Hội An tôn vinh những người âm thầm đóng góp giảm thiểu chất thải rắn tại đô thị
Những người thu gom đồng nát, ve chai, đa phần là phụ nữ, đang âm thầm đóng góp cho công tác quản lý chất thải rắn tại đô thị. Họ là một mắt xích quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn về quản lý chất thải rắn.
Ngày 20/12, tại TP Hội An (Quảng Nam), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hội An phối hợp cùng tổ chức hoạt động “Tôn vinh những người phụ nữ làm nghề ve chai thành phố Hội An” năm 2022.
Đây là hoạt động được thực hiện trong chương trình đối tác chiến lược giữa IUCN Việt Nam và Liên Minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO VN) và dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) do Greenhub thực hiện hướng đến mục tiêu phân loại rác tại nguồn và thu gom rác thải nhựa nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, đồng thời nâng cao điều kiện làm việc, an toàn lao động, sức khỏe và cuộc sống cho lao động nữ phi chính thức trong chuỗi giá trị.
Bà Ngô Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hội An cho biết, trên địa bàn có trên 100 phụ nữ làm nghề ve chai, từ buôn bán dạo đến làm chủ vựa thu mua, kết nối đội ngũ lao động trong lĩnh vực này.
Năm 2013, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hội An đã ra mắt "Chi hội phụ nữ thu mua rác tái chế" có 40 chị em phụ nữ tham gia, với mục đích đồng hành, hỗ trợ những người phụ nữ nghề ve chai có điều kiện, phương tiện làm việc tốt hơn và quan tâm hỗ trợ nguồn vốn vay sinh kế để các chị duy trì và mở rộng quy mô kinh doanh, tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình.
Tháng 3/2022, IUCN và Greenhub đã trao tặng 54 Ngôi nhà Xanh cho Hội Phụ nữ thành phố Hội An giúp phân loại rác tại nguồn cũng như phía thành phố Hội An đang xây dựng vận hành các Cơ sở Phục hồi Tài nguyên (MRF). Sự tham gia của các chị em làm nghề ve chai cùng với các chi hội phụ nữ và nhóm Câu lạc bộ S.E.A Club trong việc hỗ trợ vận hành tại các Ngôi nhà xanh và MRF trên địa bàn thành phố đã đem lại hiệu quả tích cực trong quản lý rác thải rắn thông qua hoạt động phân loại thu gom và phân loại rác tái chế.
Theo bà Nhung, các chị em làm nghề ve chai cũng là nguồn lực quan trọng góp phần tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại và thu gom rác thải, biến rác thải thành tài nguyên, thu gom và giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường, và nhờ đó giảm chị phí mà chính quyền địa phương phải sử dụng hàng ngày cho hoạt động thu gom rác thải.
"Hoạt động là dịp tôn vinh và ghi nhận những đóng góp thầm lặng của các chị bởi các chị là một mắt xích quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn về quản lý chất thải rắn tại Việt Nam; giúp những người ve chai tự hào hơn về công việc của mình, ngày càng phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng Hội An trở thành thành phố du lịch xanh", Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hội An chia sẻ.
Phát biểu tại chương trình, bà Bùi Thị Thu Hiền, Phụ trách Chương trình Biển và Vùng bờ IUCN cho biết, Việt Nam đứng trong nhóm 10 nước có ô nhiễm nhựa đại dương cao nhất thế giới và với số liệu này, không phải vì chúng ta sử dụng nhiều các sản phẩm nhựa mà vì ý thức cũng như cách quản lý của chúng ta chưa được tốt.
Các cô, các chị đã và đang âm thầm đóng góp cho công tác quản lý chất thải rắn tại đô thị, thu gom và tiết kiệm nguồn nguyên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, những đóng góp ấy chưa từng được ghi nhận một cách nghiêm túc. Một phần không nhỏ rác thải sinh hoạt, chủ yếu là rác có giá trị tái chế cao đang được thu gom bởi các chị, các cô thu mua đồng nát, ve chai, những người vẫn rong ruổi trên khắp các tuyến phố và trở thành hình ảnh quen thuộc tại các đô thị.
Tại chương trình, các cô, các chị cũng đã chia sẻ về những khó khăn, vất vả và những tủi hờn trong nghề cũng như mong ước nhỏ bé của mình; đồng thời, bày tỏ sự cảm ơn khi công việc của mình được ghi nhận, quan tâm.
Chị Nguyễn Thị Tài (ngụ phường Minh An) chia sẻ: “Nghề thu gom phế liệu của chúng tôi không có thời gian cố định, không có thu nhập ổn định. Chúng tôi cũng “làm bạn” với rác mỗi ngày nhưng trước đây ít quan tâm đến vấn đề vệ sinh. Từ khi tham gia vào 'Chi hội phụ nữ thu mua rác tái chế', tôi và các chị em đã được hỗ trợ xe đẩy đề bớt vất vả hơn. Chúng tôi mong muốn xã hội công nhận nghề thu mua ve chai như một nghề nghiệp và được hỗ trợ các chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội”.