Thứ bảy, 20/04/2024 12:05 (GMT+7)

Hơn 1 tỉ người trên toàn cầu đang mắc bệnh béo phì

MTĐT -  Thứ hai, 07/03/2022 15:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù tỷ lệ người béo phì tăng nhanh nhưng Việt Nam chưa có bất kỳ trung tâm điều trị béo phì nào chuyên biệt, hoàn chỉnh.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa gióng lên hồi chuông báo động: Hơn 1 tỉ người trên toàn cầu hiện đang mắc bệnh béo phì.

Con số hơn 1 tỉ kể trên bao gồm: 650 triệu người lớn, 340 triệu thanh thiếu niên, 39 triệu trẻ em; và những con số này vẫn đang tiếp tục tăng mỗi ngày.
WHO cho biết tỷ lệ béo phì đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975 và đã tăng gần 5 lần ở trẻ em và thanh thiếu niên. Béo phì ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi từ mọi nhóm xã hội, ở cả các nước phát triển và đang phát triển. 

WHO ước tính đến năm 2025 sẽ có khoảng 167 triệu người trên toàn cầu - gồm cả người lớn và trẻ em - trở nên kém khỏe mạnh hơn vì bị thừa cân hoặc béo phì. Nguyên nhân là bệnh béo phì ảnh hưởng đến hầu hết các hệ thống cơ thể, trong số đó ảnh hưởng nhiều nhất là: tim, gan, thận, các khớp và hệ thống sinh sản. Thừa cân và béo phì là yếu tố nguy cơ chính của các bệnh mãn tính: tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch, ung thư, tăng huyết áp, đột quỵ, các vấn đề sức khỏe tâm thần. Trong đó, bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường loại 2 đều là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm vốn có thể phòng ngừa được. Ngoài ra, những người bị béo phì có nguy cơ nhập viện vì Covid-19 cao gấp 3 lần.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Bệnh béo phì tại Việt Nam

Chia sẻ tại Hội thảo về bệnh béo phì ngày 4/3, TS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường thuộc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết so sánh với một số nước Đông Nam á, tỷ lệ người béo phì ở Việt Nam dù thấp nhất nhưng tốc độ gia tăng đang nhanh chóng do sự thay đổi lối sống, chế độ ăn, giảm hoạt động thể lực.

Theo một nghiên cứu tại 11 nước châu Á (trong đó có Indonesia, Nhật Bản,…) đo hoạt động thể lực qua đếm bước chân hàng ngày, cho thấy mỗi ngày mỗi người Việt chỉ đi 3.600 bước, chỉ bằng 1/3 mức tiêu chuẩn 10.000 bước. So sánh trong 11 nước, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước lười vận động nhiều nhất.
Kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng mới nhất cho thấy, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng 2,2 lần trong 10 năm.

Cụ thể, năm 2010, có 8,5% trẻ thừa cân, béo phì, nhưng tới năm 2020, con số tăng lên 19%. Trong đó, tỷ lệ này ở thành thị là gần 27% còn ở nông thôn, miền núi lần lượt là 18,3% và 6,9%. Đáng nói, 53% phụ huynh không biết con mình thừa cân hoặc béo phì, không ít người cho rằng đó là "béo đẹp, béo tốt", theo TS Bảy.

Dù tỷ lệ người béo phì tăng nhanh đặc biệt là trẻ em và trẻ vị thành niên nhưng Việt Nam chưa có bất kỳ trung tâm điều trị béo phì chuyên biệt, hoàn chỉnh nào. Thực tế, người bệnh béo phì đang điều trị tại các khoa như: Nội tiết, tim mạch, ung thư; tại các khoa phẫu thuật tiêu hoá, các khoa/trung tâm dinh dưỡng... Một số người tự điều trị (theo phương pháp truyền miệng, trên mạng hoặc tự mách nhau...) thậm chí không điều trị.

Một trong những rào cản lớn của vấn đề này là Việt Nam không có thầy thuốc được điều trị chuyên về béo phì, cùng đó thiếu các chuyên khoa hỗ trợ như dinh dưỡng, tâm lý, cũng như không có sự phối hợp giữa các chuyên khoa...
Để điều trị béo phì, không ít người dân, đặc biệt là phụ nữ tìm đến các loại thuốc giảm cân mong sớm đạt được thân hình như ý. Tuy nhiên, đã có không ít ca bệnh phải cấp cứu vì thuốc này.

Mới nhất, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận nữ bệnh nhân 43 tuổi ở Quảng Ninh phải cắt bỏ toàn bộ dạ dày, thực quản ngực chỉ vì uống thuốc giảm cân.
Chị này kể đã mua 2 lọ thuốc giảm cân được quảng cáo 100% từ thảo dược, giá 500.000 đồng/hộp. Từ một người hoàn toàn khoẻ mạnh, nặng 70kg, chị giảm 35 kg chỉ trong 2 tháng, nhưng cơ thể suy kiệt nghiêm trọng.

Được đưa tới viện cấp cứu, chị phải phẫu thuật 5 giờ đồng hồ, cắt bỏ toàn bộ dạ dày, thực quản ngực và tạo hình đường tiêu hoá trên bằng hồi đại tràng phải. Sau mổ, chị phải nằm viện trong 3 tháng với chi phí rất lớn.

