Thứ năm, 25/04/2024 07:01 (GMT+7)

Hội thảo xây dựng chính sách về phòng chống tác hại của rượu bia

An Yên -  Thứ ba, 23/04/2019 14:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo xây dựng chính sách về phòng chống tác hại của rượu bia vào ngày 22/4.

Nội dung chính của Hội thảo là cung cấp các thông tin khoa học và bài học kinh nghiệm hữu ích từ các chuyên gia trong và ngoài nước cho việc xây dựng Luật phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam.

Buổi Hội thảo có sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế; TS. Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam; Ông Bùi Ngọc Chương - Ủy viên thường trực, Ủy ban các vấn đề xã hội của quốc hội đã tham dự.

PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế.

Phát biểu tại Hội thảo Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Trường Sơn cho biết, tại Việt Nam, sản lượng rượu, bia và đồ uống có cồn khác được sản xuất gia tăng nhanh qua các năm trong khi thế giới đang giảm dần.

Năm 2015, Việt Nam sản xuất 3.4 tỷ lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp và khoảng 250 triệu lít rượu thủ công. Tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động. Bình quân mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 6,6 lít cồn/người/năm, tỷ lệ nam giới và thanh thiếu niên sử dụng  rượu, bia đều ở mức cao.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau và được xếp vào hàng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới. Sử dụng rượu bia còn tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Bạo lực gia đình, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm, đói nghèo và gánh nặng về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội do liên quan đến các  phí tổn về chăm sóc sức khỏe giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác”.

Phát biểu tại Hội thảo TS. Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cũng cho biết: “Tác hại của rượu bia gây ra nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, phình mạch chủ, bệnh đường miệng, sơ gan, viêm gan, viêm tụy cấp và mãn tính. Bên cạnh đó còn gây ra hệ lụy nghiêm trọng của xã hội như tai nạn giao thông, bạo lực”.

TS. Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam.

TS Kidong Park cũng đưa ra những khuyến nghị của WHO trong việc phòng chống các tác hại rượu bia như: cần phải đưa ra những quy định cho việc tiếp cận quảng cáo về rượu bia. Cùng với đó người dân, những người chọn không uống rượu bia cần được bảo vệ trước việc tiếp cận các quảng cáo về rượu bia. Bên cạnh đó cần tăng thuế về đồ uống có còn, hạn chế quảng cáo đồ uống và thực thi hạn chế giờ bán rượu bia đặc biệt cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng, đến nay, mới có Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu và Quyết định số 244/QĐ-TTg  ngày 12/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. “Tuy nhiên, đây mới là chính sách mang tính định hướng và cần được thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao”, ông Sơn bày tỏ.

Hội thảo xây dựng chính sách về phòng chống tác hại của rượu bia.

Thứ trưởng Bộ Y tế mong muốn rằng thông qua Hội thảo này, các chuyên gia sẽ cùng chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp bằng chứng ảnh hưởng của quảng cáo với sự gia tăng sử dụng rượu bia ở giới trẻ và những khó khăn thách thức trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự luật.

Các đại biểu cũng đã thảo luận và thống nhất các hoạt động để triển khai thực hiện Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020.

Bạn đang đọc bài viết Hội thảo xây dựng chính sách về phòng chống tác hại của rượu bia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành