Thứ bảy, 20/04/2024 19:48 (GMT+7)

Hòa Bình: Nhà máy gỗ xây dựng trên đất bán trái thẩm quyền?

Nguyên Bá -  Thứ sáu, 27/09/2019 17:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau khi “thâu tóm” được gần 2ha đất lâm nghiệp tại Đồi Tre với giá rẻ, Cty Gỗ Hòa Bình đã tiến hành xây dựng nhà xưởng và hàng loạt công trình phụ trợ trái phép, gây nhiều bất bình trong nhân dân.

Nhà máy gỗ xây dựng không phép trên đất lâm nghiệp

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử từng đăng tải bài viết “Hòa Bình: Người dân tố cáo trưởng thôn bán nhiều hecta đất rừng”, phản ánh về việc tập thể người dân thôn Xuân Thanh, xã Thanh Lương (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) làm đơn tố cáo ông Quách Công Giang, Trưởng thôn Xuân Thanh có dấu hiệu cấu kết với một số cá nhân, lãnh đạo xã Thanh Lương bán trái thẩm quyền gần 2ha đất tại khu vực Đồi Tre.

Theo những người dân tại đây cho biết, khu vực Đồi Tre có nguồn gốc đất công, do hội Người cao tuổi thôn Xuân Thanh và HTX Xuân Him quản lý.

Năm 2003, người dân tự thỏa thuận với doanh nghiệp xúc đất, hạ thấp mặt bằng để lấy đất làm đường HCM thì khu vực này được nhân dân thống nhất làm khu giãn dân. Số diện tích này được người dân thống nhất giao cho ông Huynh là chủ nhiệm HTX Xuân Him đứng tên đại diện.

Nhà máy chế biến gỗ của Cty gỗ Hòa Bình xây dựng trái phép ngay trên đất rừng sản xuất.

Tuy nhiên, không biết lý do gì từ năm 2018, ông Giang với chức trách trưởng thôn Xuân Thanh đã bí mật bán cho ông Nguyễn Xuân Cường. Sau đó ông Nguyễn Xuân Cường tiếp tục bán lại cho ông Vũ Đức Cường, Giám đốc Cty CP sản xuất & Thương mại Gỗ Hòa Bình (Cty Gỗ Hòa Bình). Vụ việc vỡ lở, ông Giang lúc này mới công bố cho người dân biết là khu Đồi Tre bán được 620 triệu, trả cho ông Huynh 200 triệu tiền gọi là ký xác nhận bán đất.

Sau khi bài viết đăng tải đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thôn Xuân Thanh, đồng thời người dân cũng đề nghị PV làm rõ trách nhiệm, vai trò của từng cá nhân trong vụ việc bán đất nêu trên.

Đến ngày 24/9/2019, PV nhận được cuộc điện thoại của ông Bùi Văn Nhật, Chủ tịch UBND xã Thanh Lương. Ông Nhật cho biết, UBND huyện Lương Sơn đã thành lập đoàn thanh tra để xác minh, làm rõ các nội dung tố cáo của người dân. Đồng thời ông Nhật đề nghị PV tạm thời không tiếp tục đăng tải các bài viết mà phải chờ kết luận thanh tra từ phía UBND huyện.

Mới đây, trong quá trình tìm hiểu và xác minh vụ việc, PV tiếp tục được người dân cung cấp thông tin ông Vũ Đức Cường, Giám đốc Cty Gỗ Hòa Bình tự ý xây dựng hàng loạt nhà xưởng trái phép trên đất lâm nghiệp tại Đồi Tre.

Máy móc, nguyên vật liệu để ngổn ngang trong nhà máy gỗ.

Theo đó, sau khi nhận chuyển nhượng gần 2 ha đất tại khu vực Đồi Tre tại thôn Xuân Thanh, ông Cường đã ngang nhiên xây dựng hệ thống nhà kho, nhà xưởng, nhà điều hành và hệ thống nhà ở cho công nhân trên diện tích đất lâm nghiệp khi chưa có sự chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh.

Từ khi nhận chuyển nhượng số đất nêu trên, Cty Gỗ Hòa Bình của ông Cường không làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lâm nghiệp sang đất sản xuất, ngang nhiên xây dựng trái phép hệ thống nhà xưởng, không lập quy hoạch và báo cáo tác động môi trường.

