịnh đội lốt hổ.

Năm Quý Dậu - 1573, vì kiêng húy vua Thế Tông Lê Duy Đàm nên đổi Dâm Đàm thành Hồ Tây. Năm Đinh Dậu - 1657, kị húy Tây Vương Trịnh nên lại đổi Hồ Tây thành Đoài Hồ, để tránh chữ “Tây”.

Theo bộ sử của triều Nguyễn “Đại Nam Nhất Thống Chí” có chép: “Tây Hồ ở phía tây tỉnh thành Hà Nội, thuộc huyện Vĩnh Thuận, chu vi 21 dặm, nước sâu từ 1 thước đến 1 trượng, xưa gọi là Lãng Bạc…” Lãng Bạc có nghĩa là hồ có song lớn; còn Lãng Bạc chiến trường xưa của Trưng Nữ Vương đánh chống Đông Hán - Mã Viện là vùng đất trũng có xen nhiều đồi núi ở Tiên Sơn - Kinh Bắc; cùng tên nhưng khác địa phương: Lãng Bạc ở Thăng Long và Lãng Bạc ở Kinh Bắc.

Mặc dù hồ có nhiều tên gọi, nhưng dân gian Thăng Long - Kẻ Chợ gọi đơn giản: Hồ Tây, là các hồ lớn ở phía tây kinh thành.

… Chàng về Hồ Hán, thiếp về Hồ Tây

Hay                       

… Tôi ở Hồ Tây, bán chiếu gon…

Giới khoa học đã kiểm kê thấy ở mặt nước Hồ Tây có đến 141 loài thực vật phù du, 19 loài động vật nổi và hơn 10 loài động vật đáy, 35 loài cá; đặc biệt còn là nơi vãng lai hay cư trú của 58 loài chim. Trong số động vật trên có nhiều loài thuộc loại quý hiếm được ghi trong “Sách Đỏ Việt Nam” như cá bống, cá dầu, cá vền, cá trắm đen, cá xộp, vịt đầu đen, sâm cầm…

Hồ Tây có diện tích 516ha, đường vòng quanh hồ dài trên 13km. Trong tương lai gần, Hồ Tây sẽ là trung tâm của Hà Nội với không gian địa lý - đô thị mới vào năm 2020.

Ven Hồ Tây, thời Lý - Trần đã có nhiều cung điện: cung Thúy Hoa, cung Từ Hoa, điện Hàm Nguyên, điện Ngọc Đàn… và nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng. Hiện còn trên 60 chùa, đình, đền, phủ… có kiến trúc cổ: chùa Trấn Quốc có từ thời Tiền Lý, chùa Kim Liên thờ Quỳnh Hoa công chúa, phủ Tây Hồ với truyền thuyết Trạng Bùng gặp Liễu Hạnh, chùa Long Ẩn thờ Bố Cái Đại Vương, Quán Thánh thờ thánh Trấn Vũ…

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương…

Ven bờ phía bắc Hồ Tây là những phường cổ của Thăng Long xưa: Nghi Tàm, Tây Hồ, Quảng Bá, Nhật Chiêu thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận. Nơi đây có nhiều ngành nghề truyền thống để cung cấp sản phẩm cho kinh thành: tơ tằm Nghi Tàm; bến Trúc Nghi Tàm; trồng quất, đánh cá và trồng sen ở Tây Hồ: “… Đây hoa thiên lý, đây sen Tây Hồ”; rau hoa tươi, cá và nhất là ổi ở Quảng Bá: “Ổi Quảng Bá, cá Hồ Tây”, “Thiến đào, đảo quất” ở Nhật Chiêu. Hồ Tây còn là nguồn cảm hứng của nhiều thi nhân kim cổ:

“Danh nghe gọi Dâm Đàm, Lãng Bạc,

Cảnh ngắm in tinh chử, bang hồ…

Hình lượn lượn uốn vòng câu bạc…

Dư nghìn mẫu nước trời lẫn sắc”…

Áng đất phơi mỏ phượng còn in…”

(Tụng Tây Hồ phú - Nguyễn Huy Lượng, 1801) 

    Hay:   

“Đầy vơi thực lạ cảnh Tây Hồ

                               Trước bởi khôn thiêng khéo họa đồ

                               Mây lẫn nước xanh, màu đúc ngọc,

                               Nguyệt lồng hoa thắm, vẻ in châu…”

(Vịnh Tây Hồ - Trịnh Bảo Hưng, Nguyễn Quang Toản)

   Hay:            

“Đêm qua trăng sang Cổ Ngư

                          Trăng đầy mặt nước, trăng như mặt người…

                                                                                            (Tố Hữu)

