Thứ năm, 28/03/2024 18:15 (GMT+7)

Hỗn loạn về thông tin đánh giá môi trường sau vụ cháy Rạng Đông

MTĐT -  Thứ bảy, 31/08/2019 16:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Liên quan đến việc người dân lo ngại nguy cơ xảy ra mất an toàn hóa chất độc hại, ô nhiễm môi trường sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Theo Cục quản lý môi trường Y tế, Bộ Y tế, thủy ngân là kim loại lỏng khó phân hủy trong môi trường và tích lũy sinh học trong chuỗi thức ăn. Thủy ngân ít độc, nhưng hơi, các hợp chất và muối của nó rất độc, có thể gây tổn thương hệ thần kinh, tiêu hóa, hô hấp, hệ thống miễn dịch và thận. Cho dù ít độc hơn so với các hợp chất của nó nhưng thủy ngân vẫn tạo ra sự ô nhiễm đáng kể đối với môi trường vì nó tạo ra các hợp chất hữu cơ trong cơ thể sinh vật.

Thủy ngân giải phóng từ chất thải có chứa thủy ngân tồn tại trong môi trường (đất, nước, không khí, trầm tích, thực vật...) hoặc tích tụ trong chuỗi thức ăn và vào cơ thể con người thông qua tiêu thụ cá và hải sản, hoặc hơi thủy ngân trực tiếp hoặc được hấp thụ trên tóc của con người.

Sáng nay (31/8), Bộ TN-MT đã phát đi thông cáo báo chí nhấn mạnh về việc người dân lo ngại nguy cơ xảy ra mất an toàn hóa chất độc hại, ô nhiễm môi trường sau vụ cháy kho Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông (số 87-89 phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Vụ cháy có liên quan đến hóa chất có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân. Ảnh: Internet.

Theo đó, sau khi xảy ra sự cố, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đã chỉ đạo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc phối hợp, hỗ trợ Sở TN-MT Hà Nội quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường không khí, nước, đất sau đám cháy.

Cơ quan chức năng quản lý nhà nước đang trong quá trình đánh giá phạm vi, mức độ ảnh hưởng của sự cố cháy nổ trên cơ sở số liệu thực tế và căn cứ khoa học để có giải pháp đồng bộ xử lý các tàn tích của vụ cháy nổ, môi trường.

Tổng cục Môi trường đánh giá, vụ hỏa hoạn thiêu rụi kho hàng của Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông hôm 28/8 có liên quan đến hóa chất có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân.

Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân sinh sống quanh khu vực kho hàng bị cháy, đặc biệt trong bán kính 1,5 km cần tắm bàng xà phòng và nước ấm; giặt quần áo bằng xà phòng và nước ấm; tẩy rửa tường, sàn nhà và các đồ gia dụng trong gia đình; không sử dụng nước từ các bể chứa nước hở, thau rửa các bể chứa nước hở, tạm thời không sử dụng các sản phẩm nông sản, gia súc, gia cầm có nguồn gốc từ khu vực xung quanh hiện trường đám cháy.

Khi có việc cần thiết đi qua khu vực quanh hiện trường, khuyến nghị người dân nên mặc áo dài tay, đeo khẩu trang có than hoạt tính.

Tuy nhiên, trong thông báo của UBND quận Thanh Xuân phát đi chiều 30/8 cho biết, kết quả phân tích nhanh đến 15h20 cùng ngày của Trung tâm quan trắc Tài nguyên Môi trường cho thấy các thông số như vi khí hậu, nhiệt độ, bụi... ở mức độ bình thường. Còn kết quả test nhanh của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường đến 16h thể hiện các chỉ số như thủy ngân, chì, kim loại nặng trong ngưỡng cho phép, an toàn đối với người dân.

Còn trao đổi với Vnexpress, GS.TSKH Trần Văn Sung, nguyên Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam cho rằng, thủy ngân rắn (amalgam) thực ra là thủy ngân và natri, khi ở nhiệt độ cao vẫn giải phóng thủy ngân.

"Với kết quả đo nhanh, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội không nên vội vàng kết luận. Phải thận trọng, phân tích cẩn thận chứ không thể ào ào nhanh. Amalgam cùng với nhựa PC, các phụ gia trong đó nung ở nhiệt độ hàng nghìn độ như vậy không thể nói an toàn", GS Sung nói.

Theo quan điểm của ông, để kiểm tra mức độ tồn đọng thủy ngân, các chất độc trong môi trường, người làm phải lấy mẫu không khí, đất và nước ở nhiều điểm khác nhau, sau đó phân tích, chiết tách bằng các thiết bị hiện đại nhất, bằng phương pháp nhạy nhất. Số liệu cần làm các mẫu, số hóa lại và gửi cho các phòng thí nghiệm. "Các thí nghiệm này phải được thực hiện bởi các phòng thí nghiệm khác nhau, có đối chứng chéo với nhau. Ít nhất phải vài ba phòng thí nghiệm đầu ngành phân tích về thủy ngân thực hiện", ông Sung nêu ý kiến.

Ngày 30/8, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã có văn bản số 3282/QLHT-RĐ gửi UBND Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội và khẳng định: "Các vật tư – nguyên liệu chính được sử dụng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang CFL, đèn tròn gồm: Bầu đèn CFL làm bằng nhựa CP – đạt chứng chỉ UL, đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người kể cả khi cháy.

Vỏ bóng đèn các loại làm bằng thủy tinh không chì (không có các hàm lượng kim loại nặng), đầu đèn làm bằng nhôm với công nghệ hàn dập không sử dụng thiếc hàn, dây tóc bằng wolfram”, văn bản của Công ty Rạng Đông viết.

Bên cạnh đó, Công ty cũng cho biết “đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ 2016”.

Tuy nhiên, các chuyên gia hóa học nhận định amalgam thực chất là một hợp kim có chứa thủy ngân và một kim loại khác được nung chảy với nhau. Amalgam và thủy ngân có độc tính không khác nhau khi bị đốt cháy, nhất là trong những vụ cháy nhiệt độ có thể lên đến hàng nghìn độ C.

Chia sẻ với Zing, PGS.TS Trần Chương Huyến, nguyên giảng viên khoa Hóa học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) nhận định so với việc sử dụng thủy ngân thông thường, hàm lượng thủy ngân trong hợp chất amalgam không khiến tình hình trở nên khả quan hơn khi nó bốc cháy khiến thủy ngân bị phát tán vào không khí.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Hỗn loạn về thông tin đánh giá môi trường sau vụ cháy Rạng Đông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.