Điều đáng nói là, việc thi công xây dựng nhà xưởng trái phép của ông Cường diễn ra công khai, kéo dài nhưng chính quyền sở tại lại không có bất cứ biện pháp nào ngăn chặn, xử lý kịp thời, dẫn đến hiện nay nhà xưởng này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Xử lý vi phạm “trên giấy”

Liên quan đến vấn đề trên, PV tiếp tục liên hệ làm việc với ông Bùi Văn Nhật, Chủ tịch UBND xã Thanh Lương. Ông Nhật thừa nhận, khu nhà xưởng của Cty Gỗ Hòa Bình hiện nay là xây dựng trái phép, nguồn gốc đất là đất lâm nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng.

Ông Nhật chứng minh bằng việc cung cấp cho PV một giấy CNQSDĐ của Cty CP sản xuất và Thương mại gỗ Hòa Bình, trong giấy chứng nhận thể hiện hơn 17.000 m2 đất của Cty này là đất rừng sản xuất, thời hạn sử dụng đến năm 2047.

“Việc xây dựng này hơn 1 năm, gần 2 năm nay rồi, huyện mới chỉ phê duyệt chủ trương chứ tất cả chưa có gì, tôi cho cả người xuống ngăn chặn rồi”, ông Nhật cho biết.

Khi được hỏi tại sao công ty này chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, các quyết định đầu tư, giấy phép xây dựng không có nhưng vẫn có thể xây dựng nhà xưởng diện tích lên tới hàng nghìn mét vuông, ông Nhật liền chưng ra một số biên bản kiểm tra, đình chỉ và bình thản cho rằng “Trách nhiệm đây, chả nhẽ xuống về tay không à, mấy lần xuống kiểm tra, đình chỉ rồi chứ có phải không đâu, có quyết định đây, kiểm tra đình chỉ khác nhau, thời điểm khác nhau chứ”.

Quyết định đình chỉ xây dựng nhà xưởng của UBND xã Thanh Lương.

Theo các văn bản ông Nhật cung cấp, ngày 9/7/2018, UBND xã Thanh Lương có thông báo số 48/TB-UBND về việc đình chỉ xây dựng dự án chế biến gỗ Công ty CP sản xuất và thương mại gỗ Hòa Bình.

Lý do đình chỉ là khu vực Cty xin đầu tư sản xuất kinh doanh chưa được UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. UBND xã Thanh Lương yêu cầu Cty dừng ngay việc xây dựng các hạng mục công trình trên khu đất và chờ các văn bản phê duyệt của UBND tỉnh.

Tiếp đó, ngày 25/7/2019, UBND xã Thanh Lương tiếp tục ban hành quyết định đình chỉ xây dựng nhà xưởng chưa đúng quy định pháp luật đối với Cty CP sản xuất và thương mại gỗ Hòa Bình, lý do chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định, chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp phép xây dựng.

Ông Nhật khẳng định, nhà máy này từ khi xây dựng xong không hoạt động gì do không có nguyên liệu. Đồng thời ông Nhật thừa nhận trách nhiệm khi địa phương còn làm chưa chặt chẽ, nhiều lần kiểm tra các doanh nghiệp chưa có bất kỳ văn bản giấy tờ gì.

Tuy nhiên, trái ngược với những gì mà ông Nhật thông tin, người dân nơi đây đã cung cấp một số hình ảnh thể hiện nhà máy chế biến gỗ này đã đi vào hoạt động từ rất lâu. Hàng ngày các xe vận chuyển nguyên liệu vẫn ra vào tấp nập, công nhân, máy móc vẫn hoạt động bình thường. Thậm chí, trong mấy ngày gần đây, Cty này còn nợ tiền lương của một số công nhân, dẫn đến việc một số công  nhân đình công không làm việc.

Với việc nhà máy gỗ xây dựng không phép trên đất rừng sản xuất khi chưa có sự chấp thuận đầu tư của tỉnh, chính quyền xã Thanh Lương lại chỉ biết lập biên bản và đình chỉ mà không có bất kỳ sự ngăn chặn, xử lý kịp thời. Phải chăng việc xử lý “trên giấy” này chỉ để cho có lệ nhằm trốn tránh trách nhiệm và “bao che, bảo kê” cho sai phạm?

Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Hòa Bình: Nhà máy gỗ xây dựng trên đất bán trái thẩm quyền?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất