Hơn 40% người dân New Delhi muốn chuyển chỗ ở mới vì ô nhiễm
Ngày 3/11, lượng khói mù độc hại vây quanh thủ đô New Delhi (Ấn Độ) đã lên tới mức tồi tệ nhất trong nhiều năm.
Theo kênh truyền hình RT, chỉ số ô nhiễm không khí đo được tại Đại sứ quán Mỹ ở New Delhi sáng 3/11 là 810 mg/m3 – gấp 30 lần chỉ số an toàn hàng ngày của Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra là 25.
Theo tiêu chuẩn Chỉ số chất lượng Không khí (AQI), chất lượng không khí trong khoảng 0-50 được coi là tốt, 401-500 là nghiêm trọng và trên 500 là đặc biệt nguy hiểm. Phương tiện truyền thông cũng đưa tin một số khu vực trong thành phố đã vượt qua mức kỷ lục.
Các trường học tại những thành phố lân cận Noida và Ghaziabad bị yêu cầu đóng cửa vì ô nhiễm. Tổng cộng có 32 chuyến bay tới New Delhi trong ngày 3/11 cũng đã chuyển hướng vì tầm nhìn trong khói mù bị hạn chế.
Khói mù ô nhiễm bao phủ dày đặc tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 3/11/2019. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Tầm nhìn kém khiến các hãng hàng không lớn như Air India và Vistara thông báo hủy hoặc chuyển hướng các chuyến bay đến và đi từ sân bay New Delhi. Trong khi đó, nhiều người dân địa phương đã than phiền về chứng đau mắt và viêm họng nên họ đã phải dùng khẩu trang để tự bảo vệ mình. Nhiều trường học tại thủ đô đã phải quyết định đóng cửa đến ngày 5/11 và hoạt động xây dựng phải dừng từ ngày 4/11. Một số vận động viên cricket và các huấn luyện viên đã phải đeo khẩu trang tập luyện trước thềm trận đấu với Bangladesh trong giải Quốc tế Twenty20 tối 3/11.
“Thật đáng sợ, chúng tôi không thể nhìn thấy gì trước mắt mình”, một người dân nói với phóng viên AFP tại cuộc biểu tình hôm 3/11 ở Delhi kêu gọi các chính trị gia hành động hơn nữa để hạn chế ô nhiễm.
Một y tá tham gia biểu tình cho biết có nhiều bệnh nhân nhập viện vì gặp các vấn đề về hô hấp và phổi, ví dụ như bệnh hen suyễn.
Theo TTXVN, một nghiên cứu cho biết hơn 40% cư dân thủ đô New Delhi và vùng thủ đô Ấn Độ (NCR) muốn chuyển đến một thành phố khác vì chất lượng không khí kém.
Cuộc khảo sát với hơn 17.000 người từ khu vực Delhi và NCR cũng cho biết 13% cư dân tin rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đối phó với mức độ ô nhiễm gia tăng, trong khi 31% người dân khẳng định sẽ ở lại và trang bị cho mình máy lọc không khí, mặt nạ, 16% muốn đi du lịch trong thời gian này…
P.V(tổng hợp)