Thứ bảy, 20/04/2024 18:32 (GMT+7)

Huy động nguồn lực cho Kế hoạch thực hiện Công ước Stockholm

Nguyễn Cao -  Thứ hai, 23/10/2017 11:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đây là nội dung quan trọng tại Quyết định 1598/QĐ-TTg trong Kế hoạch thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (các chất POP) đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ban hành kèm theo Quyết định này là Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) với các nội dung chủ yếu như sau (trích):

1. Các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy theo quy định của Công ước Stockholm
Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (sau đây gọi tắt là Công ước Stockholm) được các nước ký kết và phê chuẩn thực hiện nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người, đa dạng sinh học và môi trường sống trước những nguy cơ, rủi ro do các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (sau đây gọi tắt là các chất POP) gây ra và có hiệu lực vào năm 2004.

Công ước Stockholm quy định việc ngừng sản xuất, cấm sử dụng, hạn chế sử dụng và tiến tới tiêu hủy hoàn toàn một số chất POP do con người tạo ra, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu liên tục sự phát sinh không chủ định các chất POP từ hoạt động sản xuất công nghiệp, dân sinh hoặc xử lý chất thải.
Căn cứ vào yêu cầu về bảo vệ môi trường, sức khỏe và kết quả đánh giá toàn diện về tác động kinh tế, xã hội và khả năng thay thế các chất POP, danh mục các chất POP sẽ liên tục được bổ sung vào Công ước Stockholm.

2. Trách nhiệm và quyền lợi của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước Stockholm
Là một thành viên của Công ước Stockholm, Việt Nam có trách nhiệm và quyền lợi trong việc thực hiện các nội dung quy định tại Văn kiện Công ước và các quyết định của Công ước.
Các nội dung chính gồm: Việt Nam có trách nhiệm xây dựng các quy định pháp luật, các chính sách, chiến lược và thực hiện các biện pháp quản lý để hạn chế, cấm và tiến tới loại trừ các chất POP. Các tổ chức, cá nhân liên quan tại Việt Nam có trách nhiệm quản lý an toàn, kiểm soát chất POP và vật liệu, sản phẩm, thiết bị, chất thải có chứa POP theo vòng đời, bao gồm kiểm soát việc xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, sử dụng, lưu giữ, phát thải, xử lý và tiêu hủy nhằm giảm tác động của chúng đối với môi trường và sức khỏe con người; rà soát, đánh giá việc quản lý, kiểm soát, giảm phát thải các chất POP; trao đổi, chia sẻ thông tin về việc thực hiện Công ước Stockholm với các bên liên quan; định kỳ báo cáo hiện trạng và kết quả quản lý, giảm phát thải theo yêu cầu đối với từng chất POP.

Ảnh minh họa

3. Mục tiêu của Kế hoạch
Quản lý an toàn theo vòng đời, kiểm soát ô nhiễm, giảm phát thải, xử lý và tiến tới loại bỏ các chất POP ở Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu của Công ước Stockholm về các chất POP, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, phát triển bền vững tại Việt Nam và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu cụ thể:
(1) Tăng cường được năng lực thể chế, khung pháp lý và sự tham gia của các bên trong quản lý và thay thế các chất POP và hóa chất độc hại.
(2) Tăng cường được năng lực khoa học và công nghệ về quan trắc, xác định và quản lý các chất POP và hóa chất độc hại theo vòng đời với kiến thức, thông tin và hạ tầng kỹ thuật phù hợp.

Ảnh minh họa

(3) Nâng cao được nhận thức của các bên liên quan về các chất POP, hóa chất độc hại, sức khỏe môi trường liên quan đến các chất POP và các phương án quản lý (hạn chế sử dụng, thay thế, loại bỏ, xử lý, tiêu hủy) các chất POP.
(4) Điều phối, kết hợp được việc thực hiện Công ước Stockholm với các thỏa thuận môi trường có liên quan và hướng tới đáp ứng các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, mục tiêu phát triển bền vững; lồng ghép với việc quản lý hóa chất, chất thải và chiến lược phát triển bền vững của quốc gia.
(5) Kiểm soát các chất POP-BVTV đã bị cấm sử dụng và quản lý an toàn các loại hóa chất POP-BVTV theo quy định của Công ước Stockholm.
(6) Quản lý an toàn vật liệu, thiết bị có polychlorinated biphenyl (gọi tắt là PCB); chấm dứt sử dụng thiết bị có PCB nồng độ từ 50 mg/kg trở lên vào năm 2025.
(7) Kiểm soát, hạn chế sử dụng và quản lý an toàn các chất POP công nghiệp.
(8) Quản lý rủi ro, xử lý, phục hồi và quan trắc môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm dioxin từ chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
(9) Giảm liên tục lượng phát thải các chất UPOP từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dân sinh; quản lý rủi ro do các chất UPOP gây ra đối với môi trường và sức khỏe con người.
(10) Xác định, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các khu vực tồn lưu, ô nhiễm các chất POP.

Huy động mọi nguồn lực
Nhằm thực hiện việc quản lý các nhóm chất POP theo Công ước, Việt Nam chuẩn bị nguồn lực thực hiện trên cơ sở sau: (1) Huy động đa dạng các nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, nguồn ODA không hoàn lại, vốn vay, nguồn tài trợ từ tổ chức, cá nhân. (2) Tranh thủ tối đa nguồn tài chính các tổ chức quốc tế và các nước như: vận động vốn tài trợ để thu hút vốn cho Kế hoạch Quốc gia, tạo cơ sở pháp lý khuyến khích tài trợ của quốc tế. (3) Tăng cường hợp tác quốc tế ở nhiều lĩnh vực như: hợp tác kỹ thuật, viện trợ không hoàn lại cho xây dựng dự án, nâng cao năng lực, hỗ trợ theo dự án, giải quyết chế độ phúc lợi cho các đối tượng liên quan./.


Quý bạn đọc có nhu cầu tham khảo toàn bộ Quyết định 1598/QĐ-TTg, xin liên hệ:
Cơ quan đại diện Tạp chí Môi trường Đô thị VN tại Tp.HCM
67 Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh. ĐT: (028).66829361. Đường dây nóng: 0942.210.185.
Email: [email protected]
(văn bản cung cấp miễn phí)

Bạn đang đọc bài viết Huy động nguồn lực cho Kế hoạch thực hiện Công ước Stockholm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất