Hungary: Mực nước sông Danube dâng cao kỷ lục sau bão Boris
Mực nước sông Danube đoạn qua thủ đô Budapest của Hungary đã đạt mức cao nhất trong 10 năm qua, sau khi cơn bão Boris hoành hành ở châu Âu.
Mưa lớn và gió mạnh đã gây ra lũ lụt trên diện rộng ở khu vực Trung và Đông Âu kể từ tuần trước, khiến 24 người thiệt mạng và tàn phá nhiều thị trấn và làng mạc.
Ở Hungary, khi mực nước sông Danube tiếp tục dâng cao và chảy về phía Nam, lực lượng cứu hộ nước này đã sử dụng bao cát để gia cố che chắn các khu dân cư, bao gồm cả Budapest, nơi mực nước sông đã tràn bờ kè và dâng đến bậc thềm của tòa nhà quốc hội. Mực nước đã gần đạt mức kỷ lục năm 2013 trước khi bắt đầu rút vào ngày 21/9. Tại các khu vực phía Bắc Budapest, nước đã tràn vào các tầng thấp của những ngôi nhà gần sông Danube. Ở thị trấn Szentendre, nhiều người đã phải sử dụng xuồng để di chuyển.
Cùng ngày, Thủ tướng Viktor Orban đã đến kiểm tra công tác phòng chống lũ lụt ở Budapest, khẳng định trọng tâm của chính phủ hiện nay là "kiểm soát lũ lụt". Ông cho biết những ngày sắp tới sẽ rất khó khăn để đảm bảo không vỡ đê. Trước đó, ông Orban đã hủy tất cả các chuyến công tác nước ngoài của mình trong tuần này để tập trung phòng chống lũ.
Gần 10.000 nhân viên và 15.000 tình nguyện viên đã tham gia gia cố các biện pháp phòng chống lũ lụt ở Budapest với khoảng 1 triệu bao cát. Trong khi đó, binh sĩ quân đội đã hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ lũ lụt ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt.
Tính đến thời điểm hiện tại, 24 người đã thiệt mạng ở Áo, Cộng hòa Séc, Ba Lan và Romania do nước lũ đã phá hủy nhà cửa và cánh đồng, đồng thời làm hư hại nặng nề cơ sở hạ tầng đường bộ và đường sắt. Ở Ba Lan, lũ lụt đã làm hư hại hoặc phá hủy hơn 18.000 ngôi nhà và cơ sở vật chất. Thủ tướng Donald Tusk cam kết sẽ cung cấp "viện trợ lớn" cho các khu vực bị ảnh hưởng.
Trước đó, ngày 19/9, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố viện trợ 10 tỷ euro (11 tỷ USD) cho các quốc gia thành viên EU đang phải chật vật khắc phục hậu quả của bão lũ.
Các chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu do khí thải nhà kính do hoạt động của con người tạo ra đang làm tăng tần suất và cường độ của các sự kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa lớn và lũ lụt.
Đại Phong (T/h)