Thứ năm, 25/04/2024 19:46 (GMT+7)

Hơn 1 năm bùng phát đại dịch, trẻ em thế giới đang sống thế nào?

MTĐT -  Thứ tư, 02/06/2021 10:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dịch bệnh Covid-19 đang khiến cuộc sống của trẻ nhỏ trên khắp thế giới chịu nhiều biến động trong vòng hơn một năm qua. Đó chính là nhận định của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).

Sau hơn một năm sống trong đại dịch Covid-19, trẻ em trên khắp thế giới đang phải đối diện với một trạng thái đời sống có nhiều điều bất lợi cho sự phát triển của trẻ. Gia đình, nhà trường và xã hội cần nhận thức rõ những khó khăn, thách thức mà trẻ nhỏ đang phải đối diện trong bối cảnh hiện tại để có những sự hỗ trợ tích cực nhất.

Dịch bệnh đã khiến cuộc sống của nhiều gia đình trên khắp thế giới bị đảo lộn. Xét trên những yếu tố giúp ích cho sự phát triển của trẻ nhỏ, nhiều yếu tố đã bị thụt lùi trong vòng hơn một năm qua kể từ khi dịch bệnh bùng phát, khiến trẻ nhỏ đang phải sống trong một trạng thái bình thường mới có nhiều điều bất lợi cho sự phát triển chung của trẻ.

Theo UNICEF, trong một năm qua, số lượng trẻ nhỏ bị đói, bị thiếu những giao tiếp thường có, bị bạo hành, bị rối loạn tâm lý đang gia tăng. Việc đến trường và học tập theo nhịp bình thường của hàng trăm triệu trẻ em đã bị ngưng lại. Việc trẻ nhỏ được tiếp cận với các dịch vụ y tế cũng bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Dịch bệnh cũng tác động tới sức khỏe tinh thần của trẻ em khi những giao tiếp, kết nối trực tiếp với bạn bè, thầy cô bị ngưng trệ. Nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn kinh tế, khiến chất lượng đời sống của trẻ bị tác động. Những biến động trong đời sống kinh tế của gia đình, trong đời sống xã hội nói chung, đang gây nên nhiều bất lợi cho sự phát triển của trẻ em trên toàn cầu.

Theo bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành của UNICEF, "những dấu hiệu cho thấy trẻ em sẽ phải chịu những ảnh hưởng dài lâu do dịch bệnh này gây ra là rất đáng quan tâm".

Những con số thống kê của UNICEF cho thấy rằng dù những nỗ lực tích cực đang được thực hiện ở nhiều quốc gia trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, nhưng những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đối với trẻ em trên khắp thế giới là một thực tế đang hiện hữu.

Nhiều trường học trên thế giới - nơi học tập, vui chơi, giao tiếp của hơn 168 triệu trẻ em - đã và đang có những giai đoạn phải đóng cửa vì dịch bệnh, khiến việc trẻ nhỏ được đến trường và có những giao tiếp trực tiếp với thầy cô, bạn bè đang bị ngưng lại.
Những trẻ em sống trong hoàn cảnh nghèo khó đang gia tăng. Dịch bệnh gây khó khăn kinh tế cho nhiều hộ gia đình, điều này tác động trực tiếp tới chất lượng cuộc sống của trẻ nhỏ.
Theo khảo sát của UNICEF, cứ 3 trẻ em trên thế giới thì có một trẻ không có đủ các điều kiện cần thiết để tiếp cận với việc học online trong giai đoạn nhà trường đóng cửa.
Khả năng để người tị nạn có thể thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 là rất khó khăn, và trong cộng đồng người tị nạn cũng có nhiều trẻ nhỏ. Cuộc sống của các em ngay cả khi chưa xảy ra đại dịch cũng vốn đã phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức lớn.
Dịch bệnh đã khiến hoạt động tiêm chủng cho trẻ em tại nhiều quốc gia gặp phải những khó khăn, hạn chế.
Cứ 7 trẻ em sống trong trạng thái cách ly xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020, thì có một em trải qua những cảm xúc tiêu cực như rối loạn lo âu, cảm thấy cô độc hoặc thậm chí có dấu hiệu trầm cảm.
Trong hoàn cảnh khó khăn kinh tế, nạn tảo hôn càng dễ xảy ra, đặc biệt là với các bé gái. Theo UNICEF, sẽ có thêm khoảng 10 triệu thiếu niên chưa đủ tuổi trưởng thành bước vào hôn nhân trong thập kỷ này, điều này đe dọa tới những tiến bộ từng đạt được trong việc xóa bỏ nạn tảo hôn trên khắp thế giới.
Tính tới tháng 11/2020, có thêm 6-7 triệu trẻ nhỏ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở những mức độ khác nhau, con số này cho thấy sự gia tăng số lượng trẻ bị suy dinh dưỡng - một yếu tố nguy hại đối với sự phát triển của trẻ trong những năm tháng đầu đời. Hiện tượng này chủ yếu đang xảy ra tại vùng Hạ Sahara của Châu Phi và một số quốc gia Nam Á.
Khoảng 3 tỷ người trên khắp thế giới hiện đang thiếu đồ vệ sinh dành cho đôi tay, dù đó chỉ là những món đồ rất cơ bản như xà bông, nước sạch. Tại những quốc gia kém phát triển, 3/4 người dân và hơn 2/3 trường học bị thiếu những đồ vệ sinh cơ bản như thế, trong khi những món đồ này là cần thiết để giảm khả năng lây lan dịch bệnh Covid-19. Một con số thống kế đáng buồn do UNICEF đưa ra cho thấy có hơn 700 trẻ em dưới 5 tuổi bị chết mỗi ngày vì những căn bệnh gây ra bởi thiếu nước sạch, thiếu vệ sinh.
Từ trước khi dịch bệnh bùng phát, thế giới đã có nhiều trẻ em cần nhận được sự hỗ trợ do hoàn cảnh khó khăn gây ra bởi xung đột, nghèo đói, biến đổi khí hậu... Dịch bệnh khiến đời sống của nhiều trẻ em càng khó khăn hơn.

Bích Ngọc/Dân trí

Bạn đang đọc bài viết Hơn 1 năm bùng phát đại dịch, trẻ em thế giới đang sống thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng