Thứ năm, 28/03/2024 20:07 (GMT+7)

Hội MTĐT và KCN Khu vực Miền Trung - Tây Nguyên tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng năm 2022

Thanh Thuý -  Thứ sáu, 17/06/2022 14:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 17/6/2022 tại Đà Nẵng, Hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Khu vực Miền Trung - Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng năm 2022.

Hội nghị nhằm tổng kết hoạt động Hội giai đoạn 2020 - 2022 và thống nhất phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2022 - 2023.

Tham dự Hội nghị có GS.TSKH Nguyễn Văn Liên - Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, ông Võ Nguyên Chương - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, các Phó Chủ tịch Hiệp hội; Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, cùng các đại biểu Ban chấp hành Hội khu vực và các vị khách quý.

tm-img-alt
GS.TSKH Nguyễn Văn Liên - Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Đoàn kết, đổi mới cùng phát triển

Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Khu vực Miền Trung - Tây Nguyên (Hội khu vực) Nguyễn Hồng Sơn cho biết: thời gian qua, công tác môi trường gặp nhiều khó khăn và chịu nhiều áp lực của xã hội, đó là những thách thức lớn đặt ra cho các đơn vị trong ngành, đồng thời cũng là cơ hội để các đơn vị thể hiện được vai trò của mình với cộng đồng và chính quyền địa phương. Trong hoàn cảnh đó, Hội khu vực đã giữ vững được sự kết nối giữa các địa phương, giữa các đơn vị hội viên, tạo quan hệ, liên kết hợp tác, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm theo ngành nghề cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ, nhất là trong những thời điểm khó khăn khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.

Thực hiện công tác đổi mới doanh nghiệp, đến nay đã có 16/16 đơn vị trực thuộc Hội khu vực là doanh nghiệp nhà nước đã hoàn thành công tác cổ phần hoá. Sau khi chuyển đổi, hầu hết các đơn vị đều có sự phát triển tốt, phát huy, kế thừa mọi quyền và nghĩa vụ của người lao động từ doanh nghiệp Nhà nước, bảo đảm đời sống cán bộ, công nhân viên có việc làm ổn định. Các đơn vị tư nhân hoạt động trong lĩnh vực cung cấp vật tư thiết bị, hoá chất, công nghệ môi trường không ngừng đổi mới hình thức và mô hình hoạt động, thích ứng nhanh với môi trường kinh doanh mới.

Từng bước cơ giới hoá hiện đại hoá công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải

Trong công tác thu gom rác thải, nhiều đơn vị đã thực hiện cơ giới hoá, đầu tư xe tải nhỏ, xe điện để thu gom rác như Công ty cổ phần Môi trường và CTĐT Huế, Đông Hà, Quảng Bình, Phú Yên, Nha Trang, Đắk Lắk, Bình Định, Hà Tĩnh… góp phần cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, tăng năng suất lao động, nhất là ở những địa bàn đồi dốc, giảm thiểu các điểm trung chuyển, nâng cao chất lượng dịch vụ vệ sinh môi trường.

Tại một số đơn vị, các trạm trung chuyển rác đang dần bị thu hẹp và xóa toàn bộ đã ảnh hưởng lớn đến quá trình thu gom vận chuyển rác tại các khu dân cư; thay vào đó nhiều đơn vị đã tạo các điểm tập kết rác tạm thời trên đường phố để chờ xe đến nâng (gọi là điểm chờ), một số điểm được che chắn bằng các bảng pa- nô với các hình ảnh, phong cảnh bảo vệ môi trường tạo nên cảnh quan đẹp mắt và góp phần tuyên tuyền trong nhân dân; còn hầu hết vẫn còn nhếch nhác. Tùy đặc thù mỗi địa phương, các đơn vị đã điều chỉnh thời gian, hình thức thu gom rác hợp lý nhằm giảm thiểu sự phát sinh ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Các đơn vị đã và đang tập trung chuyển đổi sang sử dụng Hóa đơn điện tử theo quy định. Một số đơn vị đã triển khai thu qua Ngân hàng thông qua các ví điện tử như Momo, VNPTpay, Viettel pay…

Phân loại rác tại nguồn là vấn đề đang được chính quyền các đô thị và các đơn vị làm công tác vệ sinh môi trường trong khu vực đặc biệt quan tâm. Thực hiện quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong thời gian qua, trong khu vực đã có nhiều đề án phân loại rác được phê duyệt và triển khai thực hiện thí điểm tại nhiều địa phương như tại thành phố Huế, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quy Nhơn, Pleiku, Buôn Ma Thuộc, Lệ Thủy… Một số đơn vị đã liên kết với các tổ chức như GreenHub, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới WWF, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam)... thực hiện nhiều chương trình phân loại rác tại nguồn, bước đầu đạt được một số thành công nhất định.

tm-img-alt
Toàn cảnh hội nghị

Công tác xử lý rác thải hiện nay tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến. Phần lớn khối lượng chất thải rắn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệsinh và xử lý nước rỉ rác bằng phương pháp cơ sinh học. Quá trình chôn lấp rác thải đều có sử dụng chế phẩm sinh học giảm thiểu tối đa sự phát tán ô nhiễm và vận hành bãi rác hợp vệ sinh theo đúng các quy định đối với công tác quản lý chất thải rắn.

