Thứ năm, 25/04/2024 21:37 (GMT+7)

JVE khẳng định “không làm giàu, kiếm lợi nhuận” từ sông Tô Lịch

Lam Vy -  Thứ ba, 22/09/2020 16:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

JVE nhấn mạnh: “Đây không phải là một Dự án để JVE làm giàu, kiếm lợi nhuận hay cũng không phải là Dự án mà các bạn Nhật Bản coi là nơi kiếm thặng dư".

Sáng 22/9, Công ty cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE đã tổ chức buổi gặp mặt để giải đáp các vấn đề liên quan đến đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên Lịch sử - Văn Hoá – Tâm linh Tô Lịch” của JVE bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT JVE cho biết dự án trên đang ở giai đoạn đầu. Phía JVE mới báo cáo UBND Thành phố Hà Nội về chủ trương thực hiện và đang chờ văn bản trả lời chính thức từ lãnh đạo thành phố.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE), cho biết đề xuất cải tạo sông Tô Lịch đã được phía doanh nghiệp khởi động từ tháng 5/2019. Sau đó, phía Nhật Bản cũng đã đồng ý và đưa ra giải pháp cụ thể đối với việc cải tạo sông Tô Lịch.

Quang cảnh buổi Gặp mặt chia sẻ thông tin về giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa – Tâm linh Tô Lịch" bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản. (Ảnh: Trọng Hiếu).

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, ngay sau khi nhận được thông tin này, phía Nhật Bản cũng thể hiện sự quyết tâm trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án cải tạo sông Tô Lịch.

JVE không làm giàu từ sông Tô Lịch

Chủ tịch JVE cũng khẳng định phía doanh nghiệp và tổng thầu Nhật Bản không có bất cứ yêu cầu, điều kiện ràng buộc nào với TP. Hà Nội như việc phải cho ưu đãi thuế trong bao nhiều năm, hay nhà đầu tư sẽ được kinh doanh, khai thác du lịch có thời hạn trên sông Tô Lịch hay để xuất thành phố sẽ ưu đãi một số loại thuế cho doanh nghiệp như đề xuất của một Doanh nghiệp khác trên địa bàn Hà Nội.

JVE nhấn mạnh: “Đây không phải là một Dự án để JVE làm giàu, kiếm lợi nhuận hay cũng không phải là Dự án mà các bạn Nhật Bản coi là nơi kiếm thặng dư. Nếu vì lợi nhuận, thì JVE và các bạn đối tác Tổng thầu Nhật Bản sẽ chọn hướng đầu tư khác chứ không đầu tư vào dòng sông Tô Lịch ô nhiễm này – nơi có vấn đề hết sức nhạy cảm ảnh hưởng đến Thủ đô Hà Nội và cả nước, được dư luận quan tâm từ bấy lâu nay”.

Dự án xuất phát từ tình cảm của Chính phủ Nhật Bản đối với nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung và từ cá nhân phía Chủ tịch HĐQT JVE Group – cựu lưu học sinh được nhận Học bổng toàn phần của Chính phủ Nhật Bản (MEXT) – một công dân của Thủ đô Hà Nội với cùng mục tiêu chung là quyết tâm thực hiện Dự án để giúp hồi sinh và khẳng định vị thế của dòng sông đã gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Chủ tịch HĐQT JVE cho biết quan điểm của công ty coi sông Tô Lịch là tài sản chung, không phải của riêng JVE hay bất cứ ai. Nếu được phê duyệt và triển khai thành công, dự án sẽ giúp hồi sinh và khẳng định vị thế của dòng sông đã gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của thủ đô Hà Nội.

Về những lo ngại liên quan tới tác động của dự án tới người dân xung quanh khu vực sông Tô Lịch, Chủ tịch HĐQT JVE cho biết quá trình triển khai sẽ không làm ảnh hưởng tới khu dân cư dọc chiều dài hai bên sông. Đơn vị triển khai sẽ tiến hành xây dựng hành lang dọc sông, kè bờ theo hướng thẳng đứng, bỏ phần mái cỏ hiện nay sau đó kè đáy khu vực sát hai bên bờ sông nhằm tạo hành lang đi dạo. Thời gian thực hiện, nếu được phê duyệt sẽ triển khai trong khoảng 5 năm, từ 2021- 2026.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) (Ảnh Dân Việt).

Phần xử lý ô nhiễm bên trong (mùi, bùn đáy, chất ô nhiễm hữu cơ) sẽ sử dụng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản để phân hủy tận gốc toàn bộ chất hữu cơ ô nhiễm nổi váng trên bề mặt, phân hủy tận gốc tầng bùn hữu cơ ở đáy và phân hủy tận gốc các yếu tố gây ra mùi hôi thối bốc lên là các khí độc như H2S (mùi trứng thối), NH3(mùi khai), CH4 vv...

