Thứ tư, 24/04/2024 22:40 (GMT+7)

Hội nghị trực tuyến về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia

Tùng Anh (T/h) -  Thứ bảy, 16/04/2022 08:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 15/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

tm-img-alt
Quang cảnh hội nghị

Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng, có độ phức tạp cao và được nhiều cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học cũng như các địa phương trong cả nước đặc biệt quan tâm. Đây là quy hoạch ngành quốc gia được triển khai đầu tiên theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, theo Nhiệm vụ lập Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1264/QĐ-TTg ngày 1/10/2019.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Công thương Đặng Hoàng An cho biết, so với các phương án đã trình trước đây, dự thảo lần này đã giảm triệt để phát thải khí CO2 do không phát triển các nhà máy nhiệt điện than trong thời kỳ quy hoạch. Thực hiện chuyển đổi nhiên liệu từ than sang biomass và amoniac, từ khí tự nhiên, LNG sang hydrogen. Đặc biệt, cơ cấu nguồn điện và phân bổ không gian phát triển có nhiều thay đổi so với trước đây. Hệ số dự phòng trước đây là 1,93 thì bây giờ là 1,54, qua đó, sẽ tiết giảm vốn đầu tư xã hội. Trên cơ sở phân bổ vùng hợp lý hơn, tiết kiệm đầu tư đường dây khoảng 13 tỷ USD. Tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 dự kiến khoảng 146.000 MW, giảm khoảng 35.000 MW so với phương án đã trình ngày 26/3/2021.

Tại Hội nghị, các địa phương thống nhất cao với quan điểm, định hướng, chỉ đạo và cách làm thận trọng, kỹ lưỡng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm an ninh năng lượng; bố trí nguồn điện hợp lý giữa các vùng miền; giảm thiểu đầu tư hệ thống truyền tải, qua đó đã giảm tối đa tổng mức đầu tư, bảo đảm giá điện ở mức hợp lý; và thực hiện những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải. Đặc biệt, Chính phủ đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng trong việc phát huy lợi thế về phát triển điện lực của các địa phương, nhất là đối với địa phương còn khó khăn trên cơ sở bảo đảm hiệu quả chung.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển nhưng cũng tính đến tổng thể cả nước để bảo đảm hiệu quả, an ninh năng lượng, hạn chế truyền tải điện đi xa để giảm giá thành chung, vừa phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương. Trong quy hoạch, dự phòng nguồn điện cho khu vực miền trung vẫn để ở mức lớn nhất với các lý do: lợi thế phát triển điện trong khu vực rất tốt (gồm điện gió, điện mặt trời) và các địa phương trong khu vực còn khó khăn nên cần ưu tiên.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần tính đến bài toán kinh tế trên phạm vi cả nước chứ không chỉ vùng, địa phương. Khi đề xuất quy hoạch, các địa phương chủ yếu căn cứ vào điều kiện tự nhiên, thuận lợi của địa phương mình mà chưa tính toán được các ràng buộc tổng thể về liên kết vùng, hiệu quả kinh tế tổng thể quốc gia. Trong khi đó, cách tiếp cận của Bộ Công thương theo phương pháp tổng thể, vừa từ dưới lên nghĩa là quan tâm tới đề xuất của địa phương để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương và vừa từ trên xuống nghĩa là cân đối để tối thiểu hóa chi phí toàn hệ thống, cân đối vùng miền, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, nhà đầu tư. 

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, đến nay, cơ bản các phương án tính toán đã tối ưu. Tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 dự kiến khoảng 146.000 MW, giảm khoảng 35.000 MW so với dự thảo trình ngày 26/3/2021. Công suất cực đại dự kiến vào năm 2030 vào khoảng 93.000 MW. Giảm quy mô đầu tư theo quy hoạch gần 2 triệu tỷ đồng, trong đó giảm đầu tư công suất nguồn khoảng 35.000MW, giảm đầu tư hệ thống truyền tải điện gần 300 nghìn tỷ đồng. Nguồn điện được bố trí hài hòa, bảo đảm phát huy lợi thế từng vùng miền, tiết kiệm tối đa truyền dẫn. Quy hoạch cũng đã đề ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí. Đến 2045, toàn hệ thống chỉ còn 9,6% điện than, trong khi điện gió, điện mặt trời chiếm 50,7%, bảo đảm các cam kết về chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường.

Nêu rõ giữ điện mặt trời ở tỷ lệ phù hợp so với các nguồn điện khác, Phó Thủ tướng cho biết, nhu cầu điện của nền kinh tế cao nhất không phải vào lúc có mặt trời mà vào khoảng 18 đến 22 giờ, cho nên nếu không có các nguồn điện khác như thủy điện, nhiệt điện thì lúc đó không thể đáp ứng được nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt. Trong khi ban ngày, phát điện mặt trời thì các nguồn điện khác phải giảm công suất. Nếu tích điện mặt trời để phát vào ban đêm thì giá thành tăng gấp 3-4 lần.

Phó Thủ tướng khẳng định, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết là quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch điện VIII của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương tiếp thu tối đa các ý kiến dựa trên nguyên tắc chung, hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch Điện VIII để thông qua Hội đồng thẩm định quốc gia, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, phê duyệt trong tháng 4/2022.

Bạn đang đọc bài viết Hội nghị trực tuyến về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành
Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.