Một số đơn vị đã nghiên cứu, áp dụng những phương pháp xử lý mới, tiên tiến như công nghệ ủ rác làm phân compost, đốt rác… Tuy nhiên, công tác sản xuất phân compost chưa sản xuất số lượng lớn phù hợp với công suất nhà máy, khâu tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, tại Đà Nẵng đã tiến hành triển khai Dự án sản xuất phân bón lỏng Biomas từ chất thải nhà vệ sinh nhằm cải thiện vệ sinh đô thị và hỗ trợ nông dân ở thành phố Đà Nẵng; Công ty cổ phần Môi trường và Phát triển Đô thị Quảng Bình phối hợp với Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam thực hiện mô hình xử lý rác thải sinh hoạt thu hồi Biogas và sản xuất phân bón khoáng hữu cơ, hiện đang trong quá trình hoàn thiện dây chuyền công nghệ sản xuất phân compost. Nhiều địa phương trong thời gian qua đã và đang tiến hành quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch nhà máy xử lý, bãi chôn lấp hợp vệ sinh, các trạm thu gom, khu vực xử lý rác công nghiệp nguy hại phù hợp với quy hoạch chung của từng địa phương.

Một số địa phương trong khu vực Miền Trung - Tây Nguyên đã tổ chức đấu thầu trong công tác vệ sinh môi trường, cây xanh đô thị... các đơn vị hội viên Hội luôn đáp ứng các tiêu chí và tiêu chuẩn dự thầu, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn - vướng mắc.

Các công tác, phòng chống lây lan dịch bệnh COVID-19, tác truyền thông và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, Công tác chăm lo đời sống người lao động trong Hội khu vực… đều đạt được những thành công.

Một số đề xuất kiến nghị

Từ những kết quả hoạt động và những khó khăn, hạn chế, tại Hội nghị, đại diện Hội khu vực Miền Trung - Tây Nguyên đã đưa ra một số kiến nghị Hiệp Hội Môi trường Đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam đề xuất các Bộ ngành có liên quan và chính quyền các địa phương, đó là:

Các Bộ, Ngành Trung ương sớm ban hành văn bản, quy định và hướng dẫn cách thu tiền dịch vụ vệ sinh theo khối lượng/thể tích chất thải rắn (Điều 79 Luật Bảo vệ Môi trường 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020: chậm nhất đến ngày 31/12/2024, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân phải được tính toán dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại) để các địa phương tổ chức triển khai khi thời gian thực hiện chỉ còn hơn 2 năm.

Điều chỉnh hoặc bổ sung Luật đấu thầu 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 đối với lĩnh vực công ích. Cần ưu tiên cho những đơn vị hoạt động công ích tại địa phương và có bề dày hoạt động trong lĩnh công ích trên 20 năm.

Nghiên cứu ban hành phương pháp, quy trình xác định quản lý chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để các địa phương xây dựng, điều chỉnh đơn giá nhanh chóng, thuận tiện; Có quy định cụ thể về mức thu tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt; tỷ lệ hỗ trợ, bù đắp từ ngân sách địa phương thống nhất trên cả nước với từng loại đô thị. Quy định khoản bù trừ đối với trường hợp thất thu.

Kiến nghị chính quyền các địa phương ban hành cụ thể hóa các chế tài xử lý đối với những đối tượng không phân loại rác tại nguồn, không nộp tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; có các quy định rõ ràng hơn trong công tác phân loại rác tại nguồn, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích tiêu thụ các sản phẩm tái chế và hỗ trợ công tác quảng bá sản phẩm tái chế rộng rãi ra cộng đồng.

Bạn đang đọc bài viết Hội MTĐT và KCN Khu vực Miền Trung - Tây Nguyên tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng năm 2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa
Ngày 26/4, tại TP.HCM, Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo tham vấn với các bên liên quan về xây dựng kịch bản đàm phán cũng như kiến nghị xoay quanh Bản dự thảo số “0” sửa đổi của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.