Thứ sáu, 29/03/2024 13:15 (GMT+7)

Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống COVID-19

MTĐT -  Thứ năm, 06/08/2020 09:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tất cả những người tham gia thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm, vệ sinh thiết bị, dụng cụ đựng chất thải phải được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vừa ban hành Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG về việc ban hành “Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch COVID-19."

Hướng dẫn nêu rõ việc quản lý chất thải y tế trong phòng, chống dịch COVID-19 phải tuân thủ theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường; đảm bảo không phát tán mầm bệnh trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19; đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người chăm sóc người bệnh, người tham gia quản lý chất thải y tế và các đối tượng liên quan trong phòng chống dịch COVID-19.

Tất cả những người tham gia quá trình thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm, vệ sinh thiết bị, dụng cụ đựng chất thải phải được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định.

Ảnh minh họa: Internet.

Tất cả chất thải rắn phát sinh từ khu vực phòng cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ của bệnh nhân, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người tham gia thực hiện các công việc quản lý chất thải y tế, vệ sinh dụng cụ đựng chất thải, giặt là, vệ sinh môi trường đều được coi là chất thải lây nhiễm (sau đây gọi là chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2) và phải được phân loại ngay vào thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh.

Những đám máu hoặc các chất tiết sinh học như phân có trên các bề mặt môi trường phải được loại bỏ ngay bằng cách lau bằng khăn hoặc tẩm dung dịch khử khuẩn có chứa 0,5 % Clo hoạt tính.

Nếu lượng máu, chất tiết nhiều, phải thực hiện lau nhiều lần cho đến khi loại bỏ hoàn toàn trên bề mặt.

Tất cả các khăn, gạc sau khi lau phải được bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm có dán nhãn "chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2."

Phân, nước tiểu của người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVD-19 phải được thu gom vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của cơ sở y tế để xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Tại các khu vực phòng cách ly y tế ở sân bay, cửa khẩu, chất thải gồm khẩu trang, phòng cách ly tại cơ sở cách ly y tế tập trung, khăn, giấy lau mũi, miệng, trang phục phòng hộ cá nhân thải bỏ phải được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh.

Tại phòng cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú, chất thải bao gồm khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng thải bỏ của người được cách ly phải được bỏ vào túi đựng chất thải, sau đó xịt cồn 70 độ để khử trùng và buộc chặt miệng túi, bỏ vào thùng đựng chất thải có lót túi, có nắp đậy kín đặt ở trong phòng của người được cách ly.

Trong thời gian cách ly, nếu người được cách ly xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 phải thực hiện khử trùng và xử lý môi trường theo hướng dẫn của Bộ Y tế và thu gom tất cả các loại chất thải phát sinh từ phòng cách ly của người mắc hoặc nghi mắc COVID-19 để vận chuyển, xử lý như đối với chất thải lây nhiễm theo hướng dẫn.

Hết thời gian cách ly, nếu người được cách ly không xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, thu gom túi đựng chất thải và xử lý như chất thải thông thường.../.

Theo TTXVN

Bạn đang đọc bài viết Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống COVID-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới