Thứ tư, 24/04/2024 17:28 (GMT+7)

Học sinh toàn cầu đồng loạt chống biến đổi khí hậu

MTĐT -  Thứ sáu, 20/09/2019 16:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng chục nghìn sinh viên Australia đã xuống đường tuần hành để kêu gọi chính phủ và các doanh nghiệp gia tăng nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

TTXVN đưa tin, ngày 20/9, các học sinh, sinh viên tại Australia đã mở màn đợt tuần hành quy mô lớn, được tổ chức trên toàn cầu để thúc đẩy hành động mạnh mẽ hơn, nhanh chóng hơn đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Đây là đợt tuần hành cao điểm trong phong trào "Thứ Sáu vì Tương lai," do nữ sinh người Thụy Điển Greta Thunberg khởi xướng.

Các nhà tổ chức chiến dịch mong muốn các trường học trên thế giới cam kết tham gia cuộc tuần hành này trước Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về hành động chống biến đổi khí hậu vào ngày 23/9 tới, nơi các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận kế hoạch giảm phát thải 45% trong thập niên tới và đạt mức phát thải 0% vào năm 2050.

Nữ sinh người Thụy Điển Greta Thunberg phát biểu tại sự kiện Những ngày Thứ Sáu vì tương lai ở thủ đô Berlin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Cuộc tuần hành sẽ cổ động trẻ em toàn thế giới tích cực thuyết phục người lớn coi trọng hơn hành động chống biến đổi khí hậu.

Tại Australia, học sinh, sinh viên đã tuần hành tại nhiều thành phố lớn như Sydney, Melbourne và hàng chục thành phố nhỏ hơn trên khắp cả nước.

Theo vov, các bạn học sinh, sinh viên tổ chức cuộc tuần hành tại thành phố Sydney cho biết, cuộc tuần hành này là để chuyển ba yêu cầu tới chính quyền Australia.

“Thứ nhất, không có thêm bất kỳ dự án mới nào về khai thác than đá, dầu mỏ, khí, bao gồm cả các dự án khai thác mỏ của Adani. Thứ hai là đến năm 2030, Australia phải chuyển hoàn toàn sang sử dụng và xuất khẩu nhiên liệu tái tạo. Thứ ba là lên kế hoạch cho sự chuyển đổi và tạo việc làm cho những người từng làm việc liên quan đến nhiên liệu hóa thạch cũng như cộng đồng”, một học sinh cho biết.

Tham gia các cuộc tuần hành này không chỉ có học sinh, sinh viên mà còn thu hút sự ủng hộ của nhiều bố mẹ, ông bà, và cả các doanh nghiệp. Một số trường đại học tại Australia cho biết họ không phạt sinh viên nghỉ học để tham gia tuần hành. Khoảng 2.500 doanh nghiệp Australia cũng đã cam kết cho người lao động nghỉ làm ngày hôm nay để cùng góp thêm tiếng nói với các em học sinh, sinh viên.

Lachlan Kelly, một bạn thanh niên tham gia tuần hành nói: “Chúng ta đã chờ đợi 30 năm song mọi chuyện dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Và tôi rất vui khi vấn đề này đang được bàn tán sôi nổi. Tôi cho rằng, với tư cách là một thanh niên, tôi có trách nhiệm cần phải lan truyền điều này”.

Ngày học sinh, sinh viên bãi khóa vì khí hậu đã được Greta Thunberg, một nữ sinh 16 tuổi người Thụy Điển, khởi xướng. Cách đây 6 tháng, cô bé Thunberg đã cắm trại bên ngoài trụ sở Quốc hội Thụy Điển cùng một tấm bảng viết tay "Bãi khóa vì khí hậu". Kể từ đó, Thunberg đã đi khắp thế giới, tạo ra một làn sóng những người trẻ tuổi thất vọng vì tiến độ chậm chạp của "những người trưởng thành" trong việc ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu. Thunberg đã được ba nhà lập pháp Na Uy đã đề cử giải Nobel Hòa bình 2019. Trong đề cử của mình, nghị sĩ Freddy Andre Ovstegard cho biết: "Greta Thunberg đã phát động một phong trào quần chúng mà tôi coi đó là sự đóng góp to lớn cho hòa bình".

Lời kêu gọi học sinh, sinh viên đứng lên chống biến đổi khí hậu đã nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. Bà khẳng định thế hệ trẻ cần gửi đi một thông điệp: “Hãy lôi cuốn càng nhiều người càng tốt tham gia với các bạn vì đơn giản là chúng ta không thể một mình đi đến đích”. Và như một động thái nhằm ủng hộ hành động này của học sinh, sinh viên, bà Ardern đã cam kết chi 100 triệu đôla New Zealand (68 triệu USD) để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Hàng nghìn thanh niên Anh tuần hành vì khí hậu tại thủ đô London ngày 15/2. Ảnh: AFP/TTXVN.

Tròn 30 năm sau khi những cảnh báo về các tác động thảm khốc của biến đổi khí hậu được đưa ra, tình trạng thải khí CO2 đã đạt đến những kỷ lục vào năm 2017 và 2018. Càng ngày người ta càng nghe thấy nhiều hơn những tin tức giật mình về đợt nắng nóng đến gần 50 độ C ở Australia, hay lên tới 41 độ C ở những xứ lạnh như Canada và Mỹ làm nhiều người tử vong, những trận siêu bão biến mọi thứ trở thành hoang tàn ở Philippines, Indonesia... hoặc những đợt cháy rừng khủng khiếp tàn phá Mỹ, Hy Lạp, Thụy Điển, Italy… và cả những đợt núi lửa phun trào, động đất, sóng thần ở nhiều nước châu Á… Dự báo đến năm 2100, những trận siêu bão như Sandy ở Mỹ sẽ lặp lại với tần suất thường xuyên hơn, có thể tới 17 lần/năm.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Học sinh toàn cầu đồng loạt chống biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.