Các chuyên gia tại Hội thảo khẳng định béo phì là một bệnh mạn tính, cần được điều trị sớm. Một hướng dẫn Quốc gia về béo phì ở Việt Nam là điều cần thiết cũng như thiết lập các trung tâm điều trị béo phì liên chuyên khoa… Hiện nay trên thế giới và Việt Nam đã có những loại thuốc hỗ trợ bệnh nhân béo phì để kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, để sử dụng an toàn cần có sự tư vấn và hướng dẫn của các bác sĩ. Người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn hướng điều trị hợp lý.  

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Chìa khoá ngăn ngừa béo phì

Ngày 4.3, trong bài phát biểu về Ngày Béo phì thế giới, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, nhấn mạnh: Chìa khóa để ngăn ngừa béo phì là hành động sớm, lý tưởng nhất là ngay cả trước khi một em bé được thụ thai. Bảo đảm dinh dưỡng tốt trong thai kỳ. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi, và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 2 tuổi hoặc hơn. Đó là điều tốt nhất cho tất cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Cũng theo ông, các quốc gia cần làm việc cùng nhau để tạo ra một “môi trường thực phẩm tốt hơn” cho mọi người. Cụ thể là hạn chế tiếp thị cho trẻ em thực phẩm và đồ uống có nhiều chất béo, đường và muối; đánh thuế đồ uống có đường; cung cấp khả năng tiếp cận tốt hơn với thực phẩm lành mạnh, giá cả phải chăng cho người dân.

Mỗi thành phố, mỗi địa phương cần lưu tâm tạo không gian cho việc đi bộ, đi xe đạp và các hoạt động giải trí an toàn. Giáo dục trong nhà trường cần giúp phụ huynh dạy trẻ những thói quen lành mạnh ngay từ sớm.

Mỗi người cần hạn chế tổng lượng chất béo và đường tiêu thụ; tăng cường tiêu thụ trái cây, rau, đậu, ngũ cốc và các loại hạt; luyện tập hoạt động thể chất thường xuyên (60 phút/ngày đối với trẻ em, 150 phút/tuần đối với người lớn).
WHO cho biết các nhà khoa học của họ đang theo dõi các xu hướng và tỷ lệ trên toàn cầu, nhằm xây dựng những hướng dẫn tiếp theo để phòng ngừa và điều trị béo phì. “Kế hoạch hành động tăng tốc để ngăn chặn béo phì” từ WHO sẽ được đưa ra thảo luận tại Đại hội đồng y tế thế giới lần thứ 76 diễn ra vào tháng 5 tới.

Trên tờ The Indian Express ngày 5.3, tiến sĩ Sanjay Khare, Trưởng bộ môn y khoa, Bệnh viện Apollo (TP.Navi Mumbai, Ấn Độ), tư vấn: Việc điều chỉnh lối sống cho những người béo phì, thừa cân hoặc mắc các bệnh kèm theo sẽ xoay quanh 3 yếu tố chính: chế độ ăn uống, tập thể dục và liệu pháp hành vi.

Về chế độ uống, tiến sĩ Khare khuyến cáo: Tránh xa các chế độ ăn kiêng khắc nghiệt và lỗi thời vì chúng không tạo ra kết quả lâu dài. Ăn khẩu phần nhỏ hơn, có chế độ ăn rất ít calo và thử kết hợp nhiều loại thực phẩm là một số cơ chế có thể giúp giảm cân.

Yash Vardhan Swami, nhà giáo dục sức khỏe và thể dục, lưu ý thêm: “Kiểm soát chế độ ăn uống không có nghĩa là bạn phải từ bỏ gạo, gluten và các thực phẩm khác; miễn là chúng ta ăn ít calo hơn mức chúng ta đang đốt”.

Về hoạt động thể chất, theo tiến sĩ Sanjay Khare, việc kiểm soát cân nặng có thể đạt được với nhiều lần hoạt động thể chất ngắn (thậm chí chỉ 10 phút) trong suốt cả ngày. Nên tăng dần thời lượng và cường độ các bài tập để có được sức mạnh và sự dẻo dai theo thời gian.

Chuyên gia Swami lưu ý: Hoạt động thể chất không nhất thiết phải tập luyện nặng và cường độ cao. Bạn có thể đốt cháy rất nhiều calo chỉ bằng cách đi bộ nhiều hơn.

Về liệu pháp hành vi, tiến sĩ Khare nói: “Đó là liệu pháp giúp ta thay đổi thói quen ăn uống, hoạt động thể chất và suy nghĩ. Ta cần đặt ra các mục tiêu cụ thể về thời gian, địa điểm, cách thức và trong bao lâu cho một hoạt động mà ta sẽ tham gia, sẽ thực hiện. Quá trình tự theo dõi này giúp ta ghi lại, xem xét và phân tích kết quả hoạt động của mình, từ đó giúp quản lý cân nặng lâu dài”.

Cuối cùng và quan trọng không kém, quản lý căng thẳng và đảm bảo ngủ đủ giấc là điều cần thiết để duy trì sức khỏe tốt. “Nếu chúng ta ngủ đủ giấc và có giấc ngủ chất lượng, nó sẽ hỗ trợ quá trình giảm béo, làm giảm cảm giác thèm ăn, làm giảm hormone gây đói ghrelin và hormone tạo cảm giác no leptin”, chuyên gia Swami tư vấn. Những người thừa cân hay béo phì luôn có lượng hormone leptin cao. Thực tế, có một nghiên cứu cho thấy lượng leptin ở người béo phì cao gấp 4 lần so với những người có cân nặng bình thường./.

PV(T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hơn 1 tỉ người trên toàn cầu đang mắc bệnh béo phì. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