Phần xử lý ô nhiễm bên ngoài và cấp nước bổ cập sẽ kết hợp phối hợp đồng bộ với các Dự án mà Thành phố đã và đang triển khai như hệ thống thu gom nước thải bằng cống ngầm dưới lòng sông và cấp nước bổ cập trở lại cho sông bằng nước sau xử lý của Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá đảm bảo không chồng chéo Dự án để tránh lãng phí chi phí đầu tư.

Cùng với đó sẽ xây dựng hệ thống giếng thu và đường hầm ngầm thoát lũ chống ngập tương tự hệ thống tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản cho toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch. Kèm với việc xử lý ô nhiễm, hồi sinh dòng sông sẽ xây dựng hệ thống cảnh quan Công viên Lịch sử - Văn hóa – Tâm linh.

Về phương án tài chính, dự kiến tổng mức đầu tư, đơn vị tổng thầu sẽ công bố chi tiết sau khi được Thành phố phê duyệt vì hiện nay mới chỉ ở giai đoạn xin chủ trương cho nghiên cứu nên chưa thể nói rõ.

Về phương án quản lý khai thác sau đầu tư, ông Tuấn Anh cho biết, dự án cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên Lịch sử - Văn hóa – Tâm linh là dự án công ích cho TP.Hà Nội. Do vậy, sau khi hoàn thành sẽ do TP.Hà Nội quản lý, vận hành, khai thác hay có cơ chế phối hợp với đơn vị bên ngoài… hoàn toàn do TP.Hà Nội quyết định.

Xử lý tận gốc nguồn ô nhiễm

Với những băn khoăn của dư luận trong việc cần phải xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối thì mới có thể cải tạo được sông Tô Lịch, trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch JVE cho biết:

“ Việc xây cống bao thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch mặc dù có ý nghĩa rất lớn trong việc thu gom nước thải không cho chảy vào sông Tô Lịch, tức giải quyết được vấn đề là “không làm gia tăng trạng thái ô nhiễm ở bên trong lòng sông đã và đang bị ô nhiễm” . Như vậy, việc thu gom nước thải mới chỉ giải quyết được phần ô nhiễm nước thải ở bên ngoài, còn phần bên trong lòng sông đã và đang bị ô nhiễm thì chưa xử lý được do hiện nay sông Tô Lịch có 2 nguồn gây ô nhiễm:

Nguồn ô nhiễm do nước thải ở bên ngoài: Đã có dự án xây dựng cống ngầm thu gom nước thải đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung. Nguồn ô nhiễm do tầng bùn hữu cơ ô nhiễm, khí độc bốc mùi hôi thối ở bên trong:

Nếu chỉ thu gom nước thải hai bên sông Tô Lịch và không cho nước thải chảy vào sông thì vẫn còn 3 vấn đề chưa được xử lý.

Thứ nhất, mùi hôi thối do tầng bùn đáy vẫn chưa được xử lý triệt để:

Nước thải mới chảy đến không phải là tác nhân gây ra mùi hôi thối ngay. Mà căn nguyên mùi hôi thối là do chất hữu cơ, lớp bùn tầng đáy tích tụ sinh ra các khí độc như (mùi trứng thối), NH3 (mùi khai), CH4 và chính các khí này bốc lên tạo ra mùi hôi thối.

Do vậy, nếu chỉ dựa vào việc tách nước thải, thu gom ở bên ngoài và không cho nước thải chảy vào trong lòng sông khó có thể xử lý được triệt để tận gốc mùi hôi thối bốc lên.

Thứ hai, tầng bùn đáy tích tụ trong lòng sông dù nạo vét cơ học cũng chưa xử lý được tận gốc vấn đề và vẫn có nguy cơ bị tái ô nhiễm.

Thứ ba, nước trong lòng sông đã và đang bị ô nhiễm thì chưa xử lý được tận gốc.

Nếu việc xây cống bao thu gom nước thải được thực hiện trước khi sông Tô Lịch bị ô nhiễm (như trước khi cơ thể sống bị ung thư) thì có thể chỉ cần thu gom nước thải ở bên ngoài là đã xử lý được ô nhiễm, tuy nhiên việc xây cống bao thu gom nước thải được thực hiện sau khi sông Tô Lịch bị ô nhiễm (như việc sau khi cơ thể sống đã bị ung thư, đã hình thành tế bào ung thư ở bên trong) thì chỉ thu gom thôi là chưa đủ vì không tác động xử lý ở bên trong thì không thể hết được ô nhiễm (tức không thể hết được ung thư ở bên trong).

Bạn đang đọc bài viết JVE khẳng định “không làm giàu, kiếm lợi nhuận” từ sông Tô Lịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.