Nằm cạnh khu phố cổ sầm uất và nhộn nhịp, khu vực Hồ Tây được ban tặng cảnh sắc thiên nhiên nên thơ trữ tình, lãng mạn và giàu chất thơ từ những con đường góc phố, từ những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử …Hà Nội vốn là mảnh đất hàng trăm hồ nước lớn nhỏ, trong đó Hồ Tây là hồ lớn nhất với diện khoảng 500ha, chiều dài gần 20 km nằm cách một con đường là hồ Trúc Bạch, bao bọc phía bên ngoài là sông Hồng đỏ nặng phù sa. Được thiên nhiên ưu đãi, dù ở ngay trung tâm thành phố, với tốc độ phát triển nhanh nhưng đến với Hồ Tây, du khách cảm nhận sự thanh bình, khoáng đạt cùng nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống. Những sớm mùa hạ, bầu trời mới hửng sáng người dân từ các nơi đã đổ về Hồ Tây. Trên những con đường nhỏ cây xanh tỏa bóng mát uốn lượn, quanh hồ là những dòng người đạp xe, đi bộ. Đông đúc tấp nập nhưng không ồn ào, dường như không ai muốn phá vỡ bầu không khí tĩnh lặng, mát mẻ, trong lành. Không gian hồ nước rộng mở thoáng đãng, mặt hồ trong xanh yên ả đến mức tuyệt đối, mang theo những làn gió mát lành cùng những góc phố làm “đứng hình” những người yêu thích Hà Nội. Mùa nào cũng vậy, quanh Hồ Tây trăm hoa đua sắc. Hè về, đầm sen bách diệp tỏa hương thơm ngát e ấp vươn lên với nghề trồng hoa, là trà sen “đệ nhất thiên hạ” nhiều đời nay, những chùm hoa phượng đỏ rực rỡ khoe sắc trong nắng sớm, hoa điệp vàng vừa lạ lẫm vừa kiêu sa làm đẹp và bừng sáng không gian rủ bóng xuống mặt hồ trong xanh là những chùm hoa bọ cạp nước óng ả. Lần nào cũng vậy, đến Hồ Tây, tâm hồn dường như dịu mát hơn, nhịp sống chậm rãi, nhẹ nhàng, bình yên. Không chỉ níu chân du khách từ phương xa, ngay tại Hà Nội như đã trở thành thói quen, rất đông người dân từ các quận lân cận tìm về Hồ Tây mỗi sáng, vừa để rèn luyện sức khỏe vừa để sống chậm “refresh” bản thân, làm vơi bớt những bộn bề, lo toan của cuộc sống.

Một chiều Hồ Tây. Nguồn ảnh: Sưu tầm

Hồ Tây mang lại cảm nhận đặc biệt cho du khách. Đó là nơi tìm về những ký ức của người Hà Nội những năm 80 của thế kỷ XX với những vòng xe đạp hoài niệm. Với những du khách, để trải nghiệm và khám phá hết vẻ đẹp của Hồ Tây một cách thú vị nhất là “ nhảy” lên một chiếc xe đạp, đi hết một vòng hồ, cảnh đẹp chỗ nào, dừng lại chỗ đó. Những người có sức khỏe lại chọn cách tản bộ quanh hồ cùng bạn bè, người thân “cuốc bộ” gần 20km tưởng là rất mệt nhưng khi đối diện với mặt nước hồ, hít một hơi thật sâu để lồng ngực tràn đầy sự mát mẻ, trong lành và hương hoa thơm ngát, bạn sẽ có động lực để chinh phục chặng đường một cách đầy hứng khởi, tận hưởng những khoảnh khắc danh thắng tuyệt đẹp. Đối với những người dân thủ đô, Hồ Tây là một trong số ít địa điểm tại nội thành khởi nguồn cho trào lưu ý nghĩa, đạp xe dạo phố. Một ngày hai buổi, sáng và chiều, trên những con đường tràn ngập nắng và gió là dòng người đạp xe theo đoàn, theo nhóm, có những gia đình, bố mẹ con cái rong ruổi vòng quanh hồ như một cách thư giãn. Kết thúc những vòng xe chỉ cần dừng lại bất cứ chỗ nào quanh hồ, bạn có thể chiêm ngưỡng cảnh bình minh hoặc hoàng hôn không bị “chướng ngại vật” nào che lấp, thu vào tầm mắt bầu trời rộng lớn từ từ chuyển đổi một cách đầy thú vị, kỳ vĩ. Sáng sớm, mặt trời đỏ rực như nhô lên từ mặt nước, vầng sáng lan tỏa dần, bừng sáng không gian rộng lớn, mặt hồ long lanh như dát bạc, nắng sớm chiều qua các kẽ lá. Trời trở về chiều Hồ Tây biến đổi một cách kỳ ảo, vầng mặt trời đỏ rực soi rọi trên mặt hồ, bầu trời và mặt nước dường như gần nhau hơn, chỉ cần một cánh chim chao nghiêng bay qua mặt hồ cũng đủ là gạch nối giữa trời - nước khiến cho tâm hồn xao động, gợi những nỗi nhớ niềm thương, khoảng lặng bình yên bên con đường Cổ Ngư tấp nập, hối hả giờ tan tầm.

Hồ Tây là một di sản vô giá về thiên nhiên - lịch sử - văn hóa của Thăng Long - Hà Nội. Cần có biện pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng nước hồ chống ô nhiễm xâm lấn để Hồ Tây thực sự là danh lam thắng cảnh hàng đầu của Thủ đô.

Bài viết có sự tham khảo từ: GS.  Hoàng Thiếu Sơn (chủ biên) Bách khoa thư Hà Nội tập 2 “Địa lý”; PGS. TS Nguyễn Đức Khiển (chủ biên) Tập 6 BKT “Khoa học và công nghệ”; PGS.TS Nguyên Vĩnh Cát (chủ biên) Tập 12 BKT  “Nghệ thuật”.

Bạn đang đọc bài viết Hồ Tây - Điểm lựa chọn của du khách bốn phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.